https://thesaigontimes.vn/co-binh-on-duoc-lai-suat-cho-vay/
Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) mới đây đã cho biết các giải pháp ‘bình ổn’ lãi suất cho vay của mình
sau khi NHNN nâng trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn (1). Các giải pháp
này gồm giữ nguyên trần lãi suất cho vay, vận động các tổ chức tín dụng (TCTD)
tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện về mặt
tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Trần lãi suất cho
vay mà NHNN nêu ở đây chính là mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa cho 5 lĩnh
vực ưu tiên theo quy định tại khoản 2 điều 13 Thông tư 39/2016 của NHNN. Lần
quy định trần lãi suất gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 1/10/2020, với mức trần
là 4,5%/năm. Theo tuyên bố của NHNN như trên thì mức trần 4,5% này sẽ tiếp tục
có hiệu lực. Cần biết thêm là cho vay các lĩnh vực ưu tiên, theo ước tính của một
số tổ chức, chỉ chiếm từ 20% đến 25% tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Thông thường, trần
lãi suất cho vay chỉ được điều chỉnh khi trần lãi suất huy động được điều chỉnh
để đảm bảo không làm khó các TCTD (giảm thu nhập của họ). Nhưng trong lần điều
chỉnh trần mới nhất này, đã có sự lệch pha khi chỉ có trần lãi suất huy động được
điều chỉnh tăng lên, còn trần lãi suất cho vay thì được giữ nguyên.
Lưu ý rằng TCTD
không bị bắt buộc (không bị NHNN chỉ định) cho vay với lãi suất bằng hoặc thấp
hơn trần lãi suất cho vay. Nếu thấy không có lợi, họ có toàn quyền từ chối cho
vay, dù doanh nghiệp muốn vay là thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên. Ưu tiên ở đây là từ
góc độ của NHNN, Chính phủ, chứ không phải là của TCTD.
Do đó, quyết định
khống chế trần lãi suất cho vay trong khi nâng trần lãi suất tiền gửi (là điều
làm tăng chi phí cho TCTD) sẽ dẫn đến hai hậu quả, TCTD thu hẹp cho vay (ngắn hạn,
cho các lĩnh vực ưu tiên), và/hoặc TCTD “lách luật” bằng cách áp dụng các loại
phí nếu doanh nghiệp quyết vay cho bằng được.
Hai hậu quả này dẫn
đến hậu quả khác: Chủ trương bình ổn lãi suất cho vay không thành hiện thực,
và/hoặc tín dụng càng bị siết chặt hơn, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên,
đi ngược lại ý đồ của NHNN.
Để ngăn chặn, khắc
phục các hậu quả trên, NHNN phải có và thi hành các công cụ “khuyến khích” TCTD
tăng cường cho vay doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
Công cụ khuyến
khích đầu tiên là vận động (yêu cầu) TCTD tăng cường cho vay lĩnh vực ưu tiên. Để
hợp lý hóa sự vận động này, nó nên/cần được đi kèm với sự vận động TCTD cắt giảm
chi phí, là điều mà NHNN đã và đang áp dụng, như nêu ở trên. Tuy nhiên, các sự
vận động này chỉ là... vận động, tức không phải cưỡng chế, bắt buộc, nên hiệu
quả của chúng vẫn mang tính... hên sui! TCTD dù có cắt giảm được chi phí thì
cũng không dại gì tự giảm lãi suất cho vay, trừ khi bắt buộc phải làm vậy.
Nên NHNN cần phải
áp dụng công cụ mang tính cưỡng chế hơn. Nhìn đi nhìn lại, hiện NHNN chỉ có
công cụ đang áp dụng và có thể tiếp tục tăng cường triển khai là hạn mức tăng
trưởng (“room”) tín dụng. TCTD nào “cứng cổ” không chịu cho vay các lĩnh vực ưu
tiên sẽ bị áp room thấp. Tuy nhiên, room cho từng TCTD mới được NHNN điều chỉnh
trong tháng trước. Kể cả khi NHNN tiến hành một đợt điều chỉnh nữa từ nay đến
cuối năm thì mức độ điều chỉnh (tăng room), nếu có, sẽ không đáng kể (bởi bị khống
chế bởi room tín dụng chung của cả nền kinh tế) để các TCTD đánh đổi lợi ích
trông thấy được (không cho vay để không bị thiệt hại) lấy lợi ích mù mờ (được
tăng room).
Một công cụ khuyến
khích mang tính... hiền hòa hơn là NHNN cho vay TCTD với lãi suất ưu đãi để họ
có nguồn vốn rẻ tăng cường cho vay lĩnh vực ưu tiên. Khả năng này là có nhưng lại
vấp phải rào cản là chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm
phát và ổn định tỷ giá. Nên nếu được áp dụng thì quy mô các gói cho vay ưu đãi
với nguồn vốn rẻ từ NHNN này sẽ cũng chỉ dừng lại ở mức không đáng kể nếu NHNN
không muốn TCTD phải cắt giảm cho vay các lĩnh vực khác để đảm bảo tăng trưởng
tín dụng không vượt quá room được cấp.
Ngoài các vấn đề
liên quan đến cho vay lĩnh vực ưu tiên, thông thường, để đáp ứng lời vận động của
NHNN về giảm lãi suất cho vay, một số TCTD, tự nguyện hay không, cũng sẽ đưa ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi cỡ vài
nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có vài điểm cần lưu ý ở đây. Cụ thể, thường chỉ có một vài TCTD tung ra các gói cho
vay ưu đãi này. Nếu có thì phần lớn là dành cho doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực
ưu tiên, để rồi TCTD phải thu hẹp cho vay các lĩnh vực còn lại (lớn hơn nhiều
so với 5 lĩnh vực ưu tiên) nhằm bảo toàn vốn và/hoặc tuân thủ room tín dụng. Quan
trọng không kém là không thể loại trừ trường hợp TCTD công bố gói cho vay ưu
đãi chủ yếu để lấy “tiếng thơm” chứ không thực tâm, ráo riết thực hiện. Bởi vậy,
các gói cho vay ưu đãi này chắc chắn không có tác động đáng kể đến mặt bằng lãi
suất cho vay.
Tóm lại, do các hạn
chế về động cơ, nguồn lực, công cụ thực thi, room tín dụng, đường hướng chính
sách tiền tệ, đối tượng/phạm vi tác động... nên lãi suất cho vay chắc chắn sẽ
tăng lên khi lãi suất huy động tăng lên. Nói cách khác, hiệu quả của việc ‘bình
ổn’ lãi suất cũng sẽ chỉ tương tự như hiệu quả của các cuộc ‘bình ổn’ giá cả các
loại hàng hóa nói chung mà thường kết thúc trong sự tăng giá không thể cưỡng lại
theo đà tăng giá chung của hàng hóa, dịch vụ (tức lạm phát).
------
https://cafef.vn/lanh-dao-nhnn-noi-gi-ve-viec-binh-on-lai-suat-cho-vay-sau-khi-tang-tran-lai-suat-huy-dong-20221001210208407.chn
No comments:
Post a Comment