Cho đến nay, một trong những lấn cấn chính mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói riêng và Chính phủ cũng như nhiều chuyên gia và giới doanh nghiệp nói chung đều phản đối hoặc e ngại việc phá giá VND là chuyện cho rằng phá giá VND sẽ làm cho gánh nặng nợ quốc gia, nợ của doanh nghiệp bằng ngoại tệ tăng lên. Hãy phân tích thực tế có phải vậy không.
Trên bề mặt thì đúng là nếu VND bị phá giá ví dụ 5%, gánh nặng nợ bằng ngoại tệ nhưng quy ra VND sẽ tăng thêm đúng 5%. Trước đây, Chính phủ và doanh nghiệp chỉ cần huy động 20 triệu VND để mua USD và trả cho mỗi 100 USD tiền vay nợ trong và ngoài nước. Nếu phá giá VND 5% thì con số VND cần để mua được mỗi 100 USD sẽ là 21 triệu. Đúng là Chính phủ và doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng từ việc phá giá này bằng cách thu hẹp tương ứng lợi nhuận ròng của mình tính bằng VND (đối với doanh nghiệp) hoặc tăng thêm thâm hụt ngân sách (đối với Chính phủ).
Nhưng đây mới chỉ là một phần (nổi) của câu chuyện. Nếu giả sử VND bị áp lực phải phá giá 5% để lập lại cân bằng thương mại, nhưng NHNN kiên định không phá giá với nỗi e ngại nêu trên. Để kiên định làm được việc này, NHNN phải hoặc là dùng các biện pháp hành chính để duy trì mức tỷ giá danh nghĩa hiện thời (ví dụ bằng cách phạt các tổ chức tài chính tín dụng mua bán ngoại tệ vượt quá biên độ cho phép), và/hoặc là tung USD trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình ra thị trường để ổn định tỷ giá hiện hành. Cách thứ nhất thì NHNN đã và đang làm, nhưng tất nhiên chỉ hữu hiệu được một thời gian rồi cũng phải theo cách thứ hai, như thực tế đã cho thấy.
Tóm lại, rốt cuộc, hao hụt quỹ dự trữ ngoại tệ là cái giá trực tiếp phải trả để ổn định tỷ giá, và sâu xa hơn nữa là để tránh cho gánh nặng nợ nần bằng ngoại tệ (tính theo VND) của các doanh nghiệp và Chính phủ không tăng lên. Suy ra tiếp điều gì nữa? Doanh nghiệp thì có lợi vì tự nhiên được “bù lỗ”, “bao cấp” một cách gián tiếp. Đối với quốc gia, vì gánh nặng nợ của Chính phủ được đổ lên vai NHNN nên rút cục tiền chỉ chui từ túi nọ sang túi kia.
Điều đáng lo ngại hơn là hành động can thiệp ổn định tỷ giá của NHNN không thể ở quy mô lớn và kéo dài được vì quỹ dự trữ ngoại hối nhỏ nhoi của mình. Cuối cùng thì NHNN cũng phải chấp nhận phá giá VND khi áp lực phá giá tiếp tục tăng lên. Càng o ép, “kiên định ổn định” tỷ giá càng lâu thì mức phá giá sau này càng lớn, như thực tế minh họa. Và lúc đó thì doanh nghiệp và Chính phủ đều không tránh khỏi phải đối mặt với gánh nặng nợ nần lớn hơn quy ra theo VND.
Kết luận lại, sự chần chừ, e ngại phá giá VND với nỗi lo làm tăng gánh nặng nợ nần bằng ngoại tệ là xuất phát từ hiểu biết hời hợt, sai lầm về kinh tế học. Nếu cố gắng, khiên cưỡng không thực hiện phá giá khi tình hình đòi hỏi phải phá giá (và nếu thành công – không phải phá giá) thì chỉ có doanh nghiệp là được hưởng lợi (nợ tư được chuyển thành nợ công, được bù lỗ bởi dự trữ ngoại tệ quốc gia), còn cả quốc gia thì chẳng được lợi gì. Đến đây thì rõ ai sẽ kêu gọi không phá giá và NHNN có nên phá giá không khi cần thiết phải làm thế.
