Wednesday, 30 May 2018

Chuyên gia: Tỉ giá tăng là… hợp lý (Bài đăng trên CafeF, 31/5/2018)

http://cafef.vn/ts-phan-minh-ngoc-ti-gia-tang-la-hop-ly-20180531065201982.chn


Tỉ giá đã trên đà tăng liên tục kể từ tuần trước và đã có lúc vượt ngưỡng 22.900 đồng/USD trong ngày hôm qua 30/5. Đây là một diễn biến khá bất ngờ khi tỉ giá đã có một thời gian dài tính bằng tháng khá bình lặng. Diễn biến này làm dấy lên nỗi lo về những tác động khi tỉ giá tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.


Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế tài chính.
PV: Theo ông nguyên nhân nào làm tỉ giá lên mạnh những ngày qua?
TS. Phan Minh Ngọc: Nói về nguyên nhân, giới chuyên gia đã chỉ ra nhiều yếu tố góp phần tạo ra sự biến động của tỉ giá hiện nay. Tuy vẫn có sự bất đồng ở một mức độ nhất định nhưng tựu trung sự mạnh lên của USD là một trong những yếu tố được viện dẫn ra hàng đầu.
Quả thật, nhìn vào đồ thị của chỉ số Đô la (dollar index), đồng USD đã tăng một mạch từ mức thấp trong nhiều tháng trở lại đây là 89,03 vào ngày 26/3 lên đỉnh kỷ lục mới kể từ tháng 11/2017 là 94,88 vào ngày 30/5/2018. Như vậy, trong vòng 3 tháng, USD đã lên giá tới 6,6% so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.
Trong bối cảnh USD lên giá mạnh như vậy thì việc mất giá của bất cứ đồng tiền nào, kể cả tiền đồng, là một điều không có gì lạ, khó hiểu, khó có thể tránh khỏi. 
PV: Mặc dù tỉ giá biến động khá mạnh nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn không có động thái nào, phải chăng đó là sự chủ động để cho tiền đồng yếu đi?
TS. Phan Minh Ngọc: Như đã nói, sự biến động của tỉ giá là khó tránh khỏi, nhưng điều đáng nói hơn ở đây là giữa sự mất giá và sự ổn định tương đối của tiền đồng với USD, đâu là điều hợp lý hơn?
Trước tiên, nếu nói về sự ổn định tỉ giá, NHNN ít nhất là trong thời gian vài tháng tới hoàn toàn có đủ khả năng ổn định tỉ giá tiền đồng như họ vẫn làm vậy cho đến tận gần đây. Quỹ dự trữ ngoại hối đã được bổ sung liên tục của NHNN, tuy vẫn chỉ ở mức "sạch nước cản" – tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế - nhưng lại đủ lớn ở mức độ tuyệt đối để can thiệp ra thị trường trong phạm vi vài tỉ USD mà không làm ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe của quỹ này.
Ngoài ra, NHNN còn có sẵn một vài công cụ để siết tỉ giá nếu muốn, chẳng hạn quy định siết chặt hơn việc vay mượn bằng ngoại tệ - hiện đang khá "thoáng" khi NHNN tiếp tục gia hạn cho các đối tượng được phép vay mượn bằng ngoại tệ, dẫn đến tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng mạnh hơn tăng trưởng tín dụng bằng tiền đồng từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, cơ chế tỉ giá trung tâm cũng cho phép NHNN "trói" tỉ giá tại các ngân hàng thương mại ở mức họ mong muốn, ít nhất là trong ngắn hạn.
Nhìn rộng ra, sự khan hiếm tương đối của USD hiện tại dường như là hiện tượng mới có, với bằng chứng là tỉ giá trên thị trường tự do đã và đang không chênh lệch quá lớn với tỉ giá trong các ngân hàng thương mại. Điều này có nghĩa là tỉ giá chưa bị dồn nén quá mức, nếu có, dẫn đến rủi ro là khi không kiểm soát được thì sẽ bùng lên như những năm trước.
Tuy vậy, việc NHNN không có dấu hiệu can thiệp tỉ giá, thậm chí còn có xu hướng thuận theo xu hướng của thị trường khi cũng điều chỉnh tăng tỉ giá trung tâm cho thấy dường như họ đã lựa chọn phương án để tiền đồng yếu đi ở mức độ nhất định so với USD.
Lý do gì khiến NHNN chọn "hành động" như vậy, thưa ông?
TS Phan Minh Ngọc: Lý do để NHNN lựa chọn như trên đương nhiên vẫn là mục đích không để tiền đồng lên giá thực so với USD do lạm phát ở Việt Nam đã gia tăng gần đây, và tất nhiên là cao hơn lạm phát ở Mỹ. 
Quan trọng không kém, việc để tiền đồng yếu đi so với USD cũng tức là đặt tiền đồng vào trong xu thế chung (yếu đi) của nhiều đồng bản tệ khác trên thế giới (so với USD). Trên giác độ này, tỉ giá tiền đồng/USD tăng lên như hiện nay sẽ góp phần duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam so với hàng hóa và dịch của của nhiều nước trên thế giới khi chúng được làm lợi bởi sự suy yếu của các đồng bản tệ của các nước này. Và trên hết, NHNN càng có thêm lý do để theo đuổi một đồng tiền yếu hơn khi thâm hụt thương mại đã quay trở lại trong tháng này sau khi đã xuất siêu trong nhiều tháng trước.
Nhưng cần lưu ý một điều rằng NHNN không chỉ có động thái một chiều là điểu chỉnh tăng tỉ giá trung tâm. Kể cả những ngày gần đây vẫn có lúc NHNN điều chỉnh giảm tỉ giá trung tâm này. Đây là một điều khó hiểu và có vẻ mâu thuẫn với phần phân tích ở trên. Tuy nhiên, sẽ không còn là khó hiểu khi đặt mình vào vị trí của NHNN khi phải thận trọng với diễn biến tâm lý trên thị trường ngoại hối. Việc chỉ có điều chỉnh tăng tỉ giá sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng NHNN chấp nhận/buộc phải để tiền đồng yếu đi, và điều này có thể gây ra những xáo trộn và những cú sốc lớn khi tâm lý đầu cơ được kích hoạt và nhập cuộc.
Với tính chất (theo công bố) của tỉ giá trung tâm là gắn bó hơn với thị trường, NHNN có sẵn lý do cho việc điều chỉnh tỉ giá trung tâm theo cả 2 chiều tăng, giảm để làm dịu tâm lý thị trường. Nhưng về tổng thể, có thể thấy rõ tỉ giá trung tâm đã tăng lên một cách có chủ đích, mở đường cho tỉ giá thương mại tại ngân hàng và trên thị trường tự do điều chỉnh theo.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tuesday, 29 May 2018

Thay vì tăng thuế môi trường với xăng dầu... (Bài đăng trên TBKTSG, 30/5/2018)

http://www.thesaigontimes.vn/272956/thay-vi-tang-thue-moi-truong-voi-xang-dau-.html

Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu, lên 4.000 đồng/lít. Trước đó thì bộ này cũng có đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít.

Lý do thiếu thuyết phục

Điều đáng nói là lý do cho những đề xuất nâng thuế này không phải trực tiếp là để bảo vệ môi trường, như tên gọi của chúng. Thay vào đó, Bộ Tài chính đưa ra mấy lý do cho việc tăng thuế như cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo an toàn nợ công; chênh lệch giữa thuế ưu đãi (20%) với thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết trong WTO (40%); và giá bán xăng ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới(1).

Những lý do trên là thiếu thuyết phục. Cụ thể hơn, về lý do cơ cấu lại NSNN, đảm bảo an toàn nợ công, việc tăng thuế môi trường với xăng dầu trong khi tiền thu về không được khẳng định sẽ dùng cho bảo vệ môi trường sẽ làm cho người dân nghĩ rằng nhà nước đang “tận thu” mọi nguồn có thể, trong khi việc cần làm nhất và có thể làm ngay được là cắt giảm chi tiêu để đảm bảo sự an toàn của ngân sách.


Suy cho cùng, nếu cứ nhất định muốn tăng thu kiểu này thì tốt nhất là nên áp một loại thuế thống nhất gọi là “thuế xăng dầu” và mỗi lần muốn tăng thu thì chỉ cần tăng thuế suất hoặc mức tuyệt đối của thuế này, vừa để đạt mục đích tăng thu cho ngân sách, vừa không gây dị nghị trong dư luận bởi sự “danh không thuận”.

