Tại bài này, đồng chí Đạt nói có mấy cái sai về bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam.
Thứ nhất, đồng
chí Đạt nói: “Áp dụng công thức tính toán, chúng tôi tính được rằng để Việt Nam
nâng cao thu nhập gấp đôi trong vòng 10 năm thì tăng trưởng phải đạt 7,2%/năm.
Nhưng những năm vừa qua kinh tế nước ta chỉ tăng trưởng trung bình 5,5%, đây là
mức tăng khá thấp so với tốc độ cần thiết để sau 10 năm gia tăng thu nhập bình
quân đầu người lên gấp đôi”.
Tính toán
trên là tính toán đơn giản (compound annual growth rate, CAGR), có thể dễ dàng
thực hiện trên excel bằng một phép tính; và đúng là để cho một đại lượng gì đó
tăng lên gấp đôi trong 10 năm thì đại lượng đó cần phải tăng trưởng trung bình
mỗi năm gần 7,2%. Rất rõ ràng, không có gì là khó hiểu hoặc ghê gớm ở đây cả.
Điều đáng
nói là tính toán trên (và của đồng chí Đạt) chỉ đúng cho trường hợp là GDP của Việt
Nam, chứ không phải là GDP/đầu người của Việt Nam. Vì cái thứ 2 còn có thêm đại
lượng nữa là tăng trưởng dân số. Ở đây, nếu muốn GDP/đầu người tăng gấp 2 lần
(lớn gấp đôi) trong 10 năm thì tăng trưởng GDP còn phải cao hơn 7,2%/năm. Giả sử
tốc độ tăng dân số mỗi năm của Việt Nam trong 10 năm tới là 1%/năm thì Việt Nam
cần phải đạt tăng trưởng GDP là 8,2%/năm.
Không nói
thì cũng biết là 7,2%/năm đã là khó, đến 8,2%/năm thì càng khó hơn, và hầu như
chẳng có phép mầu nào để đạt được tốc độ tăng trưởng này liên tục trong vòng 10
năm (dù là tính trung bình). Có thể có đồng chí sẽ lấy ví dụ của Trung Quốc tăng
trưởng tới 8%-9%/năm trong suốt 2, 3 thập kỷ qua và ngay cả Việt Nam với tốc độ
trên 7%/năm trong thập kỷ trước để phản biện lại. Nhưng tớ thì thấy rằng thời đại
tăng trưởng nhanh (mà không đổ vỡ, không trả giá sau này) đã qua rồi. Cũng chẳng
có bằng chứng gì thuyết phục cho lắm nhưng cứ hình dung con lợn được thúc lớn bằng
thuốc tăng trọng nhanh đến nỗi nhiều khi chân nó bị gẫy vì không chịu nổi sức nặng
của bản thân và vì chất lượng xương quá yếu không theo kịp đà lớn về thân xác của nó. Tóm lại là “giục tốc bất đạt”, đơn
giản thế thôi.
Có lẽ cũng
hiểu được thế nên mấy đồng chí Việt Nam mới thôi mơ mộng hão huyền bằng cách đặt
mục tiêu tăng trưởng trong các kế hoạch 5 năm và dài hơn ở mức thấp hơn nhiều,
mặc dù cũng những con người đó và các đồng chí của họ vốn có những cái đầu rất bốc, rất lạc quan cách mạng.
Thứ hai, đồng chí
Đạt nói: “Nhìn chung hiện nay chúng ta đã bước vào nước thu nhập trung bình
thấp, nhưng để thoát khỏi ngưỡng thu nhập trung bình thấp thì phải duy trì tốc
độ tăng trưởng cao trên 7,2%/năm, trong điều kiện mức tăng trưởng này kéo dài
và bền vững. Nếu không nguy cơ Việt Nam vẫn chỉ ở trong nước thu nhập trung
bình thấp là hiện hữu và nguy cơ ấy rất cao.”
Đoạn trích trên
không nói rõ là Việt Nam cần phải tăng trưởng 7,2%/năm trong bao năm, nhưng kết
hợp với đoạn trích đầu tiên thì có thể hiểu là đồng chí Đạt muốn nói đến quãng
thời gian 10 năm. Không hiểu tại sao đồng chí Đạt lại đặt ra mục tiêu phải tăng
trưởng thu nhập gấp đôi trong vòng 10 năm nữa (hiện đang ở mức gần 2.000
USD/người lên 4.000). Phải chăng đồng
chí muốn nói là khi thu nhập đầu người đạt 4.000 USD, tức mức trung bình cao, sẽ
đồng nghĩa là Việt Nam đã thoát khỏi bẫy
thu nhập trung bình vì đã lọt vào
nhóm thu nhập trung bình cao?
