Tớ chán đồng
chí Ngoạn với lại cái ủy ban của đồng chí lắm, cũng như các loại ủy ban khác
đang và sẽ có mặt ở Việt Nam. Thật là xót tiền dân!
-------------------------------http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=267634
08:26 | 22/12/2012
Đề xuất “giảm lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm so với lãi suất quy định hiện nay và áp trần lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định” của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia không dựa trên thực tế (ở Việt Nam) và vì thế sẽ không có hiệu quả như mong muốn.
Nguồn: xaluan.com
|
Trong Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2012, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) quy kết một trong những lý do chính cho việc hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục phá sản trong 11 tháng qua là do lãi suất tăng cao làm tăng chi phí tài chính và do đó tăng giá thành sản phẩm. Thêm nữa, UB này lập luận rằng lãi suất ở Việt Nam cao hơn rất nhiều lãi suất trong khu vực, vì thế làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Từ đó, UBGSTCQG đề xuất giảm lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm so với lãi suất quy định hiện nay và áp trần lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định.
Những đề xuất trên không dựa trên thực tế (ở Việt Nam) và vì thế sẽ không có hiệu quả như mong muốn.
Về nguyên tắc, ngân hàng chỉ có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn khi rủi ro của doanh nghiệp vay vốn giảm đi (giả thiết rằng lãi suất đầu vào của ngân hàng không đổi và những cân nhắc cụ thể về khách hàng vay vốn cũng không đổi, ví dụ như giá trị khoản vay, là khách hàng lâu năm hay không, có khoản nợ xấu tồn đọng nào với ngân hàng hay không…). Đến lượt nó, rủi ro của doanh nghiệp chỉ giảm đi khi hoặc bản thân doanh nghiệp đó đã có kết quả hoạt động kinh doanh tốt lên để tạo dòng tiền thừa đủ trả lãi và gốc, và đồng thời (thường có thêm điều kiện là) có tài sản thế chấp. Rủi ro của doanh nghiệp cũng có thể giảm đi nếu doanh nghiệp nhận được sự bảo lãnh của ai đó sẽ chịu trách nhiệm chi trả hộ cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp mất khả năng chi trả khoản vay. Sự bảo lãnh này có thể là của Chính phủ, hoặc các tổ chức công/tư có tín nhiệm và/hoặc có tài sản thế chấp.
Chừng nào mà các doanh nghiệp không đáp ứng được 2 điều kiện trên thì đương nhiên ngân hàng sẽ hoặc hạn chế/không cho vay, hoặc nếu có cho vay (trong một số trường hợp) thì ngân hàng sẽ tính lãi cao kèm theo các điều kiện ngặt nghèo hơn, coi đó là một khoản đảm bảo đề bù đắp phần nào rủi ro mang đến từ phía doanh nghiệp khách hàng.
Xét trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam, có lẽ có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng không thỏa mãn được 1 trong 2 điều kiện trên. Một ngân hàng làm ăn cẩn trọng thì hiện tại sẽ phải rất thận trong khi xem xét cho một doanh nghiệp cụ thể nào đó trong một ngành cụ thể nào đó, ví dụ, xi măng hoặc bất động sản, vay vốn vì triển vọng sản xuất kinh doanh khá u ám với nhu cầu thấp trong khi lượng tồn kho ở mức cao trong một thời gian bất định. Nếu không có tài sản thế chấp thì dường như doanh nghiệp này sẽ không có cơ hội được vay ngân hàng, kể cả nếu chấp nhận vay với lãi suất cao. Nhưng ngay cả khi có tài sản thế chấp thì, vì ngân hàng dự tính xác suất khả năng doanh nghiệp trả nợ được ở mức rất thấp, việc thu hồi nợ có thể sẽ phải phụ thuộc vào việc thanh lý tài sản thế chấp, nhiều khả năng ngân hàng sẽ định giá tài sản thế chấp ở mức rất thấp và/hoặc chỉ cho vay với giá trị bằng một phần giá trị của tài sản thế chấp theo định giá khắt khe của ngân hàng.
Xét đến điều kiện giảm rủi ro thứ hai – có sự bảo lãnh của ai đó. Điều này ở Việt Nam hiện tại cũng là bất khả thi với đại đa số doanh nghiệp, trừ một số doanh nghiệp nhà nước vốn được hưởng ưu đãi bảo lãnh từ Chính phủ. Người ta cũng nhắc nhiều đến các sáng kiến như lập quỹ bảo lãnh doanh nghiệp, quỹ này quỹ kia nhưng tất cả vẫn là những đề xuất trên giấy, chưa nói đến tính hữu hiệu, khả thi của những loại quỹ này nếu có được cho ra đời.
Với những trở ngại và ràng buộc trên, hẳn không lấy gì làm lạ khi thấy nhan nhản những lời kêu ca, cầu cứu từ phía doanh nghiệp về chuyện tiếp cận vốn vay ngân hàng (và) với lãi suất thấp hơn, còn các ngân hàng thì thà đi mua trái phiếu Chính phủ hoặc tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lợi suất thấp hơn nhiều chứ không tích cực cho doanh nghiệp vay, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng ở nhiều ngân hàng thậm chí còn là âm so với cùng kỳ năm trước.