Cám ơn bác vì bài viết đã giúp cháu hiểu hơn về các diễn biến kinh tế hiện nay, về cơ chế tác động của các công cụ chính sách tiền tệ, và hơn hết là việc tiếp thu kiến thức phải suy nghĩ và có chọn lọc.
ReplyDeleteCháu đã đọc hai bài viết của bác là "bộ ba bất khả thi là không thể khả thi?" và "nâng tỷ lệ DTBB có phải là nghịch lý". Cả 2 bài viết đều nhắc tới khái niệm "bộ ba bất khả thi". Đây là khái niệm mới đối với cháu, cháu đã tìm hiểu và chọn "bộ ba bất khả thi trongđiều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam từ năm 2002 đến nay" làm đề tài nghiên cứu khoa học của mình(cháu là sinh viên chuẩn bị bước sang năm thứ 4 trường học viện Ngân Hàng ạh ^^). Cháu mong bác dành chút thời gian chỉ cho cháu hiểu hơn về các diễn biến kinh tế dựa trên lý thuyết này được không ạh?
Cháu cám ơn bác nhiều.
Vì cháu là người comment đầu tiên nên “bác” rất vui lòng giúp được cái gì đó cho cháu. Cháu cứ nêu ra một vấn đề nào đó rồi ta cùng thảo luận ở đây, để mọi người có thể cùng tham gia.
ReplyDeleteNói thêm, nhờ có cháu mà “bác” từ bỏ ý định đóng cửa blog này đấy, vì xem ra ế khách quá! Cám ơn cháu nhiều nhé!
Cháu cám ơn bác đã nhận lời giúp cháu ^^
ReplyDeleteTheo như cháu tìm hiểu, thì hiện nay Việt Nam đang áp dụng việc cố định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và chấp nhận "hi sinh" sự tự chủ về chính sách tiền tệ. Nhưng cháu thấy việc cố định tỷ giá từ năm 2007 - đầu năm 2011 lại không thành công khi thị trường luôn tồn tại 2 tỷ giá, tỷ giá trên thị trường tự do lại có nhiều biến động. Đã mấy lần NHNN phải điều chỉnh tỷ giá để tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng sát với tỷ giá trên thị trường tự do. Cháu ko biết đây là sự áp dụng linh hoạt bộ ba này, hay do việc điều hành CSTT có sự bất cập ạh??
Vấn đề nữa cháu bị vướng mắc là ở phần các kiến nghị để hoàn thiện CSTT dựa trên lý thuyết bộ ba bất khả thi. Kiến thức của cháu còn kém nên mới chỉ nghĩ ra các ý kiến như: gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, có những nghiệp vụ đầu tư đối với số tiền NHNN cất giữ từ DTBB...mà chưa thực sự nghĩ được giải pháp nào có tính áp dụng lý thuyết bộ ba bất khả thi cả.
Cháu hiểu biết vấn đề chưa sâu sắc. Bác gợi ý và phân tích thêm cho cháu bác nhé. Cháu cám ơn bác nhìu nhìu
Trả lời ngắn gọn thì là hiện nay ở Việt Nam người ta vẫn đang thực hiện chủ trương “linh hoạt” trong mọi thứ, có nghĩa là thủng chỗ nào vá chỗ đó, chỗ nào sắp bục thì tìm cạch bịt lại cho khỏi bục. Ví dụ thứ nhất để cháu đỡ bị bực mình vì bác nói láo là về tỷ giá, cháu nói là đang được cố định nhưng thực ra không phải. Trên danh nghĩa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố là điều hành “linh hoạt” tỷ giá, chứ không phải là cố định như cháu hiểu. Trên thực tế thì nó thường được để cho biến động ở trong một hạn mức hẹp nhất có thể, và NHNN can thiệp bằng mọi cách để thực hiện được điều này (bằng công cụ hành chính, bằng các hoạt động can thiệp trên thị trường ngoại hối…) Nhưng đến một lúc nào đó, VND bị áp lực phải bị phá giá lớn đến nỗi NHNN cũng không còn cách nào khác là phải để cho VND bị mất giá so với USD (mà NHNN gọi bằng mỹ từ là “điều chỉnh tỷ giá”). Và xu hướng phá giá dần VND là xu hướng phổ biến, chứ không phải ngược lại, cũng không phải là một xu hướng khác. Việt Nam thực ra rất muốn cố gắng ổn định tỷ giá (tức là cố định, theo cháu hiểu) nhưng đa phần là lực bất tòng tâm, cực chẳng đã phải “điều chỉnh”, mặc dù đã dùng đủ phương cách, kinh tế có, hành chính có.
