Giá sữa bột trẻ em
đồng loạt tăng gần đây ở Việt Nam bất chấp nó đã được đưa vào trong danh mục
hàng bình ổn giá. Lý do tăng giá sữa, theo các hãng sữa, chủ yếu là do giá sữa
bột nhập khẩu tăng mạnh. Những lý do khác gồm có giá nhân công và chi phí vận
chuyển tăng, hoặc thay đổi công thức sữa...
Trước đòi hỏi của
dư luận và cả của một số lãnh đạo cấp cao, Bộ Tài chính, như thường thấy và có
thể dự đoán được, lại tiếp tục phản ứng bằng cách ra tuyên bố sẽ lập đoàn thanh
tra, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan kiểm tra việc niêm
yết, kê khai giá điều chỉnh các sản phẩm sữa, và “đề nghị” các công ty sữa giải
trình, không được “tăng giá bất hợp lý”, và sẽ “quyết liệt”, “xử lý nghiêm”,
“xử lý theo luật”, “công khai thông tin” nếu phát hiện vi phạm… Bộ này
còn cho biết khả năng sẽ áp giá trần cho sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Nói chung, cách dễ
nhất để thực hiện việc chế tài một chủ thể nào đó là cấm chủ thể đó được có
những hành động vượt quá khuôn khổ mà cơ quan quản lý cho là có thể chấp nhận
được. Trong việc kiềm chế giá sữa cho trẻ em tăng lên, dường như Bộ Tài chính
cũng tính đến khả năng là những phản ứng chính sách của họ như nói trên không
có hiệu quả, không ngăn được các doanh nghiệp tăng giá sữa nếu thực sự họ có lý
do chính đáng. Để tránh khả năng bị “đo ván” trong trận chiến quản giá sữa vốn
sẽ mang lại tai tiếng không hay về năng lực và trách nhiệm quản lý, thượng sách
vẫn là áp giá trần, tức cấm các doanh nghiệp sữa được tăng giá sữa quá một mức
nào đó mà cơ quan quản lý cho là hợp lý.
Nhưng vì việc cấm
đoán này về bản chất là một hành động chính sách mang tính phi thị trường, được
áp dụng bất chấp những yếu tố hình thành nên giá sữa đã và đang biến động ra
sao nên khả năng thành công của nó là hầu như bằng 0 trên cả lý thuyết lẫn thực
tế đã cho thấy.
Đi sâu thêm vào lý
giải việc tăng giá từ các yếu tố mang tính thị trường, đầu tiên hãy xem giá sữa
giao ngay trên thế giới đã biến động thế nào. Như Biểu 1 minh họa, có thể thấy
giá sữa bột nguyên kem Hà Lan giao ngay đã đột nhiên tăng mạnh và kéo dài suốt
từ tháng 4/2013 (lên 371 euro/tấn, tức tăng 28% so với tháng 3/2013), và thậm
chí còn đứng ở mức cao hơn như hiện nay (377 euro/tấn cuối tháng 2/2014).
Ngoài yếu tố quan
trọng là giá sữa bột nhập khẩu đã tăng mạnh và kéo dài, một yếu tố quan trọng
khác nữa là cầu về sữa cũng đã biến động mạnh. Tin tức cho biết nhu cầu nhập
khẩu sữa của Trung Quốc đã tăng mạnh do người dân nước này đã mất lòng tin vào
sữa nội địa. Quả thật, số liệu Hải quan Trung quốc về nhập khẩu sữa bột và bơ
như trong Biểu 2 cho thấy nhập khẩu bơ sữa của nước này đã tăng vọt, đặc biệt
từ tháng 10/2013, đạt mức 160 nghìn tấn vào tháng 1/2014 so với mức trung bình
48 nghìn tấn/tháng năm 2012, và 71 nghìn tấn/tháng năm 2013.
Ở trong nước, một
số hãng đã cho biết chi phí nhân công và vận chuyển cũng đang dưới áp lực tăng.
