Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Vì các FTA như thế này luôn có nội dung quan trọng là xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên nên nhiều người đã tỏ rõ sự lo ngại về tác động tiêu cực của việc xóa bỏ thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Luôn có người được kẻ mất
Mọi FTA không chỉ mang lại nhiều lợi ích mà cả nhiều thiệt hại cho từng cá nhân, từng nhóm người, từng ngành, từng cấu thành và từng lĩnh vực trong nền kinh tế. Điều này là bình thường, có thể dễ dàng dự đoán và chứng kiến ở mọi bối cảnh sau ký kết FTA. Điều quan trọng và đáng nói hơn là việc tham gia các FTA có đem lại lợi ích tổng thể cho nền kinh tế hay không, hay nói cách khác là có được nhiều lợi hơn hại hay không? Mà theo cả lý thuyết lẫn thực tế đã chứng minh thì các quốc gia đều có lợi khi cùng nhau gỡ bỏ mọi rào cản thương mại, tự do hóa dòng chảy hàng hóa và dịch vụ vào ra biên giới của các quốc gia. Cũng bởi những lợi ích trên lý thuyết và thực tế này, các FTA thi nhau ra đời giữa các nước hay các nhóm nước với nhau trên phạm vi toàn cầu.
Bởi vậy, nếu coi NSNN là một cấu thành cụ thể trong nền kinh tế thì chuyện NSNN sau ký kết FTA bị thiệt hại (nếu có) từ thất thu thuế xuất nhập khẩu cũng nên coi là điều bình thường, hoàn toàn xứng đáng đánh đổi lấy những lợi ích to lớn hơn cho cả nền kinh tế khi chúng ta ký kết FTA với các nước, nhóm nước đối tác. Và bởi là bình thường như vậy nên cần tránh cách đặt vấn đề kiểu như do NSNN bị thiệt hại nên Việt Nam cần phải thận trọng với các FTA, thậm chí là không nên tham gia các FTA nữa. Việc phân tích tác động tiêu cực của FTA lên NSNN lúc đó có chăng chỉ nên ở góc độ dự báo mức độ giảm thu và tìm ra những biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực này mà thôi.
NSNN không nhất thiết bị thất thu
Bất chấp việc xóa bỏ hàng rào thuế quan cho xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam theo cam kết trong khuôn khổ các FTA, thực ra NSNN không nhất thiết bị thất thu do đã bị mất đi nguồn thu trực tiếp từ thuế xuất nhập khẩu này.
Về xuất khẩu, khi hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu ra thị trường thế giới với thuế suất xuất khẩu 0% thay vì một mức dương nào đó như trước đây, Nhà nước trước mắt cũng bị thiệt hại do mất đi nguồn thu từ thuế xuất khẩu này. Nhưng bù lại, khi thuế suất bằng 0% thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn về giá trên thị trường xuất khẩu quốc tế, giúp Việt Nam tiêu thụ được một khối lượng hàng hóa xuất khẩu lớn hơn so với khi chưa tham gia FTA. Đến lượt nó, xuất khẩu tăng lên sẽ kéo theo quy mô sản xuất cung ứng cho xuất khẩu trong nước cũng tăng lên, không những tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho dân chúng mà còn làm tăng quy mô doanh thu và lợi nhuận của các nhà sản xuất nội địa. Nguồn thu vào ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế liên đới như môn bài, thu nhập doanh nghiệp… sẽ cũng vì thế mà gia tăng, hoàn toàn có khả năng thừa đủ bù đắp cho phần hụt thu từ việc xóa bỏ thuế xuất khẩu trong khuôn khổ FTA.
Về nhập khẩu, khi hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam có thuế suất bằng 0% trong khuôn khổ FTA, đúng là Nhà nước sẽ trực tiếp bị mất đi phần thu nhập tương ứng nếu thuế suất vẫn ở mức như cũ trước đây. Nhưng việc bãi bỏ thuế nhập khẩu này cũng có tác dụng làm hạ mặt bằng giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, kích thích mua sắm và tiêu dùng của dân chúng. Đến lượt nó, chi tiêu tăng lên sẽ cải thiện nguồn thu vào NSNN từ các nguồn như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Phần thu gia tăng thêm này thậm chí có khả năng còn lớn hơn cả phần thu trực tiếp bị mất đi khi Việt Nam phải xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Cũng có người lo ngại rằng, khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có thuế suất 0% thì sẽ bóp chết các doanh nghiệp nội địa và từ đó cũng có thể làm giảm nguồn thu vào NSNN. Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra, và chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sẽ phải ra đi dưới sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu rẻ hơn, tốt hơn. Nhưng, cũng như đã phân tích ở trên, đánh đổi lấy sự ra đi của các doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng thay thế nhập khẩu không có tính cạnh tranh này là sự lớn mạnh lên của các doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng cho xuất khẩu và cả những doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng thay thế nhập khẩu có tính cạnh tranh (hoặc thành công trong việc cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh) và nhờ đó mà trụ lại được trên thị trường. Kết quả là nguồn thu NSNN vẫn được bảo đảm.
Với ý nghĩa trên, có thể hiểu FTA như là một cơ hội, một cú hích để tái cơ cấu lại nền kinh tế, làm nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn với sự lớn mạnh hơn của những ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời với sự tàn lụi và diệt vong của những doanh nghiệp, ngành và lĩnh vực mà Việt Nam không có thế mạnh, không tạo được sức cạnh tranh, xưa nay vốn tồn tại được là nhờ sự bao bọc của Nhà nước. Đây là điều hết sức quan trọng và cần nghĩ trước tiên nếu còn băn khoăn về một cái hại nào đó của FTA, như chuyện giảm thu ngân sách nói trên.
No comments:
Post a Comment