Nếu đúng thế thì
nhầm, cả về khái niệm lẫn kỹ thuật. Về khái niệm, bẫy thu nhập trung bình xảy
ra khi một nền kinh tế vốn có tốc độ tăng trưởng cao bị mắc kẹt mãi ở nhóm các
nền kinh tế có mức thu nhập trung bình mà không thể (khó) dần tiệm cận đến nhóm
nền kinh tế có thu nhập cao hơn được. Tất nhiên khi đó thì tăng trưởng GDP của
nước này sẽ bằng hoặc nhỏ hơn tăng trưởng GDP của nhóm nước thu nhập cao, làm
cho cự ly cách biệt về thu nhập giữa 2 nhóm không thay đổi hoặc thậm chí còn doãng rộng theo thời gian.
Như vậy, về khái
niệm, tăng trưởng ở mức bao nhiêu (ở đây là 7,2% như mong muốn) không quan trọng
bằng việc duy trì được tăng trưởng lớn hơn nhóm nước so sánh là đủ để Việt Nam dần
tiệm tiến đến nhóm nước có thu nhập cao, tức là không bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình. Giả thiết là các nước
thuộc nhóm thu nhập cao có tốc độ tăng trưởng là 3%, 4%/năm trong 10 năm tới.
Lúc đó thì chỉ cần Việt Nam tăng trưởng với tốc độ như hiện tại, 5%-6%/năm là
thừa đủ để xóa dần cự ly về thu nhập với nhóm có thu nhập cao này (còn để xóa hết
thì phải mất đến nhiều chục năm, kể cả với tốc độ tăng trưởng cao hơn!).
Về mặt kỹ thuật,
cái ngưỡng 4000 hoặc 11000 trong định nghĩa của đồng chí Đạt chỉ đúng với hiện
tại, chứ không còn đúng với tương lai. Với sự có mặt của lạm phát của USD thì
4000 hay 11000 USD hiện nay sẽ không bằng chính chúng về giá trị (sức mua)
trong 5, 10, 20 năm nữa. Lúc đó, ngưỡng thu nhập trung bình cao phải là, ví dụ,
11000, 14000 và 18000. Như thế, ngay cả khi Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng
GDP đầu người 7,2%/năm như đồng chí Đạt mong muốn thì cũng không thể đạt được
ngưỡng thu nhập khởi điểm của nhóm trung bình cao trong 10 năm nữa, mà phải là
một con số lớn hơn, tỷ như 12 năm.
Nói lằng nhằng thế
để tóm lại rằng con số 7,2% và 10 năm mà đồng chí Đạt đưa ra chẳng có ý nghĩa,
chẳng ăn nhập gì ở đây cả.
Thứ ba, trong đoạn
trích thứ 2 dường như đồng chí Đạt đánh đồng giữa bẫy thu nhập trung bình với (mức)
thu nhập trung bình thấp. Nếu đúng vậy thì cũng là một nhầm lẫn. Như đã nói, chừng
nào tăng trưởng của Việt Nam vẫn lớn hơn tăng trưởng của nhóm nước thu nhập cao
thì Việt Nam vẫn (nên/cần) được cho là không bị vướng vào bẫy thu nhập trung
bình (chứ không có khái niệm “bẫy thu nhập trung bình thấp” hay “bẫy thu nhập
trung bình cao”). Ngược lại, cho dù có tăng trưởng nhanh chóng (ở mức 7,2% như đồng
chí Đạt muốn) để lọt vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao và/nhưng sau đó
tăng trưởng lại tụt giảm xuống dưới mức của nhóm thu nhập cao thì Việt Nam vẫn
cứ bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình. Nói cách khác, tăng trưởng bao nhiêu (trong
vòng một thời gian nhất định, ở đây là 10 năm như đồng chí Đạt muốn) để thoát
khỏi nhóm nước thu nhập trung bình thấp
không phải là điều kiện cần/đủ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (không có “thấp” hay “cao”).
Còn tất nhiên nếu
đạt được tốc độ tăng trưởng đâu đó trên 7%/năm trong thời hạn không xác định
(vài chục năm) thì là quá tốt rồi, đủ để Việt Nam thoát khỏi hầu như mọi cái bẫy!