ReplyDeleteVề tự do hóa dòng vốn, Việt Nam đến nay vẫn chưa thực hiện tự do hóa hoàn toàn các giao dịch trên tài khoản vốn (ví dụ cá nhân không được phép chuyển vốn ra nước ngoài mà không có mục đích chính đáng được NHNN quy định, ví dụ học hành, chữa bệnh…).
Về chính sách tiền tệ, cũng không thể nói là NHNN có tự chủ hay không có tự chủ, đơn giản vì… lúc có lúc không. Điều này phụ thuộc (một phần) vào biến động tỷ giá, đến lượt nó lại phụ thuộc (một phần) vào dòng chảy vốn vào và ra khỏi Việt Nam, là cái mà Việt Nam thường bị động và xử lý không nhất quán, hợp lý.
Tóm lại, nói đơn giản, Việt Nam luôn chạy như đèn cù giữa 3 cực, lãi suất, tỷ giá, lưu chuyển vốn. Lắm lúc muốn cả 3, hoặc chẳng biết bắt đầu từ đâu, dựa vào cái nào để hy sinh cái nào thì NHNN dùng luôn biện pháp “giản tiện”, đỡ đau đầu nhất là “cấm” và “hạn chế”, hoặc thậm chí là “vận động”, kêu gọi.
Cháu mà định làm thay NHNN và kiến nghị hòan thiện CSTT thì cháu quá giỏi! Những cái cháu kiến nghị thì hoặc NHNN đã cố gắng thực hiện nhưng không được (tăng dự trữ ngoại hối), hoặc đã thực hiện được (đầu tư dự trữ ngoại hối). Riêng DTBB thì bác chưa biết đến việc NHNN có được, có nên đầu tư hay không. Ít nhất đối với DTBB bằng VND, tất nhiên NHNN không thể mang VND ra đầu tư ngoài Việt Nam được. Đối với DTBB bằng USD, cũng có khả năng đầu tư này, nhưng chắc cũng không có nhiều, và nếu được thì NHNN đã đầu tư như kiểu đầu tư dự trữ ngoại hối. Bản thân bác hiện nay có được làm Thống đốc thì cũng phải “bó tay” một thời gian trước khi có thể hiểu được cần phải làm gì, vì mọi thứ đều be bét hết cả, và đơn giản hơn là nhiều khi muốn làm một việc gì đó cũng không được vì phải “xin phép” có lẽ từ Bộ Tài chính, chứ chưa nói đến Thủ tướng (NHNN hiện mới chỉ có độc lập về mặt nghiệp vụ thôi). Nói lòng vòng vậy để khuyên cháu là đừng có lặp theo “vết xe đổ” của mấy cái công trình nghiên cứu cấp Bộ với cấp Nhà nước (chưa nói đến mấy ông bạn làm NCS, kinh nữa là mấy ông bạn làm Thạc sĩ) toàn ngồi vẽ ra những nào là giải pháp với chiến lược này kia.
Không biết những giải thích này đã đáp ứng được thắc mắc của cháu chưa?
Dạ, thế này chắc đành trông chờ thống đốc mới thui bác nhỉ?
ReplyDeleteBác thì cho rằng Thống đốc mới hay ông nào làm Thống đốc cũng vậy thôi. Sẽ không có nhiều thay đổi trong bối cảnh như đã qua và hiện nay. Nhưng như thế cũng có cái tốt cho sinh viên, nghiên cứu sinh như các cháu vì vẫn còn nhiều cái để viết, để nghĩ ra, để đề xuất… tuy cũng chẳng có giá trị gì, chẳng để làm gì. Nên cháu đừng nản như bác nói trong comment trước, cứ cố gắng hỏi/tham vấn thầy giáo hướng dẫn về những chuyện này để đưa vào luận văn tốt nghiệp của cháu.
