https://thesaigontimes.vn/ktsg-so-40-2022-thi-truong-chung-chi-carbon/
Mới đây, Tổng cục
Thống kê (TCTK) công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp
ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3/2022. Theo đó, có 38,6% số doanh
nghiệp đánh giá quý 3 tốt hơn so với quý 2/2022; 36% số doanh nghiệp cho rằng
tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó
khăn (1).
Cũng theo TCTK, kết
quả khảo sát còn cho thấy, đa số doanh nghiệp đều cho thấy sự lạc quan về tình
hình sản xuất kinh doanh trong quý cuối cùng của năm nay. Cụ thể, trong quý 4/2022,
các doanh nghiệp dự kiến tình hình kinh doanh còn tốt hơn so với quý 3/2022 khi
có tới 48,7% doanh nghiệp đánh giá tích cực, 33,9% số doanh nghiệp cho rằng
tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 17,4% số doanh nghiệp dự báo
khó khăn hơn. Như vậy, có đến hơn 82% doanh nghiệp cho thấy sự lạc quan về tình
hình sản xuất kinh doanh trong quý 4.
Trong khi đó, tuy
không phải là một cuộc khảo sát đúng nghĩa như của TCTK nêu trên, Bộ Tài chính
thông qua công tác thu thuế cũng đã nắm bắt được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp,
ở phạm vi rộng hơn chứ không bó hẹp trong một số doanh nghiệp ngành công nghiệp
chế biến, chế tạo được chọn khảo sát bởi TCTK (2).
Theo nắm bắt của
Bộ Tài chính thì một bức tranh về doanh nghiệp rất khác với của TCTK đã hiện ra, với từ khóa “khó
khăn” được lặp lại nhiều lần. Theo đó, thu thuế (từ doanh nghiệp) có xu hướng
giảm kể từ tháng 6, thể hiện khó khăn của doanh nghiệp như chi phí đầu vào tăng
cao, thị trường đang thu hẹp, dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhưng nhiều
doanh nghiệp giảm đơn hàng.
Bộ Tài chính cũng
chỉ ra: “Nhìn vào từng lĩnh vực như bất động sản, thép, gỗ, xi măng, may mặc… đều
có khó khăn. Chẳng hạn, với ngành gỗ, thống kê của cơ quan thuế thì 73% doanh
nghiệp có đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp bị giảm 30-90% đơn hàng. Hay
ngành may mặc, hiện nhiều hoạt động cầm chừng chỉ đạt 50-70% công suất. Ngành
thép cũng tương tự, khi quý 3 giảm 13 lần so với đầu năm khiến doanh nghiệp
thép rất khó khăn. Lắp ráp ô tô chỉ bằng 68% so với cùng kỳ”.
Nói cách khác,
tình hình và kết quả kinh doanh chung của các doanh nghiệp có xu hướng xấu đi kể
từ tháng 6. Đây là xu hướng trái ngược với xu hướng mà cuộc khảo sát doanh nghiệp
chế biến, chế tạo của TCTK cho thấy.
Cả TCTK lẫn cơ
quan thuế, Bộ Tài chính đều là cơ quan chức năng nhà nước, nên đều khả tín như
nhau. Tuy nhiên, do các cuộc khảo sát, tìm hiểu về doanh nghiệp của họ trái ngược
nhau nên phải có một bên đúng, còn bên kia thì sai.
Từ góc độ người
ngoài cuộc nhìn vào, cuộc khảo sát của TCTK được thiết kế như thế nào, thực hiện
ra làm sao thì chỉ có TCTK mới biết. Tương tự, thống kê của cơ quan thuế tiến
hành ở đâu, với ai, bằng phương pháp nào thì cũng chỉ có họ biết. Do đó, câu hỏi
ai đúng, ai sai chỉ có thể được trả lời bởi những người trong cuộc
Nhưng trước khi
nhường câu trả lời cho TCTK và cơ quan thuế/Bộ Tài chính, xin được nêu mấy nhận
định sau.
Về động cơ “lái”
kết quả như công bố, cơ quan thuế/Bộ Tài chính có lẽ có lý do mạnh hơn TCTK. Cần
lưu ý rằng kết quả thu thuế có xu hướng giảm dần là điều không tốt cho cơ quan
thuế từ góc độ chức năng, nhiệm vụ của họ, đặc biệt trong bối cảnh ngành thuế vẫn
còn nguyên đó vấn đề thất thu, nợ đọng thuế tồn tại từ năm này kéo dài qua năm
khác. Do vậy, không gì có sức thuyết phục hơn cho vấn đề thu thuế đang sụt giảm
là lý do khách quan rằng doanh nghiệp đã gặp khó khăn ngay từ thời điểm mà thu
thuế bắt đầu sụt giảm.
Tuy nhiên, điều
này cũng không có nghĩa là cuộc khảo sát của TCTK là phản ánh đúng tình hình
doanh nghiệp. Một số điểm bất thường/bất ngờ toát lên từ kết quả khảo sát, bao gồm chỉ có 4,6% doanh
nghiệp được khảo sát cho biết không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay như là một
yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 3/2022. Điều này
dường như không đúng lắm với thực tế khi nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp
vừa và nhỏ, luôn kêu cứu về chuyện tiếp cận vốn vay, nhất là trong quý 3 khi hạn
mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chưa được tăng, ngân hàng siết cho
vay, lãi suất thì tăng mạnh.
Ở khía cạnh khác,
chỉ có 23,5% doanh nghiệp được khảo sát cho biết lãi suất vay vốn cao làm ảnh
hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh quý 3. Đây cũng có thể coi là một điều khá
bất ngờ bởi quý 3 là quý mà lãi suất huy động đã tăng đáng kể, chắc chắn kéo
theo lãi suất cho vay. Bình thường thì cũng đã luôn nghe thấy các doanh nghiệp
phàn nàn chuyện tiếp cận vốn vay khó và/hoặc lãi suất vay cao. Nay xem ra kết
quả thực tế có vẻ khá dễ chịu, chứng tỏ hoặc TCTK sai, hoặc doanh nghiệp...
(nói) sai!
Nếu đối tượng cuộc
khảo sát của TCTK phần lớn là doanh nghiệp lớn (có ưu thế tiếp cận vốn ngân
hàng, vay nước ngoài, và với lãi suất dễ chịu...) thì điều này có thể hiểu được.
Nhưng nếu vậy thì tính đại diện của cuộc khảo sát này lại là một vấn đề, và do
đó, kết quả khảo sát này không nhất thiết phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp,
thực trạng nền kinh tế trong quý 3.
-------
(1)
https://cafef.vn/hon-80-doanh-nghiep-lac-quan-ve-tinh-hinh-san-xuat-kinh-doanh-2022100110135707.chn
https://baodautu.vn/thu-truong-bo-tai-chinh-thu-ngan-sach-co-dau-hieu-bat-dau-sut-giam-d174523.html
No comments:
Post a Comment