Cứ tưởng rằng với quyết tâm của chính phủ qua cái Nghị quyết 11 thì từ quan đến dân đều quán triệt rằng bây giờ mục tiêu hàng đầu là phải kiềm chế lạm phát chứ không nên (quá) bận tâm đến tăng trưởng nữa. Nhưng theo dõi báo chí thì xem ra tình hình không được khả quan như vậy vì người ta vẫn cứ “băn khoăn” với cái chuyện chống lạm phát mà làm lãi suất cao quá thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, và tức là đến tăng trưởng, đến an sinh xã hội.
Còn to chuyện hơn nữa khi mới hôm nay trên báo có một bài viết đại loại cảnh báo nguy cơ “lạm phát đình trệ” ở Việt Nam, với lý luận rằng Việt Nam đang phải đối mặt với 2 yếu tố cùng lúc, lạm phát và đình trệ trong tăng trưởng. Lạm phát thì đang cao mà tăng trưởng thì “chỉ” có đâu như hơn 5% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, là cái tốc độ mà chắc là trong con mắt tác giả bài viết đó được coi là “đình trệ”?
Thực ra, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới trên 5% luôn là, cần được coi là một tốc độ rất khả quan rồi, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn và khủng hoảng trên thế giới như những năm qua và hiện nay. Có lẽ nhiều người cho rằng tốc độ tăng trưởng như hiện nay là thấp, thậm chí là “đình trệ” (nếu hiểu đúng nghĩa phải là không có tăng trưởng) là vì họ so sánh với tốc độ tăng trưởng đạt được trong quá khứ (trên 7% trong thập kỷ qua). Nhưng cần phải hiểu thêm rằng tốc độ tăng trưởng trong thời vàng son đã qua rất gần với tốc độ “chụp giật” nếu xét đến cách thức và nguồn lực tăng trưởng, và nền kinh tế kiểu đó sớm hay muộn cũng bị “gãy cánh”, không thể kéo dài hàng thập kỷ, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.
Hơn nữa, trong bối cảnh lạm phát đã vọt lên quá cao, là kết quả của những năm mải mê chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá với chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hết cỡ, việc để cho tăng trưởng GDP sụt giảm một chút so với mức cao trong quá khứ để đổi lấy nhiều khoảng trống chính sách (room) nhằm chống lạm phát là một việc cần thiết. Đừng vì cái thực tế là tăng trưởng “chỉ” đạt trên 5% so với hơn 6% trong năm trước mà sinh ra nao núng, hoang mang, tự mình chặt chân mình bằng những chính sách nửa vời, xung đột lẫn nhau, mà kết cục chỉ là sự mất lòng tin nghiêm trọng và rối loạn, bất ổn trong xã hội.
Cũng cần phải nói thêm vì Nghị quyết 11 có đề cập đến đảm bảo an sinh xã hội nên có lẽ phe trọng tăng trưởng coi đó là một cái cớ, cho rằng một khi giảm tăng trưởng thì sẽ làm gia tăng thất nghiệp, giảm tốc độ tăng tiền lương (gắn liền với tăng trưởng kinh tế) trong bối cảnh giá cả tăng cao, tức là làm lung lay an sinh xã hội.
Thực tế không phải luôn như vậy. Với chính sách để cho lãi suất lên cao, lạm phát sẽ giảm dần vì tổng cầu bị thu hẹp, đến lượt nó lại có tác dụng kéo lãi suất đi xuống vì cầu tín dụng giảm đi (với giả sử Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên cung tiền). Quá trình này là tự diễn tiến với kết cục là cả lạm phát và lãi suất trở về mức “bình thường” và tăng trưởng nhờ đó được phục hồi cùng với cầu được phục hồi. Thời gian phục hồi/quay trở về mức bình thường của lạm phát, lãi suất, tổng cầu và tăng trưởng sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ quyết liệt của NHNN trong việc nâng và duy trì lãi suất cao và sự phục hồi lòng tin của giới đầu tư vào triển vọng nền kinh tế nói chung và tính minh bạch của NHNN nói riêng.
Nếu suôn sẻ, thất nghiệp do lãi suất tăng cao nếu có thì chỉ là trong ngắn hạn để rồi sẽ biến mất khi tăng trưởng phục hồi (mà thực ra cho đến giờ đã có thống kê đáng tin cậy nào cho thấy nạn thất nghiệp đang gia tăng đâu, cho dù tăng trưởng có giảm đi một chút). Tiền lương thực tế nếu có bị bào mòn dưới thời lạm phát cao sẽ không còn bị bào mòn nữa khi lạm phát chững lại nhờ chính sách lãi suất cao. Và tiền lương thực tế cũng sẽ tiếp tục cải thiện khi tăng trưởng phục hồi trở lại với lạm phát thấp.
Như vậy, với chính sách lãi suất cao, an sinh xã hội nếu có bị ảnh hưởng thì rất có thể chỉ là trong ngắn hạn cho đến khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh trong dài hạn của nó. Vì vậy, mấu chốt là phải kiềm chế được lạm phát và phải kiềm chế bằng chính sách lãi suất cao. Không nên vì sự hy sinh trong ngắn hạn (chưa được chứng thực) để kêu gọi làm ngược lại, hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao.
Cuối cùng, xin bàn đến lập luận của rất nhiều người cho rằng lãi suất cao sẽ làm tăng áp lực lạm phát vì lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, và tức là làm tăng giá bán hàng hóa dịch vụ. Nhưng như vậy người ta mới chỉ nhìn ở góc độ cung mà quên mất phía cầu. Khi giá hàng hóa dịch vụ tăng lên mà tiền lương chưa kịp tăng tương ứng (tiền lương thường được điều chỉnh với độ trễ so với lạm phát) thì tổng cầu có xu hướng giảm do thu nhập khả dụng thực tế của dân cư giảm đi. Minh họa hiển nhiên là người lao động hiện nay ngày càng phải “thắt lưng buộc bụng” trong cơn bão giá. Mà tổng cầu giảm đi sẽ đem lại hiệu ứng giảm lạm phát như nói ở trên. Tổng cầu còn giảm bởi lãi suất tăng cao làm mọi chủ thể kinh tế khác phải đắn đo khi đi vay với lãi suất cao để chi tiêu, đầu tư.
Tóm lại, không thể dựa vào lập luận lãi suất cao làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng, tác động tiêu cực đến an sinh xã hội v.v... để buộc/yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm khác đi – hạ lãi suất xuống. Và NHNN cũng tuyệt nhiên không được lung lay trước những đòi hỏi này nếu muốn thành công trong kiềm chế lạm phát.
No comments:
Post a Comment