https://www.thesaigontimes.vn/309109/nen-bien-ho-the-nao-ve-chuyen-tien-dong-bi-dinh-gia-thap.html
Mới đây, Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố tái khẳng định rằng chưa và sẽ không bao giờ sử
dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công
bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế. Lời tái khẳng định này có lẽ được
đưa ra trong bối cảnh Mỹ gần đây đã xác quyết rằng VND đã bị định giá thấp hơn
giá trị thật khoảng 4,7% trong năm 2019.
Theo cáo buộc của
Mỹ, việc định giá thấp này là kết quả của “hành động của Chính phủ Việt Nam lên
tỷ giá” bằng việc đã mua 22 tỷ USD gồm cả phần mua bởi NHNN. Phía Mỹ tính toán
rằng hành động này của Việt Nam đã làm cho tỷ giá VND, ở mức danh nghĩa là
23.224 đồng/USD năm 2019, thấp hơn khoảng 1.090 đồng so với tỷ giá hối đoái thực
cân bằng.
Tuyên bố trên của
NHNN là một hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước lời cáo
buộc của Mỹ (và của những đối tác khác, nếu có “hùa” theo). Tuy nhiên, nếu chỉ
dừng lại ở sự khẳng định này, dù là tái khẳng định, dù có cương quyết, mạnh mẽ
đến đâu mà không đưa ra những bằng chứng và thực tế khách quan thì hiệu quả của
tuyên bố này có lẽ sẽ không có nhiều.
Để biện hộ có hiệu
quả thì, trong khi phải thừa nhận việc mua vào 22 tỷ USD năm 2019 theo cáo buộc
của Mỹ là một thực tế mà không thể, không nên phủ nhận, NHNN có thể làm nhẹ thực
tế này bằng cách gắn kết nó với những nhu cầu, quyền lợi chính đáng của quốc
gia.
Trước hết, nếu có
thể được thì cần đưa ra những số liệu thống kê để chứng minh về sự tăng mạnh
nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là vốn ngắn hạn (không phải là FDI), mang tính đầu
cơ mà còn thường được biết đến dưới tên gọi “hot money” chảy vào nền kinh tế Việt
Nam trong năm 2019, vốn có thể là kết quả trực tiếp và gián tiếp của thương chiến
Mỹ-Trung.
Khi luồng tiền
nóng dồn dập đổ vào một nền kinh tế thì hậu quả tất yếu thường là sự lên giá mạnh
của bản tệ mà nếu không kịp thời được can thiệp và kiểm soát thì sẽ tạo ra những
tác động tiêu cực tới nền kinh tế bản địa như sự lên giá mạnh của bản tệ làm
suy giảm trầm trọng tính cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trong nước, đi kèm
với sự căng phồng các bong bóng tài sản như chứng khoán và bất động sản mà sớm
muộn cũng sẽ nổ vỡ.
Trước hậu quả
nhãn tiền trên, phản ứng chính sách chính đáng, tiêu chuẩn sẽ là can thiệp và
kiểm soát lưu chuyển vốn, không để cả tỷ giá thực lẫn tỷ giá danh nghĩa tăng
quá mức có thể chấp nhận. Trên khía cạnh này, việc NHNN mua vào USD cần được chỉ
ra rằng đây là một hành động tự vệ cần thiết. Hơn nữa, việc mua vào USD này của
NHNN thực ra vẫn có thể biện luận là đã “rất thận trọng”, rất chừng mực, khi nó
không làm tỷ giá VND/USD suy yếu đáng kể, mà hầu như là ổn định/đứng yên (thực
tế, vào cuối năm 2019 tỷ giá danh nghĩa mới chỉ giảm có 0,11% so với đầu năm
2019).
Song song đó, Việt
Nam cũng có thể biện hộ thêm rằng với lịch sử nhiều năm phải trải qua những
thăng trầm lớn về bất ổn vĩ mô gắn với sự mất giá của VND (so với USD) nên ưu
tiên chính sách hàng đầu – rất chính đáng và có ý nghĩa ở/của Việt Nam – là ổn
định tỷ giá (danh nghĩa). Hướng đến mục tiêu này, năm 2019 là một năm có thể được
coi là thành công khi tỷ giá danh nghĩa hầu như không biến động/suy giảm, nhờ
đó lạm phát của Việt Nam trong năm 2019 cũng được kiềm chế ở mức 2,8%.
Mục đích chính
đáng bổ sung dự trữ ngoại hối vốn vẫn ở mức dưới chuẩn trước đó cũng là một yếu
tố mà Việt Nam có thể sử dụng để bảo vệ mình trước cáo buộc của Mỹ. Trên thực tế,
dù Chính phủ Việt Nam có mua vào 22 tỷ USD nhưng phần lớn lượng USD mua vào này
chảy vào quỹ dự trữ ngoại hối của NHNN. Theo NHNN công bố, dự trữ ngoại hối đã
tăng thêm 20 tỷ USD trong năm 2019, đạt 79 tỷ USD. Như vậy, nếu không mua bổ
sung USD trong năm 2019 thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tụt thấp hơn mức tối
thiểu cần có cho dự trữ ngoại hối quốc gia theo khuyến cáo là 3 tháng nhập khẩu
(tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 theo công bố là 253,5 tỷ USD).
Và tuy có mua vào thêm 20 tỷ USD thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm
2019 cũng mới chỉ tương đương 3,7 tháng nhập khẩu. Đây không phải là một con số
quá lớn đến mức bất thường, không thể chấp nhận được.
Nhưng bên cạnh vấn
đề tỷ giá, có lẽ điều mà Mỹ cũng rất xem trọng trong cáo buộc của họ là con số
thâm hụt thương mại lớn (và tăng lên) của Mỹ với Việt Nam. Điều này tất yếu có
một phần nguyên nhân không nhỏ là do nhiều doanh nghiệp nước ngoài gian lận xuất
xứ hàng hóa của Việt Nam, nhưng suy cho cùng cũng bắt nguồn từ thương chiến Mỹ-Trung
và các bất đồng thương mại giữa Mỹ với các đối tác khác. Điều này tất nhiên là
chẳng mấy có lợi gì cho Việt Nam, kể cả không xét đến cáo buộc của Mỹ. Vì vậy,
cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này với Mỹ và thể hiện những hành động cho thấy
chúng ta đang và sẽ quyết liệt xử lý, ngăn ngừa, đồng thời qua đó chứng tỏ cho
phía Mỹ thấy tỷ giá VND không phải nguồn cơn chính của tình trạng nhập siêu lớn
của Mỹ với Việt Nam.
Sau cùng, việc Mỹ tính toán tỷ giá VND/USD lẽ ra phải yếu đi thêm 1.090 đồng/USD có một phần là do chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam làm cho VND lên giá thực so với USD. Tuy nhiên, với mức chênh lệch lạm phát tương đối nhỏ giữa Việt Nam và Mỹ, tương ứng là 2,8% và 2,3% năm 2019, trong khi tỷ giá danh nghĩa hầu như không thay đổi, thì tính toán của Mỹ rằng rằng VND đã bị định giá thấp hơn giá trị thật khoảng 4,7% trong năm 2019 là một điều khá bất ngờ và khó hiểu. Việt Nam cần yêu cầu phía Mỹ giải thích cụ thể tính toán của họ để có cơ sở phản biện một cách hữu hiệu, chuẩn xác hơn.
No comments:
Post a Comment