Tối ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố hạ lãi
suất tiền gửi USD của cá nhân xuống còn 0%/năm từ mức 0,25%/năm với mục đích là
để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực
hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho
vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. Nhưng vì hành động này xảy
ra ngay sau khi Fed quyết định nâng lãi suất USD lên thêm 0,25 điểm phần trăm
nên có thể hiểu rằng thực chất của hành động này là nhằm tăng giãn cách lãi suất
tiền gửi giữa VND và USD ở Việt Nam thêm một bước nữa để giúp giảm áp lực lên tỷ
giá VND vốn đã kịch trần từ mấy hôm trước đó.
Không mấy tác dụng
Điều đáng chú ý là NHNN đã tiến hành giảm lãi suất tiền gửi
USD của tổ chức và cá nhân trước đó từ ngày 28/9 (lãi suất tiền gửi USD của tổ
chức từ 0,25% xuống còn 0%, của cá nhân từ 0,75% xuống còn 0,25%) trước áp lực
phá giá dồn nén đến từ việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT. Nhưng hành động
này trên thực tế cho thấy hầu như không có tác dụng vì tỷ giá VND vẫn đứng ở mức
cao, thậm chí còn chạm trần nhiều lần sau đó. Cũng dễ hiểu chuyện này vì thực
ra không chỉ mức độ hạ lãi suất tiền gửi USD là tương đối nhỏ (0,25 và 0,5 điểm
phần trăm tương ứng cho doanh nghiệp và cá nhân), mà còn vì trong số người nắm
giữ USD chỉ có một phần nhỏ là những người nắm vì mục đích hưởng lãi suất USD
và trở nên nhạy cảm với biên độ tăng giảm nhỏ như vậy. Đa phần cá nhân và tổ chức
nắm giữ USD trong bối cảnh lãi suất thấp là vì hoặc họ kỳ vọng VND sẽ bị mất
giá trong tương lai gần ở mức độ lớn hơn nhiều, hơn cả mức chênh lệch lãi suất
tiền gửi giữa VND và USD, hoặc vì họ có nhu cầu thực sự với USD như để thanh
toán trong tương lai, cũng như do nhu cầu phòng ngừa rủi ro lạm phát (so với nếu
giữ tài sản dưới dạng VND)…
So với những mục đích trên thì có thể thấy việc cắt giảm
lãi suất tiền gửi USD 0,25-0,5 điểm phần trăm hồi tháng 9 và thêm 0,25 điểm phần
trăm như trong tuần qua là hoàn toàn không đủ kích thích hoặc buộc được các cá
nhân và tổ chức có USD chuyển đổi số USD nắm giữ của mình sang VND. Cụ thể hơn,
nếu, ví dụ, người ta kỳ vọng rằng VND sẽ bị mất giá thêm ít nhất 2% nữa trong
những ngày cuối năm nay hoặc sang tháng 1 năm sau thì có lẽ không mấy ai lại
nhanh chóng chuyển đổi số USD nắm giữ của mình sang VND ngay thời điểm hiện tại
rồi gửi vào ngân hàng hưởng lãi cho dù ở mức lãi suất quy ra là 0,6%/tháng.
Không còn nhiều lựa
chọn và dư địa
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là vậy tại sao NHNN vẫn
quyết định tiến hành những bước đi như vậy (giảm lãi suất tiền gửi USD) cho dù
họ có thể biết rõ rằng hiệu quả sẽ không đáng kể? Lý do có thể là có còn hơn
không và NHNN thực ra cũng không còn mấy công cụ nào hữu hiệu (hơn).
