http://www.thesaigontimes.vn/267960/Ha-lai-suat-khong-don-gian.html
Bước sang năm mới,
Thủ tướng đã đặt nhiệm vụ cho ngành ngân hàng phấn đấu giảm tiếp lãi suất cho
vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bối cảnh của yêu cầu này có lẽ là tăng trưởng
tín dụng hợp lý, lạm phát được kiểm soát khá tốt, tỷ giá ổn định, nợ xấu được
tăng cường xử lý nhờ Nghị quyết tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý
nợ xấu của Quốc hội năm 2017… Đây là những yếu tố được kỳ vọng có thể giúp hệ
thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Bởi vậy, không phải
ngẫu nhiên mà mới gần đây, và cũng như mọi khi, mấy ngân hàng “quốc doanh” gồm
Vietcombank, Vietinbank và Agribank hầu như cùng lúc công bố kế hoạch giảm lãi
suất cho vay, trong khi một số ngân hàng thương mại cổ phần lại có động thái
tăng lãi suất huy động (và tức là khó mà hạ lãi suất cho vay, nếu không muốn
nói ngược lại).
Các hành động đan
xen trái chiều liên quan đến lãi suất như trên cho thấy việc hạ lãi suất cho
vay sẽ là việc không dễ dàng, dù rằng có những yếu tố hỗ trợ như nói ở trên. Thực
tế là đã có nhiều thời điểm trong các năm trước đây khi Chính phủ yêu cầu ngành
ngân hàng giảm lãi suất cho vay thì lập tức các ngân hàng “quốc doanh” đều hầu
như đồng loạt công bố kế hoạch giảm lãi suất trong một động thái rất đáng thắc
mắc mà có người cho là kết quả của một sự “đạo diễn”.
Đáng nói hơn là kế
hoạch hạ lãi suất cho vay của những ngân hàng này thường xuyên chỉ là dành cho
những đối tượng ưu tiên, vốn chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng dư
nợ tín dụng của các ngân hàng, chứ không phải cho tất cả các khách hàng vay,
trên diện rộng. Điều này nếu được xét trên góc độ bài toán chi phí và lợi nhuận
của ngân hàng thì cũng hoàn toàn hợp lý vì khi cho vay các lĩnh vực và đối tượng
ưu tiên các ngân hàng vẫn phải sử dụng nguồn vốn huy động chung, chứ hầu như không
được ưu tiên một nguồn vốn “giá rẻ” nào đó, ví dụ như từ Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) có lãi suất ưu đãi. Nói cách khác, khi phải dành (thêm) một nguồn vốn nhất
định cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất thấp, các ngân hàng, về nguyên tắc,
sẽ phải giảm (thêm) nguồn vốn cho vay dành cho các lĩnh vực và đối tượng còn lại,
vốn có lãi suất cho vay (và lợi nhuận) cao hơn. Điều này cũng có nghĩa là việc
công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng “quốc doanh” cũng vẫn
chỉ là hành động mang tính bề nổi, hướng ứng (do “đạo diễn”?) là nhiều, chứ
không đi vào thực chất và không xuất phát từ thực tế.
Xét trên khía cạnh
vĩ mô, điều kiện để hạ lãi suất cho vay trên diện rộng phải là sự kết hợp của
hành động nới lỏng cung tiền của NHNN và nhu cầu tín dụng yếu. Thế nhưng trên
thực tế, NHNN đã và đang trở nên rất tỉnh táo, thận trọng (một cách đúng đắn)
vói tăng trưởng cung tiền và tín dụng. Điều này thể hiện ở tốc độ tăng trưởng
cung tiền M2 luôn thấp hơn đáng kể tăng trưởng tín dụng, và tăng trưởng tín dụng
thì được kiểm soát ở mức trên 18% một chút trong năm 2017, thậm chí còn thấp
hơn năm 2016, mặc dù Chính phủ trong năm đã nhiều lần yêu cầu NHNN đẩy tăng trưởng
tín dụng cao hơn, thậm chí đến 21%-22% khi tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng
không đạt kế hoạch 6,7%.
