Không phải cho hiện
nay mà đã từ lâu dư luận nhiều phen dậy sóng về chuyện làm khoa học và xuất bản
các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học nước
ngoài của một số cá nhân ở Việt Nam. Ngoài những vấn đề như đạo văn, còn nổi
lên vấn đề xuất bản trên các tạp chí “ngụy” khoa học – không có trong những cơ
sở dữ liệu về các tạp chí khoa học có uy tín (ví dụ Scopus) hoặc có nhưng sau
đó đã bị loại bỏ vì bị phát hiện là tạp chí “ngụy” khoa học.
Từ kinh nghiệm bản
thân là một người đã có một số bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học
quốc tế nghiêm túc trong thời gian vài năm làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ và giảng
dạy chính thức tại một trường đại học bên Nhật, cũng như một người đã và đang
được mời làm thành viên ban biên tập hoặc người đọc phản biện kín cho một số tạp
chí khoa học trong và ngoài nước, tôi muốn góp đôi lời xung quanh chuyện đăng
bài trên tạp chí khoa học.
Trước tiên, như
đã nói, là một người đã từng xuất bản các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa
học nghiêm túc nên tôi rất thấu hiểu những khó khăn để bài nghiên cứu của mình
cũng như của các tác giả khác được đăng
trên các tạp chí khoa học, nhất là những người đang làm công tác nghiên cứu, giảng
dậy ở Việt Nam, không ít trong số đó gặp trở ngại lớn do trình độ tiếng Anh có
hạn. Bởi vậy, mỗi khi đọc được một thông tin liên quan đến một nhà nghiên cứu khoa học nào đó trong nước
đã xuất bản được một bài trên tạp chí khoa học quốc tế nào đó (nhất là trong
lĩnh vực kinh tế như của tôi), tôi thường cố gắng tìm đọc với thái độ trân trọng
xen lẫn khâm phục.
Cách đây chừng một
năm, nhân một dịp đang phải tìm thông tin liên quan đến ngành sữa của Việt Nam
để phục vụ cho công việc chuyên môn tại nơi làm việc ở Singapore, tôi tìm được
link dẫn đến lý lịch khoa học của một vị Tiến sỹ hiện đang là Phó Giáo sư, Phó
trưởng Khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế tại một trường đại học ở Thành phố Hồ
Chí Minh, cho biết đã xuất bản một vài bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học nước
ngoài, và anh còn là giáo sư thỉnh giảng của các đại học tại Mỹ, Nhật. Rất ấn
tượng với những thành tích này, tôi lần tìm đọc các bài nghiên cứu của anh trên
các tạp chí nước ngoài, gồm tạp chí “International Journal of Managing Value
and Supply Chains”, “Journal of Globalization Studies”, “Journal of
Sustainability Science and Management”, và “Economic Annals”.
Các tạp chí trên,
căn cứ vào thông tin có trên trang chủ, cái thì có trụ sở tại Nga, cái ở
Ukraina, cái ở Malaysia và có cái thì như là “công dân toàn cầu” vì không thấy
có thông tin liên quan. Cũng có cái được giới thiệu là có trong các cơ sở dữ liệu
như Scopus, nhưng cũng có cái chẳng thấy có bất kỳ thông tin liên quan nào. Hầu
hết tất cả các tạp chí này đều được giới thiệu là tạp chí có phản biện, người
đọc tiếp cận và đọc bài miễn phí. Có tạp chí thì nêu rõ tác giả có bài
đăng thì phải nộp 120 USD lệ phí xuất bản, mặc dù không cần phải tốn tiền để nộp
bài.
Ngoài nội dung rất
đáng bị phê phán vì hầu như không có những phát hiện và đóng góp mới, có giá trị
về học thuật, với lối hành văn như của một phóng viên đưa tin thời sự hàng
ngày, điều quan trọng mà một người đọc có trình độ tiếng Anh kha khá và từng
“viết lách”, có thể phát hiện ra ngay từ những bài nghiên cứu của tác giả này
là tiếng Anh cũng như cách trình bày vấn đề của anh có rất nhiều “sạn”. Tôi thậm
chí có thể đoán được đoạn nào anh trích dẫn, “mượn” của người khác, đoạn nào là
của anh, căn cứ vào sự khác biệt về chất lượng tiếng Anh và văn phong của những
đoạn này.
Có nhiều người sẽ
cho rằng ngôn ngữ không phải là chuyện quan trọng, miễn là chuyển tải được ý muốn
của người viết. Nhưng, ít nhất với tôi, chuyện ngôn ngữ có nhiều “sạn” thể hiện
trên một tạp chí lại nói lên tất cả về chất lượng và sự nghiêm túc cũng như giá
trị của tạp chí đó.
Một vấn đề liên
quan khác mà nhiều người ở Việt Nam hay viện dẫn như là một trở ngại để xuất bản
được các nghiên cứu của mình trên tạp chí quốc tế là vấn đề chi phí. Quả thật,
như nêu ở trên, có nhiều tạp chí yêu cầu người nộp bài phải trả phí nộp bài
và/hoặc phí xuất bản. Nhưng cần lưu ý rằng có rất nhiều tạp chí nghiêm túc, có
tiếng tăm không yêu cầu người viết phải nộp bất cứ thứ lệ phí nào để có bài được
xuất bản. Và cũng chính vì muốn tiết kiệm ngân sách là một trong những lý do
tôi đã chủ trương tìm đến các tạp chí loại này để xuất bản các bài nghiên cứu của
mình.
Rồi nữa, nhiều
người cũng lấy lý do là nghiên cứu khoa học thì sẽ tốn kém để biện minh cho việc
không xuất bản được trên các tạp chí quốc tế. Nhưng ít nhất với tôi, trong lĩnh
vực kinh tế, một vài nghiên cứu được tiến hành khi còn là nghiên cứu sinh mà chẳng
hề tốn kém gì, đòi hỏi phương tiện gì ngoài sách, tạp chí ở thư viện của trường,
điều mà hiện nay nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam hoàn
toàn đáp ứng tốt.
Với những góp nhặt
vụn vặt từ kinh nghiệm bản thân nói trên, tôi cho rằng cần phải rất thận trọng
khi đánh giá thành tích nghiên cứu của các cá nhân kể cả khi họ có bài đăng
trên tạp chí bằng ngoại ngữ, kể cả khi tạp chí đó xuất hiện trong các cơ sở dữ
liệu tra cứu khoa học phổ biến trên thế giới. Nhiều trong số những tạp chí này
đáng bị gọi là “ngụy” khoa học. Nói cách khác, không nên phiến diện khi cho rằng
chỉ cần có bài đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có trích dẫn là đủ để xét
duyệt và công nhận một cá nhân trong một vấn đề nào đó liên quan đến khoa học.
Ngoài ra, việc nghiên cứu và xuất bản công trình khoa học ra quốc tế là một việc
không đơn giản nhưng không phải là một
việc khó hay không thể nếu chỉ xét từ góc độ chi phí “làm” khoa học.
No comments:
Post a Comment