Chính phủ đang chủ trương tính lại GDP bằng cách bao gồm
cả kinh tế ngầm và kinh tế không chính thức nhằm tăng quy mô GDP và từ đó (làm
cơ sở) tăng dư địa nợ công để đầu tư cho nhu cầu phát triển (1).
Trước khi đi vào phân tích sâu hơn, cần hiểu logic của chủ
trương này theo dòng chảy sau: Dựa vào tiêu chuẩn và kinh nghiệm thế giới Việt
Nam tự đặt ra mức trần nợ công là 65% GDP. Nay nợ công đã tăng mấp mé mức này,
nên nếu muốn tăng dư địa vay nợ thêm thì có một cách là phải điều chỉnh trần nợ
công tăng lên. Nhưng cách này rất không ổn, vì trần nợ công đã được Quốc hội
phê duyệt và Chính phủ cam kết nhất trí phấn đấu thực hiện. Nếu phải điều chỉnh
lại trần nợ công thì Chính phủ sẽ mất uy tín. Cách còn lại để tăng dư địa cho nợ
công là phải tăng giá trị của mẫu số là GDP. Nhưng tăng GDP cũng có giới hạn vì
các nguồn lực đã và đang được khai thác triệt để, nên để đạt và duy trì tăng
trưởng GDP ở mức, ví dụ, 7%/năm đã là một việc khó, đầy thử thách. Cách nhanh
nhất và tiện lợi nhất để GDP tăng vọt trong một đêm, nhờ đó làm dư địa cho nợ
công cũng tăng vọt theo, là đưa thêm các hoạt động kinh tế không thống kê được trước
đây vào GDP. Đó chính là cơ sở của yêu cầu bổ sung kinh tế ngầm, kinh tế phi
chính thức vào GDP.
Từ logic theo dòng chảy trên có thể thấy nếu Chính phủ cố
gắng đưa các hoạt động kinh tế không thống kê được vào GDP (ở đây ta không nói
đến chuyện có thống kê được các hoạt động kinh tế này hay không) thì việc tính
trần nợ công thể hiện bằng tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ trở nên không tương thích
với phương pháp của thế giới. Bởi phương pháp của thế giới là chỉ dùng GDP
chính thức (gồm các hoạt động kinh tế chính thức, thống kê, quan sát được). Thế
giới tất nhiên cũng có kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức nhưng hầu như không
có nước nào tìm cách tính và gộp các hoạt động này vào GDP chính thức. Và chắc
chắn cũng không có nước nào đặt ra trần nợ công dựa trên GDP mở rộng (gồm cả
kinh tế phí chính thức và kinh tế ngầm).
Thêm nữa, cho dù sẽ tính được quy mô kinh tế ngầm, kinh tế
phi chính thức và gộp chúng vào GDP chính thức công bố hàng năm thì cách làm
này cũng chỉ làm tăng quy mô GDP tổng hợp công bố lên đột ngột trong năm đầu
tiên khi áp dụng cách tính mới này. Từ những năm sau đó, quy mô GDP tổng hợp sẽ
không còn những bước tăng kiểu “nhảy vọt” nữa bởi các hoạt động kinh tế cả
chính thức lẫn phi chính thức đều đã được thống kê đầy đủ, và tốc độ tăng GDP tổng
hợp này hàng năm sẽ trở lại mức tự nhiên (ví dụ, GDP chính thức sẽ tăng quanh
quẩn 7%/năm).
Như vậy, dù với cách làm phi tiêu chuẩn trên, một kiểu để
lách luật, thì dư địa nợ công cũng sẽ chỉ tăng vọt một lần duy nhất rồi sau đó
quay trở lại trạng thái bị kiềm chế như lúc trước khi thay đổi cách tính GDP.
Nói cách khác, cách lách luật trên sẽ không giúp ích cho việc đảm bảo an toàn nợ
công trong dài hạn khi mà biện pháp quan trọng, hữu hiệu và cần làm nhất là kiềm
chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, chỉ vay nợ trong trường hợp thật cần
thiết lại không được thực hiện rốt ráo. Nợ công vì thế mà sẽ tiếp tục tăng
nhanh, tăng mạnh, cho đến lúc ngay cả với mẫu số đã phình to một cách đột ngột
là GDP tính theo cách mới cũng vẫn làm cho nợ công nhanh chóng chạm ngưỡng trần.
Cũng vì không phải là mức và cách làm tiêu chuẩn so với
thế giới nên dù Chính phủ có thành công với việc tính lại và làm tăng vọt GDP của
Việt Nam một cách đột ngột thì lúc đó, về nguyên tắc, mức trần nợ công 65% mà
Quốc hội đặt ra cho Chính phủ thực hiện như hiện tại sẽ không còn thích hợp và
xác đáng nữa. Đó là do con số 65% này được Quốc hội đưa ra dựa trên tiêu chuẩn
và kinh nghiệm của thế giới, dựa trên cách tính GDP chính thống mà không bao gồm
kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm.
Vì vậy, cũng về nguyên tắc, khi Chính phủ tính lại GDP
theo cách gộp cả kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm thì Quốc hội cần phải
ban hành một nghị quyết mới trong đó quy định một mức trần nợ công mới thấp hơn
mức 65% hiện tại để đảm bảo nợ công luôn được khống chế trong phạm vi an toàn,
phù hợp với mức trả nợ của ngân sách (dựa phần lớn vào thu thuế và các khoản
thu thường xuyên khác xuất phát từ các hoạt động kinh tế quan sát, thống kê được,
chứ không phải là kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm).
Lúc đó, cho dù Chính phủ quyết tâm và thành công trong việc
tính lại GDP thì dư địa nợ công không vì thế mà tăng lên tương ứng. Do vậy, và
kết hợp thêm với chuyện tính toán lại GDP sẽ làm hao tổn một nguồn lực một cách
không cần thiết, chủ trương tính lại GDP cần được xem xét lại một cách thấu đáo
và hủy bỏ trước khi được thực thi một cách dang dở.
(1)
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tong-cuc-thong-ke-khong-the-thong-ke-duoc-kinh-te-ngam-phi-phap-20180119140922424.htm
No comments:
Post a Comment