Hiện đang có
chênh lệch khá lớn về lãi suất giữa của nhân dân tệ so với đô la Mỹ. Điều này tạo
ra nhu cầu kinh doanh chênh lệch lãi suất ngắn hạn (carry trade) giữa 2 đồng tiền
này. Cơ chế carry trade là vay ngoại tệ từ những nơi có lãi suất thấp, đổi ra
nhân dân tệ rồi cho vay nội địa để hưởng lãi cao hơn. Đến kỳ thanh toán thì lại
chuyển ngược vốn từ nhân dân tệ ra ngoại tệ, chuyển về nơi đi vay để hoàn trả vốn
và lãi, và nhà đầu tư được hưởng phần chênh lệch có được từ sự khác biệt lãi suất
(với điều kiện là tỷ giá nhân dân tệ với
ngoại tệ đó không thay đổi đáng kể giữa hai thời điểm đi vay và hoàn trả). Tuy nhiên,
để thực hiện carry trade ở Trung Quốc thì nhà đầu tư phải có khả năng vay mượn
và mua bán dễ dàng đô la Mỹ.
Thế nhưng Trung Quốc
hiện đang có các quy định về quản lý ngoại hối nhằm kiểm soát việc vay mượn và
kinh doanh ngoại tệ, làm cản trở việc thực hiện carry trade ở Trung Quốc. Để
lách những quy định này nhằm vay mượn hoặc
chuyển ngoại tệ vào ra Trung Quốc một cách dễ dàng, các nhà kinh doanh đã tạo
ra các CFD có sự tham gia của các hàng hóa cơ bản như đồng, nhôm, các kim loại
quý khác như vàng, và thậm chí là đậu tương
hay quặng sắt. Các giao dịch này về bản chất là giao dịch mua bán hàng hóa trên
giấy tờ vì hàng hóa chỉ được dịch chuyển từ người bán đến người mua trên giấy tờ;
còn hàng hóa thật thì vẫn nằm tại các kho ngoại quan; cái thực chất lưu chuyển
vào và ra khỏi Trung Quốc là luồng vốn ngoại tệ.
Tổng giá trị các
CFD đã tăng chóng mặt kể từ giữa năm trước bởi sự kết hợp của 3 yếu tố sau, đảm
bảo mang lại những khoản lợi nhuận đáng kể cho các nhà kinh doanh carry trade:
(1) sự thắt chặt hơn nữa các quy định về cho vay và số tiền được vay ở Trung Quốc,
làm cho các nhà đầu tư chuyển mạnh từ việc đi vay nội địa sang vay từ các nguồn
ở nước ngoài với điều kiện dễ dãi hơn (và quan trọng là rẻ hơn); (2) chênh lệch
lãi suất khá cao giữa đô la Mỹ và nhân dân tệ; và (3) nguồn cung các loại hàng
hóa cơ bản đang dồi dào trên thế giới.
Theo ước tính của
Goldman Sachs, 31% các khoản cho vay ngoại tệ ngắn hạn và 14% tổng các khoản
cho vay ngoại tệ ở Trung Quốc được thế chấp bởi các hàng hóa này trong các CFD.
Tổng số dư cho vay ngoại tệ thông qua các CFD ở Trung Quốc được ước tính lên tới
khoảng 81 đến 160 tỷ đô la Mỹ.
CFD có ảnh hưởng
sâu sắc đến giá cả hàng hóa thế giới. Khi CFD được ký kết, lập tức nhu cầu về
các loại hàng hóa nói trên tăng lên trong khi cung chưa (kịp) thay đổi, đẩy giá
tăng. Ngược lại, khi CFD hoàn tất, lượng hàng hóa được cầm cố được giải tỏa,
làm tăng đột ngột cung trong khi cầu không biến động, đẩy giá cả hàng hóa đi xuống,
làm các nhà đầu cơ khác hoảng sợ, buộc họ phải bán tháo hàng hóa của mình, càng
đẩy giá hàng hóa đi xuống thêm.
Người ta ước tính
có đến 30 triệu tấn quặng sắt được “trói” trong các CFD, trong khi con số tương
ứng cho đồng là 630 nghìn tấn, và đậu tương là 5 triệu tấn, đủ để minh họa cho
quy mô “khủng” của các CFD và ảnh hưởng của chúng lên giá cả hàng hóa toàn cầu
lớn như thế nào.
Tuy rất quan ngại
với những hành động lách luật như thông qua CFD nhưng Trung Quốc không muốn mạnh
tay xử lý, ngăn ngừa những hành động này trong một sớm một chiều, vì điều đó sẽ
dẫn đến việc giải phóng một lượng hàng hóa lớn đang nằm kẹt trong các CFD ra thị
trường, làm cho giá cả của chúng sụp đổ, từ đó ảnh hưởng đến giá cả của hàng loạt
tài sản như chứng khoán và trái phiếu.
Thay vào đó,
Trung Quốc có một lộ trình tự do hóa dần dần đồng nhân dân tệ, cũng như mở cửa
hơn nữa nền kinh tế cho các luồng vốn nước ngoài, với mục đích làm cho tỷ giá
nhân dân tệ sẽ biến động mạnh hơn chứ không còn được ổn định tương đối như trước
đây nữa. Và khi tỷ giá nhân dân tệ biến động mạnh hơn thì chi phí bảo hiểm cho
tỷ giá (heding) sẽ phải tăng lên mạnh hơn. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận tiềm
năng trong, và do đó là độ hấp dẫn của các CFD. Kết cục, sẽ có thêm một lượng
hàng hóa được giải phóng ra thị trường hàng hóa, đẩy giá hàng hóa đi xuống. Quá
trình tự do hóa nhân dân tệ càng diễn ra mạnh thì tính hấp dẫn của các CFD càng
giảm và áp lực lên giá cả hàng hóa càng lớn thêm.
No comments:
Post a Comment