--------------------------------------
Chính phủ đã giao
cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2014 này chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật
và pháp lý để huy động vàng trong dân, ước tính lên đến nhiều trăm tấn, nhằm phục
vụ phát triển kinh tế.
Về phương pháp
huy động, NHNN đã khẳng định không huy động bằng hình thức truyền thống là thu
hút dân gửi vàng lấy lãi tại các ngân hàng, vì nó sẽ làm trầm trọng thêm nạn
vàng hóa, vì người dân sẽ có xu hướng chuyển sang đầu tư vào vàng rồi gửi vào hệ
thống ngân hàng, vừa có lãi lại vừa bảo toàn được giá trị tài sản của mình trước
biến động của lạm phát. Thay vào đó, NHNN chủ trương sẽ mua vàng từ trong dân.
Tuy tỏ ra là một
chủ trương đúng đắn và hợp lý, việc mua vàng trong dân của NHNN đang và sẽ nằm ở
thế kẹt. Một mặt, NHNN cho biết là họ vẫn chủ trương trong năm 2014 “tiếp tục
bình ổn thị trường vàng bằng cách tiếp tục bán vàng qua đấu thầu”. Nếu “bình ổn”
bằng cách bán vàng, tức là tăng cung, thì, về nguyên tắc, giá vàng (trong nước)
sẽ chịu xu hướng đi xuống hoặc không tăng (mạnh). Thêm nữa, lưu ý rằng NHNN đã
từng nhiều lần phủ định mục tiêu của bán vàng qua đấu thầu là để “bình ổn giá
vàng”, hoặc để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.
Phối hợp 2 chuyện này, có thể thấy mục tiêu của sự “bình ổn thị trường vàng” của
NHNN chính là giữ cho giá vàng trong nước đi xuống hoặc không tăng (mạnh).
Mặt khác, nếu NHNN
tiến hành mua vàng từ trong dân của (giả sử sẽ bắt đầu trong năm nay), thì hành
động này lại đi ngược với mục tiêu bình ổn thị trường vàng của chính NHNN như
nói ở trên. Vì việc mua vàng của NHNN (với quy mô đáng kể) sẽ làm tăng cầu về
vàng trong nước, và sẽ đẩy giá vàng lên theo. Như thế, tác động của việc bán
vàng qua đấu thầu của NHNN để “bình ổn thị trường vàng”, nếu có, sẽ bị triệt
tiêu hoàn toàn hoặc một phần bởi việc mua vàng trong dân của NHNN.
Tùy theo quy mô
mua vàng so với quy mô bán vàng qua đấu thầu, cung cầu vàng, và giá vàng, có thể
trồi sụt bất thường nhiều hay ít. Nếu quy mô mua vàng từ dân không nhiều thì sự
thiếu cung (tương đối so với cầu về vàng đã tăng lên) sẽ không trầm trọng, và
giá vàng trong nước sẽ chịu ít áp lực tăng hơn. Nhưng như thế thì NHNN lại
không hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vàng trong dân do Chính phủ giao, vì lượng
vàng mua được là không đáng kể so với quy mô có thể huy động.
Ngược lại, nếu
quy mô mua vàng của NHNN mà đáng kể, ví dụ vài chục hoặc hàng trăm tấn, thì chắc
chắn việc này sẽ châm ngòi cho một đợt tăng giá phi mã của giá vàng trong nước,
đẩy thị trường vàng trong nước vào tình trạng hỗn loạn, đầu cơ tái phát v.v...
là những điều “kỵ” trong chính sách quản lý vàng hiện nay của NHNN, khi nhấn mạnh
đến hai chữ “bình ổn”.
Không chỉ kẹt về
mục đích, NHNN còn đang ở thế kẹt về giá mua và bán vàng. Theo NHNN cho biết
trên báo chí, hiện giờ với mức giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở
mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng, thì khả năng NHNN mua vàng vào
là rất khó khả thi. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục chiều bán ra qua kênh đấu thầu để
bình ổn thị trường vàng.
Qua thông điệp
trên, có thể hiểu NHNN muốn bình ổn thị trường vàng ở cái nghĩa là thu hẹp chênh
lệch giá vàng trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho NHNN mua vàng từ dân
chúng. Nếu đúng vậy thì ta lại có thể thấy sự lúng túng, mâu thuẫn về mục tiêu
bán vàng đấu thầu của NHNN, lúc thì phủ nhận bán vàng để bình ổn giá, thu hẹp
chênh lệch giá trong và ngoài nước, lúc thì (gián tiếp) thừa nhận là để thu hẹp
chênh lệch giá trong và ngoài nước.
Ngoài chuyện bộc
lộ rõ sự lúng túng, mâu thuẫn về mục tiêu bán vàng qua đấu thầu như công bố, giả
sử việc tiếp tục bán vàng ra qua đấu thầu của NHNN đúng là sẽ thu hẹp được
chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước như ý đồ của NHNN. Nhưng lúc đó, việc
NHNN mua lại vàng từ dân chúng là chuyện hoàn toàn khác, vì việc mua lại vàng
này của NHNN chỉ có ý nghĩa khi giá mua thấp hơn giá lúc họ bán ra qua đấu thầu
(vì nếu ngược lại thì có nghĩa là NHNN bị lỗ từ việc mua bán vàng).