Nhưng, lại như đã nêu ở phần đầu, vấn đề là liệu tốc độ tăng trưởng trên 7% sẽ
được duy trì trong bao lâu?
Bác phân tích chí phải, vẫn hóm hỉnh, sâu sắc. Chắc bác hay uống cà phê không đường!
ReplyDeleteHoan hô các GS VN muôn năm, các vị luôn luôn đúng, chỉ có dân đen là sai thôi!
Tớ oải hết cả người vì đọc mấy bài ăn theo của các đồng chí tương tự như đồng chí này với đồng chí Lan. Cứ mỗi khi có một ý kiến gì đó tiêu cực, nhất là của mấy anh ngoại cuốc thì các anh nhà ta được thể lên đồng tập thể, mà cũng chẳng thèm biết mình đang nhập đồng, thế mới gay.
ReplyDeleteGS Đạt là bạn tôi nên tôi bảo vệ bác ấy 1 chút.
ReplyDelete1. TS Ngọc sửa cho bạn Đạt, nhưng xem bài gốc thì chẳng phải bài của bạn ấy tự viết mà là của phóng viên. Phóng viên trình độ kinh tế thế nào chắc ai cũng thông cảm. Họ chẳng chú ý GDP hay GDP đầu người khác nhau đâu. Do đó những sai sót về từ ngữ hoàn toàn có thể châm chước; đó không phải lỗi của bạn Đạt của tôi. Tôi chắc bạn ấy cũng chẳng được tý tiền nhuận mồm từ trả lời phỏng vấn, còn nếu tự tay bạn ấy viết để ăn tiền nhuận bút thì sẽ chính xác hơn.
2. Nếu bắt bẻ câu chữ thì TS Ngọc cũng viết sai: "Giả sử tốc độ tăng dân số mỗi năm của Việt Nam trong 10 năm tới là 1%/năm thì Việt Nam cần phải đạt tăng trưởng GDP là 8,2%/năm". Ở đây tốc độ cần là "107,2% x 101%) = 108,272%, tức xấp xỉ 8,23%. Nhiều người cứ cộng 7.2% và 1% là sai. May mà ở đây những số nhân quá gần 1 nên sai số không nhiều; nếu không thì sai số rất lớn. Nếu làm các mô hình toán kiểu này thì sai một ly sẽ đi một dặm vì bài toàn sẽ không có lời giải (không hội tụ)
3. Bạn Đạt nói 7,2% là một con số có tính chất gợi ý thôi chứ chẳng phải là nhất thiết phải là con số đó. Bạn ấy nói theo kinh nghiệm quá khứ của VN và của những nước Rồng, Hổ đã trải qua. Còn cụ thể thế nào, bạn ấy tính được ngay: Căn cứ tiêu chuẩn thế nào là ngưỡng thu nhập trung bình thấp, vào tăng trưởng dân số, vào biến động tỷ giá đô la... sẽ tính ra ngay. Nhưng... xem tiếp ở dưới (xin lỗi nếu viết dài, máy không cho xuất bản, phải cắt ra).
1. Những chi tiết này tôi chắc chắn là phóng viên không thể tự viết hộ đồng chí Đạt được, nhét chữ vào mồm đồng chí này được.
Delete2. Quả thế thật, tôi ẩu quá nên không nghĩ cẩn thận được như bác, chỉ cốt mau mau chứng minh con số 7,2% là không đúng. Sorry bác và bạn của bác ở chỗ này. Nhưng như thế thì tốc độ tăng trưởng của VN càng cần phải cao hơn con số 7,2%, làm cho nó thành con số gần như là viễn tưởng.
3. Lặp lại, bạn của bác không phải vô tình mà nói con số 7,2% đâu, vì nó là gần với con số tăng trưởng của GDP đủ để GDP tăng gấp đôi trong 10 năm.
4. Nhưng sự đời nó phức tạp lắm. Đó là xuất hiện ông bạn Tỷ giá và Chất lượng hàng hóa. Tăng trưởng 7 hay 8% là tính theo tiền việt, lại tính theo giá cố định. Ví dụ năm 1994 làm ra 1 cái tivi giá cố định 100.000 đồng. Năm nay 2014 cũng làm ra 1 cái tivi, đám thống kê cũng áp giá cố định 100.000 đồng để tính vào tăng trưởng GDP. Như vậy nếu 2 năm đó đều chỉ sản xuất 1 tivi thì GDP không đổi, chẳng tăng. Nhưng thực tế hai tivi khác nhau 1 trời 1 vực. Cái sản xuất năm 1994 giờ cho không ai lấy. Cái làm năm 2014 nếu bán năm 1994 chắc 10.000.000 đồng, giá trị gấp 100 lần.
