Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 433/QĐ-TTg sửa
đổi bổ sung Quyết định 544/QĐ-TTg ngày 20-4-2017 về việc phê duyệt chương trình
quản lý nợ trung hạn 2016-2018. Theo đó, Chính phủ sẽ “hạn chế việc cấp mới bảo
lãnh chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước của doanh nghiệp thực hiện
dự án đầu tư để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội
phê duyệt”.
Nếu chỉ căn cứ vào nội dung của quyết định như trên thì có
thể hiểu rằng quản lý nợ công của Chính phủ đang tiếp tục đi đúng hướng với bảo
lãnh chính phủ sẽ được hạn chế, tiếp tục thắt chặt lại. Nhưng cần lưu ý rằng
trong Quyết định 544 năm 2017, điều khoản tương ứng nêu rõ: “Tạm dừng toàn bộ
việc cấp mới bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước”.
Như vậy, Quyết định 433 đã nối lại việc cấp mới bảo lãnh
chính phủ, dù rằng việc này sẽ bị hạn chế. Nói cách khác, so với năm trước, việc
bảo lãnh chính phủ đã được nới lỏng. Từ đây, một số khả năng được đặt ra liên
quan đến động thái này.
Khả năng thứ nhất là do tình hình nợ công đã được cải thiện
nên Chính phủ thấy rằng có thể nối lại việc cấp mới bảo lãnh chính phủ. Nếu căn
cứ vào một số báo cáo của các cơ quan hữu trách thì dường như khả năng này là
hiện hữu. Chẳng hạn, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tỷ lệ nợ
công/GDP năm 2017 ước ở mức 62,6%, thấp hơn so với mức 63,6% cuối năm 2016 do
tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu lại ngân
sách, nợ công của Chính phủ. Theo đó, dư nợ và áp lực trả lãi của Chính phủ có
xu hướng giảm. Dư nợ chính phủ so với GDP giảm xuống mức 51,8% (năm 2016 là
52,6%).
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là tỷ lệ nợ công cải thiện
trong năm 2017 có phần đóng góp thiết yếu nhờ những khoản cổ phần hóa, thoái vốn
doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lên đến nhiều tỉ đô la Mỹ, giúp giảm thâm hụt ngân
sách và kéo giảm tỷ lệ nợ công/GDP. Do việc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN chỉ
là những hoạt động mang tính thời điểm (không kéo dài mãi được, bán/thoái hết
thì thôi) nên năm nay và những năm sau nữa không thể trông chờ vào những khoản
thu tương tự cho ngân sách. Do đó, cũng không thể hy vọng tình hình nợ công sẽ
được cải thiện nếu chỉ trông vào bên nguồn thu mà không tìm cách cắt giảm chi
tiêu, trong đó có việc cấp bảo lãnh chính phủ, vốn có nguy cơ làm tăng nợ công
khi doanh nghiệp được bảo lãnh không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ của
mình.
Việc nới lỏng bảo lãnh chính phủ trong bối cảnh nền quản trị
và hiệu quả hoạt động của các DNNN không có mấy cải thiện so với trước đây, sẽ
phải đối mặt với rủi ro tỷ lệ nợ công tiếp tục sớm tăng trở lại.
Khả năng thứ hai có thể giải thích cho việc nới lỏng cấp mới
bảo lãnh chính phủ là do Chính phủ thấy rằng không thể không có bảo lãnh chính
phủ cho nhiều dự án của các DNNN để các dự án có tính thuyết phục hơn về mặt
tài chính. Nhờ bảo lãnh chính phủ, việc vay vốn các ngân hàng trong và ngoài nước
sẽ dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn do rủi ro của dự án đã được Chính phủ
“gánh”. Với bảo lãnh của Chính phủ, dự án vì thế sẽ có tính khả thi hơn, hiệu
quả hơn, dễ được chấp nhận và phê chuẩn bởi các cấp có thẩm quyền.
Khả năng thứ ba là sau một thời gian tạm dừng toàn bộ việc cấp
mới bảo lãnh, Chính phủ nhận thấy việc này đã được chấn chỉnh, và sau khi xem
xét kỹ khả năng thu hồi vốn của những dự án được bảo lãnh, Chính phủ quyết định
nối lại việc cấp mới bảo lãnh, mặc dù với phương châm “hạn chế”. Tuy nhiên, cho
đến nay dư luận chưa thấy bất cứ một báo cáo nào cho thấy việc chấn chỉnh, tăng
cường chất lượng xét duyệt bảo lãnh đã được diễn ra ở mức độ thỏa đáng để đảm bảo
các dự án được tiếp tục cấp mới bảo lãnh là những dự án có hiệu quả, chắc chắn
thu hồi được vốn (đúng hạn) nên cũng không thể khẳng định rằng Chính phủ quyết
định nới lỏng việc cấp mới bảo lãnh là bởi khả năng này.
Như vậy, có thể tạm cho rằng sự nới lỏng việc cấp mới bảo
lãnh chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước trong năm nay là sự kết hợp
của sự cải thiện về tỷ lệ nợ công/GDP và bản chất “dựa dẫm”, không thể tách rời
“bầu sữa” ngân sách nhà nước của các DNNN, dù là gián tiếp, thông qua bảo lãnh
chính phủ.
Như trên đã phân tích, do sự cải thiện tỷ lệ nợ công/GDP năm
trước chỉ là tạm thời, ngắn hạn nên việc nới lỏng bảo lãnh chính phủ trong bối
cảnh nền quản trị và hiệu quả hoạt động của các DNNN không có mấy cải thiện so
với trước đây, sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ lệ nợ công tiếp tục sớm tăng trở lại.
Để giảm thiểu rủi ro này có lẽ Chính phủ nên khống
chế một mức trần cụ thể cho bảo lãnh trong năm nay (và các năm sau), thay vì
nói chung chung là “hạn chế” như trong Quyết định 433, để trong trường hợp xấu
nhất thì nợ công cũng không vì thế mà tăng vọt.
No comments:
Post a Comment