ReplyDeleteChắc mấy cái ông bạn làm nghiên cứu sinh định kiến nghị chinh sách là mình đây? Anh đừng làm các cháu nản lòng chứ. Dẫu vẫn biết rằng, với điều kiện Việt Nam hiện nay, sự phát triển quá nhanh của thực tiễn hoạt động trong mọi lĩnh vực, kể cả tài chính ngân hàng mà lý thuyết chưa kịp tổng kết, hoặc chưa kịp định hình. Vì thế, mọi nghiên cứu đều là cần thiết. và anh cũng phải chấp nhận rằng, những cái mới thì các quan điểm không thuận chiều nhau là chuyện bình thường mà. Kiến nghị chính sách xuất phát từ thực tiễn vận động là điều nên làm. Mọi kiến nghị về mặt chính sách đều phải tìm giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn là vì thế. Có thể, trong ngắn hạn, mọi biện pháp tình thế, đi ngược hẳn với tư duy logic của nhiều người, nhưng tình thế buộc phải thế. Rồi biết đâu, trong một mớ những kiến nghị đó, cũng có thể có được những ý tưởng hay ho, có ích trong tương lai.
ReplyDeleteChào đồng chí đang làm NCS
ReplyDeleteChắc đồng chí là người quen của tớ rồi nên mới viết nhẹ nhàng thế này! Tớ có thể nói hơi quá lời tí chút về (giá trị của) chuyện kiến nghị nhưng không hẳn là không có lý của tớ. Vì, thường các kiến nghị của các đồng chí là những kiến nghị lấy ra từ sách vở, từ những điều nhiều người đã biết (kể cả giới quan chức hữu trách). Từ biết, được cho biết, đến làm được và có muốn làm, có làm được/được làm hay không là chuyện rất rất khác (ở Việt Nam). Vì thế mà hồi tớ phải viết luận văn, luận án.... tớ rất hạn chế chuyện “đao to búa lớn” là khuyến nghị chính sách. Thường tớ chỉ dừng lại ở việc phân tích (định tính và định lượng) các vấn đề kinh tế, các chính sách, với kết luận là cái nào đang có “vấn đề”, để ai đó (có liên quan) có mất công ngồi đọc bài của tớ thì tự hiểu cần phải làm gì (nếu họ chưa biết, chưa làm, muốn làm).
Mục đích của các kiến nghị này (của các đồng chí) đương nhiên phần nhiều chỉ để là làm cho có, cho đủ lệ bộ trong luận văn, luận án của các đồng chí, của các đề án nghiên cứu cấp xyz. Cũng đôi khi có những kiến nghị tưởng chừng độc đáo, thiết thực nhưng hóa ra lại là những kiến nghị của những tay mơ, mà ví dụ điển hình là của đồng chí Hải Lý ở TBKTSG mà tớ đã mất công mất sức viết hẳn một bài dài và gửi thẳng cho TBKTSG (nhưng chẳng biết vì một lý do nào đó không thấy nó sủi bọt!). Lúc đầu tớ nghĩ tớ cũng dại, tự nhiên tốn bao thời gian ngồi bình luận bài viết của một người ất ơ nào đó để rồi chẳng để làm gì (cũng tương tự như các đồng chí bỏ thời gian nghiên cứu viết lách, đề xuất đến “các cấp có thẩm quyền” để rồi cũng chẳng để làm gì). Nhưng sau tớ lại AQ, tự bảo rằng mình làm vậy là vì cũng chẳng có mấy người viết được hơn đồng chí Hải Lý nên không bình luận đồng chí đó thì cũng chẳng còn ai để bình luận nữa!
Tớ cũng không biết nói gì hơn về chuyện này, vì không thật hiểu rõ comment của đồng chí lắm, nên chỉ nói loanh quanh như trên để hy vọng nó trúng vào ý của đồng chí. Nếu đồng chí chưa thấy trúng, chưa thấy thỏa mãn thì cứ vạch ra để tớ tiếp tục bàn nhé. Cảm ơn đồng chí người quen nhiều.
Bài phân tích của anh Ngọc rất thú vị
Delete