Saturday 2 February 2013

Năm mới thắng lợi mới! (Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=271497

08:50 | 02/02/2013
Chúng ta bắt đầu bài viết này bàn về niềm tin của công chúng vào Chính phủ với khẩu hiệu trên, vốn đã và đang hiện diện ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam mỗi dịp Tết đến và hầu như mỗi người Việt đều ít nhiều nhìn thấy và nhớ đến. Có thể nói, khẩu hiệu trên không đơn thuần nhằm (tự) động viên và khích lệ tinh thần người dân mà còn thể hiện một lòng tin phần nhiều mang tính tín ngưỡng của người Việt rằng những điều tốt đẹp hơn luôn đợi chờ họ ở mỗi ngưỡng cửa mới của thời gian.

Nguồn: tinkinhte.vn
Cũng như mọi năm, Chính phủ đã đặt tin tưởng, quyết tâm, và phấn đấu để bức tranh KT - XH năm 2013 này sáng sủa hơn năm 2012, mà cụ thể trong đó có các mục tiêu (khá mâu thuẫn với nhau, ít nhất trong ngắn hạn) như kinh tế tăng trưởng nhanh hơn với ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn (lạm phát thấp hơn). Không chỉ vậy, thông qua các công cụ tuyên truyền chính thống, Chính phủ đang dốc sức truyền niềm tin này đến mỗi người dân và cả giới chức nhằm tạo sự đồng lòng nhất trí hướng đến một năm mới với hy vọng là những thắng lợi mới về KT - XH. Hẳn nhiên, truyền thông chính thống luôn nhấn mạnh khả năng và quyết tâm của Chính phủ nhằm/có thể đạt được các mục tiêu tham vọng hơn và có phần mâu thuẫn nói trên, chứ đó không phải chỉ là một niềm tin mang nhiều hơi hướng tín ngưỡng theo kiểu “Năm mới thắng lợi mới!”.
 
Sau những vụ việc tham nhũng tràn lan, yếu kém trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ, và sự đi xuống về chất lượng cuộc sống của một bộ phận dân chúng, đặc biệt những người làm công ăn lương, có nhiều người cho rằng niềm tin của công chúng vào bản thân Chính phủ, vào khả năng điều hành của Chính phủ đã không còn nữa.
 
Tuy vậy, từ những cuộc tiếp xúc của người viết với nhiều đối tượng trong xã hội, có thể rút ra một điều là lòng tin của ít nhất là một bộ phận lớn dân chúng vào Chính phủ tuy đã trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn còn đó, và rất lớn. Điều này có lẽ có được là nhờ vào công tác truyền thông đủ mọi cấp theo các định hướng thống nhất của chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
 
Trong các cuộc tiếp xúc với giới chức, và họ không nhất thiết phải nói theo “định hướng”, nhiều quan chức khi được hỏi về triển vọng KT - XH đã đưa ra những dự đoán không chênh lệch là bao so với những dự đoán chính thức của Chính phủ. Thêm một ví dụ sinh động nữa là cách đây không lâu, một bài viết của tác giả gửi cho một tờ báo lớn đã bị từ chối đăng vì trong bài viết, tác giả đã nêu lo ngại về lạm phát cao có thể hiện diện trong năm 2013. Lý do bị từ chối, theo Tổng biên tập của tờ báo này, là vì chuyện đó (lạm phát cao) không thể xảy ra bởi Chính phủ đã xác định ổn định kinh tế vĩ mô (trong đó có kiềm chế lạm phát) là ưu tiên hàng đầu, như năm qua. Tuy tác giả có phản biện lại rằng xác định như vậy, đặt quyết tâm như vậy nhưng thực hiện được hay không là chuyện hoàn toàn khác, nhưng, tất nhiên, sự phản biện này là vô ích khi vấp phải bức tường của niềm tin mà vị Tổng biên tập này đã đặt vào các chính sách của Chính phủ. Tất nhiên, ở đây ta cũng phải loại trừ khả năng vị này không muốn/dám công khai đi chệch khỏi định hướng chính thống vì e ngại hậu quả!
 
