Hàng năm, cứ đến 10 tháng Giêng - ngày vía Thần Tài lại xuất hiện cảnh dòng người đội mưa, nắng kiên nhẫn xếp hàng trước các cửa hàng vàng đợi đến lượt để mua vàng cầu may, mong một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió, thành công về tiền bạc.
Đổ xô đi mua vàng ngày vía Thần Tài chỉ có ở Việt Nam
Không rõ nguồn gốc ngày vía Thần Tài này ra sao bởi có nhiều truyền thuyết và quan điểm khác nhau. Nhưng có một quan điểm được nhiều người chia sẻ là ngày này có nguồn gốc từ tục lệ cúng Thần Tài của giới doanh nhân người Hoa sinh sống ở Việt Nam rồi mới lan ra toàn xã hội, mà cũng chỉ trở nên phổ biến, thành một hiện tượng, chừng một hai chục năm nay.
Nhưng cũng lạ, người Hoa trên thế giới thì xem ra lại có những tục lệ khác người Hoa ở Việt Nam. Ở Singapore chẳng hạn, tuy người Hoa cũng khá mê tín, nhiều người cũng năng đi chùa, cúng bái, đốt vàng mã, cũng thờ cúng Thần Tài, nhưng dường như không có tục lệ mua vàng cầu may thành phong trào như Việt Nam, và đặc biệt là trong ngày 10/1 Âm lịch.
Còn người Hoa ở Trung Quốc, theo chia sẻ của một người Trung Quốc bản địa trên mạng internet, xem ra lại có đến mấy ngày cúng vía Thần Tài, tùy từng vùng miền. Người Miền Nam Trung Quốc cúng ngày 5/1 Âm lịch, miền Bắc vào ngày 2/1 Âm lịch, còn tỉnh Sơn Đông và các nơi khác thì cúng vào ngày 22/7 Âm lịch (1).
Thêm nữa, ngay một bài báo của tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) viết về việc đổ xô mua vàng vào ngày này ở Việt Nam cũng viết dưới một góc nhìn có phần ngạc nhiên, lạ lẫm với những gì mà tác giả đã thấy, đã nghe (2).
Bài báo có những câu như: “Ngày thứ 10 đầu tiên của năm mới Âm lịch được coi là ngày Thần Tài ở Việt Nam” cho thấy ngày này là lạ lẫm với tác giả. Bài báo cũng trích dẫn lời của một doanh nhân Trung Quốc qua lại Việt Nam nhiều lần rằng: “Tục lệ mua vàng vào ngày Thần Tài đã có từ lâu ở Việt Nam và phổ biến trước tiên ở trong cộng đồng người Việt gốc Hoa ở TP HCM và sau đó là Hà Nội”, mà không thấy vị này đả động gì đến điểm tương đồng ở Trung Quốc.
Như vậy, điều chắc chắn không chỉ là việc mua vàng trong ngày này không xuất phát từ tín ngưỡng của người Việt, mà tục lệ đổ xô mua vàng vào ngày vía Thần Tài 10/1 tháng Giêng (nếu có thể nói thế được) cũng chỉ là chuyện ở Việt Nam, của Việt Nam. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ có Việt Nam mới có ngày mà dân chúng đổ xô mua vàng. Những ngày tương tự cũng có ở một số nước, một số nền văn hóa. Ví dụ, Ấn Độ có ngày lễ Akhsaya Tritiya và Diwali và người dân sẽ mua vàng cầu may trong những dịp đó (1).
Vậy cần nhìn nhận tục lệ như thế nào, dưới góc độ nào?
"Khờ dại" đi mua vàng nhìn góc độ tín ngưỡng thì bình thường
Từ góc độ tín ngưỡng, tâm linh, có thể nói việc chọn ngày 10/1 Âm lịch và tục lệ mua vàng vào ngày này đã trở thành một tín ngưỡng, tục lệ mới ở Việt Nam. Điều này không có gì là lạ, xấu, cũng tương tự như việc làm của người dân ở một số nước, và cũng tương tự việc người Việt hiện nay đã du nhập nhiều tục lệ bên ngoài (ví dụ như ngày Valentine): khởi đầu chỉ là niềm tin, tín ngưỡng của một số người rồi lan tỏa ra rộng khắp cộng đồng.
Vì vậy, trong ngày này, nếu người dân có làm một việc “khờ dại” nào đó như đội mưa nắng, chen nhau mua vàng với giá cao để rồi hầu như bán lại sẽ lỗ, chỉ “làm béo” các doanh nghiệp kinh doanh vàng thì việc này cần nhìn dưới góc độ tín ngưỡng và lúc đó mọi việc sẽ trở nên bình thường.
