Bộ Tài chính vừa
công bố dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội
về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được giảm thuế suất
thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống còn 15-17% (từ mức 25% áp dụng trước
1/7/2013, và 20% từ 1/7/2013).
Theo Bộ Tài
chính, một trong những mục tiêu, yêu cầu mà dự thảo nhắm đến là hỗ trợ và tạo
điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp;
tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, phù hợp với
xu hướng phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như thông lệ quốc tế,
qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng việc làm
cho người lao động.
Tuy nhiên, việc
giảm thuế suất thuế TNDN cho DNNVV như trên trước hết xem ra là chưa hoàn toàn
phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo điều 10 của
luật này thì DNNVV “được áp dụng có
thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất
thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu
nhập doanh nghiệp” (tác giả nhấn mạnh). Như vậy, dường như dự thảo đã có thiếu
sót khi không có quy định cụ thể thêm về thời hạn mà DNNVV được áp dụng thuế suất
thuế TNDN ưu đãi 15-17%. Điều này không chỉ là trái với tinh thần của Luật Hỗ
trợ DNNVV mà còn sẽ tạo ra thất thoát thu ngân sách đáng kể do DNNVV được ưu
đãi quá mức.
Tiếp đó, về cơ sở
việc đề xuất thuế suất TNDN 15-17%, Bộ Tài chính nêu kinh nghiệm cụ thể ở sáu
nước gồm Brazil, Hà Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Đáng chú ý
là trong số sáu nước này, chỉ có duy nhất Trung Quốc là áp dụng thuế suất thuế
TNDN ưu đãi đồng mức cho mọi DNNVV (20%, so với thuế suất phổ thông 25%), trừ một
số giai đoạn ngắn trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017 có áp dụng thuế suất
thuế TNDN khác nhau tùy theo mức thu nhập chịu thuế TNDN (nhỏ hơn 200.000 NDT
và từ 200.000 đến 300.000 NDT).
Năm nước còn lại
hoặc là không có ưu đãi cho DNNVV mà chỉ có biểu thuế TNDN lũy tiến theo mức
thu nhập chịu thuế (Brazil, Hà Lan, và Hàn Quốc), hoặc có thuế suất thuế TNDN
lũy tiến áp dụng riêng cho doanh nghiệp có vốn góp nhỏ hơn mức cụ thể nào đó
(thay vì thuế suất phổ thông 24%, Malaysia áp dụng thuế suất 19% cho 500.000
ringgit thu nhập chịu thuế đầu tiên đối với doanh nghiệp thường trú có vốn góp
từ 2,5 triệu ringgit trở xuống; trên mức này thì chịu thuế suất phổ thông 24%),
hoặc nếu có ưu đãi cho DNNVV thì chỉ được áp dụng trong một số giai đoạn ngắn
(Thái Lan có một mức thuế TNDN 20% nhưng DNNVV được miễn hoặc giảm thuế TNDN từng
năm trong giai đoạn 2016-2017).
Như vậy, điều có
thể rút ra từ kinh nghiệm của sáu nước trên là, nhìn chung, trên thế giới việc
áp dụng thuế suất ưu đãi đồng mức cho DNNVV chỉ là hãn hữu. Việc giảm, miễn thuế
cho DNNVV, nếu có, thì chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn (thường
là một năm) như là một giải pháp chính sách lâm thời. Và thay vì áp dụng đồng mức
thuế suất ưu đãi cho DNNVV, xu hướng chung thường là áp dụng thuế suất lũy tiến
theo mức thu nhập chịu thuế.
Do đó, việc Bộ
Tài chính dùng kinh nghiệm của sáu nước nói trên để làm cơ sở cho việc đề xuất
áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi đồng mức 15-17% cho DNNVV ở Việt Nam là
không mấy thuyết phục. Thay cho mức thuế
suất đồng mức này, có lẽ Bộ Tài chính nên đề xuất thuế suất lũy tiến theo mức
thu nhập chịu thuế/doanh thu của DNNVV thì xác đáng và thuyết phục hơn. Và
đương nhiên là theo hướng này thì khả năng thất thu ngân sách cũng sẽ giảm thiểu
đi do chỉ thực sự những doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế thấp (và thường gắn
liền với quy mô nhỏ và rất nhỏ - là đối tượng cần được hỗ trợ nhất) mới được hưởng
ưu đãi thuế.
