Mới đây nhất,
TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cũng một lần nữa phủ nhận nỗi hoài nghi về chỉ tiêu GDP
khi cho rằng TCTK đã áp dụng các khái niệm, nguyên tắc, nguồn thông tin và
phương pháp tính GDP theo đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia của thống
kê Liên hợp quốc. Ông cũng cho biết thêm rằng trước đây những năm 90, hàng năm
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu
Á (ADB) đến Việt Nam kiểm tra nguồn thông tin và phương pháp tính chỉ tiêu GDP
do TCTK thực hiện và các tổ chức này đều khẳng định phương pháp
tính của thống kê Việt Nam theo đúng phương pháp của thống kê Liên hợp quốc. Hiện
nay họ không đặt vấn đề kiểm tra đối với thống kê Việt Nam mà hoàn toàn tin tưởng,
sử dụng số liệu GDP do TCTK
tính toán và công bố.
Khách quan mà nói, lý giải như trên vẫn sẽ là chưa đủ để
thuyết phục dư luận. Việc có phương pháp và quy trình đúng, và “làm đúng quy
trình” cũng không luôn đảm bảo cho kết quả đúng, như kỳ vọng! Có lẽ dư luận
hoài nghi về tính chính xác trong tính toán GDP của TCTK không phải xuất phát
chủ yếu từ sự hoài nghi vào phương pháp và quy trình tính toán mà TCTK đang sử
dụng hiện nay. Họ hoài nghi về sự “bẻ cong” số liệu vì một số lý do khách quan
hoặc chủ quan nào đó.
Minh họa dễ thấy nhất về chất lượng tính toán GDP là ở
con số GDP do các tỉnh tự tính toán, mà TCKT gọi là tổng sản phẩm trên địa bàn
(GRDP). Rất thường xuyên là nếu cộng dồn GRDP của tất cả các địa phương trong cả
nước thì con số GDP gộp này sẽ lớn hơn nhiều con số GDP cả nước do TCTK công bố.
TCTK đã phải thừa nhận tình trạng này, và quy cho rằng do bệnh thành tích của
các địa phương, hoặc do khó khăn khi áp dụng nguyên tắc “đơn vị cơ sở thường
trú”, hoặc do vấn đề về số liệu ở cấp doanh nghiệp.
Điều đáng nói là ông Lâm cũng khẳng định rằng các địa
phương đã áp dụng thống nhất cách tính chỉ tiêu GRDP theo hướng dẫn của TCTK.
Nhưng thực tế trên đã cho thấy dù phương pháp và quy trình có đúng mấy thì vẫn
kết quả vẫn có thể sai như thường!
Bởi vậy, suy ngược ra, ngay bản thân con số GDP cả nước
do TCTK công bố cũng vẫn có khả năng không chính xác, không bởi vì phương pháp
và quy trình sai, mà có thể bởi chất lượng công tác thu thập và xử lý dữ liệu
ngay từ địa phương. Ông Lâm cho biết rằng hiện
nay, TCTK trực tiếp tính chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế chứ không dựa
trên cơ sở cộng đơn thuần số liệu GRDP của các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương. Như vậy điều này cũng có nghĩa là trước đây TCTK rất có thể
đã tính GDP cả nước dựa trên GRDP vốn là cái đã bị bóp méo. Bởi thế, suy diễn về
khả năng không chính xác của GDP do TCTK tính toán không phải là không có cơ sở.
Một lý do nữa càng làm tăng tính hoài nghi vào chất lượng
tính toán GDP của TCTK đến từ việc TCTK hồi năm ngoái điều chỉnh tăng quy mô
giá trị tăng thêm của hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà ở tự có của dân cư.
Câu hỏi đặt ra là nếu đúng như TCTK nói, rằng đã áp dụng thống nhất khái niệm,
nội dung, phương pháp tính hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 của Liên hiệp
quốc để biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP), thì tại sao TCTK lại
phải “điều chỉnh” như vậy?
TCTK lúc đó có lý giải rằng trong quá trình điều tra thu
thập thông tin, xử lý, biên soạn và phân tích số liệu GDP từ phương pháp sản xuất
và phương pháp sử dụng, họ nhận thấy hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có tự
ở của dân cư chưa được phản ánh đầy đủ
trong GDP. Điều này có nghĩa là mặc dù đã có quy trình và “làm đúng quy
trình” nhưng từ trước đến năm 2012 hóa ra TCTK vẫn tính sai GDP!
Và cuối cùng, một lần nữa TCTK gián tiếp thừa nhận vấn đề
chất lượng tính toán GDP của mình khi trả lời câu hỏi làm gì để nâng cao chất
lượng các chỉ tiêu thống kê. TCTK cho biết sẽ nâng cao chất lượng thu thập, xử
lý, tổng hợp số liệu thống kê; “đề nghị” các đơn vị sản xuất kinh doanh, các
đơn vị hành chính sự nghiệp và hộ dân cư cung cấp thông tin đúng thực trạng sản
xuất kinh doanh, đảm bảo thời gian; kêu gọi các bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến
chia sẻ thông tin cho TCTK; tiếp tục hoàn thiện bộ tổ chức bộ máy thống kê từ
Trung ương xuống địa phương; nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm
và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chức làm công tác thống kê; và đặc biệt,
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng trong từng công
đoạn của hoạt động thống kê v.v...
Với một loạt đầu công việc cần phải làm như thế này thì
có thể suy ra hiện đang có rất nhiều vấn đề trong công tác thống kê nói chung
và tính toán GDP nói riêng!
No comments:
Post a Comment