Việc Trung Quốc cắm dàn khoan Hải Dương 981
trong lãnh hải của Việt Nam đã châm ngòi cho một làn sóng bài Trung. Xa hơn nữa,
một chương trình “thoát Trung” (ít nhất là về mặt kinh tế) đang được rục rịch
bàn thảo và chuẩn bị.
Ngoài yếu tố chính trị và dân tộc chủ nghĩa, “thoát Trung” được đưa ra trong bối cảnh khi Việt Nam nhập siêu kinh niên với Trung Quốc ở quy mô ngày càng lớn, lên đến trên 20 tỷ đô la năm ngoái. Điều đáng nói hơn là hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam có chất lượng trung bình và thấp, nhiều mặt hàng độc hại cho sức khỏe và môi trường. Công nghệ và máy móc của Trung Quốc cũng vậy, đa phần ở tầm “thường thường bậc trung” trở xuống, tiêu hao năng lượng lớn và ô nhiễm môi trường. Ưu điểm của hàng hóa và công nghệ Trung Quốc thường là giá rẻ và đa dạng, hầu như kiểu gì cũng có, cũng có thể đáp ứng được.
Quan trọng hơn,
Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào nguyên vật liệu, công nghệ và máy móc của Trung
Quốc khi mà chúng chiếm tỷ trọng lớn, mang tính chi phối trong các yếu tố đầu
vào cho các hoạt động sản xuất và chế biến tại Việt Nam.
Trong bối cảnh ngày càng gia tăng phụ thuộc vào hàng hóa, nguyên vật liệu, thiết bị, và công nghệ với chất lượng của Trung Quốc, nhiều người cho rằng nếu không nhanh chóng “thoát Trung” thì sẽ có ngày Trung Quốc sử dụng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc làm công cụ khống chế Việt Nam. Và nếu không “thoát Trung” sớm thì con người và môi trường Việt Nam sẽ bị hủy hoại bởi hàng hóa của Trung Quốc. Ngoài ra, có “thoát Trung” thì người ta cho rằng Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận được với công nghệ và thiết bị tiên tiến trên thế giới...
Trước xu thế
“thoát Trung” này, điều rất cần là một sự tỉnh táo phân tích tình hình, tránh
chạy từ thái cực nọ sang thái cực kia một cách cực đoan, cảm tính.
Điều đầu tiên cần nhìn nhận rõ là Trung Quốc xấu chơi nhưng không có nghĩa là cần phải chấm dứt hoặc thu hẹp nhất có thể quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Ví dụ, với Nhật, đương nhiên Trung Quốc cũng chẳng tử tế gì hơn, nhưng thực tế là Nhật vẫn cứ phải duy trì mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc ở mức thậm chí rất lớn. Theo số liệu của JETRO, nhập khẩu của Nhật từ Trung Quốc đã đạt 189 tỷ đô la, và xuất khẩu đạt 145 tỷ đô la năm 2012 (Nhật nhập siêu 44 tỷ đô la từ Trung Quốc). Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Nhật, chiếm tới 19,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật năm 2012, tuy có giảm nhẹ từ mức 20,6% năm 2011 (và năm 2012 là năm duy nhất có tỷ lệ này thấp hơn 20% kể từ năm 2008).
Nhìn vào những con số trên, có thể thấy một nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ và kỹ thuật cao như Nhật mà vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc. Điều này đủ để nhận ra rằng tự thân trình độ và chất lượng “thường thường bậc trung” hoặc thấp của hàng hóa Trung Quốc không phải là cái cớ để “nghỉ chơi” với Trung Quốc.
Nếu có làm một phân tích tương tự như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thấy Trung Quốc là một trong những bạn hàng và thị trường đầu tư quan trọng nhất của Mỹ. Bởi vậy, tuy Mỹ có ngày càng khó chịu với Trung Quốc về mặt nào đó (và ngược lại) thì ít nhất về mặt kinh tế cả hai quốc gia vẫn (biết rằng) phải gắn bó với nhau, phụ thuộc lẫn nhau dài dài.
Điều cần nhìn nhận thứ hai là trừ khi có xung đột quân sự ở quy mô lớn đương nhiên làm đóng băng mọi quan hệ giao thương giữa hai nước, Trung Quốc không dại gì mà tự bắn vào chân mình khi tìm cách dùng các quan hệ thương mại và kinh tế với Việt Nam để kiềm tỏa Việt Nam, ví dụ bằng cách hạn chế xuất khẩu các nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành gia công, chế tạo tại Việt Nam.
Không nói làm gì đến những tư cách thành viên của các hiệp định đa phương (WTO, ASEAN+Trung Quốc) vốn không cho phép các thành viên muốn làm gì thì làm, Trung Quốc chắc chắn sẽ luôn phải nghĩ hai lần trước khi có ý định làm tổn hại đến dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc, đơn giản vì con số vài chục tỷ đô la kim ngạch thương mại giữa hai nước, chưa kể đến hàng trăm dự án đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam, hoàn toàn không phải là con số vô nghĩa để có thể dễ dàng bỏ qua. Ngược lại, quy mô đủ lớn của quan hệ kinh tế song phương này lại làm cho mọi mưu đồ dùng kinh tế để kiềm tỏa đối phương không dễ mà thực hiện được, đơn giản vì các chủ thể kinh tế ở 2 nước sẽ tìm ra được con đường đi thích hợp để gặp được nhau, hoặc gây áp lực lên thế lực cầm quyền.