Điều này cũng có thể hiểu được nếu nhìn dưới góc độ lạm phát và giá xăng dầu.
Một số chuyên gia thì cho rằng lạm phát không liên quan gì đến tăng giá sữa vì
lạm phát tăng là tăng ở các lĩnh vực, nhóm mặt hàng và dịch vụ khác.
Có thể thấy ngay
lập luận như thế này là không xác đáng vì, về nguyên tắc, khi lạm phát tăng,
tiền lương có xu hướng được điều chỉnh tăng theo (tuy có thể có độ trễ nhất
định). Mà tiền lương tăng thì sẽ dẫn đến chi phí của mọi hàng hóa, dịch vụ đều
có xu hướng tăng lên. Chưa kể, rõ ràng việc giá xăng dầu tăng lên đương nhiên
càng làm tăng áp lực giá trong những ngành như kho vận.
Từ biến động của
các yếu tố chi phí trên, trong khi bối cảnh trong nước không hề có dấu hiệu cho
thấy nhu cầu thực về sữa đã và đang giảm đi (số trẻ con không giảm đi, mà còn
tăng lên), có thể nói các hãng sữa trong nước không đòi tăng giá mới là lạ.
Giả thiết rằng
trong hoàn cảnh này, Chính phủ áp dụng giá trần cho sữa ở mức hiện tại. Lúc đó
có hai khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất, doanh nghiệp sữa phải cắt bỏ một
phần hoặc toàn bộ lợi nhuận của họ (nếu lợi nhuận của họ đủ lớn). Khả năng thứ
hai, trường hợp ngược lại, lợi nhuận này không đủ lớn và do đó doanh nghiệp
chịu lỗ, càng bán ra nhiều thì lỗ lũy kế càng lớn.
Đối với khả năng
thứ nhất, doanh nghiệp sữa vẫn có thể cầm cự được một thời gian, cho đến khi lỗ
bắt đầu phát sinh và lớn dần, để rồi rơi vào khả năng thứ hai. Ở khả năng thứ
hai, có doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phá sản, đóng cửa vì nợ lớn, vốn mỏng, các
ngân hàng không cho vay thêm. Các doanh nghiệp khác còn lại thì có thể cố gắng
cầm cự chịu lỗ, hy vọng một ngày nào đó tươi sáng hơn khi giá đầu vào giảm đi
(còn giá bán thì vẫn không đổi vì bị áp trần!). Nhưng tất cả sẽ phải đóng cửa nếu
giá đầu vào vẫn tiếp tục tăng lên. Và cho dù giá sữa bột nhập khẩu có thể giảm
đi sau này (mặc dù có ít hy vọng), nhưng chí ít thì chi phí nhân công,
kho vận và các loại chi phí khác khó có thể giảm đi ở vì thiểu phát (CPI
âm) hầu như không thể xảy ra ở Việt Nam ít nhất trong ngắn và trung hạn. (Đây
cũng chính là một trong những câu trả lời cho lập luận của một số người rằng
tại sao khi giá sữa thế giới giảm mà giá trong nước không giảm theo). Cộng với
yêu cầu hữu lý của cổ đông, của chủ đầu tư là sản xuất, kinh doanh phải có lợi
nhuận (đủ hấp dẫn) thì có thể kết luận rằng sự nén chịu, nếu có, của các doanh
nghiệp sữa trong khuôn khổ giá trần chỉ mang tính ngắn hạn.
Trước khi Chính
phủ nhận ra điều này và buộc phải điều chỉnh (tăng lên) hoặc bãi bỏ giá trần
(hoặc bất cứ một mênh lệnh hành chính nào đó không cho phép doanh nghiệp tăng
giá) thì doanh nghiệp sữa hoặc phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất, hoặc phải tìm
cách lách luật. Nếu doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất thì nguồn cung
bị thu hẹp làm cho một bộ phần cầu không thể được thỏa mãn. Nói cách khác, giá
trần có khả năng dẫn đến có thêm một bộ phận trẻ em không được uống sữa hoặc
phải cắt giảm lượng sữa uống hàng ngày. Đương nhiên là sữa luôn có thể được
nhập khẩu vào Việt Nam để bổ sung nguồn cung thiếu hụt trong nước, nhưng vấn đề
là không nhà phân phối sữa nước ngoài nào muốn bán cho các nhà phân phối sữa
trong nước với giá bán bị kiểm soát bởi giá trần của Việt Nam, bất chấp biến
động giá thế giới.