Việc đánh thuế
lũy tiến theo mức thu nhập chịu thuế cũng nhất quán, đúng với giải trình của Bộ
Tài chính rằng: “Từ thực tế đa số doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ
và vừa, trong đó các doanh nghiệp càng
có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền
kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế”
(người viết nhấn mạnh). Nói cách khác, việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp cũng
nên ít nhiều tương tự như việc đánh thuế thu nhập cá nhân, cần dựa trên nguyên
tắc càng nhỏ (về quy mô, về thu nhập) thì càng có mức thuế thấp, và ngược lại,
dù số lượng thuế suất có thể ít hơn.
Cuối cùng, với mục
tiêu là hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang
mô hình doanh nghiệp, Bộ Tài chính kỳ vọng việc ưu đãi thuế TNDN và miễn thuế
TNDN (trong hai năm) sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích nhiều hộ, cá
nhân kinh doanh chuyển lên mô hình doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt một triệu
doanh nghiệp vào năm 2020.
Tuy vậy, cần lưu
ý rằng, như đã nêu ở trên, việc miễn giảm thuế nhanh và mạnh cho DNNVV từ năm
2013, kết hợp với hàng loạt giải pháp “đồng bộ và quyết liệt” khác, dường như vẫn
không có nhiều tác dụng trong việc theo đuổi mục tiêu này, mà bằng chứng sống động
nhất là cho đến nay cả nước mới chỉ có hơn 600.000 doanh nghiệp đủ mọi thành phần
và quy mô đang hoạt động, thấp xa so với mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào
năm sau, 2020.
Hơn nữa, việc
chuyển đổi từ cá nhân, hộ kinh doanh lên doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào lợi
ích mang lại từ việc chuyển đổi này. Nếu lợi ích từ ưu đãi thuế, miễn thuế
(trong hai năm) khi chuyển thành doanh nghiệp không bằng lợi ích khi giữ nguyên
là cá nhân, hộ kinh doanh (để dễ trốn thuế, khai thấp thuế, ít bị nhũng nhiễu,
ít phải “bôi trơn” cơ quan công quyền do phải “xin” đủ thứ nếu là doanh nghiệp...)
thì sẽ không mấy ai muốn sự “nâng cấp” này.
Do đó, điều mà Bộ
Tài chính cần và nên làm trước khi đề xuất ưu đãi, miễn thuế TNDN là tiến hành
một cuộc khảo sát, đánh giá thực tế và toàn diện về tác động của các giải pháp
chính sách ưu đãi và hỗ trợ từ trước đến nay đối với DNNVV, từ đó có cơ sở để
quyết định có tiếp tục ưu đãi nữa không và nên ưu đãi thế nào cho phù hợp nhất,
nhằm vừa khuyến khích được DNNVV một cách có hiệu quả, vừa không làm tăng gánh
nặng thâm hụt ngân sách.
Trong trường hợp
giải pháp giảm, miễn thuế TNDN thực sự phát huy tác dụng thì vẫn cần coi đó chỉ
là một trong những giải pháp và công cụ cần thiết để khuyến khích và hỗ trợ
DNNVV. Nhưng do đã được nêu rõ trong Luật Hỗ trợ DNNVV, nên điều mà các cơ quan
chức năng cần làm không phải là tìm thêm, đề xuất những giải pháp hỗ trợ mới.
Thay vào đó, việc
trước mắt cần làm là khẩn trương ban hành ngay các văn bản luật cụ thể để hiện
thực hóa các giải pháp hỗ trợ nêu trong Luật Hỗ trợ DNNVV. Lưu ý rằng việc này
vẫn chưa được làm tốt, minh chứng là dù luật này được ban hành từ tháng 6/2017
nhưng cho đến nay giải pháp về thuế nói trong bài này mới chỉ được đưa ra xem
xét dưới dạng dự thảo tờ trình Chính phủ và sẽ còn phải trải qua một quá trình
dài nhiều tháng nữa trước khi được Quốc hội thông qua.
Và cũng như với mọi
văn bản pháp luật khác ở Việt Nam, từ văn bản đến hiện thực là một khoảng cách
lớn nên điều cần làm tiếp theo là tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp được
luật hóa để hỗ trợ DNNVV, dù đây được nhình nhận trước sẽ là một quá trình
chông gai. Điều này là có cơ sở vì chỉ cần nhìn vào, ví dụ, kết quả thực tế của
quyết tâm của Chính phủ xóa bỏ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh cho
doanh nghiệp diễn ra từ nhiều năm nay (mà, theo khảo sát mới nhất, có đến 58%
doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả
chi phí bôi trơn...).
No comments:
Post a Comment