Để đối phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời tung ra gói giải pháp tài chính và tín dụng, như được thể hiện trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3 được giao cho Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện.
Theo đó, giải pháp hỗ trợ chủ yếu gồm gói tín dụng hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, và nhóm giải pháp trị giá 30 nghìn tỷ đồng thông qua gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Đừng để quá muộn
Khi dịch bệnh bùng nổ thành đại dịch, đình hoãn bất ngờ nhiều hoạt động kinh tế thì nhiều doanh nghiệp đột nhiên rơi vào khủng hoảng tiền mặt để duy trì tồn tại, không phải đóng cửa, sa thải nhân viên. Đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, sự tồn tại này là ngắn ngủi bởi họ không có nhiều các nguồn lực dự trữ. Bởi vậy, Chính phủ nếu có muốn giải cứu doanh nghiệp thì phải hành động nhanh và quyết đoán. Nếu không, sự cứu trợ sẽ trở nên quá muộn, thậm chí còn gây thêm hậu quả cho nền kinh tế.
Kinh nghiệm từ giải pháp “kích cầu” năm 2009 cho thấy đã có sự chậm chễ từ chủ trương đến thực hiện. Từ lúc Chính phủ ra chỉ thị là vào tháng 2/2009, khoản vay hỗ trợ lãi suất được giải ngân sớm nhất là vào tháng 4/2009. Trong khoảng thời gian ít nhất 2 tháng này, chắc không ít doanh nghiệp đã kịp “băng hà” và nhiều người lao động đã kịp trở thành người thất nghiệp.
Trong cơn dịch Covid hiện nay, từ thời điểm của Chỉ thị 11 ngày 4/3, đến ngày 13/3 NHNN ban hành Thông tư 01 quy định việc ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid. Phản ứng này của NHNN có thể gọi là đã khá khẩn trương, và điều quan trọng là nhiều ngân hàng thương mại trước đó đã chủ động tiến hành hỗ trợ cho khách hàng vay vốn dưới những hình thức này hay hình thức khác.
Đáng nói là Bộ Tài chính cho đến ngày hôm nay vẫn chưa thấy ban hành một thông tư tương tự, quy định, hướng dẫn giãn nộp thuế cho doanh nghiệp. Thử hình dung có nhiều doanh nghiệp đang “giật gấu vá vai” xoay xở tiền mặt để cầm cự nhưng lại phải dùng số tiền này để nộp thuế, phí đúng hạn nếu không muốn bị xếp vào diện chậm nộp thuế để rồi bị phạt. Cũng có thể những con số liên quan không đáng kể, nhưng một hành động có ý nghĩa như vậy trong chủ trương của Chính phủ chỉ vì sự chậm chễ này trở thành không còn ý nghĩa nữa.
Đừng để “bò đi lạc nhà”
Hỗ trợ đúng đối tượng là yêu cầu hiển nhiên cần thiết, và tưởng dễ đáp ứng vì mọi tiêu chí thụ hưởng đã được quy định rõ trong văn bản!
Nhưng thực tế từ gói kích cầu trước đây cho thấy nó đã bị lạm dụng tràn lan, thất thoát ở nhiều khâu, nhiều nấc. NHNN công bố có đến 3.923 món vay vi phạm, tương đương 8.334 tỷ đồng (tức khoảng hơn 500 triệu USD thời đó), trong đó vi phạm nhiều nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần, và kế đó là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. (1)
Gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng lần này theo Thông tư 01 thì thực tế chỉ là dùng nguồn lực của bản thân các ngân hàng thương mại để hỗ trợ khách hàng hiện hữu cho các khoản nợ hiện hữu (chứ không có các khoản cho vay mới). Nên gói hỗ trợ tín dụng này sẽ ít nhiều tránh được rủi ro bị ngân hàng thương mại lạm dụng như với gói kích cầu trước đây.
Nhưng rủi ro này sẽ lặp lại và nhân lên nếu dịch tiếp tục lan rộng, trầm trọng, ngân hàng thương mại “hỗ trợ” doanh nghiệp không xuể nên yêu cầu NHNN cùng chia sẻ gánh nặng, bằng cách, ví dụ, đòi được vay vốn từ NHNN với lãi suất thấp để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu chuyện này xảy ra và (chắc chắn) NHNN phải đáp ứng thì đây chính là điểm khởi đầu cho quá trình lạm dụng cơ chế, chính sách để trục lợi của các cá nhân và tập thể liên đới với đủ cách thức, thủ đoạn.