Còn đối với dân
chúng, họ sẽ lấy giá vàng trúng thầu để làm giá tham khảo, và thường sẽ không
muốn bán thấp hơn giá mức giá này, đặc biệt là với những người đã mua vàng qua
đấu thầu (thông qua các tổ chức tài chính tham gia đấu thầu vàng). Mà như thế
thì giá mà NHNN muốn và sẵn lòng mua sẽ không phải là giá mà người dân có vàng
muốn bán cho NHNN (tất nhiên là cũng thông qua các tổ chức tài chính), và, do
đó, việc mua lại vàng từ dân chúng của NHNN chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Tóm lại, có thể
thấy trước được tình trạng bất khả thi khi phải đáp ứng và giải quyết được những
mục tiêu và vấn đề mâu thuẫn trong cơ chế quản lý (và huy động) vàng như hiện tại
của NHNN. Giải pháp duy nhất là phải bỏ đi một (số) mục tiêu hoặc gác lại một
(số) vấn đề nào đó khi muốn thực hiện và giải quyết (các) mục tiêu và vấn đề
khác.
Qua Blog này chúc anh Ngọc và gia đình có một năm mới Giáp Ngọ luôn luôn đầy niềm vui, tiếng cười với thật nhiều may mắn và tràn trề hạnh phúc nhé.
ReplyDeleteBác Thống đốc Bình mới được nửa cái Nobel nên lần này bày mưu đặt ra "Thế kẹt", làm cả thế giới trố mắt ngạc nhiên không biết sẽ hóa giải kiểu gì. Nhưng với cơ chế thị trường định hướng XHCN, bác ấy sẽ giải được cho mà xem, để cuối 2014 này sẽ có thêm nửa cái Nobel nữa.
Cám ơn bác và cũng xin chúc bác và gia đình một năm mới tốt lành (và chắc là không phải vất vả vật lộn với cuộc sống).
ReplyDeleteChuyện huy động vàng trong dân khéo sẽ lại quay về cách cũ, tức là cho dân gửi vàng vào ngân hàng để lấy lãi. Hoặc không sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực, mặc dù chính NHNN nhờ sự "khôn ngoan" đã tích cực bán ra một đống vàng để rồi làm cho đống vàng trong dân càng ngày càng chất cao, càng làm cho lắm kẻ nhìn vào thèm rỏ dãi, muốn chiếm đoạt.
Năm mới chúc anh Ngọc dồi dào sức khỏe, bút lực sắc bén có nhiều bài hay cho đàn em học hỏi.
ReplyDeleteTớ sẽ quyết liệt phấn đấu, huy động toàn bộ cơ thể để làm được như thế! Cám ơn đồng chí.
ReplyDeleteAh, Năm mới chúc Bác Ngọc mạnh khỏe, may mắn !
ReplyDeleteTình cờ đọc bài bên nhà Bác Mai có khái niệm GDP, trong nước thì định nghĩa rồi, tôi chỉ tò mò nhờ Bác xác nhận thực sự GDP là gì ? Nó bao gồm các thành phần gì tạo nên (giá thành, lợi nhuận, thuế,..). Nó phản ánh bản chất của cái gì vậy ?
Tại sao các nước TB GDP đạt thấp mà lại được vay khủng khiếp vậy ? Theo tôi hiểu nôm na, tôi cho anh vay là tôi phải biết anh có khả năng trả nợ được chớ ? Thế họ căn cứ vào đâu để an tâm rằng con nợ vẫn có khả năng trả nợ vậy ?
Theo hiểu biết của tôi, VN muốn vay được của World Bank, điều kiện bắt buộc là GDP phải tăng trưởng, như vậy có phải không Bác ?
Mong Bác chỉ giáo, tôi là dân kỹ thuật nên cũng chả biết lắm nhưng vẫn muốn biết để xem đất nước này đi đến đâu ? Cảm ơn Bác
Úi, đồng chí lười quá, không chịu google mà tìm hiểu. Nhưng tớ còn lười hơn đồng chí, không thể tìm hộ đồng chí mấy cái định nghĩa về GDP được.
ReplyDeleteVề GDP của các nước tư bản, đồng chí nhầm giữa mức GDP đầu người với tốc độ tăng trưởng GDP. Cái sau có thể thấp nhưng cái đầu thì cao lắm nhé.
Chuyện họ vay là vay gián tiếp từ Ngân hàng Trung ương là chủ yếu. Họ cũng vay từ tư nhân (các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ) nhưng không phải là vô hạn, mà tùy thuộc vào mức độ quan tâm của các ngân hàng chủ nợ này. Nếu các ngân hàng thấy chính phủ các nước này nợ nhiều quá, triển vọng trả nợ mù mịt (kinh tế đì đẹt) thì họ sẽ hoặc là tăng giá cho vay (mua trái phiếu với giá thấp), hoặc là ... không mua nữa, mua ít đi. Nên dù có giàu mấy thì cũng có lúc vẫn phải đi vay, vẫn phải vay đắt hoặc không vay được, cũng có lúc không trả nợ được (phá sản).
Về chuyện VN vay của WB, tớ nghĩ là tăng trưởng GDP không phải là điều kiện bắt buộc, mà là các điều kiện khác (nếu có, tùy theo mục đích của từng khoản vay, phải đạt được cái gì đó thì mới được vay mới, được vay tiếp).