Như thường lệ,
NHNN lặp lại bài trả lời quen thuộc, quy buộc việc tỷ giá tăng mạnh là do yếu tố
tâm lý, do động cơ đầu cơ trục lợi của một số người v.v…, chứ còn cân đối ngoại
tệ vẫn đảm bảo, vẫn có thặng dư cán cân thanh toán đến mấy tỷ đô la, trạng thái
ngoại tệ tại các ngân hàng không có đột biến v.v..
Tuy nhiên,
một số vấn đề xảy ra cho thấy vấn đề không đơn giản, không đúng như những gì NHNN tuyên bố, thuyết phục dân
chúng.
Thứ nhất,
có thể đúng như NHNN nói, các yếu tố thiết lập tỷ giá không có mấy thay đổi
theo chiều hướng xấu gây áp lực lên tỷ giá, và do đó không cần phải “điều chỉnh” tỷ giá. Nhưng nếu
đúng như vậy thì câu hỏi được đặt ra là tại sao NHNN lại quyết định “điều chỉnh”
tỷ giá liên ngân hàng hồi tháng 6, dù chỉ là 1%, mặc dù họ có thể biết rõ hậu
quả của việc “điều chỉnh” này sẽ như thế nào, căn cứ từ những vụ “điều chỉnh”
trước đây? Có thể NHNN sẽ có
câu trả lời nào đó nhưng chắc chắn sẽ không phải là, chẳng liên quan gì đến những
yếu tố mà NHNN đã viện ra (cán cân ngoại tệ không mất cân đối, thặng dư cán cân
thanh toán, trạng thái ngoại hối của các ngân hàng không biến động mạnh...).
Suy ra tiếp, sự giải thích của NHNN về lý do biến động tỷ giá như vừa qua (do yếu
tố tâm lý, do đầu cơ) là không chuẩn xác.
Thứ hai, và liên
quan đến vấn đề trên, khi tác giả nói sự quy kết của NHNN nhằm vào yếu tố tâm
lý, đầu cơ là không chuẩn xác vì tác giả cũng công nhận rằng sự biến động mạnh
có phần thái quá của tỷ giá đúng là có phần của tâm lý và đầu cơ. Nhưng cần nhấn
mạnh rằng đây là yếu tố đến sau, chứ không phải là yếu tố châm ngòi cho sự “điều
chỉnh” tỷ giá liên ngân hàng của NHNN. Vào thời điểm NHNN “điều chỉnh” tỷ giá,
không thấy họ đề cập gì đến yếu tố tâm lý mà vì nó NHNN phải “điều chỉnh. Đã
không có “yếu tố tâm lý”, là cái lý do giải thích cho biến động mạnh của tỷ giá
như vừa qua theo lời của NHNN, mà NHNN vẫn phải “điều chỉnh” thì phải chăng “yếu
tố tâm lý” thực ra chẳng có vai trò to lớn gì cả? Và theo lẽ thông thường, khi
NHNN “điều chỉnh” tỷ giá (nhấn mạnh thêm là trước đó NHNN vẫn khẳng định “không
phá giá”), việc này đương nhiên kích hoạt tâm lý sợ hãi của dân chúng rằng tỷ
giá sẽ còn tăng lên nữa (vốn đã quá quen thuộc với dân chúng, như đã thường xảy
ra trong quá khứ, chứ không phải là lần đầu). Từ tâm lý sợ hãi đến hành động
mua gom, găm giữ (tức “đầu cơ”) là một khoảng cách rất gần, dẫn đến hậu quả như
đã biết.
Thứ ba, lý giải
cho hành động “điều chỉnh” tỷ giá của mình, NHNN chỉ giải thích một cách chung
chung, mơ hồ rằng là để phản ánh đúng hơn quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị
trường. Như vậy, bản thân lý do này cũng cho thấy quả thực quan hệ cung cầu ngoại
tệ trên thị trường đã bị bóp méo (mất cân đối) ở một mức độ nào đó, gây sức ép
lên tỷ giá. Nói cách khác, đây mới chính là nguyên nhân làm cho tỷ giá biến động
mạnh, bắt đầu với việc “điều chỉnh” tỷ giá của NHNN và theo sau là tâm lý đầu
cơ càng làm cho tỷ giá biến động mạnh hơn mức cần có.
