Thoạt nghe tưởng là chuyện đùa, vậy mà người lao động ở Việt Nam hiện nay lại sợ được tăng lương!
Ngày 6/8 vừa
qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu
khối doanh nghiệp lên 15,1% so với năm 2014 để trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định.
Phản ứng với
tin tức tưởng như tốt lành này, báo chí đã đưa tin không ít người lao động bày
tỏ nguyện vọng “xin” nhà nước đừng tăng lương! Lý do chung được đưa ra là lương
được tăng lên một ít nhưng giá cả “té nước theo mưa” tăng lên còn nhiều hơn,
càng làm cho đời sống công nhân khốn khó hơn. Một số người lao động khác thì
cho rằng tăng lương tối thiểu chỉ làm tăng gánh nặng đóng bảo hiểm xã hội, vì
mức đóng bảo hiểm xã hội họ phải đóng hàng năm đều tăng lên về tỷ lệ và lại dựa
vào mức lương tối thiểu, trong khi thu nhập của họ dựa vào hệ số nhân với lương
cơ bản (1,150 triệu đồng), là thứ không đổi, nên quy ra thu nhập vào tay họ
hàng tháng lại giảm đi.Thực ra, những lý do trên nếu được viện dẫn ra để phản đối tăng lương tối thiểu thì hơi... oan cho (việc tăng) lương tối thiểu. Cụ thể, lương tối thiểu hiện nay, kể cả có được tăng như đề xuất thì vẫn được thừa nhận là thấp hơn mức đảm bảo cho người lao động một mức sống tối thiểu. Như thế, nếu cứ chiểu theo quy luật cung cầu thì có lẽ chỉ có một rất ít ngành, bộ phận doanh nghiệp, vẫn trả lương bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu cho một bộ phận công việc, một bộ phận lao động ở một số nơi nào đó. Trong khi đó, lương thực tế của người lao động đa phần hoặc là dựa vào lương cơ bản nhân với hệ số nào đó hoặc là được trả theo công việc, theo sản phẩm, lương khoán do thị trường quyết định và thường cao hơn lương tối thiểu (đơn giản vì không ai đi làm trong một thời hạn đủ lâu mà chỉ để hưởng một mức lương chết đói). Vì vậy, nếu có một bộ phận nào đó được tăng lương thực tế do tăng lương tối thiểu thì số này chỉ như muối bỏ bể, không thể gây ảnh hưởng lớn đến cung-cầu hàng hóa và thu nhập làm giá cả tăng “té nước theo mưa” như nhiều người vẫn quy kết.
Ngoài ra, phần tiền lương tăng thêm này là do doanh nghiệp trả, trích từ lợi nhuận hoặc chi phí hoạt động của họ, chứ không phải xin/lấy từ ngân sách để rồi nghĩ rằng nhà nước in tiền để trả lương, làm tăng lạm phát (vì cung tiền tăng). Có chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó giữa thời điểm tăng lương với sự tăng lên của giá cả ở một số nơi, một số mặt hàng nên làm cho người lao động có ấn tượng rằng hễ cứ tăng lương là giá cả sẽ tăng theo.
Về chuyện thu nhập ròng giảm đi sau đóng bảo hiểm do tiền lương tối thiểu tăng cũng tương tự. Đúng là thu nhập còn lại của người lao động sau đóng bảo hiểm giảm đi, nhưng phần đóng góp bảo hiểm này không bị ai lấy đi mất, mà nó là cơ sở để tính lương hưu và các chế độ phúc lợi khác cho người lao động sau này. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng mặc dù hiểu được nguyên tắc trích nộp bây giờ càng nhiều thì sau này hưởng càng nhiều nhưng nhiều người lao động vẫn muốn cầm ngay tiền trong tay để chi cho đủ thứ nhu cầu cấp thiết trước mắt mà không muốn đợi đến một ngày nào đó xa xôi.
Xét như trên
thì có thể nói tăng lương tối thiểu là vô hại với đa phần người lao động hiện
nay. Nhưng ngược lại, liệu lương tối thiểu và tăng lương tối thiểu có cần
thiết?