Ví dụ về thuế này có ở nhiều nước. Chẳng hạn ở Singapore, năm 2015, nước này tăng thuế xăng dầu thêm 20 xu (đô la Singapore (SGD), khoảng gần 3.500 đồng) lên mức 64 xu/lít với xăng loại 1 (15 xu với xăng thường, lên 56 xu/lít). Tuy nhiên, song song với việc tăng thuế xăng dầu, dự tính tăng thu thêm khoảng 177 triệu SGD/năm cho ngân sách, Chính phủ Singapore tiến hành hoàn thuế đường sá cho các phương tiện giao thông trong một năm với các mức hoàn thuế khác nhau tùy loại xe. Việc hoàn thuế này sẽ lấy đi của chính phủ khoảng 144 triệu SGD. Tuy nó không được giải thích một cách bao biện, như là để bảo vệ môi trường, nhưng việc tăng thuế này đã được chấp nhận một cách “hòa bình”, vì người dân tin tưởng vào sự minh bạch và hiệu quả của Chính phủ, và cũng vì Chính phủ đã tìm cách “giảm sốc” cho người dân bằng biện pháp hoàn thuế này.

Với lý do chênh lệch giữa thuế ưu đãi và thuế cam kết trong WTO, việc tăng thuế môi trường lên xăng dầu không giúp giảm chênh lệch này. Bởi, theo logic, điều này chỉ có thể xảy ra nếu nhà nước chỉ áp thuế môi trường (và tăng thuế này) lên xăng dầu nhập khẩu từ các nguồn được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo các hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên, ví dụ như Hàn Quốc, Singapore, mà không áp hay tăng thuế này lên xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên WTO nhưng không phải là thành viên các FTA này.

Về lý do giá bán xăng Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực và thế giới, điều này là một thực tế. Số liệu cập nhật trên một trang mạng so sánh giá xăng thế giới(2) cho thấy giá xăng ở Việt Nam đứng vào khoảng thứ 50 từ dưới trở lên trên tổng số gần 170 nước. Giá xăng ở Việt Nam tính đến thời điểm 14-5-2018 là 0,93 đô la Mỹ/lít, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 1,15 đô la Mỹ/lít. Tuy nhiên, cũng trên trang mạng này có nhận xét rằng thường thì những nước giàu sẽ có giá xăng cao hơn những nước nghèo, và những nước khai thác và xuất khẩu dầu sẽ có giá xăng thấp hơn. Cả hai lý do nay đều ít nhiều đúng với Việt Nam nên sẽ không phù hợp lắm nếu cứ khăng khăng so sánh mức giá xăng dầu thấp ở Việt Nam với thế giới rồi đòi tăng nó lên cho bằng thiên hạ.

Giải pháp thay thế

Giả sử Chính phủ Việt Nam cũng thực sự muốn bảo vệ môi trường (thông qua biện pháp tăng thuế môi trường xăng dầu). Khi đó, ngoài giải pháp “danh chính ngôn thuận” hơn như nói trên, tức là áp thuế xăng dầu thống nhất và tăng thuế này lên như trường hợp của Singapore, đất nước đại diện của xanh và sạch, Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm của Singapore khi họ còn có thêm những “vũ khí” khác rất hiệu quả mà không gây bức xúc dư luận. Đó là việc áp dụng các chương trình thuế trong một gói chính sách thuế carbon tổng thể mới nhằm cắt giảm phát thải, được thực thi từ năm 2019.

Cụ thể, Singapore sẽ áp thuế sử dụng dầu diesel ở mức 10 xu SGD/lít, thay vì áp một mức thuế tuyệt đối lên ô tô sử dụng động cơ diesel như hiện tại. Và cũng với mục đích “giảm sốc” cho người sử dụng, Chính phủ cũng sẽ giảm mức thuế tuyệt đối này xuống còn 100 SGD cho xe hơi, và 850 SGD cho taxi. Song song đó, Singapore cũng thay thế Chương trình giảm phát khí thải xe cộ hiện tại (thực thi từ năm 2013) bằng chương trình mới khuyến khích sử dụng xe có động cơ đốt trong ít ô nhiễm hơn. Chương trình mới đưa thêm vào danh sách bốn chất gây ô nhiễm khác có trong khí thải ngoài duy nhất khí CO2 như trong chương trình cũ, và quy định các mức được hoàn thuế hay bị tính thuế phụ trội tùy thuộc vào mức ô nhiễm mà xe đó gây ra.

Chưa hết, Singapore còn tăng cường và gia hạn Chương trình thay thế sớm xe thương mại hiện tại dùng động cơ diesel từ tiêu chuẩn Euro II và III sang Euro VI với các ưu đãi tài chính và thuế. Họ cũng tăng cường chương trình thưởng thêm thời gian được lưu hành ô tô thân thiện với môi trường.

Tóm lại, tuy không nhất thiết mọi đồng thuế thu được từ xăng dầu nhân danh “bảo vệ môi trường” phải được dùng cho mục đích này nhưng trong bối cảnh chi từ thuế không được minh bạch, Việt Nam cần tránh lạm dụng, tận thu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, dễ gây bức xúc trong dư luận. Thay vào đó, học hỏi kinh nghiệm của Singapore, Việt Nam có thể cân nhắc áp đặt và điều chỉnh thuế suất và mức thuế đối với từng loại phương tiện sử dụng xăng dầu, vừa đảm bảo tăng thu thuế, vừa đảm bảo mục đích bảo vệ môi trường một cách đúng đối tượng và hợp lý. Và, quan trọng không kém, cũng luôn cần phải có những biện pháp quá độ để giảm sốc cho các đối tượng bị điều chỉnh.

(1) http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tang-kich-tran-thue-moi-truong-xang-dau-lanh-dao-bo-tai-chinh-noi-khong-bi-phan-ung-2018051710312797.htm
(2) https://www.globalpetrolprices.com/gasoline_prices/

Thursday, 24 May 2018

Lý giải tài sản ngân hàng "bốc hơi" (Bài đăng trên CafeF, 25/5/2018)

http://cafef.vn/tai-san-ngan-hang-boc-hoi-chuyen-gia-noi-gi-20180525083738266.chn

Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN),  tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 2 năm nay giảm tới gần 70 nghìn tỷ so với cuối năm 2017. Giảm mạnh nhất được chứng kiến ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), giảm gần 50 nghìn tỷ. Tiếp đó là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, giảm trên 20 nghìn tỷ. Khối ngân hàng liên doanh nước ngoài cũng có mức sụt giảm tới gần 14 nghìn tỷ.
Có thể nói rằng, hiện tượng giảm tài sản ở mức độ đáng kể như trên của hệ thống là điều hãn hữu trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Điều này là khá bất ngờ và gây ngạc nhiên với nhiều người. Nên câu hỏi nhận được sự quan tâm lớn là tại sao lại có hiện tượng giảm sút tài sản mạnh như vậy?
Có khoảng 20 ngân hàng thương mại cả cổ phần lẫn có vốn nhà nước có báo cáo đầy đủ số liệu tài chính của quý 1/2018 và quý 4/2017.
Trong khối ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, chỉ có 3 trong số 7 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2018 là VietinBank (CTG), BIDV, và Vietcombank (VCB). Trong 3 ngân hàng này, chỉ có VCB là có mức tổng tài sản giảm, và giảm rất mạnh, tới gần 36 nghìn tỷ trong quý. Nếu bù trừ với giá trị tài sản tăng lên ở BIDV và CTG thì tổng tài sản của 3 ngân hàng này vẫn tăng hơn 8 nghìn tỷ. Vậy, có thể suy ra là 4 ngân hàng còn lại trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, gồm Agribank, CBBank, OceanBank, và GPBank đã có sự sụt giảm mạnh về tài sản trong quý. Và vì 3 ngân hàng CBBank, OceanBank và GPBank là những ngân hàng đang được tái cơ cấu, nên sẽ là điều không bất ngờ nếu quá trình tái cơ cấu này dẫn đến sự sụt giảm mạnh một (số) hạng mục tài sản có nào đó của chúng, làm sụt giảm tổng tài sản của chúng trong kỳ.
Trong khối ngân hàng TMCP gồm 17 ngân hàng có báo cáo tài chính quý 1/2018, tổng cộng tài sản của nhóm này đã tăng tới gần 51 nghìn tỷ đồng trong quý. Mặc dù có 4 ngân hàng đã báo cáo sự sụt giảm tổng tài sản, gồm ABBank (-10,5 nghìn tỷ), BacABank - BAB (-4,6 nghìn tỷ), Eximbank - EIB (-5,3 nghìn tỷ), và TPBank - TPB (-2,8 nghìn tỷ), nhưng sự sụt giảm này được bù đắp hoàn toàn bởi sự tăng lên về tài sản tại các ngân hàng TMCP còn lại, đặc biệt là ACB (+15,5 nghìn tỷ), VIB (+12,7 nghìn tỷ), Sacombank - STB (+12,5 nghìn tỷ), và SHB (+8,9 nghìn tỷ).
Như vậy, sự sụt giảm mạnh tổng tài sản trong khối ngân hàng TMCP (31 ngân hàng, theo số liệu của NHNN đến 2017) rất có thể là do những ngân hàng TMCP còn lại ngoài 17 ngân hàng TMCP nêu trên gây ra. Một số trong những ngân hàng này thuộc diện tái cơ cấu nên chắc chắn cũng đã có những sự xáo trộn lớn về tài sản. Tuy nhiên, do không có thêm thông tin xác thực nào nên không thể phân tích sâu thêm được ở đây.
Câu hỏi tiếp theo có liên quan là nếu tổng tài sản giảm thì khoản mục tài sản có nào đã giảm (mạnh)?
Trong khối ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, do chỉ có VCB có báo cáo về sụt giảm tài sản nên có thể tập trung vào ngân hàng này. VCB có sự sụt giảm rất mạnh ở 2 khoản mục tài sản có là tiền gửi tại NHNN (-65,7 nghìn tỷ) và tiền/vàng gửi và cho vay các TCTD khác (-75 nghìn tỷ). Tuy có một số khoản mục ghi nhận sự tăng lên, điển hình là khoản mục cho vay khách hàng (+30 nghìn tỷ), nhưng sự sụt giảm mạnh của 2 khoản mục trên đã làm tổng tài sản của ngân hàng này giảm mạnh trong quý.
Trong số 4 ngân hàng TMCP báo cáo sụt giảm tổng tài sản trong quý, sự sụt giảm mạnh trong khoản mục tiền/vàng gửi và cho vay các TCTD khác diễn ra ở cả 4 ngân hàng, cụ thể ABB (-6,8 nghìn tỷ), BAB (-4,9 nghìn tỷ), EIB (-4,1 nghìn tỷ), và TPB (-7,9 nghìn tỷ).
Ở khoản mục quan trọng khác là cho vay khách hàng, ABB giảm 2,4 nghìn tỷ, EIB giảm 0,7 nghìn tỷ.
Từ những phân tích trên có thể thấy sự sụt giảm tổng tài sản của một ngân hàng nói riêng và cả hệ thống nói chung không phải là điều bất thường. Sự biến động thường xuyên của một số khoản mục, ví dụ tiền/vàng gửi và cho vay các TCTD khác và cho vay khách hàng, là những khoản mục có quan hệ chặt chẽ với tình hình thanh khoản và khả năng cho vay dựa trên các chỉ tiêu an toàn về vốn v.v... là một trong những nguyên nhân chính gây làm sụt giảm tổng tài sản của một số ngân hàng, dẫn đến sụt giảm tổng tài sản trong cả  hệ thống.

