Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 63/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án 2017).
Với cụm từ “cơ cấu lại”, có thể hiểu bản chất của Đề án 2017 là làm thay đổi (căn bản) cấu trúc của đầu tư công ở Việt Nam trong những năm tới. Điều này có nghĩa là với Đề án 2017 thì đầu tư công sẽ có hình hài khác (căn bản) với các giải pháp pháp lý và đề án tương tự trước đây, ví dụ như Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất, trong đó có tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 (sau đây gọi tắt là Đề án 2013).
Những khác biệt chính
Điểm khác biệt trước tiên giữa hai đề án trên là tỷ trọng đầu tư nhà nước bình quân tính trên GDP. Tỷ trọng này ở Đề án 2017 là 10-11% GDP. Đề án 2013 không trực tiếp đề cập đến tỷ trọng này, thay vào đó là tỷ trọng đầu tư nhà nước trên tổng đầu tư xã hội, ở mức 35-40%. Nhưng Đề án 2013 cũng đề ra mục tiêu đảm bảo tổng đầu tư xã hội khoảng 30-35% GDP nên từ đây có thể tính ra tỷ lệ đầu tư nhà nước trên GDP mà Đề án 2013 muốn đạt được là khoảng 10,5-14% GDP. Nói cách khác, Đề án 2017 định hướng tiếp tục hạ thấp tỷ trọng đầu tư nhà nước trên GDP so với trước đây như là một phần trong nỗ lực “cơ cấu lại” đầu tư công như được đặt ra.
Khác biệt thứ hai có thể kể ra là Đề án 2017 đã đặt mục tiêu “phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%”, trong khi mục tiêu tương tự không được đề cập trong Đề án 2013. Chắc chắn là tình trạng “ế” vốn đầu tư công trầm trọng (không giải ngân được) trong năm 2017 là lý do đằng sau mục tiêu này, được đặt ra như một biện pháp tình thế khắc phục phần nào tác động bất lợi của cắt giảm đầu tư công (theo mức tương đối) lên tăng trưởng kinh tế. Nhưng vì không trực tiếp liên quan đến chuyện “cơ cấu lại” đầu tư công, là mục đích chính của Đề án 2017, nên mục tiêu này lẽ ra và nên là mục tiêu của một văn bản quy phạm nào đó, chẳng hạn một chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư công trong các năm tới nhằm thực hiện Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020.
Ngoài ra, Đề án 2017 cũng đặt ra mục tiêu xác định rõ vai trò và định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025. Bối cảnh của việc làm rõ phạm vi đầu tư công như thế này có lẽ xuất phát từ thực tế là mỗi nguồn vốn cho đầu tư công và mỗi đối tượng thụ hưởng (ngành, lĩnh vực, vùng, lãnh thổ) lại có đặc thù riêng nên không thể, không nên áp dụng chung một cơ chế, chính sách về đầu tư công cho tất cả các bên. Chính từ nhận thức này nên Đề án 2017 đã có hẳn một chương dài về định hướng cơ cấu lại đầu tư công theo nguồn vốn, vùng, và lãnh thổ, với các ưu tiên đầu tư khác nhau.
Những bất hợp lý
Ngoài những mục tiêu nói trên, Đề án 2017 có thêm những mục tiêu sau: (1) Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; (2) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của đầu tư công, và (3) Tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.
Với mục tiêu (1) nói trên, đây chỉ là sự cụ thể hóa nguyên tắc gắn kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công được nêu trong Chỉ thị Số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng. Biến nguyên tắc này thành mục tiêu trong Đề án 2017 là gián tiếp thừa nhận rằng khuôn khổ pháp luật đã có nhưng đã không thực hiện được (tốt). Bởi vậy, thay vì đưa vào Đề án 2017 như một mục tiêu riêng biệt cho việc cơ cấu lại đầu tư công nhưng lại không phản ánh các bất cập hiện thời trong cơ cấu đầu tư công, các cơ quan chức năng cần thực thi nghiêm túc Chỉ thị 1792 hoặc Chính phủ phải có chế tài mạnh với những cá nhân và tập thể không thực thi nghiêm túc chỉ thị này. Chuyện đưa “nhầm chỗ” như thế này cũng tương tự như chuyện phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công nêu ở trên.
Tương tự, với mục tiêu (2), đành rằng cơ chế quản lý đầu tư công hiện tại còn nhiều tồn tại, chưa tối ưu, cần phải tiếp tục hoàn thiện, đổi mới. Nhưng, về bản chất, đây chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan liên đới đến quản lý đầu tư công cần thực hiện trong thời gian tới, chứ không phải là việc cơ cấu lại đầu tư công, như tiêu đề của Đề án 2017 và mục đích của nó.
Còn với mục tiêu (3), cần lưu ý rằng ít nhất là trong Đề án 2013 cũng có nội dung “hao hao” như vậy, thậm chí còn mở rộng hơn và cụ thể hơn: “Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực”. Rõ ràng là việc lặp lại này cũng không nên được đưa vào thành một mục tiêu riêng biệt (và mới) của Đề án 2017, mà chỉ nên được coi là một nhiệm vụ theo, ví dụ, chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư công nhằm thực hiện Đề án 2017 như nêu ở phần “Những khác biệt” bên trên.
Tóm lại, trong số nhiều mục tiêu của Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020, chỉ có hai điểm mới thiết thực và tích cực liên quan đến việc cơ cấu lại đầu tư công là tiếp tục thu hẹp quy mô đầu tư công, và “may đo riêng” đầu tư công cho từng vùng, lãnh thổ, và theo nguồn vốn.
No comments:
Post a Comment