Lương tối thiểu
thường được nhiều nước quy định nhằm đảm bảo cho người lao động không bị giới
chủ bóc lột đến mức phải sống một cuộc sống dưới mức tối thiểu, cơ bản. Trở lại
với ví dụ trên, sẽ có thêm một bộ phận người lao động ở Việt Nam đang được
hưởng mức (bằng hoặc thấp hơn) lương tối thiểu, dù có thể là không đáng kể,
được hưởng lợi nhờ tăng lương tối thiểu.Tuy nhiên, lương tối thiểu nhiều lúc sẽ làm cho thị trường lao động xơ cứng, kém linh hoạt, không kịp điều chỉnh kịp thời với những diễn biến về cung và cầu lao động. Chẳng hạn, khi thị trường lao động nóng lên, tức công ăn việc làm dồi dào do nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, thì sẽ có ít nhà tuyển dụng dám trả cho người lao động một mức lương dưới hoặc bằng mức cơ bản nếu không muốn đánh mất nhân công. Nói cách khác, trong trường hợp này, quy định lương tối thiểu (và tăng lương tối thiểu) là không cần thiết vì thị trường tự điều chỉnh được.
Ngược lại, khi nền kinh tế trầm lắng, thất nghiệp có xu hướng gia tăng, tiền lương cơ bản, đặc biệt nếu được xác định ở mức khá cao như khi nền kinh tế vẫn còn thịnh vượng, sẽ là rào cản để tạo thêm công ăn việc làm, để giới làm thuê gặp được giới chủ vì lúc này giới chủ phải tính toán và cắt giảm tối đa chi phí, trong đó có chi phí nhân công, để tồn tại và cạnh tranh được. Trước áp lực thất nghiệp và nghèo đói, nhiều người lao động sẵn sàng chấp nhận một mức lương thấp hơn cả lương tối thiểu. Như thế cũng có nghĩa là lương tối thiểu (và tăng lương tối thiểu) là không cần thiết trong hoàn cảnh này.
Mặt khác, như thừa nhận của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu (sau tăng) vẫn thấp hơn mức/nhu cầu sống tối thiểu. Giải thích chuyện này, hội đồng cho rằng cần phải có một lộ trình tăng lương tối thiểu nhằm đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng mục đích này vẫn có thể đạt được bằng cách xây dựng và công bố mức/nhu cầu sống tối thiểu hiện nay (và cơ chế điều chỉnh nó theo thời gian, vì những lý do chẳng hạn như lạm phát) và thông báo trước cho giới doanh nghiệp lộ trình cụ thể năm nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu này, mà không cần phải áp dụng “thí điểm” một mức lương tối thiểu “lửng lơ” ngay từ bây giờ chỉ nhằm để làm cho giới chủ “quen” với sự tăng lên theo lộ trình của lương tối thiểu.
Và hiện tại, với những người lao động đang bị trả lương ở mức tối thiểu (tức thu nhập quá thấp, có thể xác định thuộc diện nghèo) thì có thể giải quyết thông qua những biện pháp trợ cấp xã hội khác, chứ không sợ bị xã hội bỏ mặc.
Tóm lại, lương
tối thiểu không phải là điều nhất thiết phải có. Và tăng lương tối thiểu như hiện
nay nếu có thì chỉ gây ra một tác động tích cực hạn chế đến một bộ phận thiểu
số người lao động, trong khi sẽ là một cái vòng kim cô trên thị trường lao động,
ngăn không cho cung và cầu lao động tự do gặp nhau. Còn nếu vẫn muốn áp dụng
lương tối thiểu và tăng lương tối thiểu thì chỉ nên làm vậy khi đã có mức sống
tối thiểu/cơ bản theo lộ trình một thời gian sau này.
Bài náy bác viết đúng. Việc tăng lương tối thiểu là vô ích và lợi bất cập hại. Thay vì tăng lương tối thiểu, nên yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo bữa ăn trưa / giữa ca tối thiểu cho công nhân, xây khu giữ trẻ tại chỗ cho gia đình công nhân, hỗ trợ nhà ở cho công nhân...
ReplyDeleteLâu lâu mới được câu khen, tỉnh cả người!
DeleteĐúng thì nói đúng, hay thì phải khen chứ bác. Bài này bác viết chính xác! Không chỉ người lao động sợ tăng lương mà những người dân khác cũng sợ, vì chuyện tăng giá gần như là chắc chắn...
Delete