Bình luận về cuộc gọi của đồng chí Tô Lâm với đồng chí Trump
Có một số đồng chí hỏi tớ về cuộc điện đàm của đồng chí Tô Lâm với đồng chí Trump. Nhìn chung, tớ cũng thấy đây là một phản ứng khẩn, cần thiết, rõ ràng là hơn so với không làm gì hoặc thụ động chờ đợi cấp dưới của mình sang Mỹ thương thuyết. Nhưng có điều là tớ không lạc quan và thở phào như đa phần dư luận.Nhiều người không để ý rằng đề xuất đưa thuế nhập khẩu về 0 với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ mới chỉ là đề xuất đơn phương của Việt Nam. Mỹ có thể ghi nhận, chấp thuận đề xuất này, nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ sẵn lòng, sẵn sàng, sẽ, hoặc có nghĩa vụ hạ thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam xuống mức tương ứng.
Lý do? Đơn giản là chẳng có lý do thỏa đáng để Mỹ sẵn lòng làm vậy. Đây có thể coi như một cuộc thương lượng, mặc cả thương mại song phương, với đồng chí Trump khởi xướng và đồng chí Tô Lâm đáp lại trong bước khởi đầu. Vì là cuộc mặc cả, hai bên đều phải có những quân bài mạnh, đại diện cho việc ai cần ai hơn. Nhưng rõ ràng là trong cuộc chơi này thì Việt Nam cần Mỹ hơn, chứ không phải ngược lại. Để chứng minh ư? Hãy trả lời: Ai xuống nước trước?
Bởi vậy, phản ứng thận trọng cần có trước tiên khi đọc đến những tin tức loại này là hãy lạc quan có chừng mực, hãy hy vọng tối đa rằng Mỹ có thể nương tay, hạ thuế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xuống đến, ví dụ, một nửa (23%) là đã quá nhiều, quá tốt, với điều kiện là đồng chí Trump... yêu mến Việt Nam thật sự như ông ta nói, đã nhìn ra rõ tấm chân tình của các đồng chí Việt Nam!
Đó là mới nói đến cơ sở thuế quan có đi có lại, tức Việt Nam tự nguyện hạ thuế xuống 0% và Mỹ đáp lại tấm lòng chân thành của Việt Nam bằng cách hạ thuế của mình xuống một chừng mực nào đó. Nhưng mọi người cũng cần lưu ý rằng mức thuế cắt cổ 46% của Mỹ không chỉ là để trả đũa cho việc Việt Nam đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, mà còn bởi những (cáo buộc về) rào cản thương mại và thao túng tiền tệ, và/hoặc cả về việc đã biến Việt Nam thành cơ sở trung chuyển hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ.
Việc Mỹ hạ thuế cho Việt Nam chắc sẽ còn phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ cam kết khắc phục các cáo buộc này như thế nào, có thành tâm và chủ động hay không. Mà điều này thì rõ ràng sẽ không thể xảy ra một sớm một chiều. Do đó, tớ dự đoán rằng, sớm nhất là ngày 9/4 này, nếu có nhã ý, Mỹ sẽ chỉ hạ thuế mang tính biểu tượng, cùng với đó là các cam kết, ràng buộc từ phía Việt Nam, rất có thể là từng bước, từng giai đoạn tương ứng với những bước đi cụ thể của mỗi bên. Tớ mà là đồng chí Trump thì tớ rõ ràng không muốn rơi vào tình trạng đồng ý hạ thuế để rồi không lâu sau đó phải tăng trở lại bởi đối phương chưa thấy có chuyển biến thực sự nào sau một thời gian hạn định.
Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến chuyện đánh thuế và phản ứng cần thiết của Việt Nam mà tớ thấy có thể bàn luận được, khi nào có hứng thì tớ sẽ nói dần dần, hoặc các đồng chí bạn đọc chọn lọc nêu ra. Nhưng xin cảnh báo dư luận một lần nữa, từ lần tớ cảnh báo trước cách đây đến cả chục năm khi đang dấy lên hiệp định TPP, rằng các đồng chí đừng quá tự tin cho rằng Mỹ cần Việt Nam (hơn là ngược lại) để rồi dẫn đến những phản ứng sai lầm, những cú sốc, những nỗi thất vọng đến căm thù. (Các đồng chí có thể tìm lại những bài viết của tớ về TPP, đặc biệt là các bài viết liên quan đến các cuộc phỏng vấn doanh nghiệp Mỹ để biết thêm chuyện này).
No comments:
Post a Comment