Gần đây việc giải
cứu Vietnam Airlines (VNA) đã làm nóng dư luận, với ngày càng có nhiều tiếng
nói có trọng lượng thiên về hướng nhà nước bỏ vốn để giải cứu VNA.
Nhìn chung, một
trong những lập luận chủ yếu cho việc kêu gọi giải cứu VNA chủ yếu là bởi VNA
là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nhà nước là chủ sở hữu. Không cứu VNA mà để nó
phá sản thì Nhà nước sẽ mất vốn.
Lập luận trên thoạt nghe thì rất thuyết phục. Nhưng nếu chỉ vì là DNNN mà phải cứu thì chắc Nhà nước sẽ phải cứu cả những DNNN khác trước đây và hiện nay, bao gồm cả những DNNN đã phá sản trên nghĩa đen như Vinashin và những DNNN đang “đắp chiếu” thuộc Bộ Công thương. Nhưng Quốc hội và Chính phủ cũng đã xác định không bỏ vốn nhà nước để cứu giúp, tái cơ cấu những doanh nghiệp này và DNNN nói chung nữa. Nên VNA cũng không thể nên được coi là ngoại lệ để được cứu giúp chỉ vì là DNNN.
Sẽ có lập luận rằng VNA khác với các DNNN (yếu kém) khác ở chỗ VNA là một doanh nghiệp lành mạnh, nếu được cứu trợ thì chắc chắn sẽ phục hồi và phát triển tột, vì thế Nhà nước không nên trì hoãn, bỏ lỡ cơ hội cứu trợ VNA. Nhưng cần biết rằng ngay cả SCIC dù rất muốn cứu VNA nhưng cũng phải thừa nhận rằng họ không thể bảo đảm nguyên tắc phát triển vốn, tức nôm na là không thể đảm bảo khả năng thu hồi lại khoản giải cứu rót cho VNA.
Ngoài ra, một mặt, dù cố gắng chứng minh VNA có khả năng phục hồi bằng cách nêu ra rằng lượng khách đi và tốc độ tăng trưởng doanh thu của VNA từ tháng 5 đã tăng vọt lên trong tháng 6 theo kiểu chữ V, nhưng mặt khác những người kêu gọi giải cứu lại thừa nhận rằng dù VNA đã mở thêm đến 18 đường bay nội địa mới trong ba tháng qua nhưng các đường bay này cũng chỉ có hiệu quả trong thời gian hè, còn từ quý IV trở đi thì “rất khó” (1). Như thế có nghĩa là không có gì khẳng định rằng VNA chắc chắn sẽ phục hồi (mạnh), ít nhất ở thời điểm này. Khỏi phải lặp lại câu chuyện tái cấu Vinashin với sự tin tưởng chắc như đinh đóng cột vào triển vọng có lãi sau ba năm tái cấu của nó để làm ví dụ cho thấy có khoảng cách rất xa giữa kỳ vọng và thực tế.
Tóm lại, không nên cứu VNA chỉ vì nó là DNNN, nhất là trong bối cảnh không thể khẳng định được triển vọng phục hồi của VNA và khả năng thu hồi vốn cứu trợ của Nhà nước vào VNA trong những năm tới, đặc biệt cần xét đến hoàn cảnh ngân sách giật gấu vá vai trong khi có nhiều vô kể doanh nghiệp và người lao động đang hết sức khó khăn, đang cần đến từng đồng tiền hỗ trợ của nhà nước để tồn tại. Cứu VNA có nghĩa là sẽ có nhiều triệu lao động và doanh nghiệp bị tước đi cơ hội được cứu trợ.
Đồng thời, giữ kỷ luật thị trường, tránh rủi ro đạo đức (doanh nghiệp được nhà nước bảo bọc có xu hướng “làm liều” vì rủi ro thế nào đã có nhà nước gánh chịu), đảm bảo định hướng cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, và đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cũng là những lý do khác đòi hỏi Nhà nước không nên bơm tiền cứu trợ VNA.
Vì đã có nhiều kêu gọi và đề xuất chủ yếu thiên về hướng giải cứu VNA nên có nhiều khả năng Chính phủ sẽ hỗ trợ VNA bằng cách này hay cách khác, chứ không để mặc họ tự vật lộn với những khó khăn hiện hữu. Khi đó, câu hỏi đặt ra là nên giải cứu VNA như thế nào cho hợp lý nhất?