Quay trở lại với đề xuất của UBGSTCQG. Đành rằng đề xuất này đáng quý ở chỗ nó đã cố gắng tạo ra một bước đột phá trong mớ bùng nhùng quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Nhưng điều đáng nói là phương thức thực hiện lại theo kiểu hành chính, ép các ngân hàng chịu nhiều rủi ro hơn hoặc giảm thu nhập vốn đã trở nên mỏng hơn nhiều của các ngân hàng. Cụ thể hơn, việc áp đặt trần lãi suất cho vay, dù là ở một mức cụ thể ấn định bởi NHNN, chẳng hạn là 15%/năm, hay một tỷ lệ tương đối nào đó, chẳng hạn 150% lãi suất cơ bản, thì vẫn có tác dụng làm vô hiệu hóa 2 nguyên tắc xem xét để giảm lãi suất nêu bên trên. Với trần lãi suất, bất kể khách hàng doanh nghiệp rủi ro thế nào thì ngân hàng vẫn chỉ được cho vay không quá trần lãi suất quy định. Nếu nhắm mắt chấp nhận cho vay như vậy thì đương nhiên mọi rủi ro từ khách hàng sẽ do ngân hàng gánh chịu, dẫn đến rủi ro mất vốn thua lỗ cho ngân hàng tăng lên còn doanh nghiệp và người ra quyết định trên thì phủi tay… làm lại!
Nhưng cũng “may” là ngân hàng không nhất thiết bắt buộc phải nhắm mắt làm liều như vậy. Có thể có một số ngân hàng nào đó, nhất là những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, bị chỉ định bởi một ai đó cho vay một khách hàng cụ thể với một khoản vay cụ thể. Nhưng đa phần các ngân hàng không (luôn luôn) bị chỉ định theo cách này và vì thế họ có quyền từ chối cho khách hàng doanh nghiệp vay với lãi suất không quá 15% nếu ngân hàng thấy khách hàng có rủi ro đáng phải chịu lãi suất cao hơn hoặc sẽ không được vay.
Với giả thiết rằng ngân hàng tuân thủ đúng quy định về trần lãi suất, lúc đó họ buộc phải từ chối cho khách hàng có rủi ro cao hơn này vay. Hoặc kể cả trường hợp ngân hàng bí đầu ra về vốn nên tự thân tích cực tìm cơ hội cho vay thì cũng có thể họ sẽ cho vay với lãi suất trần nhưng đòi hỏi tài sản thế chấp nhiều hơn với giá trị bị đánh tụt đi. Dù khả năng nào xảy ra chăng nữa thì kết quả là doanh nghiệp vẫn sẽ khó vay vốn hơn, khó vay được nhiều hơn và với lãi suất thấp hơn. Nếu phải lựa chọn 1 trong 2 khả năng – mất vốn kèm nợ xấu tăng hoặc không/hạn chế cho vay thì dường như chắc chắn ngân hàng sẽ lựa chọn khả năng thứ hai.
Với lập luận rằng ngân hàng không cho vay ra thì ngân hàng cũng chết, có thể phản biện rằng ngân hàng vẫn có những kênh để tiêu vốn của mình, như đã và đang làm, tức là mua trái phiếu, tín phiếu. Trường hợp tệ hơn, lợi suất trái phiếu, tín phiếu đều giảm vì nhu cầu mua của các ngân hàng tăng cao, làm giảm tính hấp dẫn sinh lợi của kênh đầu tư này thì đương nhiên là ngân hàng sẽ phải thu hẹp đầu vào (giảm huy động vốn, giảm lãi suất huy động) hoặc, nghiêm trọng hơn, cắt giảm số lượng nhân viên, đóng cửa chi nhánh, thu hẹp hoạt động… như đã và đang xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Nhưng cho dù có vậy thì vẫn hầu như sẽ không có ngân hàng nào lại gật đầu với việc đẩy mạnh cho vay khách hàng có rủi ro cao với lãi suất trần hoặc thấp hơn, và doanh nghiệp thì sẽ tiếp tục khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng!
Rất đồng ý với TS Ngọc. Lâu quá mới thấy dành thời gian viết một bài nhu vậy. Chúc giáng sinh vui vẽ và an lành. Theo tôi nghĩ tại sao Nghị quyết 11 ra đời thì rõ ( theo chủ ý khách quan là mất uy tín vay trên thị trường quốc tế), còn nếu vay được thì cứ vay mà đầu tư vô tôi vạ dẫn đến hệ lụy ngày hôm nay. Còn khối DNNN thì lãi suất vay co cao đến mấy thì chắc có may DNNN họ không quan tâm đâu, miễn là vay được vì đa so chiếm dụng vốn của NH là chính, và ngược lại nếu không cho DNNN vay thì họ sẽ mất cả chì lẫn chài à. Thực chất theo tôi nghĩ các ngân hàng tự đảo nợ cho các DN này mà nếu không có nó thì lấy đâu ra lãi khủng ở các NH nhà nước như thế.
ReplyDeleteChúc anh Giáng sinh An Lành,Bình An, Hạnh Phúc và có những nghiên cứu hay cho đọc giả anh nhè.
Cám ơn đồng chí đã ghé đọc và cũng xin chúc đồng chí một lễ Giáng sinh vui vẻ. Thỉnh thoảng đồng chí nhớ ghé thăm ủng hộ tinh thần tớ nhé!
ReplyDelete