Như trên đã nói, cho dù có thể chỉ là một phần nhỏ, nhưng
vẫn có một số cá nhân và tổ chức nắm giữ USD với mục đích là hưởng lãi suất USD
trong một thời gian nào đó. Do đó, khi lãi suất tiền gửi USD bị hạ xuống 0% thì
một số trong bộ phận những cá nhân và tổ chức này sẽ cân nhắc việc chuyển đổi
USD nắm giữ sang các loại hình tài sản khác, trong đó có tài sản bằng VND. Như
vậy, việc hạ lãi suất tiền gửi USD vẫn có tác dụng ở một mức độ nào đó dù có thể
là không đáng kể, và nếu “tích tiểu thành đại”, sử dụng “đồng bộ” nhiều biện
pháp khác thì NHNN hy vọng bàn tay can thiệp của mình sẽ có trọng lượng hơn.
Quan trọng hơn, ngoài công cụ kinh tế liên quan đến lãi suất như thế này, NHNN
không còn mấy lựa chọn khác, hoặc không còn mấy dư địa cho những lựa chọn đó.
Về những lựa chọn mang tính kinh tế, để bảo vệ tỷ giá thì
NHNN có thể nâng lãi suất tiền gửi VND, một biện pháp cũng có tác dụng như hạ
lãi suất tiền gửi USD ở góc độ là sẽ tăng giãn cách lãi suất VND và USD để tăng
mức hấp dẫn tương đối của VND so với USD. Nhưng việc nâng lãi suất VND trong bối
cảnh hiện tại là không thể, chí ít vì lãi suất VND đã ở mức cao và đang có xu
hướng tăng cao hơn, làm cho lãi suất ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với khu vực
và thế giới và mức lạm phát ở Việt Nam.
Một lựa chọn mang tính kinh tế khác là NHNN bán USD để bảo
vệ tỷ giá. Nhưng lựa chọn này cũng đã tỏ ra là không còn mấy dư địa cho NHNN
khi dự trữ ngoại hối của NHNN đã sụt giảm mạnh trong những tháng qua khi NHNN
phải can thiệp hỗ trợ tỷ giá.
Do đó, để có thể khuyến khích, chính xác ra là ép những đối
tượng đang nắm giữ USD chuyển đổi từ USD sang VND thì cần phải có những biện
pháp mạnh hơn, phần nhiều mang tính hành chính cưỡng chế. Ví dụ, NHNN có thể ra
một chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi USD của tổ chức và
cá nhân thì không những không trả lãi mà còn thu phí quản lý ngoại tệ, với mục
đích làm cho người nắm giữ USD sẽ chỉ còn cách cất USD dưới dạng tiền mặt ở
trong két sắt tại gia nếu muốn đầu cơ hay nắm giữ USD cho chi tiêu sau này.
Nhưng thực tế cho thấy vẫn có nhiều ngân hàng sẵn sàng chấp nhận “đi đêm” với
khách hàng có USD để huy động được USD. Nên dù NHNN có hạ lãi suất hay bắt phải
tính phí gửi USD thì cả ngân hàng và khách hàng vẫn tìm được tiếng nói chung
ngoài tầm kiểm soát của NHNN.
Hoặc NHNN cũng có thể tăng cường biện pháp kết hối, buộc
cá nhân và tổ chức có nguồn thu USD qua hệ thống ngân hàng phải bán ngay số ngoại
tệ đó cho ngân hàng với tỷ giá quy định. Biện pháp này đã được thực hiện trước
đây nhưng cũng tỏ ra không có mấy tác dụng vì nó sẽ kích thích sự phát triển của
hệ thống ngân hàng ngầm chuyển tiền vào ra khỏi Việt Nam.
Tóm lại, NHNN đang ngày càng gặp khó khăn trong cuộc chiến
tỷ giá ở Việt Nam chống lại hai “thế lực” lớn từ nước ngoài là lãi suất USD
tăng ở Mỹ và NDT tiếp tục bị phá giá ở Trung Quốc. Cuộc chiến không cân sức này
có lẽ sắp đến hồi kết khi các lựa chọn chính sách có thể sử dụng của NHNN hoặc
đã được sử dụng hoặc không còn mấy dư địa. Trong bối cảnh này, NHNN nên chủ động
tính toán để chọn thời điểm “buông” sao cho có lợi nhất không chỉ cho uy tín
còn lại của NHNN mà còn giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế.
No comments:
Post a Comment