Mới đây Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đưa ra định hướng giải pháp tiền tệ mới để hỗ trợ
tăng trưởng kinh tế là tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công trọng điểm. Theo
đó, giải pháp này được hiểu là thông qua các ngân hàng thương mại, NHNN sẽ bơm
tiền (trung, dài hạn) trực tiếp cho các dự án trọng điểm dựa trên hồ sơ tín dụng
của những dự án này (1).
Tại sao NHNN lại phải bơm vốn trực tiếp cho các dự án trọng điểm? Lý do được cho là hiện các ngân hàng thương mại tuy đang dư thừa thanh khoản nhưng đó là vốn ngắn hạn và doanh nghiệp không dễ tiếp cận, dù lãi suất đã giảm. Trong khi cái mà các doanh nghiệp/dự án cần là tiếp cận được vốn vay, nhất là vốn vay dài hạn dễ dàng hơn, với ít điều kiện ràng buộc, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, mọi thứ đều xấu đi. Nên về nguyên tắc nếu NHNN không đứng ra cho vay thì nhiều doanh nghiệp và dự án (trọng điểm) sẽ bế tắc, ảnh hưởng xấu đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Nói cách khác, nếu tái cấp vốn theo kiểu trên thì nguồn vốn từ NHNN sẽ như là một nguồn vốn có tính “cho đi” là nhiều, với mức ưu đãi vượt xa cho vay ưu đãi thông thường của NHNN, bỏ qua nhiều điều kiện thông thường đòi hỏi như với các khoản vay thương mại, thông qua ngân hàng thương mại. NHNN cũng đương nhiên sẽ chấp nhận rủi ro cao là tiền cho vay “ra đi không trở lại” vì không có những thứ như tài sản thế chấp để bảo đảm khoản vay của mình.
Đến đây ta có thể thấy bản chất cho vay tái cấp vốn của NHNN như vậy cũng khá tương đồng với vốn đầu tư công. Khác chăng chỉ là Bộ Tài chính, thay cho NHNN, là người mở hầu bao cuối cùng, và cơ quan giải ngân là các cơ quan tài chính các cấp thay vì ngân hàng thương mại. Còn các đơn vị giải ngân vốn đầu tư công hoặc vốn cho vay từ NHNN đều là các doanh nghiệp, thực hiện các dự án, không có gì khác biệt về bản chất.
Từ đây lại nảy sinh tiếp vấn đề liên quan là giải ngân đầu tư công đang “tắc”, liệu giải ngân vốn cho vay của NHNN có chịu chung số phận?
Có lẽ sẽ có ai đó biện luận rằng điểm khác biệt ở đây sẽ là chữ “trọng điểm”. Vì là trọng điểm nên mọi thứ sẽ được chú ý, theo dõi, đôn đốc chặt chẽ hơn nên chắc sẽ không... tắc như đầu tư công. Bởi đầu tư công có thể được tiến hành trong nhiều dự án các loại, trọng điểm và không trọng điểm, nên đương nhiên là sẽ phải tắc vì không thể thể dàn hàng ngang cùng tiến nhanh, tiến mạnh như nhau.
Quay trở lại với định hướng trên của Thống đốc NHNN, được nêu cụ thể: “... tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm...” (2). Lưu ý là chữ “trọng điểm” trong định hướng này của Thống đốc là gắn với khu vực kinh tế, chứ không phải là dự án như được suy diễn ở trên.
Ở đây có hai “vùng mờ” cần được làm rõ. Thứ nhất, liệu dự án trọng điểm có nhất thiết phải là dự án có tác động lan tỏa hay không để được hưởng vốn vay của NHNN? Nếu câu trả lời là không, thì như nói ở trên, giải ngân vốn cho các dự án có tác động lan tỏa này sẽ có nhiều nguy cơ bị chậm chễ giống như số phận của nhiều dự án đầu tư công khác (vì không còn mang chữ “trọng điểm” nữa).
Thứ hai, thế nào là “có tác động lan tỏa” và nó được đo lường như thế nào? Nếu những khái niệm này không được định nghĩa, làm rõ thì sẽ tạo ra những lúng túng, bất cập trong việc lựa chọn, giám sát, đôn đốc thực thi dự án hưởng vốn vay của NHNN. Nói cách khác, sự không rõ ràng này có khả năng làm cho việc lựa chọn cho vay và giải ngân vốn vay của NHNN trở nên chậm chễ tương tự như với dự án đầu tư công.
Về cụm từ “khu vực kinh tế trọng điểm” trong định hướng của Thống đốc NHNN, đây có thể hiểu là các khu vực địa lý có nền kinh tế năng động, có vai trò và đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân, như TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bất chấp được coi là trọng điểm, địa phương này vẫn đang “lê lết” trên con đường giải ngân vốn đầu tư công như đã được tổng kết gần đây. Như thế có nghĩa là dù là dự án có tính lan tỏa, hưởng vốn vay ưu đãi của NHNN, nằm trong các khu vực kinh tế trọng điểm thì các dự án này vẫn có nguy cơ cao là bị giải ngân chậm như với các dự án đầu tư công khác trên địa bàn thành phố. Mà cũng khó có thể nói những dự án đầu tư công đang bị ách tắc của thành phố không phải là dự án trọng điểm!
Nói tóm lại, vấn đề với các dự án trọng điểm hay không, có tính lan tỏa hay không, được đầu tư, quản lý bởi các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản của nhà nước không phải nằm ở chỗ là có tiếp cận được nguồn vốn trung, dài hạn, với lãi suất thấp hay không. Do đó, cho dù NHNN có tạo ra thêm một kênh cấp vốn cực kỳ dễ dãi và ưu đãi bên cạnh kênh đầu tư công thì sẽ rất khó lạc quan mà nói rằng các dự án đầu tư hưởng vốn vay ưu đãi của NHNN sẽ “hanh thông”, suôn sẻ, kịp thời hỗ trợ giải cứu nền kinh tế cả nước, thúc đẩy tăng trưởng.
Xem xét lại lý do
giải ngân đầu tư công chậm, nguyên nhân ngắn gọn có lẽ nằm ở chữ “công”. Bởi vì
là công cộng nên không có người lãnh đạo nào chịu trách nhiệm trước sự chậm chễ
trong giải ngân và thực thi dự án, như thực tế đã cho thấy. Do vậy, để tránh
nguy cơ nhãn tiền về giải ngân chậm cho các dự án đầu tư hưởng vốn vay của NHNN
thì xem ra NHNN chỉ, cần phải cấp vốn cho những dự án “tư”, của và được quản lý
bởi khu vực tư nhân, không dính dáng, liên quan gì đến các chủ trương, dự án đầu
tư công, của nhà nước (ví dụ gói thầu xây dựng trong dự án đường cao tốc do nhà
nước làm chủ đầu tư).
Nhưng liệu NHNN
có dám và được phép “xé rào” đến mức độ như thế?
No comments:
Post a Comment