Wednesday, 23 May 2018

Lãi suất cho vay bất động sản rục rịch tăng (Bài đăng trên TBKTSG, 23/5/2018, tiêu đề do báo đặt lại)

http://www.thesaigontimes.vn/272662/lai-suat-cho-vay-bat-dong-san-ruc-rich-tang.html


Báo chí đưa tin một số ngân hàng thương mại cổ phần gần đây đã tăng đáng kể lãi suất cho vay mua bất động sản, dường như đang tạo nên một xu hướng mới trong tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực này, gây quan ngại đặc biệt đối với những người vay có nhu cầu thực.

Trên thực tế, chưa có một thống kê hay báo cáo nào cho thấy lãi suất cho vay mua bất động sản đã tăng trên diện rộng để khẳng định rằng mặt bằng lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản đã gia tăng. Rất có thể những ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua bất động sản là những ngân hàng (cổ phần) đã sử dụng gần hết “hạn ngạch” cho vay bất động sản, đã tiệm cận các mức giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vài lần yêu cầu, nhắc nhở các ngân hàng thương mại thực hiện trong năm qua và ngay từ đầu năm nay phải hạn chế tập trung vốn cho vay vào bất động sản, xây dựng và chứng khoán. Nên cũng không thể loại trừ khả năng một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay mua nhà đất hiện nay là nhằm “hưởng ứng” chủ trương này của NHNN, nhất là những ngân hàng đang ngấp nghé lằn ranh đỏ về ngưỡng tăng trưởng tín dụng cho bất động sản (và có thể đã bị NHNN cảnh báo).

Về nguyên tắc, lãi suất cho vay mua bất động sản tăng lên sẽ làm giảm nhu cầu vay để mua bất động sản (bất luận vì mục đích đầu cơ hay nhu cầu thực để ở), dẫn đến làm giảm lượng tín dụng ngân hàng chảy vào bất động sản, tức là làm giảm mức độ tập trung vốn của ngân hàng vào lĩnh vực này.

Ở góc độ người đi vay, có quan điểm cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên và nhiều nhất từ sự siết tín dụng vào bất động sản là người đi vay có nhu cầu thực, tức mua nhà, đất để xây, để ở. Theo quan điểm này, khách hàng loại này là những người thường trả nợ dựa vào nguồn thu từ kinh doanh và các nguồn thu cố định khác. Khi lãi suất tăng, chi phí vay trong mỗi tháng tăng lên sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho họ. Nếu lãi suất được điều chỉnh định kỳ mà tiếp tục leo cao thì sẽ đẩy một số khách hàng vào rủi ro mất khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Quan điểm trên chỉ đúng một phần. Lãi suất cho vay mua nhà đất tăng trong khi thu nhập của người vay không tăng tương ứng trước hết sẽ “gạt” ngay một bộ phận khách hàng tiềm năng có nhu cầu vay vốn mua nhà đất ra khỏi cuộc chơi. Như vậy, hầu như sẽ chỉ còn lại những khách hàng đủ sức chịu đựng lãi suất cao hơn mới nghĩ đến, mới muốn vay vốn ngân hàng để mua nhà đất.

Kể cả nếu lãi suất được điều chỉnh định kỳ theo hướng tăng lên, nhưng cần lưu ý rằng lãi suất cho vay thả nổi (sau một thời gian cố định, chẳng hạn một năm) vẫn thường được tính dựa trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm cộng thêm một biên độ nào đó, chẳng hạn 3 điểm phần trăm. Nên dù lãi suất cho vay bất động sản có xu hướng gia tăng, lãi suất thả nổi cho vay bất động sản đối với các khoản vay hiện tại sẽ không nhất thiết phải tăng lên tương ứng, nếu mặt bằng lãi suất tiết kiệm không thay đổi. Đây là điều đúng với bối cảnh hiện thời khi lãi suất tiết kiệm ổn định, thậm chí có xu hướng giảm gần đây, trong khi một số ngân hàng đang tăng lãi suất cho vay mua bất động sản.

Do đó, người vay để mua nhà đất (vì nhu cầu thực) sẽ không nhất thiết bị rơi vào tình trạng mắc kẹt vì “trót” vay mua nhà đất nhưng lãi suất phải trả hàng tháng, quí lại tăng lên quá sức chịu đựng so với mức xác định ban đầu khi vay.

Xét riêng trong nhóm đối tượng vay vốn vì nhu cầu thực, lại có quan điểm cho rằng việc tăng lãi suất ngân hàng sẽ gây khó khăn cho những người có thu nhập thấp mua nhà, nên Nhà nước cần có chính sách cụ thể để kiểm soát chặt chẽ đối với từng phân khúc của thị trường bất động sản, chỉ siết ở phân khúc cao cấp còn mở ở phân khúc trung và thấp cấp, bởi hiện nay nhà giá rẻ, chung cư bình dân vẫn đang có nhu cầu rất nhiều.

Thực ra, không hiếm người nhắm đến phân khúc cao cấp vẫn phải phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Nên việc tăng lãi suất ngân hàng không chỉ ảnh hưởng đến phân khúc trung và thấp cấp mà còn cả phân khúc cao cấp. Nói cách khác, siết tín dụng vào bất động sản sẽ đều gây ảnh hưởng như nhau (giảm nhu cầu) đến mọi phân khúc bất động sản. Và cũng chẳng hà cớ gì phải phân biệt với ưu tiên phân khúc nào đó, bởi đã là nhu cầu thực thì người mua ở phân khúc nào cũng cần được tôn trọng, bình đẳng như nhau. Cần tránh tâm lý người “giàu” thì phải chịu thiệt hơn người “nghèo” trong chuyện tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Chuyển sang vấn đề vay ngân hàng cho mục đích đầu cơ. Có quan điểm cho rằng những người đầu cơ bất động sản dù cũng phải vay ngân hàng nhưng mục đích vay của họ chủ yếu không phải là để mua nhà mà là dạng khác, ví dụ, đất phân lô, đất nền; mua là để trao tay sau đó và thu lãi. Do đó, những đối tượng vay vốn loại này không chịu tác động của việc tăng lãi suất cho vay mua bất động sản.

Cách nhìn nhận trên cũng chỉ đúng một phần. Quả thực là việc đầu cơ xem ra chỉ có lợi nhuận cao với phân khúc đất phân lô, đất nền nên việc đầu cơ, nếu có, thì cũng chủ yếu tập trung vào phân khúc này. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng không phân biệt phân khúc này với các phân khúc khác của bất động sản như chung cư, nhà đất, bất động sản thương mại... mà đồng loạt áp dụng lãi suất cao hơn cho mọi khoản vay bất động sản nói chung thì giới đầu cơ (đất nền, phân lô) vẫn sẽ bị ảnh hưởng như với mọi đối tượng vay mua bất động sản khác.

