https://thesaigontimes.vn/muc-dich-noi-bien-do-ty-gia/
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 17-10-2022 đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay
đô la Mỹ/tiền đồng từ mức
+/-3% lên +/-5%, có hiệu lực ngay cùng ngày.
Bối cảnh của động thái này, cũng như NHNN cho biết, là xu hướng thắt chặt
chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed (ngân hàng trung ương Mỹ) và các ngân
hàng trung ương trên thế giới.
Đồng thời, cũng cần nhận thức được thêm một bối cảnh nữa đằng sau động thái
này của NHNN là sự liên tục chạm trần tỷ giá của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tại các ngân hàng thương mại trong thời
gian gần đây, cho thấy hoặc biên độ tỷ giá, hoặc bản thân tỷ giá trung tâm do
NHNN công bố hàng ngày, đã trở nên không còn phù hợp với biến động tỷ giá hiện
nay.
Sự không còn phù hợp này cũng sẽ hoặc là dẫn đến sự bùng phát của thị trường
ngoại tệ “chợ đen” khi ngân hàng thương mại không thể nâng cao giá mua/bán đô
la Mỹ quá mức mà thị trường
đòi hỏi, hoặc sẽ dẫn đến việc “lách luật” của ngân hàng thương mại, tiến hành
mua/bán với giá cao hơn giá trần, làm cho việc quy định biên độ tỷ giá trở nên
vô nghĩa.
Tỷ giá trung tâm của NHNN tuy được xây dựng dựa trên sự tham chiếu tỷ giá của
một rổ tiền, nhưng nó vẫn không hoàn toàn khách quan bởi vẫn chứa đựng các yếu
tố chủ quan gồm “các cân đối kinh tế vĩ mô và tiền tệ phù hợp với mục tiêu
chính sách tiền tệ (của NHNN)”. Nên có thể coi tỷ giá trung tâm là một công cụ
điều hành của chính sách tiền tệ thiên về phần chủ quan của NHNN.
Để cải thiện tính khách quan, tính thị trường cho tỷ giá ngân hàng, NHNN áp
dụng biên độ tỷ giá. Do được biến động trong một phạm vi nhất định giữa sàn và
trần lãi suất (dựa trên tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá) nên tỷ giá ngân
hàng gần với tỷ giá thị trường, tỷ giá “chợ đen” hơn so với tỷ
giá trung tâm. Biên độ tỷ giá càng lớn thì mức chênh lệch của tỷ giá ngân hàng
với tỷ giá thị trường/chợ đen càng nhỏ, đặc biệt những lúc căng thẳng tỷ giá.
Trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng gia tăng do Fed tăng lãi suất và việc can
thiệp bán đô la Mỹ cũng như
nâng lãi suất tiền đồng của NHNN không có nhiều tác dụng trong việc chặn đà tăng này, NHNN chắc
chắn đã phải đi đến quyết định “lỏng cương” với tỷ giá.
Nhưng do bị ràng buộc bởi yêu cầu “ổn định vĩ mô”, NHNN cũng không thể điều
chỉnh quá mạnh tỷ giá trung tâm dù cần thiết, bởi có thể bị thị trường nhìn nhận
như một hành động “phá giá” tiền đồng – một từ “húy” và nhạy cảm đối với nhiều
người.
Do vậy, cách tốt nhất để tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tăng mạnh hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ trói buộc
của cơ chế tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá trước đó, là điều chỉnh mạnh biên
độ tỷ giá, chứ không phải tỷ
giá trung tâm.
Tỷ giá tại ngân hàng thương mại có tăng mạnh thêm, ví dụ,
1% chủ yếu bởi nới biên độ sẽ là dễ giải thích (“do cung cầu thị trường”), dễ
được chấp nhận và cũng dễ được thực hiện hơn là tăng tỷ giá trung tâm thêm 1%
trong khi lại giữ nguyên biên độ tỷ giá. Đây chính là lý do dẫn đến sự điều chỉnh
biên độ tỷ giá hôm 17-10.
Nâng biên độ tỷ giá chắc chắn sẽ mở đường cho tỷ giá ngân hàng tiếp tục tăng mạnh hơn đáng kể so với hiện nay trong
các tháng tới mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào tỷ giá trung tâm.
Nhờ đó, NHNN một mặt không còn phải bận tâm chạy theo thị trường hàng ngày
và “đau đầu” với việc đặt tỷ giá trung tâm bao nhiêu là phù hợp để vừa không
trói tay quá mức ngân hàng thương mại hoặc dẫn đến các hành vi lách luật, vừa vẫn
không làm thị trường bị sốc hoặc hoảng loạn nếu tăng quá mạnh, chẳng hạn 1% thay
vì chỉ vài (chục) đồng/ngày như vẫn diễn ra cho đến nay.
Mặt khác, NHNN không còn phải tự làm khó mình thêm nữa với nghĩa vụ phải
bán ra đô la Mỹ để can thiệp
khi tỷ giá ngân hàng căng thẳng, chạm trần tỷ giá, đơn giản bởi tỷ giá
bán can thiệp của NHNN có thể đặt cao hơn trong biên độ tỷ giá cao hơn so với
trước đây mà không gây ra mấy thắc mắc, “tâm tư” gì cho hệ thống ngân hàng. Tỷ
giá bán của NHNN càng cao thì
nhu cầu/cơ hội mua đô la Mỹ của
ngân hàng thương mại từ NHNN đương nhiên càng giảm đi, giúp ngăn cản sự cạn kiệt
thêm nhanh chóng dự trữ ngoại hối quốc gia vốn đã giảm rất mạnh trong mấy tháng
gần đây.
Nhìn chung, việc nâng mạnh biên độ tỷ giá như hôm 17-10 cũng tương đương với một bước đi đáng kể tiến đến gần hơn với chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát tương tự như ở nhiều nước khác, thay vì chính sách tỷ giá neo gắn tiền đồng với đô la Mỹ (chính sách tỷ giá ổn định) mà Việt Nam nỗ lực theo đuổi suốt bao năm qua cho đến nay dù thường xuyên dẫn đến các đợt căng thẳng về tỷ giá và vẫn không tránh được xu hướng phải “phá giá” tiền đồng đáng kể qua từng năm.
No comments:
Post a Comment