08:58 | 20/10/2012
Nợ xấu, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay, đã được nhắc đến nhiều trong phiên họp của UBTVQH tuần này và chắc chắn sẽ còn được thảo luận nhiều trong Kỳ họp thứ Tư Quốc hội Khóa XIII khai mạc ngày 22.10 tới. Dẫu vậy, chuyện xử lý nợ xấu thế nào là điều còn đang rất mơ hồ, và vẫn chưa được định hình trong giới hoạch định chính sách. Bài viết này gợi ý một số bước đi trong xử lý nợ xấu.
Vì nợ xấu phát sinh từ các ngân hàng thương mại nên chủ thể đầu tiên cần phải tích cực và tự giác xử lý nợ xấu chính là các ngân hàng thương mại. Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay hầu như trách nhiệm xử lý nợ xấu lại dường như được dồn lên các cơ quan hữu trách nhà nước. Người ta vẫn còn đang băn khoăn có nên thành lập các công ty mua bán nợ xấu (AMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay không, có nên mở rộng mô hình Công ty quản lý tài sản (DATC) thuộc Bộ Tài chính hay không, có nên dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu không v.v..., mà không mấy nhắc đến vai trò chính của các ngân hàng thương mại, buộc họ phải tích cực dọn dẹp đống nợ mình đã để lại trong quá trình kinh doanh nhiều bất cẩn chạy theo lợi nhuận như vừa qua.
Còn phía ngân hàng thương mại thì cũng rất ngạc nhiên khi ta thấy họ hầu như chẳng có mấy động thái gì để chứng tỏ họ đang dốc sức, quyết tâm xử lý nợ xấu để làm lành mạnh hoạt động của mình. Ngay đến việc báo cáo tỷ lệ nợ xấu của mình chính xác là bao nhiêu thì hầu như cũng chẳng có ngân hàng nào thực hiện (được), và vì thế việc xử lý nợ xấu trong tình huống này cứ như thể bảo bác sĩ chữa bệnh mà người bệnh chỉ thò mỗi ngón tay ra cho xem. Dường như đang có một thái độ ỷ lại vào sự cứu trợ và can thiệp của Chính phủ trong việc xử lý những hậu quả do chính các ngân hàng làm nảy sinh với suy nghĩ rằng Chính phủ không thể để các doanh nghiệp phá sản hàng loạt vì không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, vì thế sẽ phải làm cái gì đó để cứu trợ cho cả hệ thống ngân hàng.
Vậy, bước đầu tiên cần làm là buộc các ngân hàng thương mại tích cực và tự giác xử lý nợ xấu. Để làm được điều này thì trước tiên NHNN phải tổ chức thanh tra chọn mẫu một số ngân hàng thương mại để biết được mức độ nợ xấu thực sự, mức dự phòng rủi ro, thị giá và loại hình tài sản thế chấp v.v... của từng ngân hàng trong hệ thống. Đồng thời với đó là mạnh tay với việc xử phạt nếu phát hiện các ngân hàng thương mại khác không làm nghiêm túc việc kiểm toán, thanh tra nội bộ (theo các quy trình và tiêu chuẩn đã quy định) để xác định những vấn đề tương tự. Việc này là để khuyến khích các ngân hàng tự giác với mức nợ xấu thực tế của mình mà NHNN không cần phải bỏ công đi thanh tra từng ngân hàng một.
Tiếp đến, sau khi đã biết được mức độ nợ xấu nói chung của hệ thống và của từng ngân hàng nói riêng, cũng như mức dự phòng rủi ro và thị giá của các tài sản thế chấp của họ, NHNN sẽ cần thiết phải buộc những ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu quá mức quy định/hoặc mức được cho là nguy hiểm (có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống) gấp rút xử lý trong một thời gian hạn định (ví dụ, 6 - 9 tháng) nhằm đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn (bằng những cách ví dụ như bán nợ, thanh lý tài sản thế chấp, sử dụng trích lập dự phòng và lợi nhuận v.v...). Quá trình xử lý gấp rút, trong một hạn định như thế này có thể sẽ rất thiệt thòi cho ngân hàng thương mại đó nhưng đây là một việc cần thiết và phải thực hiện hết sức nghiêm túc để lập lại kỷ cương trong hệ thống. Bất kể ngân hàng nào không thực hiện nghiêm túc việc xử lý này cần phải có chế tài mạnh từ NHNN.
