Bất chấp giá vàng
thế giới tụt giảm liên tục xuống những kỷ lục mới trong suốt phần lớn năm 2013,
kéo theo giá vàng trong nước cũng nhu cầu về vàng của thị trường trong nước
cũng đứng ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục tung vàng ra đấu
thầu như hiện nay. Thoạt đầu, việc đấu thầu vàng bắt đầu từ cuối tháng 3 năm
2013 được làm cho hiểu là một hành động giúp hệ thống ngân hàng tất toán vàng
vay mượn từ dân chúng. Tuy vậy, sau thời điểm đến hạn tất toán hồi tháng 6,
NHNN vẫn tiếp tục cho đấu thầu vàng với mục đích, theo tuyên bố của họ, là để
bình ổn thị trường vàng.
Đáng chú ý là trong
suốt nửa năm sau 2013, thị trường vàng đã hầu như vắng bóng các cơn sốt vàng đi
kèm với giá vàng trong và ngoài nước có xu hướng suy yếu (mặc dù chênh lệch giá
vàng trong và ngoài nước thì hầu như không được thu hẹp, nếu không muốn nói ngược
lại). Trong bối cảnh này, rõ ràng việc “bình ổn” của NHNN trở nên hoàn toàn
không cần thiết. Bởi vậy, một câu hỏi được đặt ra là tại sao NHNN lại vẫn tiếp
tục cho đấu thầu vàng cho đến tận bây giờ (và rất có thể sẽ còn kéo dài sang những
tháng tới)?
Có thể nói ngay,
việc NHNN liên tục đi nhập khẩu vàng về để đấu thầu chắc chắn có liên quan đến
luồng ngoại tệ dồi dào đã và đang chảy vào Việt Nam. Theo các báo cáo của các
cơ quan chủ quản, cán cân vãng lai và thanh toán của Việt Nam đang và sẽ ở mức
thặng dư lớn, hàng tỷ đô la, có được nhờ nguồn kiều hối và FDI ở mức cao so với
các năm trước, trong khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn nhập khẩu, chưa kể các
các nguồn vay nợ và viện trợ vẫn đang chảy vào nền kinh tế. Nếu không có nguồn
ngoại tệ lớn này, NHNN chắc chắn sẽ không có đủ tiềm lực để duy trì nhập khẩu
và đấu thầu vàng ở quy mô lớn và thời gian kéo dài như vậy, nếu không muốn làm
suy kiệt quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Thông thường, khi
nguồn ngoại tệ chảy mạnh vào nền kinh tế của một quốc gia, nước đó sẽ phải mua
vào ngoại tệ, tung bản tệ ra để ngăn không cho bản tệ lên giá, ảnh hưởng đến xuất
khẩu. Việt Nam cũng đã phải theo con đường này trong năm nay, với tuyên bố của
NHNN đã mua vào ngoại tệ làm tăng mạnh quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, trong
khi, không như mọi năm, tỷ giá rất ổn định, thậm chí có nhiều thời điểm còn giảm
đi (tiền đồng lên giá). Việc này có một hiệu ứng không mong muốn là làm tăng áp
lực lạm phát do cung tiền đã tăng lên. Để khắc phục tác động tiêu cực này, NHNN
phải tung tín phiếu ra để hút bớt tiền về (ngoài việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc,
một công cụ ít khi được sử dụng).
Nhưng năm 2013 là
năm khá đặc biệt, với hiện tượng vàng không còn là một tài sản được ưa thích
nhiều trên thế giới và cả ở Việt Nam nữa. Tuy vậy, do NHNN đang nắm độc quyền
nhập khẩu vàng và, do đó, trở thành nguồn cung độc quyền vàng ra thị trường
trong nước, giá vàng trong nước và thế giới vẫn đã và đang có một khoảng cách lớn,
lên tới vài triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh như vậy, NHNN rất có thể đã biết lợi
dụng cơ chế đặc biệt này để phục vụ mục đích chính sách tiền tệ của mình một
cách có lợi nhất, theo kiểu một mũi tên trúng nhiều đích.
Cụ thể, có thể
NHNN đã tính rằng, việc tung tín phiếu ra để hút tiền đồng về vừa không phải là
không tốn kém vì phải trả lãi, vừa không phải là đơn giản, vì nếu lãi suất tín
phiếu quá thấp, không hấp dẫn được các ngân hàng thương mại thì NHNN, nếu không
muốn dùng đến mệnh lệnh hành chính bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua
tín phiếu, phải nâng lãi suất tín phiếu lên, làm cho chi phí từ kênh chính sách
này càng lớn, trong khi hiệu ứng phụ của nó là làm tăng lãi suất trong nền kinh
tế, đồng thời lại cạnh tranh với trái phiếu Chính phủ v.v...
Trong khi đó, nếu
dùng một phần ngoại tệ đã mua được để nhập khẩu vàng về, bán lại trong nước với
giá (quy đổi) cao hơn giá nhập khẩu, NHNN một mặt vẫn đạt được mục tiêu là hút
bớt tiền đồng về, mặt khác, không những không phải trả lãi một đồng nào như đối
với trường hợp can thiệp thông qua kênh tín phiếu, mà còn thu lãi lớn qua kênh
nhập khẩu và đấu thầu vàng do chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với giá
quốc tế.