Ngay cả các tổ chức nước ngoài, những nơi mà vấn đề “phải nói theo định hướng” không mấy khi được đặt ra, thông thường ta sẽ thấy có một vài nhận xét, khuyến cáo này kia nhưng rốt cuộc thì họ cũng có những dự đoán và nhận định không quá khác biệt với của Chính phủ Việt Nam, chẳng hạn tăng trưởng GDP thì khoảng 5,3% - 5,6% so với mục tiêu 5,5% của Chính phủ, còn lạm phát thì biến thiên trong khoảng 6,2% - 8% so với 6% - 7% của Chính phủ. Cần lưu ý rằng thông thường các con số dự báo của các tổ chức nước ngoài bao giờ cũng ở mức thận trọng hơn so với của Chính phủ, đơn giản vì dự đoán trật theo hướng xấu hơn còn đỡ “tệ” hơn là theo hướng tốt hơn so với thực tế.
 
Đối với các tổ chức kinh tế, xã hội phi chính phủ, chẳng hạn giới ngân hàng thương mại, nhận định của những cán bộ mà người viết tiếp xúc cũng không khác là mấy khi được hỏi về dự đoán triển vọng kinh tế vĩ mô năm nay. Đương nhiên, có thể thấy rõ, và đôi khi bản thân họ cũng nói rõ, là các nhận định và dự đoán của họ phần lớn dựa theo những gì Chính phủ công bố.
 
Còn đối với người dân thường, những người làm công ăn lương, hưu trí, lao động phổ thông thì niềm tin ở lại với họ dễ dàng và bám rễ sâu đôi khi đơn giản chỉ vì những câu nói, hành động nhỏ của một vài quan chức Chính phủ nào đó, đánh trúng và xoa dịu được nỗi bức xúc của mình (mà không nhất thiết phải thành hiện thực tốt đẹp hơn). Không lâu trước đây, Bộ trưởng Tài chính đã ghi điểm ngoạn mục trong đại bộ phận dân chúng với những phát ngôn “để đời” đại loại như Chính phủ không thể hành động vì quyền lợi của một số ít doanh nghiệp mà phải vì quyền lợi của dân chúng cả nước, khi ông nói về điều hành giá xăng dầu. Cho đến nay, mặc dù tính minh bạch và thích đáng của giá xăng dầu, cũng như nhiều vấn đề nổi cộm khác có liên quan ở Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi to tướng, nhiều người dân vẫn “sướng” và vẫn nhắc đến những câu nói tương tự cứ như thể chúng là một mẫu mực cho việc quan chức nhà nước làm thế nào để gây dựng và gìn giữ thành công lòng tin của dân chúng. Đấy là chưa kể những sự kiện mang “tầm vóc” lớn hơn như việc Thủ tướng công khai nhận lỗi và xin lỗi trước quốc dân về sự điều hành yếu kém của Chính phủ. Tuy mới chỉ là xin lỗi nhưng nó đã làm cho nhiều người thấy hồ hởi, lạc quan, tin tưởng hơn, thậm chí là vô cùng cảm động, đơn giản vì đó là một sự kiện vô tiền khoáng hậu từ một quan chức hàng đầu của Chính phủ. Có thể không nói quá rằng uy tín của Thủ tướng nói riêng và Chính phủ nói chung đã tăng vọt sau lời xin lỗi này.
 
Nói lan man như trên để thấy rằng dù có nhiều sai phạm, yếu kém, thất bại và lúng túng trong điều hành nền kinh tế, niềm tin của dân chúng vào Chính phủ ở Việt Nam không phải là điều quá xa xỉ, khó gây dựng, duy trì và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh công tác thông tin tuyên truyền theo định hướng đã và đang phát huy tác dụng to lớn. Một điều đáng mừng cho Chính phủ là một bộ phận lớn công chúng vẫn còn tin tưởng vào khả năng Chính phủ sẽ tự sửa đổi để làm trong sạch và hoàn thiện mình, khả năng lèo lái nền kinh tế của họ đưa Việt Nam thoát khỏi những khó khăn hiện tại để hướng đến một tương lai không xa tốt đẹp hơn.
 
Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó! Đành rằng niềm tin vẫn còn đó trong một bộ phận lớn công chúng trong một xã hội mà thông tin chính thống được quán triệt định hướng từ trên xuống dưới và bao trùm rộng khắp, nhưng điều này không có nghĩa là niềm tin sẽ là vô điều kiện, là vĩnh hằng theo kiểu tín ngưỡng và đức tin. Nếu kết quả thực tế không đúng như tuyên bố, như mục tiêu của Chính phủ, hoặc, đơn giản hơn, nếu người dân nhận thấy rằng những tuyên bố và mục tiêu của Chính phủ chỉ là theo kiểu “Năm mới thắng lợi mới!”, thì cho dù có được định hướng cách gì đi chăng nữa, một kết cục không tránh khỏi sẽ là niềm tin sẽ sứt mẻ hoặc bay đi ở một bộ phận công chúng vốn đã đặt niềm tin vào Chính phủ trước đó. Quá trình này diễn ra có thể ngắn, có thể dài, nhưng chắc chắn rằng cho đến một lúc nào đó niềm tin quả thật trở thành điều xa xỉ trong xã hội. Đương nhiên, lúc này hậu quả sẽ ra sao là điều có thể tiên đoán được.
 
Vậy, Chính phủ nên làm gì để tiếp tục duy trì và cải thiện niềm tin của công chúng? Chắc chắn đó không phải là lạm dụng công tác tuyên truyền (thêm nữa). Từ những sự kiện như việc xin lỗi công khai của Thủ tướng, ta có thể thấy rằng ít nhất thì sự minh bạch, dám nhìn vào sự thật và thừa nhận sự thật sẽ làm phục hồi hoặc gây dựng thêm đáng kể niềm tin trong công chúng. Tất nhiên là nếu kết quả thực tế thực sự đi đôi với “xin hứa”, “phấn đấu” và “quyết tâm” thì khỏi phải nói thêm. Nhưng cần nhấn mạnh ở đây kết quả thực tế phải là thực tế, chứ không phải là thực tế nhưng do... định hướng! Vì, như ai đó đã nói: “Cây đời vẫn mãi xanh tươi”.
 
Và rất mong “Năm mới thắng lợi mới!” sẽ thành hiện thực, chứ không chỉ là một niềm tin chập chờn, ở Việt Nam trong năm 2013 này!

2 comments:

  1. Chính phủ nên làm gì để tiếp tục duy trì và cải thiện niềm tin của công chúng? Chắc chắn đó không phải là lạm dụng công tác tuyên truyền (thêm nữa).
    Anh Ngọc nói đúng chính sách hiện nay của chính phủ rồi. Không tuyên truyền thắng lợi nữa mà chuyển sang quyết liệt cấm báo chí vạch ra những yếu kém, sai lầm của chính phủ. Khi công chúng không thấy Chính phủ có sai lầm, yếu kém thì dĩ nhiên sẽ tiếp tục tin tưởng, hy vọng vào Chính phủ.

    May anh Ngọc có tờ ĐBND, đối trọng với báo chí bên CP để viết được bài, có nhuận bút và có thưởng cuối năm. Anh nên mở thêm thị trường mới là báo Đảng như báo Nhân dân và nhất là tờ "Nội chính trung ương" sắp ra mắt.
    Chúc anh Ngọc năm 2013:
    Năm này hơn hẳn mấy năm qua,
    Nhuận bút tăng lên quá bất ngờ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ủa, có cả tờ báo này (“Nội chính Trung ương”) nữa sao anh? Nếu nó cởi mở như ĐBND thì tôi mừng quá, có chỗ để đăng bài (cũng là một cách phòng ngừa rủi ro, khi ĐBND không đăng bài nào đó thì còn có thêm một cơ hội để đăng trên tờ này). Thôi thì thời buổi thóc cao gạo kém này, đăng được bài nào có thêm tí nhuận bút cải thiện, vừa được tiếng, vừa được miếng (nho nhỏ) thì cũng đáng làm lắm chứ, phải không anh?
      Chắc anh năm nay không về Tết nhỉ? Chúc anh và gia đình vui vẻ bên đó nhé.

      Delete

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).