ReplyDeleteTrong khi GDP theo giá cố định không đổi thì GDP theo giá hiện hành của sản xuất tivi tăng vọt, không phải do lạm phát mà do chất lượng hàng hóa tăng lên, kèm theo giá trị (và giá trị sử dụng) cũng tăng lên. Giả sử tỷ giá không đổi thì rõ ràng GDP hiện hành đổi sang USD sẽ tăng lên rất mạnh.
Thực tế trong giai đoạn phát triển nhanh, có chất lượng, đồng tiền nội địa của các nước Nhật, Sin, Hàn, Đài Loan và nhiều nước khác đều tăng giá rất mạnh so với USD. Ví dụ Nhật từ 360 yên/USD năm 1971 đến cuối thế kỷ 20 tăng giá lúc cao nhất lên 75 yên/USD. Lào cách đây 8 năm 14000kip/USD, nay là 8000 kíp/USD. Như thế khi quy đổi GDP giá hiện hành sang USD thì GDP đầu người theo USD sẽ tăng lên rất mạnh, vài ba lần sau 2-3 thập kỷ phát triển.
Vì ngưỡng thoát thu nhập trung bình là USD danh nghĩa, ví dụ 4000 USD. Vậy thì chẳng cần tăng trưởng nhanh hơn nhóm các nước so sánh vì có liên quan gì đâu, ta tự tiến theo đích 4000 là được; cái cần là tốc độ + chất lượng + thay đổi tỷ giá để kết quả chung của 3 cái đưa đến đích 4000. Nếu trong vòng 12 năm nữa GDP danh nghĩa đầu người không đổi, nhưng tỷ giá chỉ còn 1 nửa so với hiện nay thì GDP đầu người tự khắc chuyển từ 2000 USD hiện nay lên 4000 USD.
Mấy năm nay ta có tăng trưởng ra gì đâu, nhưng nhờ giữ tỷ giá trong khi lạm phát cao nên tự nhiên GDP đầu người từ hơn nghìn đô lên 2000 đô.
Tỷ giá có tác dụng như bác nói, và tôi cũng nói đến nhiều rồi. Nhưng vấn đề là một quốc gia không thể giữ tỷ giá mãi được (hoặc revalue mãi được). Đến lúc nào đó nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô yếu thì tự khắc phải buông tỷ giá. Lúc đó tuy lạm phát có tăng mạnh nhưng tỷ giá cũng tăng mạnh (hơn), rốt cuộc thu nhập bằng USD danh nghĩa tăng chậm lại, hoặc thậm chí giảm đi.
DeleteVề chất lượng hàng hóa, đúng như bác nói. Nhưng vấn đề là cả thế giới người ta đều có tình trạng xảy ra tương tự và buộc phải dùng một thước đo chung là GDP danh nghĩa/cố định tính bằng USD (danh nghĩa/cố định), không có cách nào khác (khả dĩ hơn) để so sánh.
Ở trên tôi viết nhầm, nếu 1 đến 2 năm nữa GDP danh nghĩa đầu người không đổi, nhưng nhà nước quy định tỷ giá chỉ còn 1 nửa so với hiện nay thì GDP đầu người tự khắc chuyển từ 2000 USD hiện nay lên 4000 USD, khỏi phải lao động cho vất vả.
ReplyDelete5. Thực ra tới nay chưa có định nghĩa nào rõ ràng về "bẫy thu nhập trung bình", nhất là không có các chỉ số định lượng cụ thể xác định nó; trong khi ngưỡng để xác định thế nào là nước thu nhập trung bình thì LHQ, NHTG đã đưa. Chỉ có thể hiểu nôm bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một quốc gia đang đà phát triển nhanh sau khi đạt được một mức thu nhập trung bình nào đó đột nhiên tăng trưởng chững lại, thậm chí là trì trệ. "mức thu nhập trung bình nào đó" cũng không nhất thiết là mức có LHQ nêu trên.
