Hội nghị trực tuyến
về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 mới
đây đã công bố một số thông tin về hiện trạng giải ngân vốn đầu tư công, vốn
vay nước ngoài của các bộ ngành địa phương sau 6 tháng đầu năm.
Không nằm ngoài dự
tính, đã nửa năm trôi qua nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ chiếm một phần
nhỏ trong dự toán, kế hoạch. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước
kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước hiện đạt khoảng 28,2% kế hoạch. Tỷ lệ giải
ngân vốn nước ngoài còn tệ hơn, mới chỉ được 13,1% của dự toán được giao.
Về nguyên nhân chậm chễ, Bộ Tài chính cho biết, việc giải ngân thấp là xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Dù vốn đầu tư đã được giao từ đầu năm nhưng vẫn còn một số bộ, địa phương chưa phân khai và nhập Tabmis hết dự toán được giao, khối lượng triển khai các hoạt động còn thấp. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai. Thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung của dự án thường kéo dài (1).
Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19 nên các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng gây tác động đến tiến độ thực hiện dự án. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận (2).
Với nguyên nhân chủ quan là sự thực hiện, triển khai chậm chễ của các cơ quan chủ quản, chủ dự án, đây là một nguyên nhân “xưa như trái đất”, luôn nhận được sự “quyết liệt” chỉ đạo của các Phó Thủ tướng và Thủ tướng trong suốt nhiều năm qua nhằm chấn chỉnh bằng những biện pháp rắn như kỷ luật người đứng đầu... Nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đó, vẫn xảy ra kéo dài từ năm này sang năm khác.
Có lẽ đã quá mệt mỏi với căn bệnh kinh niên này nên điều “lạ” trong hội nghị năm nay là người ta đã không còn nghe thấy những lời cảnh cáo tương tự. Đã đến mức độ mà tiếp tục cảnh cáo hay không cũng không (tạo ra sự chuyển biến) quan trọng nữa thì tình hình trở nên không có lối thoát. Như vậy, chừng nào căn bệnh kinh niên này còn tiếp tục thì việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn sẽ còn... chậm bền vững!
Với nguyên nhân phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiệp định vay, thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài, nguyên nhân này xem ra rất khách quan, vì rõ ràng là có chủ trương đầu tư nào mà không phải điều chỉnh ít nhiều, dẫn đến những thay đổi liên quan như hiệp định vay và thỏa thuận với nhà tài trợ nước ngoài? Như vậy thì giải ngân vốn đầu tư công vẫn sẽ luôn luôn bị chậm chễ.
Nhưng tại sao chủ trương đầu tư lại phải điều chỉnh? Nguyên nhân của nguyên nhân này chung quy lại chẳng phải là do người đứng đầu cơ quan ra chủ trương đầu tư hay sao? Trước thực tế này đã và sẽ có sự đổ lỗi cho cấp dưới “tham mưu” sai còn cấp trên chỉ hồn nhiên ký duyệt “phi vụ lợi” nên không phải chịu trách nhiệm. Cứ như vậy thì chắc chắn sẽ không thể khắc phục được việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nói cách khác, một lần nữa cho thấy chừng nào căn bệnh kinh niên về sự vô trách nhiệm, yếu kém, thậm chí sai trái của người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ dự án không bị xử lý thì giải ngân đầu tư công chậm vẫn là một hiện tượng bền vững.
Ngay cả với nguyên nhân khách quan tưởng như hiển nhiên gây chậm chễ giải ngân đầu tư công (có nguồn vốn nước ngoài) là do dịch Covid-19, điều này là đúng nhưng không đủ, không nên được viện ra để giải thích cho sự chậm chễ quá thể trong giải ngân đầu tư công nói chung. Bởi vốn đầu tư công có nguồn nước ngoài như ODA hiện chỉ còn chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong tổng dự toán đầu tư công hàng năm và tỷ trọng này có xu hướng ngày càng hạ thấp đi khi Việt Nam đã “tốt nghiệp” ODA mấy năm trước.
Bộ Tài chính nhìn nhận, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.
Về sự nhìn nhận trên, nếu tính thêm sự chậm chễ cộng dồn từ các năm trước thì có thể khẳng định một điều là trong thời gian 6 tháng còn lại, trong bối cảnh không còn bất cứ giải pháp “quyết liệt” nào mà chưa được đề cập đến nên không hy vọng gì có một sự chuyển biến “quyết liệt” như kỳ vọng, chắc chắn nhiệm vụ giải ngân vốn vay nước ngoài nói riêng và đầu tư công nói chung trong nhiệm kỳ hiện tại sẽ không hoàn thành.
Nhìn xa hơn nhiệm kỳ hiện tại, nếu vẫn tiếp tục tồn tại cùng một cơ chế, hệ thống như hiện tại trong đó các căn bệnh, con bệnh kinh niên gây chậm chễ giải ngân đầu tư công vẫn còn đó, không được chữa trị tận gốc thì không thể “thúc” được giải ngân đầu tư công đúng kế hoạch và dự toán. Trong bối cảnh đó, như người viết đã từng đề xuất trước đây (3), cần thực hiện một số giải pháp mang tính “chữa cháy”, gồm cắt giảm chỉ tiêu, kế hoạch đầu tư công Quốc hội giao cho Chính phủ, giảm số dự án và khối lượng đầu tư công hàng năm, và chỉ giao hạn mức, kế hoạch đầu tư công cho những cơ quan chủ quản và chủ đầu tư nào có năng lực triển khai, thực hiện.
No comments:
Post a Comment