Đồng thời với quá trình xử lý nợ xấu ở các ngân hàng, Nhà nước cũng cần phải hoàn thành các khuôn khổ luật pháp chưa hoàn chỉnh (nếu có) để quá trình xử lý nợ xấu diễn ra trôi chảy hơn (ví dụ những rắc rối pháp lý liên quan đến việc phát mại tài sản thế chấp, nếu có).
Sau khi đã thực hiện xử lý nợ xấu ở bước thứ nhất (cấp độ từng ngân hàng thương mại), Chính phủ và NHNN sẽ nắm được một bức tranh đầy đủ hơn về những vấn đề tồn đọng, chẳng hạn quy mô và bản chất/cấu thành của khối nợ xấu còn lại mà không thể giải quyết được ở bước thứ nhất bởi từng ngân hàng thương mại. Tùy theo quy mô nợ xấu tồn đọng, NHNN và Chính phủ ở bước thứ hai có thể phải cân nhắc đến những giải pháp mang tính hệ thống hơn như dùng ngân sách để xóa nợ cho một nhóm con nợ nào đó (ví dụ các đối tượng được NHNN chỉ định cho vay), cho một nhóm con nợ nào đó được vay vốn từ ngân sách để trả nợ ngân hàng thương mại, thành lập AMC với nguồn vốn từ ngân sách để mua nợ xấu tồn đọng với giá chiết khấu tối đa (mang tính bắt buộc đối với ngân hàng thương mại phải bán nợ xấu cho AMC này nếu không còn bán được ở nơi khác).
Ở bước thứ ba, NHNN sẽ phải cân nhắc việc quốc hữu hóa (toàn bộ hoặc từng phần) hoặc cho phá sản một số ngân hàng nào đó mà tất cả các biện pháp trên vẫn không giải quyết được hết nợ xấu, đến mức mà phần nợ xấu còn lại ăn lạm cả vào một phần hoặc toàn bộ vốn chủ sở hữu. Cũng tương tự như trên đã đề cập, các khuôn khổ pháp lý cho những biện pháp này (ví dụ việc buộc các cổ đông sở hữu phải giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tương ứng, việc NHNN cử cán bộ của mình vào các vị trí quản trị ngân hàng v.v...) cũng cần phải được hoàn thiện song hành.
Trong quá trình xử lý theo các bước nói trên, một nguyên tắc cần được quán triệt là phải tối thiểu hóa nguồn lực công nếu cần phải sử dụng đến, và tối đa hóa các nguồn tài chính từ chính các ngân hàng thương mại có nợ xấu. Nguồn lực công có thể là từ ngân sách (hoặc thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ) hay từ NHNN và điều này không quan trọng vì đằng nào thì gánh nặng tài trợ cũng sẽ dồn lên NHNN và kết thúc ở việc NHNN bơm tiền cho hệ thống.
Song song với các bước giải quyết nợ xấu, điều không kém phần thiết yếu là NHNN phải tiếp tục củng cố và xiết lại các tiêu chuẩn hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng để không làm phát sinh thêm nợ xấu. Chính phủ nói chung cũng phải có những động thái tích cực, ví dụ như ngừng các chỉ đạo cho vay (ưu đãi) một số nhóm đối tượng nào đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước v.v... để sao cho cho vay thương mại sẽ chỉ còn đơn thuần được tiến hành trên những cân nhắc mang tính thị trường giữa các bên liên quan.
No comments:
Post a Comment