Cho dù với mục đích đầu cơ, “lướt sóng” ngắn hạn thì các nhà đầu cơ sẽ vẫn phải chịu chi phí tài chính đầu vào cao hơn, nên phải tìm cách bán được bất động sản của mình với giá cao hơn tương ứng, là điều mà thị trường không phải lúc nào cũng chấp nhận. Nói cách khác, lãi suất cho vay mua bất động sản tăng lên chắc chắn sẽ làm làm nguội thị trường, giảm nhu cầu về bất động sản ở mọi loại hình, phân khúc, không phân biệt nhu cầu thực hay đầu cơ.

Thursday, 17 May 2018

Những thay đổi quan trọng về đầu tư vốn nhà nước (Bài đăng trên TBKTSG, 17/5/2018)

http://www.thesaigontimes.vn/272397/nhung-thay-doi-quan-trong-ve-dau-tu-von-nha-nuoc.html


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 32) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 91) về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Những nới lỏng, mở rộng
So với Nghị định 91, Nghị định 32 có nhiều điểm nới lỏng, mở rộng đáng chú ý. Thứ nhất, điều 4 được bổ sung khoản 7, theo đó, chủ sở hữu đối với vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc DNNN có vốn đầu tư chuyển nhượng.
Như vậy, theo Nghị định 32 thì chủ sở hữu vốn đầu tư, chuyển nhượng (ra ngoài doanh nghiệp) cũng có thể là DNNN mà không nhất thiết phải là cơ quan đại diện chủ sở hữu (của DNNN). Điều này có ý nghĩa ở khía cạnh nó cho phép DNNN trực tiếp ra quyết định liên quan đến vốn đầu tư, chuyển nhượng (trong một số trường hợp) mà không cần phải trình và xin phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Quy trình như vậy sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, thủ tục, nâng hiệu quả đầu tư, chuyển nhượng vốn.
Thứ hai, ngoài các lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa kinh tế, xã hội, Chính phủ xem ra vẫn muốn tăng cường sự hiện diện của DNNN trong các lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao. Cụ thể, điều 5 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DNNN được bổ sung thêm một số lĩnh vực, đáng chú ý trong đó là lĩnh vực sản xuất các vật phẩm lưu niệm bằng vàng. Khoản 2 điều 12 về phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được bổ sung một số lĩnh vực “màu mỡ” như dịch vụ khai thác khu bay.
Thứ ba, thay vì bị cấm hoàn toàn trong việc góp vốn hoặc đầu tư vào bất động sản như trong Nghị định 91, Nghị định 32 cho phép những việc này, với điều kiện DNNN không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư.
Những hạn chế, thắt chặt
Ngược lại, Nghị định 32 có một số hạn chế, thắt chặt hơn so với Nghị định 91. Thứ nhất, điều 5 Nghị định 32 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DNNN đã loại bỏ lĩnh vực nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, vốn là lĩnh vực khá tai tiếng trong thời gian qua, là tấm bình phong để khai thác cát trái phép.
Thứ hai, khoản 2 điều 12 về phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã loại bỏ hàng loạt lĩnh vực có trong Nghị định 91, gồm khai thác cảng biển; cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; khai thác khoáng sản (chỉ giữ lại “khai thác khoáng sản quy mô lớn”); chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên; sản xuất thuốc lá điếu; bán buôn thuốc phòng, chữa bệnh; bán buôn lương thực; bán buôn xăng dầu; phân phối điện; thoát nước đô thị; vệ sinh môi trường; chiếu sáng đô thị; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị; điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng; khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi và tinh đông; sản xuất vaccin sinh phẩm y tế, vaccin thú y; và sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã xác định rõ những lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải duy trì sự hiện diện thông qua nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực này, và là những lĩnh vực mà khu vực tư nhân hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt, dù trước đây sự tham gia của DNNN được xác định là thiết yếu, có ý nghĩa kinh tế, xã hội. Tất nhiên, vẫn có loại trừ như ở phần “Những nới lỏng, mở rộng” đã nêu ở trên.
Thứ ba, về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài DNNN, vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Nghị định 32 quy định chi tiết, chặt chẽ hơn nhiều so với Nghị định 91 nhằm đảm bảo việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN hoặc vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có mục đích đúng đắn, hợp lý, và giá chuyển nhượng ở mức tốt nhất có thể, tránh thất thoát vốn.
Một trong những điểm khác biệt nổi bật là những quy định liên quan đến tài sản là đất đai. Theo đó, trong việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn, DNNN phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của DNNN đầu tư ra ngoài (hoặc vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm).
Đồng thời, khi chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác, DNNN phải rà soát hồ sơ bàn giao doanh nghiệp từ DNNN sang doanh nghiệp khác, gồm có báo cáo về sử dụng đất của doanh nghiệp, và thực tế sử dụng đất của doanh nghiệp khác có vốn góp của DNNN làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất khi tính vào giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.
Những quy định trên sẽ tránh được trường hợp các DNNN nắm giữ quyền sử dụng đất, kể cả đất thuê, đặc biệt những mảnh “đất vàng”, cố tình bỏ qua hoặc “quên” không tính đến những lợi thế và giá trị mà chúng mang lại cho ai nắm quyền sử dụng chúng vào trong giá trị phần vốn chuyển nhượng của DNNN hoặc vốn nhà nước. Nó cũng tránh được tình trạng vì những mảnh đất thuê có giá trị được để ngoài sổ sách nên các doanh nghiệp (ngoài ngành) mua phần vốn chuyển nhượng từ DNNN hoặc vốn nhà nước tìm cách mua rẻ DNNN để chuyển đổi công năng thành, ví dụ, bất động sản thương mại cho thuê, bán. 
Thứ tư, về chuyện quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao của người đại diện phần vốn nhà nước, Nghị định 91 chỉ quy định là căn cứ theo điều 48, điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghị định 32 chi tiết hóa những quy định này, kèm với mốc thời gian cụ thể (cho việc báo cáo định kỳ)
Ngoài ra, Nghị định 32 cũng quy định rất chi tiết (hơn nhiều so với Nghị định 91) về phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN hoặc vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, đặc biệt là đấu giá theo lô - điều gần như vắng bóng trong Nghị định 91.
Tóm lại, ngoài một số thay đổi không đáng kể theo hướng nới lỏng, mở rộng hơn, Nghị định 32 đã quy định chặt chẽ, chi tiết và lấp được nhiều lỗ hổng so với Nghị định 91 trước đây, nhất là việc xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước liên quan đến đất đai. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, giảm thiểu thất thoát, mất vốn nhà nước trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa.

Wednesday, 16 May 2018

Điều gì xảy ra khi xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện? (Bài đăng trên CafeF, 16/5/2018)

http://cafef.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-duoc-cai-thien-20180516135006944.chn

