----------------------------------
Đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cùng với động thái này là hàng loạt vấn đề đặt ra như người gửi tiền sẽ bị thiệt như thế nào, dòng vốn chảy vào ngân hàng có bị chững lại không, các doanh nghiệp có được vay với lãi suất thấp hơn không, hoặc cơ cấu của dòng vốn ngân hàng có thay đổi gì không, chẳng hạn như chảy vào chứng khoán hay bất động sản nhiều hơn không v.v...
Có thể nói ngay rằng khi NHNN tuyên bố giảm lãi suất điều hành thì điều đó có nghĩa là NHNN sẽ bơm thanh khoản với lãi suất thấp hơn cho hệ thống ngân hàng (chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, theo ngày, tuần, tháng, ít khi lên đến nửa năm, cả năm). Điều này, kết hợp với trần lãi suất cho tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng cũng bị hạ xuống, sẽ giúp cho các ngân hàng chịu bớt áp lực ở đầu vào, ít nhất là cho các khoản vốn ngắn hạn (tiền gửi của dân cư và cho vay từ NHNN), dưới 6 tháng.
Về phía người gửi tiền, đương nhiên là sẽ bị thiệt thòi hơn nếu họ gửi tiền có kỳ hạn dưới 6 tháng, khi lãi suất tiền gửi ngắn hạn hầu hết sẽ bị giảm đi so với trước đây với trần lãi suất mới là 6% so với trần lãi suất cũ là 7%.
Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý ở đây. Thứ nhất, thanh khoản có lẽ thực sự không dư thừa (dồi dào) như người ta nghĩ, và là nguyên nhân của việc hạ lãi suất đợt này. Ngay sau công bố của NHNN, các ngân hàng đã sửa đổi lại các mức lãi suất tiền gửi, nhưng điều đáng chú ý là các mức tiền gửi này đều phần lớn là bằng với mức trần, nếu là kỳ hạn dưới 6 tháng. Điều đó chứng tỏ vẫn có một áp lực nào đó lên tình trạng thanh khoản của nhiều ngân hàng. Có thể không quá khi nói rằng nhiều ngân hàng “miễn cưỡng” phải hạ lãi suất huy động (ngắn hạn) theo mức trần của NHNN.
Thứ hai, NHNN cũng đã không áp trần lãi suất cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng trở lên. Chủ ý này tiếp tục tạo ra một kẽ hở cho cả ngân hàng và người gửi tiền có thể gặp được nhau ở những khoản tiền gửi từ 6 tháng. Nếu cần thì các ngân hàng vẫn phải trả cho người gửi tiền với lãi suất không đổi hoặc thậm chí còn cao hơn trước thời điểm NHNN tuyên bố hạ lãi suất điều hành. Nói cách khác, người gửi tiền nếu có thiệt thì chủ yếu là ở những khoản tiền gửi ngắn hạn, dưới 6 tháng.
Thứ ba, về phía ngân hàng, với lãi suất huy động không nhất thiết là thấp đi ở những kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thì khó có thể kết luận rằng chi phí vốn của ngân hàng sẽ giảm mạnh tương ứng với mức giảm của trần lãi suất và lãi suất điều hành của NHNN. Đấy là chưa kể với một số ngân hàng vẫn còn khó khăn về thanh khoản thì họ lại buộc phải “đi đêm” với khách gửi tiền bằng cách trả lãi cao hơn nhằm thu hút thêm tiền gửi.
Từ hai phía gửi tiền và huy động tiền như trên có thể thấy mặt bằng lãi suất chung (cả cho vay và huy động) có thể không biến động nhiều theo hướng giảm đi như kỳ vọng. Hàm ý của điều này là việc hạ lãi suất lần này sẽ không nhất thiết dẫn đến giảm lãi suất của các khoản cho vay của các ngân hàng với các doanh nghiệp (nếu các điều kiện cho vay khác không thay đổi), và do đó cũng khó có thể kỳ vọng chắc chắn rằng tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy trong năm nay.
Liên quan đến điều này là chuyện cơ cấu của nguồn vốn chảy ra từ hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế (cho khu vực sản xuất thực, hay cho các thị trường tài chính, bất động sản, vàng ...). Với nhận định rằng lãi suất đầu vào và đầu ra có thể sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng, cơ cấu của vốn từ ngân hàng chảy vào nền kinh tế sẽ không có thay đổi lớn so với trước đây.
Thêm nữa, do điều hành lãi suất đã được gắn chặt chẽ với diễn biến của lạm phát ở Việt Nam nên chiều hướng suy giảm lãi suất như hiện nay vẫn có thể đảo chiều trong thời gian tới khi lạm phát ở Việt Nam vì một lý do nào đó lại bùng lên, là điều không thể hoàn toàn phủ nhận. Bởi vậy, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để có thể dự đoán một bức tranh “đẹp” với lãi suất giảm, lạm phát thấp và tín dụng tăng trưởng mạnh trong các quý tới của năm nay.
No comments:
Post a Comment