Tuy nhiên, nếu khách quan mà nhìn nhận thì tình hình không hẳn hoàn toàn tích cực như vậy.
Thứ nhất, xét về việc sáp nhập và mua lại một số ngân hàng mà được cho rằng không phải dùng đến ngân sách nhà nước. Trong báo cáo Báo cáo “Tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Thống đốc NHNN cho biết “NHNN đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng vốn điều lệ; sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD để vừa xử lý TCTD yếu kém vừa tăng quy mô và năng lực tài chính”. Không rõ sự “tạo điều kiện” của NHNN ở đây cụ thể là gì, như thế nào, nhưng rõ ràng các TCTD đã không thể tăng vốn điều lệ nếu NHNN không “tạo điều kiện”. Nói cách khác, vì tiền không tự “mọc” ra nên tiền để tăng vốn điều lệ của các TCTD chắc chắn có một phần là từ hoặc liên quan đến NHNN. Mà nếu vậy thì cũng khó mà nói rằng sáp nhập, hợp nhất, mua lại các ngân hàng yếu kém đã hoàn toàn không dùng đến ngân sách. Tương tự vậy với biện pháp mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng, khi NHNN tiết lộ đã phải “đưa ra” 40.000 tỷ đồng chỉ riêng cho vụ mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng.
Trên hết, cho dù quả thật NHNN đã không phải dùng đến ngân sách nhà nước để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng như vừa qua, nhưng mặt khác NHNN thừa nhận: “Quan điểm không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ và sự bền vững của quá trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu” và từ đó đề xuất lên Thủ tướng 4 nhóm cơ chế hỗ trợ cho các TCTD thực hiện tái cơ cấu hoặc tham gia tái cơ cấu. Trong 4 nhóm cơ chế hỗ trợ này có hỗ trợ tài chính, là cái có liên quan trực tiếp hoặc gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Kể cả nhóm cơ chế hỗ trợ kỹ thuật thì cũng ít nhiều liên quan đến ngân sách khi phải đài thọ cho việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo. Đó là chưa kể đến nhóm các cơ chế hỗ trợ “đặc thù” theo đề nghị của TCTC mà rất có thể là một đòi hỏi về ưu ái, đối xử đặc biệt làm lợi riêng cho TCTD đó. Ngoài ra, nhóm cơ chế hỗ trợ về chính sách (cùng với nhóm cơ chế “đặc thù”), ví dụ như miễn giảm một số điều kiện khi cấp phép mở rộng mạng lưới và hoạt động kinh doanh, cho phép giãn lộ trình thực hiện kiến nghị thanh tra... về thực chất là những nới lỏng quản lý nhà nước với các TCTD này, đồng nghĩa với việc tăng mức độ rủi ro, dễ tổn thương cho hệ thống ngân hàng nói chung. Nói cách khác, công cuộc tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở mặt cơ học khi giảm bớt số lượng ngân hàng yếu kém mà chưa giải quyết được thực chất những vấn đề tồn tại trong hệ thống ngân hàng để từ đó có thể hy vọng củng cố được sức khỏe của cả hệ thống.
Thứ hai, về thành
tích hạ lãi suất. Đúng là lãi suất đã được hạ đáng kể từ mức rất cao của những
năm 2011-12 xuống như hiện nay. Nhưng đây không hoàn toàn là “công lao” của
NHNN khi lãi suất đã giảm theo đà giảm của lạm phát cũng từ mức rất cao đến
trên 20%/năm xuống còn 1 con số như hiện tại. Mà lạm phát giảm có một phần
khách quan đáng kể là do giá cả thế giới đã tụt giảm trong vài năm nay. Hơn nữa,
nếu xét theo quan hệ với lạm phát, việc lãi suất tuy đã giảm mạnh so với các
năm 2012-13 nhưng vẫn tiếp tục neo ở mức rất cao trong năm 2015 này so với lạm
phát cực thấp như hiện nay và kể cả so với lãi suất của năm 2014, chứng tỏ lãi
suất vẫn còn là “thành công dang dở”.
Thứ ba, xét về
thành tích giảm nợ xấu. Vấn đề này thực ra đã được chỉ rõ trong nhiều phân tích
cho thấy nợ xấu giảm chỉ là trên danh nghĩa vì phần lớn mới chỉ được “gạt” ra
khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng để rồi chui vào “kho” của VAMC, với
chỉ một phần nhỏ trong số này được VAMC thanh lý, xử lý dứt điểm. Sự bế tắc của
“sáng kiến” VAMC được thể hiện rõ ở việc NHNN lại kiến nghị với Quốc hội, với
Chính phủ có cơ chế “đặc thù” cho VAMC để nó hoạt động hiệu quả hơn như theo
thiết kế ban đầu. Ngoài ra, một phần đáng kể nợ xấu cũng được “xử lý” theo kiểu
khoanh nợ, treo nợ, trong đó có các món nợ của Vinashin và Bianfisco, góp phần
làm đẹp con số nợ xấu tổng thể, trong khi về cơ bản thì vẫn vậy.Thứ tư, xét về sức khỏe của hệ thống ngân hàng nói chung trên một số chỉ tiêu rất hữu hạn mà NHNN công bố. Theo các thông tin công bố trong “Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của ngành ngân hàng”, tài sản có và vốn (điều lệ, tự có) vẫn tăng hàng năm, và đây là điều hiển nhiên khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng ở mức khá. Nhưng xét về yếu tố sinh lời thì toàn ngành đang trên đà sa sút. Nếu như chỉ tiêu ROA và ROE vào tháng 10/2012 lần lượt là 0,62% và 6,31% thì chúng tụt giảm xuống còn lần lượt là 0,51% và 5,49% vào tháng 10/2014 và thấp hơn nữa, lần lượt là 0.32% và 3,54% vào tháng 9/2015. Ngược lại, mức độ rủi ro, được phản ánh qua tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, lại đang trong chiều hướng tăng lên, với con số tương ứng vào các thời điểm 10/2012, 10/2014 và 9/2015 lần lượt là 17,36%, 19,42%, và 28,48%.
Bản thân sức khỏe của NHNN tuy không được tiết lộ nhưng có thể phần nào nhận biết qua những chỉ tiêu như dự trữ ngoại hối. Báo chí trong nước cho thấy dự trữ ngoại hối của NHNN đã có thể tụt giảm nhiều tỷ USD từ con số 37 tỷ USD và 10 tấn vàng tính đến tháng 7/2015 (theo NHNN) do can thiệp ổn định tỷ giá thời gian qua. Lưu ý rằng bản thân con số 37 tỷ USD và 10 tấn vàng này cũng đã thấp hơn con số dự trữ ngoại hối cần có (tương đương 12 tuần nhập khẩu) để đạt được mức an toàn tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, tuy NHNN vẫn tiếp tục cam kết sẵn sàng bán ra ngoại tệ để bình ổn tỷ giá thì không những sức nặng của lời cam kết này đã suy giảm nhiều mà mức độ rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ tăng lên khi quỹ dự trữ ngoại hối đã mỏng lại càng mỏng hơn nữa.
No comments:
Post a Comment