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch mới đây đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên ‘BB’ từ mức ‘BB-‘, với triển vọng ‘Ổn định’. Nếu các hãng xếp hạng tín dụng chủ chốt khác trên thế giới như Standard & Poor’s và Moody’s cũng có những động thái tương tự thì đây là một điểm rất tích cực cho Việt Nam.
Trước tiên, cần tìm hiểu về ý nghĩa của mức xếp hạng tín nhiệm ‘BB’ của Fitch (tương đương với mức ‘Ba’ của Moody’s và ‘BB’ của Standard & Poor’s). Ở mức này, nợ (trái phiếu) của Chính phủ được xác định là "Hơi có tính đầu cơ; chất lượng thấp". Để so sánh, trên mức này một nấc là mức ‘BBB’ được xác định là mức thấp nhất trong nhóm xếp hạng tín nhiệm ở mức ‘đầu tư’. Còn ở dưới mức ‘BB’ một nấc là ‘B’ thì được xác định là "Rất có tính đầu cơ". Mức ‘đầu tư’ được đặt ra bởi nhiều tổ chức tài chính trên thế giới như ngân hàng chỉ được luật pháp sở tại cho phép đầu tư vào các loại chứng khoán có mức chất lượng tối thiểu là ở mức ‘đầu tư’. Ở mức này, trái phiếu/chứng khoán có chất lượng khá an toàn.
Điều này có nghĩa là tuy trái phiếu Chính phủ Việt Nam tuy vẫn ở mức thấp (‘BB’) nhưng đã tiệm cận mức mà các tổ chức xếp hạng tín dụng khuyến cáo đầu tư và nắm giữ.
Tiếp theo, về tác động của việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hạng tín nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay mượn – tức lãi suất mà người phát hành chứng khoán, trong trường hợp này là Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu, phải chào mời để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khi xếp hạng tín nhiệm bị hạ xuống, điều này sẽ làm giảm giá trái phiếu Chính phủ (đồng thời làm tăng lợi suất trái phiếu). Ngược lại, nếu xếp hạng tín nhiệm được cải thiện, giá trái phiếu Chính phủ sẽ tăng lên (và lợi suất sẽ giảm đi). Trên thực tế, giá trái phiếu Chính phủ thậm chí còn lên hay xuống ngay cả khi nhà đầu tư nhìn thấy nhiều khả năng xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ bị hạ đi hay nâng lên và họ sẽ bán hay mua trước để đón đầu.
Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, sự cải thiện về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tuy sẽ cần một thời gian để phản ánh đầy đủ tác động, nhưng nhìn chung chắc chắn sẽ làm giảm chi phí vay (lãi suất) vay nợ nước ngoài cho quốc gia. Nó cũng làm giảm chi phí vốn nói chung cho thị trường vốn ở Việt Nam. Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn cũng được hưởng lợi khi họ có thể tiếp cận với thị trường vốn trong và ngoài nước với chi phí thấp hơn. Với các ngân hàng thương mại, do chi phí tái cấp vốn sẽ giảm nên việc củng cố và cải thiện cơ sở vốn sẽ thuận lợi hơn, góp phần tăng cường sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
Một điều rất quan trọng nữa là xếp hạng tín dụng của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng được "ăn theo" sự cải thiện về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, do mức xếp hạng tín dụng của họ được mặc nhiên gắn với xếp hạng tín nhiệm quốc gia (thường ở mức thấp hơn một nấc), do sự ngầm định rằng Chính phủ sẽ phải ra tay cứu trợ và trả nợ thay cho các DNNN nếu chúng gặp khó khăn và/hoặc mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sự nâng hạng tín nhiệm quốc gia không chỉ mang đến toàn những điểm cộng. Bên cạnh những tác động tích cực nói trên, vẫn có những rủi ro cần xử lý. 
Thứ nhất, do chi phí vay nợ nước ngoài giảm đi nên Chính phủ và các doanh nghiệp nói chung có xu hướng tăng cường vay mượn nước ngoài nhiều hơn. Điều này làm cho dòng vốn nước ngoài đổ vào nền kinh tế nhiều hơn, tăng áp lực lên giá của tiền đồng, ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu và cán cân thương mại của Việt Nam.
Tuy vậy, trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên trên thế giới do các đợt nâng lãi suất của Fed đã và sắp tới, áp lực lên giá của tiền đồng, nếu có, do sự gia tăng của dòng ngoại tệ đổ vào nền kinh tế bắt nguồn từ việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Fitch sẽ trung hòa áp lực xuống giá của tiền đồng so với USD khi Fed tăng lãi suất ở Mỹ. Nếu USD không mạnh lên trên thị trường thế giới thì cơ quan hữu trách của Việt Nam cần phải điều hành chính sách ngoại tệ một cách khéo léo để tiền đồng không lên giá mạnh so với USD.
Thứ hai, nếu lãi suất vay mượn bằng tiền đồng không giảm tương ứng, điều này sẽ làm tăng chênh lệch chi phí vay mượn bằng tiền đồng với ngoại tệ theo hướng có lợi cho việc vay mượn bằng ngoại tệ. Kết quả là Chính phủ và doanh nghiệp cũng như ngân hàng có xu hướng tăng cường vay mượn bằng ngoại tệ so với nội tệ, làm tăng tỷ trọng nợ ngoại tệ trong tổng nợ quốc gia và doanh nghiệp, làm tăng mức độ rủi ro và tổn thương của nền kinh tế khi dòng vốn ngoại đổi chiều. Để hóa giải rủi ro này, cần thiết phải thắt chặt các hạn mức về vay mượn bằng ngoại tệ, đồng thời có những giải pháp khai thông thị trường vốn trong nước với lãi suất vay nội tệ giảm tương ứng hoặc nhanh hơn lãi suất vay ngoại tệ nói chung. Việc thắt chắt các hạn mức vay mượn ngoại tệ này cũng góp phần làm giảm áp lực lên giá tiền đồng như nói ở trên. 

Tuesday, 15 May 2018

Quản lý nhà nước trong ngành ngân hàng: Sao cho phát triển bền vững? (Bài đăng trên Doanh nhân Sài Gòn, 14/5/2018, bản gốc)

https://doanhnhansaigon.vn/tai-chinh-chung-khoan/quan-ly-nha-nuoc-trong-nganh-ngan-hang-sao-cho-phat-trien-ben-vung-1085525.html