Ngoài lợi ích về
chi phí, đấu thầu vàng của NHNN còn có một số tác dụng không nhỏ, chủ yếu ở mặt
tâm lý, khi chứng tỏ cho thị trường thấy thái độ cứng rắn của NHNN, theo kiểu
nói là làm và sẽ làm được, để từ nay về sau thị trường đừng có dại mà không tin
vào tuyên bố và lập trường của NHNN. Giới đầu cơ vàng chắc sẽ còn lâu mới có thể
gượng dậy được khi thị trường vàng liên tục bị đánh xuống với các đợt đấu thầu,
và giá vàng thì, có phần trùng hợp, cũng liên tục đi xuống, chẳng còn thấy đâu cơ
hội để mà đầu cơ chờ giá lên nữa, đúng như ý đồ của NHNN muốn “dẹp” thị trường
vàng như một kênh gây bất ổn kinh tế vĩ mô trong nhiều năm qua.
Nếu lý giải trên
là đúng thì ta sẽ có ngay câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, bao
giờ NHNN sẽ ngừng đấu thầu vàng? Cho dù có muốn tiếp tục thì NHNN cũng sẽ phải
ngừng đấu thầu vàng khi nguồn ngoại tệ đổ vào không còn dồi dào nữa (có thể xảy
ra với việc chấm dứt các gói nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương lớn
trên thế giới, nhất là của Mỹ). Hoặc việc này sẽ xảy ra khi các hoạt động trong
nền kinh tế thực được tăng tốc, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, và, do đó, lôi
cuốn nguồn tiền đồng dư thừa trước đó. Khả năng khác, không phải là khả năng cuối
cùng, là khi NHNN thực sự muốn bình ổn thị trường vàng, và đây là mục đích
chính, nhưng nhận ra rằng thực ra hành động đấu thầu vàng không có tác dụng
bình ổn gì cả, ngoài cơ may là thị trường vàng xuống dốc như vừa qua (chứ không
phải bình ổn như chủ ý của NHNN) hoàn toàn nhờ yếu tố bên ngoài, chứ không phải
nhờ hành động đấu thầu vàng của NHNN. Nếu giá vàng thế giới mà đảo ngược và duy
trì như vậy trong một thời gian tới, đặc biệt nếu đi kèm với dấu hiệu căng thẳng
ngoại tệ, chắc chắn NHNN sẽ phải cân nhắc lại hai lần trước khi tiếp tục duy trì
đấu thầu vàng.
Bác phân tích có lý, thực ra đến giờ này thị trường vàng cũng ổn định rồi, NHNN còn tiếp tục bán vàng để bình ổn cái gì nữa (đến giờ gần tết giáp ngọ, em thấy giá vàng cũng chẳng biến động nhiều, chắc do dân ta đói ăn rồi, còn giới đầu cơ cũng đang ngáp ngáp!). Mục đích bán vàng của NHNN có lẽ như suy đoán của bác thôi!
ReplyDeleteTớ cần có bài thì phải viết chém gió thế thôi, chứ thực tâm tớ nghĩ chưa chắc có khả năng này. Vì nếu đúng như vậy thì nó là một mưu đồ khá lớn, phải được chia sẻ và đồng thuận trong nội bộ NHNN để có sự thống nhất trong hành động và PR với dân chúng. Nhưng cho đến nay, ta hoàn toàn không thấy có một dấu vết gì cho thấy các quan chức của NHNN biết/nghĩ/nói đến khả năng này. Chứng tỏ rằng đây có khi chỉ là sản phẩm tưởng tượng của tớ.
ReplyDeleteBác lại khiêm tốn rồi! Nếu không "dấu kĩ" thì người ta hô hào 2 từ "minh bạch" làm gì! Suy luận của bác logic lắm, khả năng "trúng" cao mà!. Bác chém gió thế nào cũng có em bị dính đòn! Hi hi!
ReplyDeleteTớ chém gió về kinh tế thì ai thèm dính đòn chứ? Cũng muốn lắm nhưng lực bất tòng tâm, hehe!
ReplyDeleteEm biết có nhiều vị bị dính đòn cay lắm, tuy bị thương tích nhưng cố giấu kỹ, làm bộ như không ai biết, cay bác lắm! (nên trước bác chả nói suýt mấy lần bị vào nhà đá gặm đá là zì! số bác lớn thật!). Bác đừng tự ti quá, lực bác còn, tâm cũng còn, vậy bác lo zì. Ông bà ta chẳng nói: "nước chảy đá mòn" mà lại!
ReplyDeleteTớ chỉ quan tâm làm sao chém để một số em dính đòn thôi, nhưng không biết làm thế nào cả. Mấy đồng chí kia dính đòn thì là ngoài tưởng tượng và ý định của tớ (nên chắc vì thế tớ mới khồng bị gặm đá chăng, vì vô tư mà, hehe?)
ReplyDeleteBác được vô tư mà nói thẳng, nói thật, không né tránh thì anh em còn chỗ để ghé thăm chút chứ! Cầu mong sao bác bình an vô sự!
Delete