Vậy điều gì dẫn đến
quan hệ cung cầu ngoại tệ bị mất cân đối? Tin tức trên báo chí gần đây giúp ta
trả lời được câu hỏi này. Luồn tin thứ nhất liên quan đến chuyện dư thừa tiền đồng,
mà vì nó NHNN đã phải tung tín phiếu ra để hút về đến 21 nghìn tỷ đồng chỉ
riêng trong 2 tuần đầu tháng 7, trong khi theo báo chí cho biết thì hành động
hút tiền về đã bị sao nhãng trong tháng 6. Luồng tin thứ hai cho biết lãi suất
tiền đồng liên ngân hàng ở mức thấp cho đến gần đây khi NHNN tung tín phiếu để
giảm thanh khoản trong hệ thống. Lãi suất tiền đồng thấp đương nhiên sẽ làm
tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ đô la. Luồng tin thứ ba liên quan đến tín dụng
tiền đồng tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Từ 3 luồng tin này, có thể tổng hợp để
đưa ra một bức tranh cho thấy NHNN đã bơm mạnh tiền đồng vào hệ thống nói riêng
và nền kinh tế nói chung trong suốt thời gian qua cho đến tháng 6, làm cho tiền
đồng trở nên dư thừa so với đô la, từ đó tạo ra áp lực lên tỷ giá danh nghĩa.
Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam tiếp tục tăng, càng làm cho tiền đồng tăng
giá thực so với đô la, càng tác động tiêu cực đến xuất khẩu và cán cân thương mại,
cũng tức là tăng áp lực lên tỷ giá danh nghĩa (chính là áp lực phá giá tiền đồng).
Vì lý do này hay lý do khác mà NHNN đã chọn thời điểm tháng 6 để “điều chỉnh” tỷ
giá (thực chất là phá giá), nhưng cần phải hiểu rằng hành động này không sớm
thì muộn cũng sẽ phải xảy ra, chứ không thể nói khác đi được.
Điều liên quan
còn lại cần nói trong bài này là tại sao NHNN đã chủ động “điều chỉnh” tỷ giá
(có thể nói ở mức độ thăm dò, như một số người nhận định) mà NHNN rốt cuộc lại
can thiệp kìm hãm đà tăng tỷ giá bằng cả biện pháp bán ngoại tệ cho hệ thống
ngân hàng? Chẳng phải làm vậy chứng tỏ họ đang vừa lãng phí nguồn lực (tung dự
trữ ngoại hối ra để chặn đà tăng tỷ giá), vừa lúng túng trong mục tiêu và biện
pháp điều hành hay sao (cần phá giá nhưng phá giá nửa vời, không đủ liều lượng,
thậm chí để tỷ giá quay trở lại gần vạch xuất phát)? Hay phải chăng họ sợ yếu tố
tâm lý, như đã nói, làm mọi việc vượt quá tầm kiểm soát của họ?
Cuối cùng là vài
lời về cách PR cho NHNN mỗi khi cần tuyên bố gì đó liên quan đến tỷ giá. Qua
phân tích trên có thể thấy những tuyên bố với giải thích của NHNN là không chuẩn
xác, máy móc, thậm chí là (vô tình hay hữu ý) sai lạc so với thực tế, là điều
mà chính vì thế mới làm cho tâm lý của dân chúng càng tiêu cực với mỗi bước đi
về chính sách của NHNN. Có lẽ NHNN cần thay đổi cách và nội dung PR của mình ở
những lần sau mới mong đạt được hiệu quả như mong muốn.
No comments:
Post a Comment