Điều cần nhìn nhận thứ ba, chính người Việt Nam là nguyên nhân chính làm cho hàng hóa, thiết bị và công nghệ chất lượng thấp, độc hại của Trung Quốc lọt vào và khuynh đảo thị trường Việt Nam như hiện nay. Trong thế giới phẳng này, rõ ràng nhà cung cấp Trung Quốc không thể ép buộc nhà nhập khẩu Việt Nam phải nhập hàng Trung Quốc, nếu nhà nhập khẩu Việt Nam không muốn thế. Ở đây hầu như chẳng có chuyện ai lừa/ép được ai cả, mà là trên cơ sở tự nguyện.
Mức thu nhập thấp
của đại bộ phận người Việt Nam là một nguyên nhân để cho hàng hóa giá rẻ (đương
nhiên chất lượng thấp, độc hại) tràn vào Việt Nam, đáp ứng được những người có
túi tiền eo hẹp.
Trình độ và quy mô sản xuất của Việt Nam ở dạng thấp của thế giới, kèm với hạn chế về vốn và marketing, thì thiết bị và công nghệ của Trung Quốc là phù hợp do có giá rẻ, chi phí bảo dưỡng và phụ tùng thấp, dễ tiếp cận, giá thành thấp, dễ cạnh tranh được về giá...
Bản thân các bất
cập về pháp luật cũng như những yếu tố chính trị lại tạo điều kiện để cho công
nghệ và thiết bị, cũng như nhà thầu Trung Quốc chi phối nhiều lĩnh vực ở Việt
Nam. Ví dụ, quy định về đấu thầu thường làm cho các nhà thầu (Trung Quốc) thắng
thầu nhờ bỏ thầu giá rẻ nhất.
Ngoài ra, cũng có nghi ngờ về sự tiếp tay của một bộ phận quan chức với các doanh nghiệp Trung Quốc do các doanh nghiệp Trung Quốc không ngần ngại “đi đêm” để giành lấy việc làm ăn. Các dự án ODA của Trung Quốc, hay sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ tập trung trong một số lĩnh vực cũng là một lý do để sự hiện diện của (các yếu tố) Trung Quốc nhiều hơn mức bình thường trong những lĩnh vực này.
Ngoài ra, cũng có nghi ngờ về sự tiếp tay của một bộ phận quan chức với các doanh nghiệp Trung Quốc do các doanh nghiệp Trung Quốc không ngần ngại “đi đêm” để giành lấy việc làm ăn. Các dự án ODA của Trung Quốc, hay sự thỏa thuận giữa hai Chính phủ tập trung trong một số lĩnh vực cũng là một lý do để sự hiện diện của (các yếu tố) Trung Quốc nhiều hơn mức bình thường trong những lĩnh vực này.
Quan trọng không kém là đặc tính của nền kinh tế Việt Nam, vốn có ngành công nghiệp chế tạo mang tính gia công lớn, hầu như chỉ có sức lao động trong công đoạn lắp ráp, chế biến là phần giá trị thặng dư được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam, với nguyên vật liệu và đầu vào, đầu ra được khống chế bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Mà nhà đầu tư nước ngoài luôn tính toán bài toán chi phí và lợi nhuận, nên luôn tìm các nguồn cung với chi phí hạ nhất, tất nhiên phần lớn là từ Trung Quốc. Bởi vậy, nếu tìm cách “chặt” con đường thương mại bình thường này thì sẽ có nhiều nhà đầu tư phải tính lại bài toán chi phí và lợi nhuận trong việc đầu tư vào Việt Nam. Điều này cũng có thể có nghĩa là cùng với việc “thoát Trung”, Việt Nam sẽ không còn trong danh sách đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nữa trong cả ngắn và dài hạn (ít nhất hàng thập kỷ nữa).
Tóm lại, cần phải xác định rằng Việt Nam không hoàn toàn là “nạn nhân” về kinh tế của hoặc dưới bàn tay Trung Quốc. Có những yếu tố chủ quan và khách quan để dẫn đến tình trạng “lệ thuộc” (về kinh tế) vào Trung Quốc như hiện nay. Bởi vậy, việc “thoát Trung” trên cơ sở cực đoan, thành kiến sẽ chẳng mang lại mấy lợi ích, dù là trong dài hạn.
Điều quan trọng là phải biết “sống chung với lũ”, tìm cách khắc phục các mặt hại nảy sinh từ sự “lệ thuộc” này, ví dụ như phải xiết hàng rào về chất lượng hàng nhập khẩu, tăng kỷ cương pháp luật để hạn chế sự lũng đoạn của (doanh nghiệp) Trung Quốc trong những lĩnh vực đã nêu trên, tiếp tục tích cực hòa nhập với khu vực và thế giới qua các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương để đa dạng hóa thị trường, nguồn cung, nguồn đầu tư, qua đó biến cả Việt Nam và Trung Quốc thành những thực thể kinh tế ngày càng phụ thuộc vào nhau và với các quốc gia khác trong một chuỗi mắt xích của phân công lao động toàn cầu không thể tách rời ra và/hoặc “ăn hiếp” nhau được.
Em đồng tình với quan điểm của bác, phải sống chung với lũ (cọp) thôi, vì Trung nó ở sát nách mình, trước sau gì cũng phải đụng chạm nhau. Vấn đề là phải tìm cách khéo léo để cả 2 bên đều có lợi, chung sống hòa bình. Tuy điều này quả rất khó, nhưng chúng ta phải suy nghĩ tìm giải pháp thích hợp.
ReplyDeleteBác có thể phân tích thêm về việc VN còn phụ thuộc rất lớn vào điện năng của Trung Quốc, và VN phải chia sẻ điện cho 2 nước Lào, Campuchia,... dẫn đến điện năng của VN vẫn thiếu dài dài.
Đồng chí có trách nhiệm phải thuyết phục các đồng chí chính quyền với chuyên gia, không thì sẽ có một làn sóng bài Tầu nữa lắm. Tớ sợ.
Delete