Trước hết, cần lưu ý là VNA dù vẫn còn là DNNN trên danh nghĩa khi Nhà nước vẫn nắm giữ trên 80% cổ phần tại VNA, nhưng ngoài Nhà nước thì VNA vẫn còn các cổ đông tư nhân khác như ANA và Vietcombank. Nên nguyên tắc giải cứu trước tiên là cần có sự “đồng giải cứu” của tất cả các cổ đông VNA, nhất là những cổ đông lớn như ANA và Vietcombank, chứ không chỉ có mỗi cổ đông Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm cứu trợ hoàn toàn.
Nhưng đến đây thì lại có lời biện hộ cho rằng ANA cũng đang gặp khó khăn, phải đi vay cả chục tỷ đô la từ Chính phủ Nhật nên không trông chờ được gì vào họ. Nếu sau khi đã xác định được rằng những cổ đông lớn của VNA không muốn, không thể bỏ tiền ra cùng với Nhà nước cứu trợ VNA thì cần phải thực thi nguyên tắc thứ hai về cứu trợ, đó là ai (trong số cổ đông hiện hữu) bỏ vốn ra cứu trợ thì phải được đặt ra điều kiện, phải được lợi từ việc cứu trợ này.
Hãy xem kinh nghiệm từ việc Chính phủ Đức cứu trợ Lufthansa. Trước tiên cần lưu ý rằng sau khi cứu trợ 10 tỷ đô la thì Chính phủ Đức sẽ nắm 20% cổ phần của hãng này. Có nghĩa là Lufthansa trước và kể cả sau khi được giải cứu hoàn toàn không phải là DNNN, kể cả với định nghĩa rộng như của Việt Nam.
Quan trọng hơn, Chính phủ Đức bỏ ra 10 tỷ đô la cho hãng này với điều kiện đổi lấy 20% cổ phần, tức là Chính phủ mua cổ phiếu của hãng với giá chiết khấu rất lớn, chỉ chưa bằng 1/3 thị giá. Điều này ban đầu đã bị chính các cổ đông lớn của hãng phản đối, nhưng sau đành chấp nhận vì nhận ra rằng thà bán rẻ còn hơn bị phá sản (2).
Do vậy, việc giải cứu này thực chất chỉ là một vụ mua bán đơn thuần. Chính phủ Đức rót vốn cho cho Lufthansa nhưng hành động “cứu trợ” này phải được đảm bảo bằng lợi ích tài chính để giảm thiểu khả năng hao hụt tiền nhà nước, thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phần cao với phần thiệt nghiêng về doanh nghiệp. Dẫu vậy, cần lưu ý rằng đây mới chỉ là đề xuất song phương. Thương vụ này còn phải đợi phê chuẩn của cơ quan quản lý cạnh tranh của EU. Điều này có nghĩa là cứu trợ gì thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Tương tự như với Lufthansa, nếu chỉ có mỗi Nhà nước Việt Nam đứng ra giải cứu VNA thì VNA cũng như các cổ đông khác của VNA phải chấp nhận điều kiện là VNA sẽ trả cho Nhà nước số cổ phần giá trị gấp hơn vài lần số tiền cứu trợ theo thị giá. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông lớn khác của VNA như ANA hay Vietcombank sẽ bị thiệt hại nặng nề (giảm cổ phần). Nếu các cổ đông này vẫn đồng ý, sẵn sàng chấp nhận sự thiệt hại này thì Chính phủ lúc đó hãy xem xét việc cứu trợ.
Đồng thời, cũng cần đảm bảo sự rót vốn nhà nước cho VNA không đi kèm với những hành động ngăn cản cạnh tranh lành mạnh, mang tính phân biệt đối xử giữa VNA với các hãng hàng không tư nhân khác ở Việt Nam chỉ vì để đạt mục đích giúp cho VNA có thêm cơ hội hồi phục. Ví dụ về những hành động cản trở cạnh tranh này có thể bao gồm việc chỉ định riêng chỉ có VNA được cung ứng một số dịch vụ nào đó, hoặc cho vay với lãi suất thấp, thậm chí là 0% như trong đề xuất hiện tại của VNA.
No comments:
Post a Comment