Báo chí đưa tin năm 2016 đã được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, mặc dù chuyện khởi nghiệp không còn là vấn đề mới ở Việt Nam. Hàng năm vẫn có những câu lạc bộ khởi nghiệp, những sự kiện, những hội thảo, những chương trình, những buổi tổng kết và trao giải dự án kinh doanh xuất sắc nhất do một tổ chức nào đó tiến hành…
Vậy điều gì thôi thúc người ta chọn năm 2016 này làm Năm quốc gia khởi nghiệp và cụ thể nó (Năm quốc gia khởi nghiệp) là cái gì, và để làm gì? Mang tâm trạng băn khoăn trước những câu hỏi này, người viết thử lục tìm trên báo chí những thông tin liên quan. Kết quả sơ bộ đáng ngạc nhiên là chỉ có một thông tin ngắn ngủi cho biết rằng: “tinh thần khởi nghiệp đã có trong văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII”. Dường như chưa có một văn bản chính thức nào đề cập đến việc (tại sao) chọn năm 2016 làm Năm quốc gia khởi nghiệp. Và cũng dường như chưa có một văn bản chính thức nào giải thích nó là cái gì, đưa ra để làm gì, theo lộ trình thế nào, thực hiện những đầu công việc nào và thực hiện ra sao v.v…
Vì tinh thần khởi nghiệp với Năm quốc gia khởi nghiệp là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn, nên ở đây ta buộc phải nghĩ đến khả năng chuyện tôn vinh năm nay là Năm quốc gia khởi nghiệp chỉ là ý tưởng riêng của một (số) cá nhân nào đó chứ không hẳn là một chủ trương (đã định hình) chính thức của nhà nước. Phải rạch ròi vậy để không bị bất ngờ với khả năng chuyện tôn vinh này chỉ mang tính phong trào, mang dấu ấn cá nhân, cũng tương tự như như những phong trào đặt cho các năm trước đây là Năm doanh nhân, Năm doanh nghiệp.
Dẫu vậy, ta cũng cần nhìn nhận tính tích cực trong ý tưởng chọn năm nay là Năm quốc gia khởi nghiệp, chắc có ý muốn tôn vinh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam ở tầm vóc quốc gia, chứ không phải là từng chương trình, ở từng tổ chức, từng địa phương, bằng từng hành động riêng lẻ như trước đây nữa. Thông qua tôn vinh và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở cấp quốc gia, có lẽ chủ nhân của ý tưởng này hy vọng nó sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.
Nhưng nếu đã hướng đến tầm vóc và quy mô quốc gia thì cần thiết phải có một chương trình hành động quốc gia tương ứng để hiện thực hóa ý tưởng này, với giả thiết rằng nó nhận được sự tán đồng và hậu thuẫn mạnh mẽ và thực chất của những nhà lãnh đạo cao nhất.
Qua những phát biểu và những kiến nghị của một số quan chức trong cuộc và chuyên gia liên đới, tuy rất đa dạng, đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng tựu trung lại thì phải thực hiện những công việc, ví dụ, như hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và chính sách của các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt…
Quả thật, tất cả những đầu công việc trên đúng là mang tầm quốc gia, đều cực kỳ cần thiết, và, nếu thực hiện được, chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực kích thích và tạo điều kiện để những ý tưởng kinh doanh biến thành hiện thực, tạo điểu kiện để các doanh nghiệp tư nhân hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Có điều, những đầu công việc này không hề lạ lẫm gì ở Việt Nam, bấy lâu nay
đã được nhắc đi nhắc lại từ các văn kiện của Đảng đến các chiến lược và giải
pháp phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Chúng cũng chính là những đầu
công việc mà Việt Nam đã xác định, muộn nhất thì cũng đã từ vài năm trở lại
đây, cần phải tích cực thực hiện, nhằm đạt những mục tiêu lớn hơn, khái quát
hơn như tăng trưởng bền vững, không bị tụt hậu so với thế giới, đưa Việt Nam
thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình v.v…
Ngoài sự trùng lặp về những công việc cần làm, điều đáng nói nữa là những
công việc trên phần lớn vẫn chỉ mang tính định hướng, chứ còn liệu có thực hiện
được hay không, ở mức độ nào, đến bao giờ thì vẫn chưa thể có câu trả lời chắc
chắn. Trong bối cảnh này, dù có đặt ra Năm quốc gia khởi nghiệp, dù có muốn
thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp thế nào chăng nữa thì tương lai của sự thành
công của sáng kiến/chương trình quốc gia khởi nghiệp này vẫn sẽ hoàn toàn gắn
liền với tương lai Việt Nam có thành công hay không trong việc đạt được những mục
tiêu chung của nền kinh tế trong những năm tới. Nói cách khác, Năm/chương trình
quốc gia khởi nghiệp không phải là giải pháp (mới) cho vấn đề tăng trưởng và
phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Tóm lại, thay vì đặt ra theo phong trào những chương trình mà hiệu quả và
tính thiết thực là điều bỏ ngỏ, cần tập trung vào những công việc hiện đã rõ cần
phải làm và phải làm đến nơi đến chốn để không làm loãng và lãng phí các nỗ lực
và nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế.
No comments:
Post a Comment