Có người cũng bảo VN đã rơi vào bẫy vì đang hăng hái 7,2%, đột nhiên tụt xuống 5,5%. Tôi thì bảo chưa phải; mới có mấy năm khủng hoảng gần đây, chưa thể kết luận sớm thế được. Phải nhìn (tăng trưởng tiềm năng) dài hạn, nếu cơ chế mới mở ra, động lực xã hội được khôi phục... thì tình hình sẽ khác hẳn. Philipin, Indonesia cũng đã có thời gian dài bị đánh giá không bao giờ lên được, nhưng giờ đã khác.
6. Bác Ngọc nhấn mạnh tốc độ, tôi hay nhìn con số. VN thu nhập đầu người 2000 USD, ví dụ tăng trưởng 10%, năm sau thành 2200, thêm 200 USD mua thêm được 1/3 cái tủ lạnh.
Mỹ 60.000 USD, tăng trưởng 2%, sau 1 năm thêm 1200 USD, mua được 2 cái tủ lạnh (giá ở Mỹ và VN chẳng khác nhau, thậm chí ở Mỹ rẻ hơn, nếu 2 tủ lạnh 2 nơi có chất lượng như nhau).
Vậy để VN tiến đến thoát bẫy thu nhập trung bình (từ 2000 hiện nay) thành nước giầu (10.000 USD), tức thêm 8000 USD thì cần bao nhiêu năm nếu chỉ dựa trên tốc độ tăng trưởng mà không tính tới yếu tố chất lượng, tỷ giá ? Chắc 20-25 năm. Còn Mỹ để thêm 8000 USD quá dễ, chỉ cần 8000/1200 = 6 năm rưỡi. Khi Mỹ, EU... cứ tăng nhanh như vậy thì ngưỡng thoát nghèo sẽ bị đẩy lên 15000, 20000 USD... Vậy nếu căn cứ vào tốc độ 10% của VN và 2% của Mỹ rồi ngưỡng bị đẩy lên... thì bao giờ VN nhìn thấy cái đỉnh của núi ? (giống như trèo lên đỉnh núi vậy).
Vậy thôi nhé, dài quá rồi.
5. Tôi có viết một bài về bẫy thu nhập trung bình gửi cho TBKTSG. Hy vọng là họ đăng tuần này. Trong đó có nêu khái niệm và chứng minh rằng VN chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mà vẫn đang tiệm tiến đến các nhóm thu nhập cao hơn, vì tốc độ tăng trưởng thu nhập của VN vẫn cao hơn hầu hết các nhóm đối chứng (tính trung bình).
Delete6. Về tuyệt đối đúng là như bác nói. Nhưng nếu về tương đối VN liên tục tăng trưởng nhanh hơn Mỹ thì sẽ đến một ngày nào đó VN sẽ đuổi kịp Mỹ (về lý thuyết, tất nhiên, tuy rằng để điều này xảy ra thì cần hàng trăm năm). Việc nhìn hay không nhìn thấy đỉnh là chuyện khác, vì ai bảo VN đã bỏ lỡ bao năm tháng tăng trưởng và phát triển, trong khi các nước khác, gồm cả Mỹ vẫn tăng trưởng?
Nếu nói như bác thì Hàn Quốc, Singapore sẽ chẳng bao giờ nhảy vào nhóm developed cả vì thu nhập của họ cũng từng chỉ có một (vài) trăm USD/người thôi. Cho nên, nói gì thì nói, tăng trưởng vẫn là yếu tố cốt lõi để gia nhập nhóm nước thu nhập cao cho bất cứ nước nào.
Hai bác tranh luận rất lý thú, tụi em lại ngộ thêm được nhiều điều!
ReplyDeleteBác Mai siêu thiệt. Ngày kia leo núi với bác em phải hỏi bác thêm về vụ này. Bác Ngọc nói phóng viên không thể nhét chữ vào mồm đồng chí Đạt được. Vậy em hỏi các bác, bài các bác gửi cho TBKTSG, họ biên tập lại theo cách của họ, vậy họ có nhét chữ vào mồm các bác không ?
ReplyDeleteNhét chữ vào mồm tớ thì có, và không hiếm, nhưng là những chứ hoặc là "nhạy cảm" hoặc là cho "mềm" bớt đi, cho dễ hiểu hay câu văn nuột nà, gọn gàng hơn, chứ không có những chữ mang tính kỹ thuật như 7,2% với lại thu nhập đầu người v.v.... Thường họ chỉ nhét khi họ cho là họ hiểu rõ vấn đề và có thể play với câu chữ hộ cho người viết, chứ không dám mạo hiểm đi xa hơn (khả năng của họ).
Delete