Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây trong một động thái khá bất ngờ đã tuyên bố thẳng thừng rằng một đồng đô la yếu (trong ngắn hạn) là có lợi cho thương mại và nền kinh tế của Mỹ. Ngay lập tức, đô la Mỹ đã suy yếu thêm trên các thị trường ngoại hối quốc tế khi thị trường tin rằng Mỹ đang tìm cách làm yếu đồng đô la Mỹ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Một mắt xích trong chiến lược tổng thể
Tuyên bố của ông Mnuchin là hoàn toàn trái ngược với truyền thống ủng hộ một đồng đô la mạnh của nhiều đời bộ trưởng tài chính nước này kể từ thời ông Robert Rubin. Nhưng nhìn trong tổng thể, tuyên bố của ông Mnuchin là một hành động nhất quán, có tính bổ trợ cho chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump được thực hiện qua các hành động bảo hộ thương mại, mà mới đây nhất là thuế chống phá giá lên máy giặt và tấm pin mặt trời nhập khẩu vào Mỹ. Ông Mnuchin còn cho biết là tới đây Mỹ sẽ áp đặt thêm các biện pháp bảo hộ mới trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, thép và nhôm.
Đồng đô la suy yếu sẽ một mặt hỗ trợ thêm cho xuất khẩu của Mỹ ra thế giới, mặt khác tăng thêm tác động bất lợi cho hàng hóa của các nước khác xuất khẩu vào Mỹ, bên cạnh các hàng rào bảo hộ thương mại mới và sẽ tiếp tục được áp đặt.
Tuy nhiên, ông Mnuchin cũng rất khôn khéo khi xoa dịu dư luận quốc tế bằng việc "thòng" thêm một cầu rằng "Điều gì tốt cho Mỹ thì cũng sẽ tốt cho phần còn lại của thế giới vì chúng tôi là một trong những đối tác (thương mại) lớn nhất thế giới, một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất….Chúng tôi mở cửa cho kinh doanh."
Tác động đến Việt Nam
Chủ trương, nếu có, để đồng đô la Mỹ suy yếu ít nhất là trong ngắn hạn của giới chức Mỹ trước tiên là rất thuận lợi cho chính sách duy trì ổn định tỷ giá tiền Đồng (VND/USD) mặc định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Vì tiền đồng được "neo" danh nghĩa vào đô la Mỹ nên khi đô la Mỹ suy yếu với nhiều bản tệ khác trên thế giới thì tiền Đồng, về nguyên tắc, cũng suy yếu so với nhiều bản tệ khác. Điều này làm lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, và, ngược lại, gây bất lợi cho nhập khẩu vào Việt Nam. Với tác động tích cực lên thương mại của Việt Nam như vậy, sự "neo" tỷ giá danh nghĩa VND/USD sẽ không chịu nhiều áp lực phải điều chỉnh ít nhất là trong ngắn hạn, chừng nào đồng đô la Mỹ còn tiếp tục chịu áp lực suy yếu. Diễn biến này là ngược lại với trước đây khi đô la Mỹ có xu hướng tăng giá mạnh so với hầu hết các bản tệ trên thế giới, kéo theo sự lên giá danh nghĩa của tiền Đồng so với các bản tệ này, gây tác động bất lợi cho thương mại Việt Nam và, do đó, làm tăng áp lực phá giá tiền Đồng để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Cần lưu ý rằng sự "neo" tiền Đồng vào đô la Mỹ trong khi đô la Mỹ suy yếu với các bản tệ khác, về lý thuyết, sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa do Việt Nam sản xuất so với hàng hóa của các nước đối tác khác ngoài Mỹ trên các thị trường xuất khẩu thế giới, trong đó có Mỹ. Vì tỷ giá VND/USD là ổn định nên sức cạnh tranh của hàng hóa do Việt Nam sản xuất sẽ không thay đổi trong tương quan với hàng hóa do Mỹ sản xuất. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ dành thêm thị phần xuất khẩu vào Mỹ từ các đối thủ không phải ở Mỹ mà là đối thủ khác ngoài Mỹ (nếu họ không kịp thời điều chỉnh tỷ giá bản tệ của mình, với giả thiết các điều kiện khác không thay đổi).
Ngược lại, hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ sẽ không có thêm hậu thuẫn gì từ đồng đô la suy yếu, trong khi nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước đối tác khác sẽ suy giảm do tiền Đồng suy yếu so với các bản tệ của các nước này (khi các điều kiện khác không thay đổi).
Đối với lạm phát của Việt Nam, đô la Mỹ suy yếu gây ra các tác động trái chiều, cả trực tiếp và gián tiếp. Một mặt, đô la Mỹ suy yếu sẽ thường làm tăng giá cả hàng hóa trên thế giới (chủ yếu được niêm yết bằng đô la Mỹ). Kết hợp với sự ổn định danh nghĩa của tỷ giá VND/USD, sự tăng giá hàng hóa thế giới sẽ có xu hướng làm tăng áp lực lạm phát tại Việt Nam thông qua kênh nhập khẩu. Mặt khác, tác động bất lợi này phần nào được hóa giải nhờ lượng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ suy yếu do giá cả tăng lên, và được thay thế (một phần) bởi hàng nhập khẩu có giá rẻ hơn từ những nước xuất khẩu không niêm yết hàng xuất khẩu của họ bằng đô la Mỹ hoặc hàng sản xuất tại Việt Nam.
Một số đối tượng khác tại Việt Nam sẽ bị tác động không có lợi nếu nhìn từ tuyên bố của ông Mnuchin (nhưng không liên quan trực tiếp đến chủ trương để đô la Mỹ suy yếu của ông này). Đó là các ngành liên quan đến sở hữu trí tuệ, thép và nhôm là những mặt hàng được chỉ đích danh. Do Mỹ có thể áp dụng thêm các biện pháp bảo hộ thương mại nên xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện tại thì thép đã và đang là nạn nhân của chính sách tăng cường bảo hộ của Mỹ chống lại những hành động mà nước này cho là gian lận thương mại, ví dụ như để hàng Trung Quốc đội lốt là hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
No comments:
Post a Comment