Cứ đến dịp đầu năm tôi lại được đặt bài viết về các dự báo kinh tế cho năm mới. Có lẽ có khá nhiều người như tôi vốn được báo chí hào phóng gán cho cái danh “chuyên gia” sẽ được phỏng vấn và/hoặc mời viết bài về chủ đề này, một chủ đề lẽ ra thuộc chuyên môn của các tổ chức nghiên cứu công và tư vốn có cả một bộ máy thực hiện gồm cập nhật dữ liệu đầu vào, xây dựng mô hình dự báo và chạy mô hình đó trên các phần mềm kinh tế lượng, chứ không phải của một số cá nhân, dù mang danh là “chuyên gia” nhưng sự dự báo không hơn việc gieo một quẻ bói.
Nói cách khác, nếu
tôi có đưa ra một dự đoán cụ thể nào đó, ví dụ, tăng trưởng GDP trong năm 2013
là 5,5% thì phải trung thực mà nói rằng đây chỉ là một con số áng chừng, cảm nhận
là như vậy, và phần nhiều dựa vào tăng trưởng thực tế trong năm 2012 hoặc dựa
trên dự báo của Chính phủ rồi gia giảm thêm một chút theo diễn biến tình hình
(cũng là cảm nhận hoặc nghe nói thế nốt!). Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng dự
báo của các tổ chức, kể cả là tổ chức quốc tế có chuyên môn mạnh như IMF, WB hoặc
ADB xem ra cũng không hơn gì mấy các dự báo cá nhân kiểu như vậy, khi mà bản
thân họ cũng phải điều chỉnh và cập nhật định kỳ các dự báo của mình nếu không
muốn các dự báo của mình... trật lất như thực tế đã cho thấy.
Vậy tôi và một số
“chuyên gia” khác cảm nhận thế nào về tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô
năm 2013? Qua một số cuộc tiếp xúc với một số quan chức của Ngân hàng Nhà nước
(NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng thường trú IMF tại Việt Nam gần đây,
cũng như các chuyên viên phân tích tại một số ngân hàng thương mại, mà theo
tiêu chuẩn của báo chí thì có thể gọi họ là “chuyên gia”, có thể thấy một bầu
không khí nhìn chung khá lạc quan vào triển vọng tốt đẹp hơn của năm 2013 so với
năm 2012 này, cụ thể là tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn (một chút) và lạm phát
thấp hơn (một chút) so với những gì Chính phủ đã công bố cho năm 2012. Nếu đúng
như vậy thì tình hình không hề tệ chút nào, kể cả những gì đạt được trong năm
2012.
Nhưng câu hỏi đặt
ra là tại sao với tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay và cao hơn nữa
trong năm sau (cần nhấn mạnh rằng đây là một tốc độ rất khả quan nếu so với
tăng trưởng âm hoặc trì trệ ở mức 1%-2%/năm ở rất nhiều quốc gia và khu vực),
còn lạm phát thì dừng lại ở mức khoảng trên 7% và thậm chí có thể sẽ xuống thấp
hơn nữa trong năm sau, mà tâm lý bi quan, tiêu cực vẫn còn rất phổ biến ở một
góc lớn trong dư luận, đặc biệt là giới doanh nghiệp và người làm công ăn
lương?
Ở đây chỉ có thể
có 2 khả năng chính. Khả năng thứ nhất, các con số báo cáo của Chính phủ ví dụ
như tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã bị bóp méo, nhào nặn, không phản ánh
đúng thực tế hoặc cảm nhận thực tế của giới doanh nghiệp và người làm công ăn
lương. Thực tế tình hình có thể bi đát hơn nhiều so với những con số khá đẹp đã
được công bố.
Khả năng thứ hai,
giới doanh nghiệp và người làm công ăn lương đã, nói theo kiểu của nhiều quan
chức, “té nước theo mưa”, kêu ca, phàn nàn quá mức/không đúng với thực tế với kỳ
vọng Chính phủ sẽ làm một cái gì đó có lợi cho họ, ví dụ như nới lỏng tín dụng,
hạ lãi suất, giãn giảm thuế thu nhập, tăng lương cơ bản v.v...
Về khả năng thứ
nhất, phải nhìn nhận rằng nó rất có thể xảy ra. Số liệu từ Chính phủ được coi
là số liệu chính thức, tiêu chuẩn và không dễ có thể kiểm tra tính chính xác từ
một cơ quan độc lập nào đó. Trong cuộc nói chuyện với đại diện IMF tại Hà Nội,
khi được yêu cầu bình luận về tính chính xác của các con số do Chính phủ báo
cáo, vị đại diện này cho biết IMF chỉ sử dụng số liệu cung cấp từ Chính phủ Việt
Nam (có nghĩa là họ không (mấy khi) hồ nghi, và (đa phần là) tin tưởng?), và
cho rằng công tác thu thập số liệu của, ví dụ Tổng cục Thống kê, đã tuân theo
các tiêu chuẩn quốc tế, và đã được các chuyên gia của IMF và Mỹ hướng dẫn. Có
điều, vị này không nói đến (hoặc không nghĩ đến?) khả năng là “biết là một chuyện,
nhưng làm là một chuyện khác” mà hoàn toàn có thể xảy ra ở Việt Nam, đặc biệt
là khi có một áp lực nào đó phải làm đẹp các con số.