Có người thì hiến kế là Chính phủ trực tiếp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh thì sẽ tránh được thất thoát, như kiểu ở Mỹ đang và sắp thực hiện. Nhưng cứ liên hệ với chuyện tham nhũng, trục lợi trong giải phóng mặt bằng hay trong thống kê và hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gia súc ở Việt Nam là đủ để biết rằng chừng nào tiền trợ cấp không phải từ túi cá nhân thì chừng đó còn thất thoát (ở Việt Nam).
Đừng quá tham vọng
Dẫu dịch bệnh nổ ra và lan rộng, cả thế giới chao đảo và được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái (tức là có ít nhất hai quý tăng trưởng âm), nhưng Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế như kế hoạch đặt ra trước đây (6,7-6,8%).
Lại nhìn lại cuộc kích cầu năm 2009. Với tham vọng quyết đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong lòng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các loại chính sách liên quan đến... tiền đều được nới lỏng hết cỡ làm tiền tràn ngập các thị trường, các ngóc ngách nền kinh tế (tổng quy mô gói kích cầu đạt 9 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP của Việt Nam thời điểm đó). Kết cục là tăng trưởng tuy cũng đạt mức 5,3% năm 2009 nhưng lạm phát thì tăng vọt 2 chữ số thời gian sau đó.
Bởi vậy, trong hoàn cảnh “tứ bề thọ địch” như hiện nay thì ưu tiên chính sách phải là “sống được cái đã” rồi mới tính đến chuyện tăng trưởng, phát triển. Nên cần thiết phải gác lại mục tiêu tăng trưởng qua một bên, ít nhất là cho đến khi dịch bệnh thoái trào (ngay đến chuyện khi nào dịch bệnh thoái trào cũng không dự đoán, quyết tâm được thì cũng không nên nói nhiều về chuyện tăng trưởng nữa để rồi tiền vẫn mất, tật thì vẫn mang).
Đừng mong cứu hết
Trên TBKTSG mới có bài viết đại ý phê phán rằng trong buổi gặp giữa Thủ tướng và các tập đoàn kinh tế tư nhân đễ tháo gỡ khó khăn, ít thấy một tập đoàn nào báo cáo các giải pháp tự cứu mình, mà chỉ toàn thấy kêu Chính phủ giúp đỡ.
Ngoài lẽ đương nhiên doanh nghiệp khi gặp Chính phủ thì sẽ chẳng tội gì tự tước đi cơ hội được hưởng lợi từ Chính phủ bằng cách “trung thực” báo cáo cách tự cứu mình, điều đọng lại ở đây là bản chất của doanh nghiệp cũng sẽ tham lam như bản ngã con người. Không khó cũng kêu khó, kêu sắp chết để được cứu giúp.
Kể cả có thật sự rằng các doanh nghiệp khó khăn đến nỗi sắp chết đi nữa và Chính phủ có thực tâm muốn cứu giúp hết những ai khó khăn đi nữa thì về nguyên tắc, Chính phủ cũng không thể cứu hết được mọi người, đơn giản bởi nguồn lực Chính phủ có hạn.
Vậy thì, trong bối cảnh hầu hết mọi doanh nghiệp đều kêu khó, Chính phủ buộc phải xem xét, khám bệnh cụ thể doanh nghiệp nào khó khăn, sắp chết nhưng vẫn còn khả năng sống sót, doanh nghiệp nào khó khăn, được cứu chữa nhưng không có khả năng tồn tại (lành mạnh) sau này. Kể cả trong số doanh nghiệp có khả năng cứu chữa và tồn tại, vẫn phải chọn ra những doanh nghiệp khỏe nhất để cứu. Tức là Chính phủ phải chọn để ai sống, ai phải chết, tương ứng với nguồn lực của Chính phủ.
Nói cách khác, Chính phủ cần phải xác định ngay từ đầu (và bằng cách nào) những doanh nghiệp nào cần được cứu trợ, doanh nghiệp nào cần phải “buông bỏ” dù việc buông bỏ này sẽ để lại hậu quả cho xã hội như người thất nghiệp tăng lên...
(1) https://voh.com.vn/thi-truong/3-923-mon-vay-vi-pham-quy-dinh-ho-tro-lai-suat-102877.html
No comments:
Post a Comment