Nhiều ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2017. Trong số này, có một số ngân hàng báo cáo con số nợ xấu cao hơn năm trước, nhưng, ngược lại, lại có chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng thấp hơn năm 2016. Điều này tạo ra nghi ngờ rằng đây là một thủ thuật kế toán để nhằm làm đẹp các chỉ tiêu lợi nhuận của những ngân hàng này.
Căn cứ vào số liệu nợ phân loại theo 5 nhóm tổng hợp bởi trang thông tin điện tử CafeF (trong đó nợ xấu được coi là nợ từ nhóm 3 trở đi) và báo cáo tài chính đã kiểm toán của tất cả các ngân hàng thương mại công bố cho năm 2017, có thể thấy chỉ có một số ít những ngân hàng thuộc loại trên gồm ABB, NCB, OCB, TCB, VietA, và VIB. Đi sâu vào phân tích từng ngân hàng, có thể thấy lý do khá đa dạng.
Với ABB, mặc dù nợ xấu tăng lên 1.327 tỉ đồng năm 2017 từ 997 tỉ đồng năm 2016, chi phí DPRR lại giảm xuống 493 tỉ đồng năm 2017 từ 658 tỉ đồng năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu gồm việc không phải trích lập DPRR cho trái phiếu Vinashin (đã xử lý hết), hoàn nhập dự phòng cụ thể các khoản mua nợ và các khoản phải thu khó đòi trong năm 2017… trong khi năm 2016 vẫn phải trích lập DPRR các khoản này.
Với NCB, nợ xấu từ nhóm 3 đến 5 tăng lên 492 tỉ đồng năm 2017 từ 390 tỉ năm 2016, trong khi chi phí DPRR giảm từ 83 tỉ đồng năm 2016 xuống còn 62 tỉ đồng năm 2017. Ngoài lý do dường như có sự nhầm lẫn trong báo cáo về DPRR tín dụng năm 2017 (con số thực tế về chi phí DPRR tín dụng lẽ ra phải là 74 tỉ đồng thay vì 62 tỉ đồng), DPRR năm 2017 giảm chủ yếu do giảm dự phòng chung (gần 9 tỉ đồng).
Điều khó hiểu ở đây là mặc dù nợ từ nhóm 1 đến 4 đã tăng mạnh trong năm 2017 so với năm 2016 nhưng trích lập dự phòng chung (=0,75% của nợ từ nhóm 1 đến 4) lại giảm đi trong năm 2017. Vì báo cáo tài chính của NCB không giải thích gì thêm nên ta buộc phải để ngỏ lý do trích lập DPRR năm 2017 nhỏ hơn năm 2016 trong khi nợ xấu tăng lên.
Lưu ý thêm rằng lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này chỉ là gần 22 tỉ đồng năm 2017 nên sự tăng lên về DPRR ở mức một hai chục tỉ đồng là đủ để làm bay toàn bộ khoản lợi nhuận sau thuế khiêm tốn của ngân hàng này.
Với OCB, ngân hàng này đã chi 256 tỉ đồng DPRR năm 2017, giảm xuống từ 335 tỉ đồng năm 2016, trong khi nợ xấu tăng lên 865 tỉ đồng từ mức 642 tỉ đồng trong cùng kỳ. Vì báo cáo tài chính công bố của ngân hàng này không kèm phần thuyết minh về chi phí DPRR nên không thể biết cụ thể lý do cho sự sụt giảm về chi phí DPRR này. Điều đáng chú ý và dường như có liên quan duy nhất ở đây là sự tăng mạnh (cả tuyệt đối lẫn tỷ trọng) của nợ đủ tiêu chuẩn tại ngân hàng này, và điều này có thể là một phần lý do giải thích cho sự sụt giảm chi phí DPRR.
TCB báo cáo chi phí DPRR 3.609 tỉ đồng năm 2017 từ mức 3.661 tỉ năm 2016. Nợ xấu của ngân hàng này đứng ở mức 2.584 tỉ đồng năm 2017 từ mức 2.246 tỉ đồng năm 2016. Phần thuyết minh chi phí DPRR tín dụng của ngân hàng cho thấy nó đã giảm rất mạnh trích lập DPRR, cụ thể cho vay khách hàng xuống còn 2.208 tỉ đồng năm 2017 từ 4.015 tỉ đồng năm 2016.
Đây là một trong những nguyên nhân chính làm giảm chi phí DPRR của TCB năm 2017, mặc dù cơ cấu phân loại nợ của ngân hàng này ổn định trong 3 năm qua. Do không có thêm thuyết minh gì trong báo cáo tài chính của TCB nên nguyên nhân của việc ghi giảm trích lập dự phòng rủi ro cụ thể và, do đó, chi phí DPRR tín dụng của ngân hàng này cũng buộc phải để ngỏ.
VietA có 526 tỉ đồng nợ xấu năm 2017 (459 tỉ đồng năm 2016). Chi phí DPRR là 363 tỉ đồng và 280 tỉ đồng tương ứng trong năm 2016 và 2017. Điểm đáng chú ý là mặc dù nợ xấu tăng lên đáng kể nhưng VietA trong năm 2017 chỉ trích lập 33 tỉ đồng DPRR tín dụng so với 233 tỉ đồng năm 2016. Sự tăng mạnh của khoản DPRR dùng để xử lý các khoản nợ khó thu hồi (143 tỉ đồng năm 2017 so với 51 tỉ đồng năm 2016) có thể là một phần nguyên nhân ngân hàng này trích lập DPRR thấp hơn dù nợ xấu cao hơn trong năm 2017.
Cuối cùng, với VIB, ngân hàng này có 1.987 tỉ đồng nợ xấu năm 2017, tăng so với 1.550 tỉ năm 2016. Chi phí DPRR tín dụng năm 2017 là 350 tỉ so với 606 tỉ năm 2016. VIB trích lập DPRR cho vay khách hàng năm 2017 nhiều hơn 144 tỉ so với năm 2016 (tính đến thời điểm 30-11) phù hợp với tổng dư nợ và nợ xấu tăng lên, nhưng đồng thời cũng hoàn nhập dự phòng trong năm 2017 nhiều hơn 122 tỉ đồng so với năm 2016. DPRR thấp hơn liên quan đến chứng khoán đầu tư (có thể do dư nợ chứng khoán do các tổ chức kinh tế phát hành thấp hơn) và trái phiếu đặc biệt của VAMC… cũng góp phần vào làm giảm chi phí DPRR của VIB trong năm 2017 so với năm 2016.
Tóm lại, trong số những ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính 2017 đã kiểm toán thì chỉ có một số ít (6) ngân hàng báo cáo chi phí DPRR thấp đi trong khi nợ xấu tăng lên trong năm 2017, nên cũng chưa thể coi đây là một hiện tượng chung của hệ thống. Ngoài ra, trong số 6 ngân hàng này, chỉ có một hoặc hai ngân hàng dường như có vấn đề với tính hợp lý của chi phí DPRR mà họ báo cáo trong bối cảnh thông tin liên quan rất hạn chế hoặc không có.
No comments:
Post a Comment