Vietnam Airlines (VNA) đã được lên kế hoạch cổ phần hóa
và IPO trong thời gian tới đây. Xung quanh việc này, có 3 điểm chính thu hút sự
quan tâm của dư luận, đó là việc nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối sau
cổ phần hóa (75% thời gian ban đầu, sau đó có thể giảm dần xuống nhưng không dưới
65%); việc VNA kiến nghị được giữ lại thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương
ứng với phần vốn của nhà nước; và việc VNA đề nghị được nhà nước tiếp tục duy
trì bảo lãnh cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Với điểm thứ nhất, lý giải nguyên nhân nhà nước tiếp tục
nắm giữ cổ phần chi phối trong VNA sau cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải
(GTVT) cho biết VNA có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động bay cũng như đảm bảo phục
vụ quốc phòng, an ninh. Làm thế nào chăng nữa, sau cổ phần hóa phải đảm bảo được
VNA là một thương hiệu mạnh. Đây là một tổng công ty lớn, mang hình ảnh, mang
thương hiệu quốc giá tới bạn bè quốc tế. VÌ thế, việc nhà nước nắm giữ cổ phần
chi phối không có gì lạ, để đảm bảo quyền được phủ quyết.
Lý do này xem ra không thuyết phục. Bộ GTVT nói như vậy
có nghĩa đánh đồng việc sở hữu nhà nước (chiếm tỷ lệ chi phối) trong VNA với
thương hiệu mạnh, và tức là tính hiệu quả và chất lượng cũng như số lượng dịch
vụ mà VNA có thể cung cấp cho khách hàng. Nếu chỉ đơn giản như vậy thì, về
logic, tốt nhất nhà nước không nên cổ phần hóa VNA, mà hãy giữ rịt lấy doanh
nghiệp này (sở hữu 100%) để đỡ phải chia sẻ quyền phủ quyết với bất cứ ai, để đảm
bảo có được một "thương hiệu quốc gia mạnh"! Nhưng tự thân việc phải
đưa VNA ra để cổ phần hóa cho thấy doanh nghiệp này đang hoạt động không hiệu quả, chưa xứng đáng là một thương hiệu
quốc gia mạnh, và/hoặc chưa có số lượng và chất lượng dịch vụ cần thiết với tư
cách là một hãng hàng không quốc gia.
Nói cách khác, khi đã đặt vấn đề cổ phần hóa VNA tức là
người ta đã nghĩ rằng chỉ có sự tham gia của các cổ đông phi nhà nước mới có thể
giúp VNA hoạt động khởi sắc, và sự tham gia của cổ đông nhà nước trong các quyết
định liên quan đến hoạt động kinh doanh của VNA càng giảm thiểu càng tốt, vì sự
có mặt của chủ sở hữu nhà nước từ trước đến nay trong hoạt động của VNA có thể
nói là thất bại, hoặc nói một cách nhẹ nhàng hơn, không hiệu quả. Khi đã nghĩ
được như vậy rồi thì cần giảm thiểu cổ phần của nhà nước trong VNA, chứ không
nên khăng khăng đòi giữ ít nhất 65% cổ phần để được quyền bắt cổ đông khác phải
nghe mình.
Điểm không thuyết phục tiếp theo trong lý do trên của Bộ
GTVT là quan niệm đã là hãng hàng không mang thương hiệu quốc gia (hãng hàng
không quốc gia) thì nhất thiết nó phải thuộc sở hữu nhà nước hoặc chí ít thì
nhà nước phải nắm sở hữu chi phối. Trên thế giới có nhiều nước có các hãng hàng
không quốc gia thuộc sở hữu tư nhân. Chẳng hạn, theo Wikipedia, các hãng hàng
không lớn trên thế giới như Pan Am, TWA,
Cathay Pacific, Union de Transports Áeriens, Canadian Pacific Airlines, và
Olympic Airlines v.v... đều là các hãng thuộc sở hữu tư nhân, mặc dù phần lớn
chúng được coi là hãng hàng không quốc gia, với cái nghĩa là "hãng hàng
không chính của quốc gia" và là biểu trưng cho sự hiện diện của quốc gia
đó ở nước ngoài. Trong danh sách các hãng hàng không quốc gia trên thế giới mà
Wikipedia liệt kê, có nhiều hãng hàng không quốc gia hoặc không có sở hữu nhà
nước, hoặc sở hữu nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ không chi phối.
Cũng chính từ thực tế này (nhiều hãng hàng không quốc gia
thuộc sở hữu tư nhân) cho thấy việc gắn sở hữu nhà nước với những vấn đề như
thương hiệu/hình ảnh quốc gia, và to chuyện hơn, các vấn đề liên quan đến quốc
phòng, anh ninh chỉ là một sự khiên cưỡng, quan trọng hóa vấn đề. Cụ thể hơn, vấn
đề đảm bảo quốc phòng, an ninh (quốc gia) chắc chắn không phải là quả bóng nằm
dưới chân các hãng hàng không dân dụng, mà là trách nhiệm của các cơ quan quản
lý nhà nước trong việc đề ra các quy định, luật lệ và chế tài để buộc các hãng
hàng không, bất kể là hãng hàng không quốc gia hay phi quốc gia, phải tuân thủ
nghiêm ngặt.
Chuyển sang điểm thứ hai và thứ ba, VNA kiến nghị được giữ
lại thặng dư vốn sau phát hành thêm cổ phần và tiếp tục được duy trì bảo lãnh.
Tất nhiên là đằng sau những kiến nghị này luôn có những lý do mà người trong cuộc
đưa ra để hợp thức yêu cầu của mình, và chúng có thể nghe rất hợp lý, chính
đáng. Nhưng đứng từ góc độ pháp lý, những hành động đòi ưu đãi này là những ngoại
lệ, hầu như không được phép trong các văn bản luật hiện hành, ngoài sự cho phép
phá cách của chính phủ. Điều đáng nói là với VNA là như vậy, còn những doanh
nghiệp nhà nước khác, nhất là những doanh nghiệp lớn, khi cổ phần hóa thì sẽ
như thế nào? Chắc chắn là họ sẽ "noi gương" VNA để đòi hỏi những quyền
lợi, những ưu đãi cho riêng mình mà bất chấp những quy định hiện hành của pháp
luật. Và rồi thì chính phủ cũng rất có thể lại phải theo tiếp cuộc chơi, tiếp tục
đáp ứng những đòi hỏi này (và với lý do rất xác đáng, tất nhiên).
Chưa nói đến chuyện gây ra bất bình đẳng trong đối xử với
các doanh nghiệp khác, việc cho phép và đáp ứng những đòi hỏi ưu đãi như trên sẽ
là một tiền lệ nguy hiểm để các doanh nghiệp nhà nước khác, đặc biệt là những
doanh nghiệp lớn, có sức ảnh hưởng mạnh đến giới làm chính sách, "mặc cả"
với nhà nước trước khi bắt tay vào thực hiện cổ phần hóa. Và sẽ không lấy gì
làm lạ nếu có doanh nghiệp nhà nước nào đó lấy lý do là sẽ gặp khó khăn, hoăc bị
thiệt hại to lớn sau cổ phần hóa (thực chất là nhà nước không đáp ứng những đòi
hỏi không hợp pháp, hơp lý của họ) nên nói không với cổ phần hóa, hoặc lấy đó
làm cớ để dây dưa, chậm chễ, trì hoãn cổ phần hóa, một vấn đề vốn đã và đang
không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió như ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo.
Ý tưởng không mới, nhưng bài này viết được!
ReplyDeleteHay!
ReplyDelete