Về nhu cầu tín dụng,
cần lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức 18% năm qua là nhờ
NHNN (theo báo cáo) đã giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng từng TCTD, hạn chế
cho vay những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán và BOT… Nếu không,
như những năm trước, chúng ta rất có thể đã “được” chứng kiến một năm, một thời
kỳ bùng nổ tăng trưởng tín dụng mới, nếu NHNN tuân theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nêu thực tế này để nói lên rằng nhu cầu tín dụng ở Việt Nam thật ra là/phải rất
lớn, lớn hơn nhiều so với con số báo cáo chính thức. Như thế, kết hợp với chuyện
NHNN thận trọng với cung tiền, có thể nói giữ nguyên được mặt bằng lãi suất
trong năm qua (và năm nay) cũng đã là một thành công, chứ chưa nói đến nhiệm vụ
“bất khả thi” là hạ lãi suất cho vay.
Cũng cần nói thêm
về những yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất như nêu ở phần đầu bài. Lạm phát đúng là
đã được kiềm chế khá thành công trong năm qua nhưng ngay cả Chính phủ cũng phải
đặt kỳ vọng một mức lạm phát cao hơn trong năm 2018 này. Kỳ vọng lạm phát cao
hơn có nghĩa là dư địa tăng cung tiền để hạ lãi suất sẽ phải giảm đi. Hơn nữa,
có lẽ mục tiêu lạm phát năm nay được xây dựng trên kỳ vọng NHNN tiếp tục thận
trọng với tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng. Bởi vậy, nếu chạy theo mục hạ
lãi suất (trên diện rộng) thì NHNN sẽ buộc phải nới lỏng tiền tệ thêm, dẫn đến
tăng áp lực lạm phát, ảnh hưởng ngược lại mục tiêu theo đuổi là giảm lãi suất
cho vay.
Về sự ổn định của
tỉ giá, điều này có được là nhờ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, từ chuyện
NHNN thận trọng với cung tiền, đến chuyện đô la Mỹ đã suy yếu so với nhiều ngoại
tệ và chuyện Việt Nam đã có một năm may mắn đón nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp
và gián tiếp nước ngoài dồi dào… Bởi vậy, sự ổn định này không phải là điều
nghiễm nhiên, tất yếu sẽ có được, mà sẽ trở thành bất định một khi một hoặc nhiều
yếu tố này thay đổi. Bởi vậy, sẽ là rất rủi ro nếu lập kế hoạch (giảm lãi suất
cho vay) mà lại dựa vào những giả định không chắc chắn, những yếu tố bất trắc.
Trên hết, việc
quá chú trọng vào giảm lãi suất cho vay như là một tiền để, một điều kiện cần để
“thúc” tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay xem ra không còn hoàn toàn
thích hợp nữa. Bởi, mặc dù lãi suất không giảm (đáng kể, trên diện rộng) trong
năm qua, và mặc dù tăng trưởng tín dụng không phải là đột biến, nhưng tăng trưởng
GDP vẫn đã có một năm thành công ngoạn mục, ngoài kỳ vọng.
Do đó, thay vì “nỗ
lực”, “phấn đấu” thực hiện nhiệm vụ khó khăn là giảm lãi suất mà nhiều khi phải
trả bằng giá đắt nếu bất cẩn, điều nên làm (trong mọi hoàn cảnh) và hoàn toàn
khả thi là thực hiện các giải pháp “mềm” –
tiếp tục cải cách, gỡ các nút thắt, các hạn chế đến tăng trưởng – thay
vì các giải pháp “cứng” như nới lỏng tiền tệ hoặc dùng mệnh lệnh hành chính để
“đạo diễn” một phong trào hạ lãi suất cho vay, vốn mang tính “diễn” là nhiều
hơn.
No comments:
Post a Comment