Nếu vận dụng cái nhìn “biện chứng” (?) vào các tục lệ của người Nhật Bản treo một con cá muối trước cửa, người Việt mua muối hay người Hoa ăn cá hồng (vàng) năm mới để cầu tài, cầu bình an, may mắn thì sẽ chỉ thấy chúng là các hành động “mê tín dị đoan”. Thế nhưng, những tục lệ này chắc sẽ còn mãi bởi đơn giản chúng là tín ngưỡng, là niềm tin, tuy đa phần là “mù quáng” nhưng do không phải là một tục lệ xấu, có hại cần bỏ nên cứ thế mà trường tồn.
Trước việc có nhiều người mua vàng với số lượng nhiều, có nhiều chuyên gia lại lên tiếng khuyến cáo, can ngăn hoặc bày cách để người dân bớt bị thua lỗ khi bán lại. Nhưng đó là các chuyên gia đang đứng ngoài nhìn từ góc độ của một người kinh doanh đơn thuần.
Họ và cả một phần dư luận có lẽ không chấp nhận được chuyện người dân tin rằng mua càng nhiều vàng thì càng có lộc, càng may mắn, cũng tương tự như nhiều người tin rằng đã lên chùa cúng tế thì cố gắng cúng tế cho thật nhiều để có nhiều “lộc”, mặc dù với giáo lý đạo Phật thì vấn đề không phải là cúng nhiều hay ít mà là sự thành tâm.
Nói cách khác, nếu lại coi chuyện có người mua hàng chục lạng vàng trong ngày Thần Tài cũng chỉ đơn giản là xuất phát từ tín ngưỡng, niềm tin cá nhân, thì sẽ thấy chẳng còn gì đáng phải khuyến cáo nữa.
Mà ngay cả nhìn từ góc độ kinh doanh, việc chuyên gia khuyến cáo chỉ mua một ít vàng để lấy may thì cũng chưa chắc đã là đúng. Bởi rất có thể giá vàng ngay sau ngày Thần Tài lại nhảy vọt lên cùng chiều với biến động của giá vàng thế giới do đột ngột có một (số) tin tức nào đó làm lợi cho giá vàng. Ít có cái gì mà “đỏng đảnh” như giá vàng nên nhỡ đâu ngày hôm sau, hôm sau nữa giá vàng vọt tăng nhưng vì “trót” nghe khuyến cáo không mua nhiều vàng nên thôi đành ôm đầu than thở, tự trách “mình dại”!
Hãy "yên tâm" để người dân trải nghiệm theo cách riêng của mình
Tuy nhiên, cũng có một thực tế đã xảy ra hàng năm vào ngày Thần Tài là doanh nghiệp kinh doanh vàng thay đổi giá không theo giá thế giới và có sự loạn giá vàng mà thường theo hướng tăng giá bán, tăng chênh lệch giá bán-mua. Dựa vào đây, không ít người cho rằng doanh nghiệp kinh doanh vàng đã trục lợi trên niềm tin (mù quáng) của người dân.
Về chuyện trên, điều có thể nói trước tiên là thị trường vàng hiện nay không phải là thị trường độc quyền mà có sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhỏ nên khó có chuyện “làm giá”. Một số doanh nghiệp với thương hiệu vàng riêng của mình được ưa thích hơn sẽ có thêm một mức chênh lệch so với thị trường, nhưng đó cũng là chuyện bình thường, như kiểu người dân chấp nhận ăn “bún mắng, cháo chửi” chỉ vì nó ngon hơn các hàng khác.
Do vậy, vào những ngày đặc biệt như ngày Thần Tài, nhu cầu mua tăng vọt, thì cảnh “trăm người bán, vạn người mua” đương nhiên sẽ đẩy giá vàng trong nước, đặc biệt những thương hiệu được ưa chuộng, lên so với thông thường. Nhưng giá vàng trong nước cũng không thể tăng quá mức được vì thị trường vàng của Việt Nam vẫn có sự liên thông với thị trường quốc tế. Hơn nữa, như đã nói, việc mua bán trong ngày này không chỉ căn cứ vào giá mà có phần chủ yếu xuất phát từ tín ngưỡng nên dù có mua đắt một chút thì người dẫn vẫn vui vẻ bỏ tiền ra với tâm lý mua lấy may là chính.
Tóm lại, hãy coi việc cúng bái, mua vàng trong ngày Thần Tài là một hành động tín ngưỡng và “yên tâm” để người dân trải qua ngày này theo cách riêng của mình.
------------
(1) https://www.quora.com/Do-Chinese-or-other-Asian-countries-have-God-of-Wealth-Day-like-
Vietnamese
(2) http://www.globaltimes.cn/content/1031960.shtml
Vietnamese
(2) http://www.globaltimes.cn/content/1031960.shtml
No comments:
Post a Comment