Bức tranh kinh tế hơn 1 năm qua cho thấy một số điểm sáng nổi bật. Trong khi tăng trưởng tiếp tục được cải thiện thì lạm phát ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm, không chỉ nhờ giá dầu và hàng hóa thế giới giảm mạnh, mà còn nhờ chính sách tiền tệ khá thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với tốc độ bơm tiền ra nền kinh tế đã giảm mạnh so với các năm trước.
Như vậy, quan niệm như trước đây rằng cần phải “kích cầu” thông qua bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế thì mới bảo đảm được tốc độ tăng trưởng khả quan đã không còn chỗ đứng nữa. Chính phủ đã xác định một cách đúng đắn rằng cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này cần tránh dùng đến các biện pháp phi thị trường. Thông thường, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát Chính phủ thường trì hoãn hoặc dùng các biện pháp hành chính để “bắt” giá cả không được tăng. Nhưng điều này luôn chỉ có tác dụng nhất thời, và rốt cuộc hoặc Chính phủ phải tăng bao cấp dẫn đến tổn hại ngân sách hay làm méo mó thị trường và dẫn đến các hành vi trục lợi, hoặc phải buông tay để giá cả sau đó tăng bù trở lại, thậm chí mạnh mẽ hơn.
Tương tự như vậy, với quan niệm cứng nhắc rằng lạm phát có thể được kiềm chế thông qua cố định tỷ giá USD/VNĐ (để giảm thiểu tác động của cái gọi là “nhập khẩu lạm phát”), tỷ giá USD/VNĐ một lần nữa lại được NHNN tuyên bố sẽ được giữ ổn định trong suốt cả năm nay, bất chấp diễn biến bất lợi của bối cảnh quốc tế khi USD lên giá mạnh với hầu hết các đồng bản tệ của các nước khác. Sự ổn định/cố định tỷ giá USD/VNĐ thậm chí lại còn được coi là một chỉ biểu cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Tác hại nhãn tiền của kiểu “ổn định” kinh tế vĩ mô như thế này là cán cân thương mại đã chuyển từ xuất siêu năm 2014 sang nhập siêu trong mấy tháng đầu năm nay, trong khi các doanh nghiệp nội địa chật vật giành giật thị trường với hàng nhập khẩu trở nên có giá rẻ hơn nhờ tỷ giá cứng nhắc. Nhập siêu đến một mức độ nào đó sẽ kích hoạt tâm lý kỳ vọng NHNN phải phá giá VNĐ để tiết giảm nhập khẩu đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, lập lại cán cân thương mại (đơn giản vì thâm hụt thương mại phải được trang trải bằng vốn đi vay từ bên ngoài, và vì thế không thể duy trì mãi được). Nếu cương quyết không phá giá thì NHNN buộc phải tung dự trữ ngoại hối ra để bình ổn tỷ giá. Điều đáng nói là dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy đã tăng mạnh về con số tuyệt đối nhưng lại đang ở mức rất thấp so với trung bình trong khu vực, nên khả năng can thiệp này cũng chỉ có giới hạn và mang yếu tố tâm lý, trấn an thị trường là nhiều hơn.
Khi tỷ giá bị “trói” thì lạm phát trước mắt có thể không bị thêm áp lực từ kênh tỷ giá làm gia tăng lên. Nhưng, như phân tích ở trên, khả năng có hạn trong việc kiềm chế tỷ giá của NHNN cho thấy sớm hay muộn thì tỷ giá sẽ phải bị thả lỏng nếu áp lực phá giá tiếp tục gia tăng. Mà lúc đã được thả lỏng rồi thì những hậu quả tiêu cực của sự mất giá VNĐ lên nền kinh tế thậm chí còn lớn hơn so với kịch bản chủ động điều chỉnh tỷ giá.
Bởi thế, trong bối cảnh hiện tại, để ổn định kinh tế vĩ mô thì thực ra lại cần phải điều chỉnh linh hoạt các biến số kinh tế vĩ mô theo diễn biến thị trường. Hiểu rõ như vậy thì cũng sẽ hiểu được tại sao trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối lại có thêm một ý “theo dõi sát thị trường”.
No comments:
Post a Comment