Hơn nữa, chuyện
chấp nhận bó tay chịu chết của doanh nghiệp sữa khi có giá trần là điều hiếm
khi xảy ra. Họ sẽ tìm cách tồn tại (và vẫn có lãi) bằng nhiều biện pháp lách
luật. Để thấy tính đa dạng của các biện pháp lách luật rất hữu hiệu (ở cái
nghĩa là biết mà không xử lý được), ta có thể liên hệ đến những “chiêu trò” mà
các ngân hàng thương mại Việt Nam đã từng áp dụng để lách lãi suất trần áp cho
tiền gửi hoặc tỷ giá trần mua bán áp dụng cho đô la Mỹ, cũng như việc cấm mua
bán ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng... để thấy rằng nếu muốn thì luôn có rất
nhiều kẽ hở để lách các quy định cấm cản trong sự bó tay của các cơ quan chủ
quản.
Nhưng nói như trên
không có nghĩa là nhà nước không thể làm gì để can thiệp một cách có hiệu quả
và công bằng giữa các bên tham gia thị trường sữa (nhà sản xuất, nhà nhập khẩu,
nhà phân phối, và người tiêu dùng, và nhà nước với tư cách là người thu thuế).
Việc cần làm trước tiên là khuyến khích hơn nữa sự cạnh tranh giữa các chủ thể
tham gia thị trường nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào với giá cả phản ánh sát
thực cung và cầu thật trên thị trường. Cạnh tranh hơn cũng có nghĩa là giảm
thiểu những tiêu cực của thị trường như cùng bắt tay liên kết lũng đoạn thị
trường giữa các nhà cung cấp lớn, một khả năng mà các cơ quan chủ quản đang đau
đầu khám phá. Để giảm đà tăng của giá sữa và/hoặc bảo vệ một số đối tượng dễ
tổn thương (trẻ em con nhà nghèo), có thể áp dụng một số biện pháp khác như
giảm thuế, trợ giá (có chọn lọc về đối tượng), và tăng tính minh bạch của thị
trường sữa...
Cũng cần nói thêm
là người tiêu dùng luôn muốn được mua hàng hóa với giá rẻ hơn nên có thể hiểu
và thông cảm được với sự “bức xúc” của họ khi phải trả nhiều tiền hơn. Nhưng
mọi sự “bức xúc” không phải luôn hợp lý và Chính phủ luôn phải chạy theo, xuôi
theo những “bức xúc” này để rồi có những hành động làm hài lòng người tiêu dùng
(trên bề nổi) nhưng đi ngược với những nguyên tắc của thị trường để rồi mọi
việc đâu lại vào đó.
Tóm lại, giá sữa
đang chịu áp lực tăng giá là điều có thật và hợp lý, và việc doanh nghiệp sữa
đòi tăng giá cũng là điều hợp lý. Để hạn chế phần nào áp lực và hậu quả tăng
giá, Chính phủ cần nghĩ đến những giải pháp khác như nói ở trên thay vì nhấn
mạnh đến “theo dõi”, “thanh tra”, và áp giá trần. Chính phủ cũng cần
thiết phải giải trình rõ hơn cho người tiêu dùng biết điều gì đang xảy ra trên
thị trường để họ chấp nhận thực tế và có sự điều chỉnh trong hành vi tiêu dùng
của mình, thay vì đòi hỏi nhà nước phải làm một cái gì đó mà thực ra là lợi bất
cập hại.
No comments:
Post a Comment