Sự phát triển của khu vực tài chính, ngân hàng được xác định là một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời, cả lý thuyết và thực tế đều cho thấy tăng trưởng tín dụng quá nhanh thường gây ra tổn thương mang tính hệ thống và khủng hoảng kinh tế. Do đó, nhà nước cần thiết phải đóng một vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển sâu của ngành tài chính, ngân hàng, nhưng đồng thời bảo đảm ngăn chặn hữu hiệu những cơn sốt nóng trong ngành để không dẫn đến đổ vỡ và khủng hoảng.
Trước hết, nhà nước có vai trò không thể thiếu trong việc chế tài và giám sát để đảm bảo ngành ngân hàng hoạt động ổn định và lành mạnh trong phạm vi các chuẩn mực an toàn. Sự can thiệp của nhà nước sẽ giúp làm giảm các khiếm khuyết của thị trường như: (a) hành vi chống cạnh tranh, (b) gian lận thị trường, (c) thông tin bất đối xứng, và (d) bất ổn có tính hệ thống. Những khiếm khuyết này sẽ làm hạn chế công năng đóng góp tích cực của các thị trường tài chính cho nền kinh tế, đòi hỏi nhà nước phải can thiệp nếu chi phí là nhỏ hơn lợi ích thu được.
Hai khiếm khuyết (a) và (b) cần phải được khắc phục bằng các quy chế về thị trường của nhà nước nhằm thúc đẩy phân bổ vốn trong nền kinh tế một cách hiệu quả và đảm bảo các chủ thể của thị trường hoạt động một cách liêm chính, đồng thời các quyết định kinh doanh được đưa ra dựa trên thông tin minh bạch, đầy đủ.
Hai khiếm khuyết còn lại thì cần xử lý bằng các quy chế về giám sát phòng ngừa, bởi thông tín bất đối xứng làm tăng rủi ro bất ổn cho hệ thống khi, ví dụ, người mua các sản phẩm tài chính của ngân hàng không nắm được chất lượng của sản phẩm này, dễ dẫn đến thua lỗ, mất mát, phá sản, từ đây lại sẽ dẫn đến bất ổn hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu tăng vọt có thể là do người mua sản phẩm tài chính của ngân hàng bằng vốn vay của ngân hàng khác. Quy chế giám sát phòng ngừa sẽ buộc các ngân hàng phải minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của để khách hàng có cơ sở cho quyết định đầu tư của mình.
Đối chiếu với tình hình ở Việt Nam, có thể thấy một số việc cần phải được thực hiện như: (i) nhanh chóng bãi bỏ trần lãi suất, bởi đây chính là một cản trở cho việc thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, tùy theo khẩu vị rủi ro, cơ cấu chi phí, và khả năng chịu đựng của họ; (ii) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm công bố tình hình và phân loại sức khỏe của các ngân hàng (đây là điều chưa thực hiện được mặc dù đã có quy định pháp luật về việc này); (iii) mở cửa hơn nữa cho sự tham gia của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt nhân khi trong hệ thống đang có một số lượng không nhỏ ngân hàng yếu kém, phải tái cơ cấu. Sự tham gia của ngân hàng ngoại sẽ mang đến vốn mới, công nghệ và sản phẩm mới, khuyến khích sự cạnh tranh của ngân hàng nội; và (iv) NHNN cần kiên quyết và có chế tài mạnh mẽ buộc các ngân hàng thực hiện đúng lộ trình và đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu về an toàn vốn tối thiểu nhằm giảm thiểu bất ổn hệ thống. Cần lưu ý rằng thế giới hiện nay đã tiến đến tiêu chuẩn an toàn vốn Basel III trong khi ngành ngân hàng Việt Nam vẫn loay hoay với lộ trình đáp ứng tiêu chuẩn của Basel II đến tận năm 2020 mà cũng không chắc đã đạt được mục tiêu với nhiều ngân hàng.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý, giám sát phòng ngừa rủi ro của nhà nước cần giảm thiểu những chính sách ngắn hạn (thay đổi, điều chỉnh hàng năm, ví dụ như quy định về tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn), xung đột và mâu thuẫn (chẳng hạn quy định của NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán), và thiếu vắng các khuyến khích và cả chế tài để các ngân hàng thực thi nghiêm túc các quy định luật pháp (chẳng hạn NHNN thỉnh thoảng vẫn gửi văn bản nhắc nhở các ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản. Thay vì là nhắc nhở nên không có mấy tác dụng, lẽ ra NHNN nên một mặt quy định sẽ phạt nặng ngân hàng nào vi phạm khi bị phát hiện ra, mặt khác cần khuyến khích các ngân hàng chủ động tuân thủ việc này bằng, ví dụ, cho phép thực hiện cho vay nhà ở xã hội, với nguồn vốn ưu đãi…).
Một vai trò quan trọng khác của nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng là sự can thiệp và xử lý các ngân hàng có vấn đề. Kinh nghiệm rút ra từ các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy một trong những nguồn gốc gây ra khủng hoảng là chuyện “ngân hàng quá lớn để cho phá sản”. Hay, nói cách khác, sự dùng dằng, không dám cho một ngân hàng nào đó đóng cửa bởi cơ quan chức năng đã châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng, xáo động trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng đóng cửa, phá sản của ngân hàng sẽ tạo ra khủng hoảng hệ thống khi người gửi tiền đổ xô rút tiền từ ngân hàng có vấn đề. Nhưng một chính sách ngăn ngừa ngân hàng phá sản chắc chắn sẽ tạo ra rủi ro đạo đức cho cả phía giới chủ và quản lý ngân hàng, và phía người gửi tiền. Giới chủ, quản lý ngân hàng thì trở nên vô trách nhiệm với các quyết định tài chính của mình, đồng thời cũng không nỗ lực quản trị ngân hàng theo hướng an toàn, bền vững vì tin rằng Chính phủ sẽ cứu trợ, không để ngân hàng đổ vỡ. Phía người gửi tiền thì không quan tâm đến uy tín và tình hình hoạt động của ngân hàng miễn là chào mời lãi suất hấp dẫn vì tin rằng ngân hàng không thể bị đóng cửa. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần sẵn sàng để cho ngân hàng đóng cửa, phá sản nếu thấy đây là một giải pháp tốt hơn.
Ngoài ra, viễn cảnh khi nhà nước sẵn sàng để cho ngân hàng yếu kém nào đó ra đi và mở cửa cho các ngân hàng mới thành lập cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh lên các ngân hàng, buộc chúng phải nỗ lực cung cấp các sản phẩm tài chính tốt với giá dễ chịu, đồng thời hạn chế khả năng thâu tóm thị trường của một vài ngân hàng làm giảm mức độ cạnh tranh.
Theo hướng này, rất may là Việt Nam gần đây đã có chuyển biến nhận thức, đã đề cập đến sự phá sản trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng, thay vì khẳng định không để ngân hàng phá sản như trước đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhận thức mới này vẫn còn chưa dứt khoát khi sự phá sản này kèm điều kiện là “giải pháp cuối cùng” sau khi các biện pháp tái cơ cấu khác đã thực hiện không có kết quả. Nếu cứ phải tuân thủ theo đúng lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém như vậy thì e rằng sẽ là quá muộn khi lần lượt các biện pháp tái cơ cấu được thử nghiệm và thất bại để rồi mới đi đến kết luận là phải cho phá sản ngân hàng. Lúc đó thì các hậu quả phát sinh để lại cho hệ thống và toàn nền kinh tế có thể sẽ lớn hơn nhiều nếu cơ quan chức năng chủ động xác định được mức độ yếu kém và chọn giải pháp phá sản.
Tiếp theo, nhà nước cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản đối phó khi một ngân hàng nào đó bị cho phá sản. Lúc này, nhn có vai trò then chốt trong việc ổn định lòng tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng, duy trì hoạt động bình thường của hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu gánh nặng ngân sách dùng để cứu trợ hệ thống ngân hàng…
Tuy Việt Nam đã có một số kinh nghiệm trong vấn đề trên, nhưng trước mắt cần điều chỉnh ngay mức bảo hiểm tiền gửi lên cao hơn từ mức rất thấp như hiện nay là tối đa 75 triệu đồng, để người gửi tiền, nhất là những người có nhiều tiền gửi, tạm yên tâm với tài sản của mình phó thác cho các ngân hàng, tránh khả năng vì quá lo sợ, bất an nên họ rút tiền ra đầu tư vào những lĩnh vực khác.
Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên đánh giá tác động tiềm năng của một ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô lớn, lên toàn bộ hệ thống và cả nền kinh tế mỗi khi ngân hàng này có vấn đề. Làm được như vậy, mỗi khi ngân hàng mục tiêu này gặp rắc rối, tùy theo mức độ trầm trọng của vấn đề, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý thích hợp, bao gồm sát nhập/mua lại giữa các ngân hàng (trong và ngoài nước) với nhau hoặc với một phần tiền từ ngân sách…, nhằm bảo đảm tính ổn định của hệ thống ngân hàng.
Song song với những giải pháp liên quan đến số phận các ngân hàng yếu kém, cơ quan chức năng cần sẵn sàng, chủ động đưa ra kế hoạch tái cơ cấu và phục hồi các ngân hàng lớn có vấn đề nhưng có khả năng phục hồi. Mặc dù đây không phải là chuyện mới với Việt Nam, nhưng những lỗ hổng trong các vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém gồm Ngân hàng Xây dựng dẫn đến việc truy tố một số cán bộ NHNN gần đây cho thấy còn rất nhiều việc phải làm trong công cuộc tái cơ cấu và phục hồi ngân hàng yếu kém ở Việt Nam.

Friday, 11 May 2018

Tại sao nợ xấu tăng mạnh nhưng chi phí dự phòng rủi ro lại giảm? (Bài đăng trên TBKTSG, 12/5/2018)

http://www.thesaigontimes.vn/272501/tai-sao-no-xau-tang-manh-nhung-chi-phi-du-phong-rui-ro-lai-giam.html

Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2017. Trong số này, có một số ngân hàng báo cáo con số nợ xấu cao hơn năm trước, nhưng, ngược lại, lại có chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng thấp hơn năm 2016. Điều này tạo ra nghi ngờ rằng đây là một thủ thuật kế toán để nhằm làm đẹp các chỉ tiêu lợi nhuận của những ngân hàng này.
Căn cứ vào số liệu nợ phân loại theo 5 nhóm tổng hợp bởi trang thông tin điện tử CafeF (trong đó nợ xấu được coi là nợ từ nhóm 3 trở đi) và báo cáo tài chính đã kiểm toán của tất cả các ngân hàng thương mại công bố cho năm 2017, có thể thấy chỉ có một số ít những ngân hàng thuộc loại trên gồm ABB, NCB, OCB, TCB, VietA, và VIB. Đi sâu vào phân tích từng ngân hàng, có thể thấy lý do khá đa dạng.
Với ABB, mặc dù nợ xấu tăng lên 1.327 tỉ đồng năm 2017 từ 997 tỉ đồng năm 2016, chi phí DPRR lại giảm xuống 493 tỉ đồng năm 2017 từ 658 tỉ đồng năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu gồm việc không phải trích lập DPRR cho trái phiếu Vinashin (đã xử lý hết), hoàn nhập dự phòng cụ thể các khoản mua nợ và các khoản phải thu khó đòi trong năm 2017… trong khi năm 2016 vẫn phải trích lập DPRR các khoản này.
Với NCB, nợ xấu từ nhóm 3 đến 5 tăng lên 492 tỉ đồng năm 2017 từ 390 tỉ năm 2016, trong khi chi phí DPRR giảm từ 83 tỉ đồng năm 2016 xuống còn 62 tỉ đồng năm 2017. Ngoài lý do dường như có sự nhầm lẫn trong báo cáo về DPRR tín dụng năm 2017 (con số thực tế về chi phí DPRR tín dụng lẽ ra phải là 74 tỉ đồng thay vì 62 tỉ đồng), DPRR năm 2017 giảm chủ yếu do giảm dự phòng chung (gần 9 tỉ đồng).
Điều khó hiểu ở đây là mặc dù nợ từ nhóm 1 đến 4 đã tăng mạnh trong năm 2017 so với năm 2016 nhưng trích lập dự phòng chung (=0,75% của nợ từ nhóm 1 đến 4) lại giảm đi trong năm 2017. Vì báo cáo tài chính của NCB không giải thích gì thêm nên ta buộc phải để ngỏ lý do trích lập DPRR năm 2017 nhỏ hơn năm 2016 trong khi nợ xấu tăng lên.
Lưu ý thêm rằng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này chỉ là gần 22 tỉ đồng năm 2017 nên sự tăng lên về DPRR ở mức một hai chục tỉ đồng là đủ để làm bay toàn bộ khoản lợi nhuận sau thuế khiêm tốn của ngân hàng này.
Với OCB, ngân hàng này đã chi 256 tỉ đồng DPRR năm 2017, giảm xuống từ 335 tỉ đồng năm 2016, trong khi nợ xấu tăng lên 865 tỉ đồng từ mức 642 tỉ đồng trong cùng kỳ. Vì báo cáo tài chính công bố của ngân hàng này không kèm phần thuyết minh về chi phí DPRR nên không thể biết cụ thể lý do cho sự sụt giảm về chi phí DPRR này. Điều đáng chú ý và dường như có liên quan duy nhất ở đây là sự tăng mạnh (cả tuyệt đối lẫn tỷ trọng) của nợ đủ tiêu chuẩn tại ngân hàng này, và điều này có thể là một phần lý do giải thích cho sự sụt giảm chi phí DPRR.
TCB báo cáo chi phí DPRR 3.609 tỉ đồng năm 2017 từ mức 3.661 tỉ năm 2016. Nợ xấu của ngân hàng này đứng ở mức 2.584 tỉ đồng năm 2017 từ mức 2.246 tỉ đồng năm 2016. Phần thuyết minh chi phí DPRR tín dụng của ngân hàng cho thấy nó đã giảm rất mạnh trích lập DPRR, cụ thể cho vay khách hàng xuống còn 2.208 tỉ đồng năm 2017 từ 4.015 tỉ đồng năm 2016.
Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm chi phí DPRR của TCB năm 2017, mặc dù cơ cấu phân loại nợ của ngân hàng này ổn định trong 3 năm qua. Do không có thêm thuyết minh gì trong báo cáo tài chính của TCB nên nguyên nhân của việc ghi giảm trích lập dự phòng rủi ro cụ thể và, do đó, chi phí DPRR tín dụng của ngân hàng này cũng buộc phải để ngỏ.
VietA có 526 tỉ đồng nợ xấu năm 2017 (459 tỉ đồng năm 2016). Chi phí DPRR là 363 tỉ đồng và 280 tỉ đồng tương ứng trong năm 2016 và 2017. Điểm đáng chú ý là mặc dù nợ xấu tăng lên đáng kể nhưng VietA trong năm 2017 chỉ trích lập 33 tỉ đồng DPRR tín dụng so với 233 tỉ đồng năm 2016. Sự tăng mạnh của khoản DPRR dùng để xử lý các khoản nợ khó thu hồi (143 tỉ đồng năm 2017 so với 51 tỉ đồng năm 2016) có thể là một phần nguyên nhân ngân hàng này trích lập DPRR thấp hơn dù nợ xấu cao hơn trong năm 2017.
Cuối cùng, với VIB, ngân hàng này có 1.987 tỉ đồng nợ xấu năm 2017, tăng so với 1.550 tỉ năm 2016. Chi phí DPRR tín dụng năm 2017 là 350 tỉ so với 606 tỉ năm 2016. VIB trích lập DPRR cho vay khách hàng năm 2017 nhiều hơn 144 tỉ so với năm 2016 (tính đến thời điểm 30-11) phù hợp với tổng dư nợ và nợ xấu tăng lên, nhưng đồng thời cũng hoàn nhập dự phòng trong năm 2017 nhiều hơn 122 tỉ đồng so với năm 2016. DPRR thấp hơn liên quan đến chứng khoán đầu tư (có thể do dư nợ chứng khoán do các tổ chức kinh tế phát hành thấp hơn) và trái phiếu đặc biệt của VAMC… cũng góp phần vào làm giảm chi phí DPRR của VIB trong năm 2017 so với năm 2016.
Tóm lại, trong số những ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính 2017 đã kiểm toán thì chỉ có một số ít (6) ngân hàng báo cáo chi phí DPRR thấp đi trong khi nợ xấu tăng lên trong năm 2017, nên cũng chưa thể coi đây là một hiện tượng chung của hệ thống. Ngoài ra, trong số 6 ngân hàng này, chỉ có một hoặc hai ngân hàng dường như có vấn đề với tính hợp lý của chi phí DPRR mà họ báo cáo trong bối cảnh thông tin liên quan rất hạn chế hoặc không có.

Thursday, 10 May 2018

Diễn đàn Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững

Ngày 8/5/2018, tại Hà Nội, Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2018 với chủ đề “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững”. Tham dự Diễn đàn có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhàn nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Các Bộ, ngành liên quan; đại diện tổ chức tài chính quốc tế; Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN; Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại; các chuyên gia tài chính, ngân hàng, đại biểu Quốc hội; một số công ty tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp.
TS. Phan Minh Ngọc được mời tham dự Diễn đàn này và phát biểu trong phiên thảo luận về tổng quan chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.


TS. Phan Minh Ngọc phát biểu trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn
(Nguồn: TBKTSG)

Wednesday, 9 May 2018

Nợ công, bội chi và rủi ro vẫn gia tăng (Bài đăng trên TBKTSG, 9/5/2018, bản gốc)

http://www.thesaigontimes.vn/272078/no-cong-boi-chi-va-rui-ro-van-gia-tang-.html

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2018. Theo đó, năm nay Chính phủ sẽ vay 384 nghìn tỉ đồng, trong đó vay trong nước là 276 nghìn tỉ, còn lại là vay nước ngoài.


Kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ qua các năm
(Nghìn tỷ đồng)
2014
2015
2016
2017
2018
Nguồn vay
463
436
452
342
384
% thay đổi so với năm trước
--
-5,8%
3,7%
-24,3%
12,3%
Vay trong nước
367
400
336
243
276
Vay nước ngoài (gồm ODA, vay ưu đãi...)
96
36
99
99
108
Khác (trái phiếu ngoại tệ…)
Không rõ
Không rõ
17
Không rõ
Không rõ
Sử dụng vốn vay
367
436
452
342
384
Bù đắp bội chi
197
226
254
172
195
Trả nợ gốc (đảo nợ)
70
125
95
144
147
Cho vay lại
Không rõ
Không rõ
43
26
42
Đầu tư (từ vốn trái phiếu)
100
85
60
Không rõ
Không rõ
Kế hoạch trả nợ
209
Không rõ
273
260
257 (275)
Nợ trực tiếp của Chính phủ
Không rõ
Không rõ
154
243
238 (257)
Nợ dự án cho vay lại
Không rõ
Không rõ
24
17
19
Đảo nợ
Không rõ
Không rõ
95
Không rõ
Không rõ
Ghi chú: Số liệu các năm trước năm 2018 lấy từ www.thesaigontimes.vn/159899/Thay-gi-tu-ke-hoach-vay-va-tra-no-cua-Chinh-phu.html


Nợ công, bội chi và rủi ro vẫn đang gia tăng
Theo bảng trên, con số vay nợ của năm nay sẽ tăng tới 12,3% so với con số vay nợ tương ứng trong năm 2017 là 342 nghìn tỉ đồng. Tốc độ tăng này có khả năng sẽ vượt so với tốc độ tăng GDP danh nghĩa của Việt Nam năm nay nên có thể suy ra rằng tỷ lệ nợ công/GDP năm nay sẽ tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh con số trả nợ theo kế hoạch năm nay lại nhỏ hơn năm trước (nếu là 257 tỉ đồng trong năm 2018, so với con số 260 tỉ đồng năm 2017; xem giải  thích ở phần dưới).

Về nguồn vay, kế hoạch sẽ là vay 276 nghìn tỷ từ các nguồn trong nước, chiếm 72% tổng vay nợ năm nay, tăng nhẹ so với năm 2017 (71%). Tuy nhiên, so với những năm trước đây thì tỷ lệ vay trong nước trong hai năm qua đang ở mức thấp nhất. Đây là một vấn đề cần tiếp tục được cải thiện để giảm thiểu rủi ro đối mặt bởi nợ công khi phải phụ thuộc nhiều vào vay nợ nước ngoài, đặc biệt khi lãi suất vay nợ thương mại trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng.

Về sử dụng vốn vay, năm nay dự định dùng 195 nghìn tỉ đồng để bù đắp bội chi, tăng 13,4% so với năm 2017 (172 nghìn tỷ đồng). Nếu các điều kiện khác không thay đổi, khi phải tăng bù đắp bội chi thì có nghĩa là bội chi tiếp tục phình ra. Vì mức tăng bù đắp bội chi 13,4% này chắc chắn sẽ lớn hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa năm nay nên đây là một chỉ báo nữa cho thấy tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP và cùng với đó là tỷ lệ nợ công/GDP năm nay sẽ tăng trở lại sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2017.

Đáng chú ý là khoản vay về để cho vay lại năm nay lại tăng mạnh lên 42 nghỉn tỷ đồng so với 26 nghìn tỷ đồng năm 2017. Vì vay để cho vay lại về bản chất cũng không khác gì Nhà nước bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp (nhà nước) và địa phương nên đây cũng là một lĩnh vực rủi ro, cần hạn chế. Do đó, việc gia tăng vay để cho vay lại năm nay là một diễn biến đi ngược chiến lược kiểm soát an toàn nợ công của Việt Nam.