Về khả năng thứ
hai, cũng phải thừa nhận luôn là không dễ loại bỏ. Suốt nhiều tháng qua, bất kể
lúc nào hễ cứ mở báo ra đọc thế nào cũng thấy một ngành, một bộ phận kinh tế
nào đó ở một khu vực địa lý nào đó cất tiếng kêu than về tình hình khó khăn đầu
ra, tồn kho, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng v.v... rồi theo sau đó là hết
kiến nghị này đến lời kêu gọi cấp cứu khác. Đáng chú ý là sự kêu ca này có vẻ
càng ngày càng leo thang song hành cùng với sự thấu hiểu, thông cảm và hợp tác đến
độ đáng kinh ngạc của giới chức có thẩm quyền. Nếu mới chỉ độ nửa năm trước đây
đa phần bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay chỉ ở mức 15%-17%, và nói rằng ở mức
này thì họ mới “sống” được, thì nay họ lại đòi phải hạ xuống thậm chí dưới 10%
và bảo rằng ở mức đó mới là mức để tồn tại. Quan trọng hơn, những lời kêu ca
này đã tạo ra một bầu không khí khá u ám và tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế mà
thực tế không hẳn đã vậy.
Cá nhân tôi (có
những cơ sở để) tin rằng tình hình hiện tại ở Việt Nam là sự kết hợp cả 2 khả
năng nêu trên. Vậy thì thay vì đưa ra một con số cụ thể nào đó theo cảm nhận,
trong chừng mực không thể biết đích xác được các con số thực là bao nhiêu thì
điều có ý nghĩa và thể làm ở đây là dự báo một xu hướng chung chung, theo kiểu
tốt lên, xấu đi hay đi ngang.
Hiện nay ở Việt
Nam, tăng trưởng đã luôn được nhấn mạnh là thuộc hàng ưu tiên thứ hai sau ổn định
kinh tế vĩ mô. Và có một thực tế là tăng trưởng cho dù đến trên 5% mà vẫn được
coi là “trì trệ” (từ dùng phổ biến bởi một số quan chức, trong đó có những người
tôi đã tiếp xúc; hay bản thân họ cũng không tin rằng con số này là thực?). Vì
thế tăng trưởng được cho là cần phải được “vực” lên “để không ảnh hưởng đến an
sinh xã hội”. Như vậy, tăng trưởng trên thực tế sẽ tiếp tục được coi là ưu tiên
chính và người ta sẵn sàng đánh đổi lạm phát để đạt được một con số tăng trưởng
nào đó mà Chính phủ cho là chấp nhận được.
Trong khi đó, các
yếu tố liên quan đến lạm phát chưa có nhiều cải thiện. Bất chấp hàng loạt nghị
quyết với quyết tâm, việc giải quyết nợ xấu vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ, dẫn
đến tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 chỉ ở mức khá thấp (trên 6%). Điều
đáng nói là đã có chủ trương hoặc áp lực buộc NHNN phải tăng cung tiền hơn nữa
để “thúc” tăng trưởng tín dụng, mặc dù cung tiền M2 đã tăng mạnh (khoảng 20%
năm 2012).
Trong bối cảnh
như vậy, ta có thể dự đoán rằng tăng trưởng GDP năm tới tối thiểu cũng sẽ được
duy trì ở mức như năm nay, đổi lại bằng cái giá là áp lực lạm phát sẽ còn
nguyên đó, thậm chí ở mức cao hơn do áp lực phải đẩy tăng trưởng tín dụng lên để
đạt tăng trưởng GDP cao hơn. Các chỉ tiêu vĩ mô chủ chốt khác như thâm hụt tài
khóa sẽ không có mấy cải thiện vì nhu cầu tiếp tục duy trì chính sách tài khóa
mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng GDP trong khi các vấn đề liên quan đến hiệu quả
hoạt động của doanh nghiệp nhà nước không được cải thiện đáng kể, làm tăng gánh
nặng tài trợ của Bộ Tài chính trong khi nguồn thu từ các doanh nghiệp này tiếp
tục co lại.
Tóm lại, là người
dễ bị cảm xúc đám đông chi phối, và trong bối cảnh niềm lạc quan chung đang
dâng lên này, tôi đang thấy mình có phần nghiêng nhiều về phía đám đông, tin
vào tình hình chung tốt đẹp hơn trong năm sau. Nhưng ở một góc khuất trong linh
cảm của mình, tôi vẫn thấy có sự e dè về vấn đề này, có lẽ do bị ám ảnh bởi cái
bóng của lạm phát đã tồn tại quá dai dẳng ở đó. Tất nhiên, tôi vẫn hy vọng linh
cảm chỉ là linh cảm và sẽ không dẫn đến sự thật.
No comments:
Post a Comment