Trong 2 ngày 15 và 16 tháng này Fed sẽ nhóm họp đưa ra quyết định về lãi suất cơ bản của Mỹ. Số liệu việc làm và sự ổn định trở lại của các thị trường tài chính toàn cầu trong những tháng qua là những hậu thuẫn mạnh cho khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tuần này. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất trong vòng 7 năm nay, sau nhiều lần trù trừ, đắn đo trước sự phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, do phải cân nhắc đến tác động ngược của lãi suất tăng cao lên nền kinh tế, Fed có khả năng sẽ chỉ tăng lãi suất thành từng bước với biên độ nhỏ mỗi lần tăng, ví dụ như 0,25 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ (RMB) sau khi bị phá giá mạnh
từ 6,2 RMB/USD vào ngày 9/8/2015 xuống 6,44 RMB/USD (tức giảm 3,9%) đã hồi phục
lên mức 6,3 RMB/USD vào ngày 1/11 để rồi từ đó lại tiếp tục trượt dài xuống còn
6,458 RMB/USD vào ngày 12/12/2015 (tức đã mất gần 4,2% so với ngày 9/8). Sự trượt
dốc của RMB diễn ra bất chấp gần đây nó đã được IMF chính thức đưa vào giỏ tiền
SDR (quyền rút vốn đặc biệt), kèm với kỳ vọng rằng nhu cầu nắm giữ đồng tiền
này bởi các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư quốc tế sẽ tăng mạnh, làm nó
tăng giá so với các bản tệ khác. Có lẽ sự sa sút về tăng trưởng của nền kinh tế
Trung Quốc đã triệt tiêu hoàn toàn động lực tăng giá RMB từ việc IMF đưa nó vào
giỏ SDR, làm cho đồng tiền này vẫn còn xu hướng tiếp tục giảm giá ít nhất trong
ngắn hạn. Đáng lưu ý là sự suy yếu của RMB lại là một yếu tố có lợi, thậm chí
còn là mong muốn của Trung Quốc vì nó sẽ giúp cho nền kinh tế nước này có thêm
động lực tang trưởng nhờ gia tăng xuất khẩu vốn đang trì trệ.
Khi Fed mới chỉ “rập rình” tăng lãi suất, các đồng bản tệ
khác trên thế giới đã thi nhau mất giá. Kể cả sự mất giá của RMB được cho là do
nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng khả năng
Fed tăng lãi suất USD đã lôi kéo dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi nền kinh tế các
nước nói chung và Trung Quốc nói riêng, dẫn đến gia tăng áp lực lên tỷ giá của
RMB đến mức Trung Quốc đã phải tiêu tốn đến gần 100 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá
trong mấy tháng trước đây.
Trong bối cảnh hiện tại, nếu Fed quyết định tăng lãi suất,
dù chỉ là 0,25 điểm phần trăm, thì chắc chắn sẽ lôi kéo theo sự mất giá thêm nữa
của các bản tệ khác, trong đó có RMB. Ngoài lợi ích tích cực cho tăng trưởng
kinh tế nếu RMB tiếp tục suy yếu, RMB nay đã là một đồng tiền dự trữ quốc tế
nên Chính phủ Trung Quốc càng không có lý do gì để can thiệp ổn định tỷ giá
RMB, trừ khi có những biến động quá lớn làm Trung Quốc e ngại sẽ vượt khỏi tầm
kiểm soát của họ. Đây cũng là những yếu tố nằm ngoài dự kiến của nhiều người
trong giới chuyên gia và quan chức khi cách đây không lâu còn tin tưởng rằng
Trung Quốc sẽ không để RMB suy yếu thêm nên khuyến nghị NHNN không nên điều chỉnh
thêm nữa tỷ giá VND. Chưa hết, đến lượt nó, sự mất giá thêm của RMB có khả năng
châm ngòi cho một cuộc đua phá giá bản tệ trên thế giới.
Ở Việt Nam, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) mặc dù vẫn nhấn mạnh quyết tâm ổn định tỷ giá VND/USD nhưng trên thực tế
NHNN đã phải lùi bước trước áp lực đến từ bên ngoài, chủ yếu từ sự mất giá của
nhiều đồng bản tệ trên thế giới và đặc biệt là RMB, buộc phải tiến hành những đợt
điều chỉnh tỷ giá cũng như biên độ biến động của tỷ giá trong năm nay, để VND mất
giá khoảng 5% so với USD kể từ đầu năm nay. Tuy vậy, những đợt điều chỉnh này tỏ
ra là chưa đủ, thể hiện ở sức ép căng thẳng luôn có xu hướng đẩy tỷ giá lên gần
kịch trần bất chấp sự can thiệp bán ngoại tệ của NHNN. Với dự trữ ngoại hối sụt
giảm nhanh chóng, NHNN đã phải viện đến các biện pháp hành chính để kiểm soát tỷ
giá trong khuôn khổ mục tiêu của mình, như hạ lãi suất tiền gửi USD và thắt chặt
điều kiện để mua và vay USD.Hơn nữa, giả sử rằng mức tỷ giá VND ổn định ở mức gần kịch trần (22.547 VND/USD) như hiện tại là mức cân bằng tạm thời trong bối cảnh Fed chưa tăng lãi suất và RMB không suy yếu thêm kể từ các đợt phá giá hồi tháng 8. Như vậy, với việc Fed chính thức tăng lãi suất và/hoặc RMB suy yếu thêm như đang chứng kiến hiện tại thì rõ ràng các điều kiện cơ bản của cuộc chơi tỷ giá ở Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn theo hướng bất lợi cho Việt Nam.
Trước cuộc chơi mới này, NHNN nếu muốn bảo vệ tỷ giá bằng
mọi cách thì sẽ phải dốc thêm nữa kho dự trữ ngoại hối mà theo ước tính chỉ còn
tương đương khoảng 2 tháng nhập khẩu và tăng cường các biện pháp hành chính để
tăng cung (như biện pháp kết hối) và giảm cầu USD (như xiết cho vay và bán
USD). Tất cả những biện pháp này hoặc đã đến ngưỡng giới hạn, không còn mấy dư
địa, hoặc chỉ là mua thêm thời gian để đổi lấy một sự ổn định trên bề mặt, như
kinh nghiệm vật lộn với tỷ giá trong các năm trước đây cho thấy.
Như thế, có thể nói rằng trong cuộc chơi với hai điều kiện
quan trọng đã thay đổi là Fed đã tăng lãi suất và RMB tiếp tục mất giá thì Việt
Nam đang tỏ ra đuối sức, và mọi sự chống đỡ đều có khả năng tăng thêm rủi ro và
bất ổn cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi NHNN phải điều chỉnh tỷ giá ngay càng
sớm càng tốt, ở thế chủ động hơn, chứ không nên chống đỡ trong thế bị động để rồi
sớm muộn cũng phải buông tay.
Điều duy nhất còn làm NHNN trù trừ, cố gắng chống đỡ tỷ
giá có lẽ là do họ đã nhiều lần tuyên bố cương quyết không điều chỉnh tỷ giá
thêm trong năm nay và đầu năm sau nên không muốn để lòng tin của thị trường
thêm một lần nữa mất mát. Nhưng tình cảnh tiến thoái lưỡng nan hiện nay của
NHNN không còn là điều xa lạ gì nữa nên thậm chí một hành động quyết đoán, chủ
động phá giá VND của NHNN ngay trong phần còn lại của tháng 12 này lại là một
điều được chờ đợi và hoan nghênh bởi thị trường.
No comments:
Post a Comment