Về trả nợ, Chính phủ dự định năm nay trả 257 nghìn tỉ đồng nợ, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ cũng đúng bằng 257 nghìn tỉ đồng. Lưu ý rằng trả nợ các dự án cho vay lại dự định sẽ là 19 nghìn tỉ đồng. Như vậy, đây có thể là một “lỗi đánh máy”, bởi nếu đã có khoản trả nợ các dự án cho vay lại (19 nghìn tỉ đồng) thì hoặc là trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ chỉ còn là 257 – 19 = 238 nghìn tỉ đồng, hoặc là tổng giá trị trả nợ năm nay phải là 257 + 19 = 275 nghìn tỉ đồng. Chính phủ cần phải cải chính, làm rõ chi tiết này. Tuy nhiên, vì nợ công vẫn đang gia tăng nếu tính theo giá trị tuyệt đối nên có nhiều khả năng con số kế hoạch trả nợ năm nay sẽ phải là 275 nghìn tỉ, để phản ánh đúng mức nợ gốc và lãi đang gia tăng.

Tính gộp GDP của nền kinh tế ngầm là vô nghĩa

Nhìn trên góc độ rộng hơn, bất chấp năm qua việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã đem về cho ngân sách một khoản thu lớn lên đến nhiều tỉ đô la Mỹ (hàng trăm nghìn tỉ đồng) nhưng kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ cho thấy tình hình ngân sách tiếp tục thêm căng thẳng, bội chi ngân sách/GDP có xu hướng gia tăng trở lại trong năm nay (trở đi). Đây là điều hiển nhiên và dễ hiểu khi nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn chỉ là nhất thời, trong khi chi tiêu ngân sách ngày càng phình to.

Do đó, trong bối cảnh nợ công đã tiến sát ngưỡng trần cho phép ở Việt Nam, nên cũng là dễ hiểu khi Chính phủ muốn áp dụng những giải pháp khá là cực đoan như tính gộp GDP của nền kinh tế ngầm vào GDP của nền kinh tế chính thức nhằm làm cho tỷ lệ nợ công/GDP hay tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP trở nên “đẹp” hơn, an toàn hơn, hoặc làm tăng dư địa để vay mượn nhiều hơn.

Giải pháp trên không những chỉ là liệu pháp tinh thần mà còn không có ý nghĩa ở chỗ là nó đi ngược lại thông lệ thế giới, là điều mà Chính phủ rất hay viện dẫn để biện minh cho một kế hoạch hành động nào đó tạo bất lợi cho dân, ví dụ như tăng thuế.

Cụ thể hơn, một số nghiên cứu quốc tế đã đưa ra một vài ngưỡng an toàn nợ công tính chung cho thế giới (trong số này có những nghiên cứu điển hình, rất có ảnh hưởng, nhưng sau này bị phát hiện là sai lầm). Dựa trên những nghiên cứu này, một số nước đưa ra một ngưỡng nợ công an toàn cho mình. Điều cần lưu ý là ngưỡng nợ công này được tính trên GDP của khu vực kinh tế chính thức, không bao gồm GDP của khu vực kinh tế ngầm.

Vì vậy, nếu theo đúng cách mà Việt Nam đang muốn thực hiện là tính gộp cả GDP của khu vực kinh tế ngầm vào khu vực kinh tế chính thức thì ngưỡng nợ công an toàn trên thế giới (nếu có) sẽ phải, theo logic, nhỏ hơn ngưỡng an toàn hiện tại. Để dễ hiểu hơn, giả sử quy mô nền kinh tế ngầm của thế giới tương đương với 30% nền kinh tế chính thức, và nếu ngưỡng nợ công an toàn chung cho thế giới được xác định là 65% GDP của khu vực kinh tế chính thức (bằng với ngưỡng nợ công ở Việt Nam), thì ngưỡng mới về an toàn nợ công trên thế giới (và, do đó, của Việt Nam) sẽ giảm xuống còn 50%/GDP (gộp).

Nói cách khác, dù có tính gộp GDP của khu vực kinh tế ngầm với khu vực kinh tế chính thức thì sự gia tăng mức vay nợ ở Việt Nam cũng sẽ không được cải thiện tương ứng như kỳ vọng của Chính phủ.

Một số nghiên cứu bằng tiếng Anh của tớ

(Một số bài không download được. Bạn đọc có nhu cầu thì bảo tớ nhé)

19. Yang, Chih-Hai, Ramstetter, Eric D., Tsaur, Jen-Ruey, and Phan Minh Ngoc, 2015, "Openness, Ownership, and Regional Economic Growth in Vietnam", Emerging Markets Finance and Trade, Vol. 51, Supplement 1, 2015 (Mar).
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/1540496X.2014.998886#.Ve7he3kVjIU

18. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2013, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', Journal of Asian Economics, Vol. 25, Apr 2013,
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1049007812001170.

17. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2011, 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Further Evidence from Vietnamese Manufacturing', ESRI Discussion Paper Series No.278, Economic and Social Research Institute, Cabinet Office, Tokyo, Japan. (http://www.esri.go.jp/en/archive/e_dis/abstract/e_dis278-e.html)

16. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2009, ‘Foreign Ownership and Exports in Vietnamese Manufacturing’, Singapore Economic Review, Vol. 54, Issue 04.
(http://econpapers.repec.org/article/wsiserxxx/v_3a54_3ay_3a2009_3ai_3a04_3ap_3a569-588.htm)

15. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘The Roles of Capital and Technological Progress in Vietnam’s Economic Growth’, Journal of Economic Studies, Vol. 32, No. 2.
(http://www.emeraldinsight.com/journals.htm?articleid=1724281)

14. Phan, Minh Ngoc, 2008. ‘Sources of Vietnam’s Economic Growth’, Progress in Development Studies, Vol. 8, No. 3.
(http://pdj.sagepub.com/content/8/3.toc)

13. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2008. 'Productivity, Ownership, and Producer Concentration in Transition: Evidence from Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2008-04, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2008a_e.html#04)

12. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Employee Compensation, Ownership, and Producer Concentration in Vietnam’s Manufacturing Industries’, Working Paper 2007-07, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html)

11. Ramstetter, Eric D. and Phan Minh Ngoc, 2007. ‘Changes in Ownership and Producer Concentration after the Implementation of Vietnam’s Enterprise Law’, Working Paper 2007-06, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2007a_e.html#06)

10. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2006. ‘Economic Growth, Trade, and Multinational Presence in Vietnam's Provinces’, Working Paper 2006-18, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. Also presented in the 10th Convention of the East Asian Economic Association, Nov. 18-19, 2006, Beijing.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/wp2006a_e.html#18)

9. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, Phan Thuy Nga, and Shigeru Uchida, 2005. ‘Effects of Cyclical Movements of Foreign Currencies’ Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest and Exchange Rates’. Asian Business & Management, Vol. 4, No.3.
(http://www.palgrave-journals.com/abm/journal/v4/n3/abs/9200134a.html)

8. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam's Economic Transition’. Asian Economic Journal, Vol.18, No.4.
(http://ideas.repec.org/a/bla/asiaec/v18y2004i4p371-404.html)

7. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2004. ‘Foreign Ownership Shares and Exports of Multinational Firms in Vietnamese Manufacturing’, Working Paper 2004-32, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. An earlier version of this paper was presented in the 9th Convention of the East Asian Economic Association, 13-14 November 2004, Hong Kong.
(www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2004/2004-32.pdf)

6. Phan, Minh Ngoc, Nguyen Thi Phuong Anh, and Phan Thuy Nga, 2003. ‘Exports and Long-Run Growth in Vietnam, 1976-2001’, ASEAN Economic Bulletin, Vol.20, No.3.
(http://findarticles.com/p/articles/mi_hb020/is_3_20/ai_n29057943/)

5. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2003. ‘Comparing Foreign Multinationals and Local Firms in Vietnam’, Working Paper 2003-43, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

4. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2003. ‘Stabilization Policy Issues in Vietnam’s Economic Transition’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 44 (March).

3. Phan, Minh Ngoc and Eric D. Ramstetter, 2002. ‘Foreign Multinationals, State-Owned Enterprises, and Other Firms in Vietnam’, Working Paper 2002-23, Kitakyushu: International Centre for the Study of East Asian Development. This paper was also presented in the 8th Convention of the East Asian Economic Association, 4-5 November 2002, Kuala Lumpur.
(http://www.icsead.or.jp/7publication/workingpp/wp2003/2003-43.pdf)

2. Phan, Minh Ngoc and Shigeru Uchida, 2002. ‘Capital Controls to Reduce Volatility of Capital Flows; Case Studies in Chile, Malaysia, and Vietnam in 1990s’. Annual Review of Southeast Asian Studies, Research Institute of Southeast Asia, Faculty of Economics, Nagasaki University, Vol. 43 (March).

1. Phan, Minh Ngoc, 2002. ‘Comparisons of Foreign Invested Enterprises and State-Owned Enterprises in Vietnam in the 1990s’. Kyushu Keizai Nenpo (the Annual Report of Economic Science, Kyushu Association of Economic Science), No.40 (December). An earlier version of this paper was presented in the 40th Conference of the Kyushu Keizai Gakkai (Kyushu Association of Economic Science).