Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ 2013 đến 15/9/2015, Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã thực hiện mua được 210.717 tỷ đồng nợ xấu theo giá sổ sách, nhưng chỉ thu hồi nợ được 13.320 tỷ đồng. NHNN thừa nhận, so với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân, theo NHNN, là do VAMC đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý và thủ tục, cũng như nguồn vốn “tiền tươi thóc thật” còn hạn hẹp... Bởi vậy, NHNN kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu hoặc một bộ luật về xử lý nợ xấu có giá trị trong quá trình xử lý nợ xấu từ 3 đến 5 năm.
Như vậy, tuy được biết đến và ca ngợi là sáng kiến độc đáo, là giải pháp
sáng tạo của Việt Nam do không dùng đến ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng xem ra
VAMC đang gặp bế tắc lớn và cần phải có những cơ chế và ưu ái đặc biệt vượt
trên các khuôn khổ luật lệ và quy định pháp lý hiện hành để nó có thể tồn tại
và thực hiện tốt được chức năng theo thiết kế là mua về và xử lý hữu hiệu nợ xấu
của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo yêu cầu của NHNN thì sẽ phải đối mặt mấy vấn
đề về nguyên tắc và pháp lý như sau. Thứ nhất, nếu mục đích theo thiết kế ban đầu
là xử lý nợ xấu mà không cần đến, không gây tổn thất cho ngân sách thì những giải
pháp như cấp và tăng thêm vốn điều lệ (từ 500 tỷ đồng lên mức đề xuất là 2.000
tỷ đồng hoặc hơn) trước tiên đã phá vỡ cam kết không dùng đến ngân sách, và nếu
được chấp thuận một lần thì rất có thể sẽ phải chấp thuận cho tăng vốn những lần
sau với lý do là nếu không tăng thì không đủ năng lực để xử lý nợ xấu. Cứ như vậy
thì dần dần VAMC sẽ trở thành một cái lỗ đen hút ngân sách trong khi hiệu quả
thì chưa và chẳng có gì đảm bảo.
Thứ hai, nếu ưu ái cho VAMC những cơ chế và ưu đãi thì tạo ra một bất
công lớn với các tổ chức quản lý tài sản (AMC) khác, của các ngân hàng thương mại,
của Bộ Tài chính. Chắc chắn các AMC này cũng đã và đang phải đối mặt với các vấn
đề mà VAMC đang đối mặt, vậy mà họ không (thể) kêu ca, phàn nàn, hoặc có thì
cũng không ai để ý, tạo điều kiện như với VAMC. Điều này là đặc biệt nguy hiểm
khi những ràng buộc quốc tế trong đối xử tối huệ quốc, đối xử bình đẳng quốc
gia v.v... trong ngành tài chính mà Việt Nam đã cam kết, đặc biệt là TPP, cho
phép nhà đầu tư, các công ty phi nhà nước trong và ngoài nước kiện Chính phủ ra
tòa vì đã phân biệt đối xử, và có khả năng Chính phủ sẽ thua cuộc, buộc phải bồi
thường thiệt hại cho nguyên đơn.
Thứ ba, nếu ưu ái riêng cho VAMC thì sẽ vô hình trung lãng phí một lực lượng
xử lý nợ xấu lớn, chính là các AMC nói trên. Các AMC này ra đời cũng với cùng một
sứ mệnh là để xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước,
nhưng lại được trao ít công cụ và quyền lực hơn VAMC kể cả trước khi VAMC được
trao thêm ưu ái sau này. Nếu là vì mục đích để tăng cường xử lý để giảm nợ xấu
trong hệ thống ngân hàng thì tại sao lại không trao thêm quyền lực và cơ chế
tương tự như với VAMC cho các AMC? Phải chăng khác biệt và là nguyên nhân duy
nhất ở đây chỉ là vì VAMC là “con đẻ” của NHNN? Tóm lại, để tránh những khả năng bị kiện cáo, đồng thời huy động được mọi nguồn lực hiện có và sẽ có mà không động chạm gì đến hay gây tổn thất cho ngân sách nhà nước, tốt nhất là hãy tạo ra một sân chơi bình đẳng và thuận lợi hơn cho tất cả các tổ chức xử lý nợ xấu hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam, tương tự như những gì sẽ trao cho VAMC.
No comments:
Post a Comment