Tỷ giá đã chính thức chạm trần tại các ngân hàng thương mại
mấy hôm nay, bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần lên tiếng cho đến
tận gần đây khẳng định lập trường không điều chỉnh tỷ giá, và rằng những biến động
về tỷ giá gần đây chỉ là do tâm lý và đã được phản ánh hết vào những đợt điều
chỉnh tỷ giá trước đây.
Cái tâm lý mà NHNN đề cập đến có lẽ là tâm lý đầu cơ, lo
sợ, hoặc kỳ vọng rằng Fed vào hôm nay hoặc ngày mai sẽ quyết định nâng lãi suất
USD lên lần đầu tiên trong nhiều năm và do đó sẽ kéo theo sự mất giá của VND. Bởi
vậy, trước viễn cảnh VND sẽ mất giá như vậy, đương nhiên là người đang nắm giữ
tài sản bằng VND mà lại có nợ hay có nhu cầu chi tiêu bằng USD thì lo sợ rằng
sau này sẽ phải tốn nhiều VND hơn để mua từng đó USD trả nợ/chi tiêu, còn người
không có nợ hay có nhu cầu về USD thì lại phát sinh tâm lý đầu cơ, mua gom USD
ngay bây giờ để mấy hôm nữa USD lên giá bán đi sẽ thu được nhiều VND hơn. Hoặc
đơn giản hơn là những người lo xa, kỳ vọng VND sẽ mất giá nên sẽ kéo theo lạm
phát, làm cho tài sản của mình bằng VND teo tóp theo thời gian, nên muốn đi trước
thị trường bằng cách mua USD và coi đó như một tài sản phòng tránh lạm phát ở
Việt Nam.
Dù là cái tâm lý nào trong số những phản ứng như trên của
các chủ thể của thị trường thì điều cần thừa nhận là những cái tâm lý đó hoàn
toàn là duy lý, có lý, hợp pháp, và là điều đương nhiên sẽ phải xảy ra. Và cũng
cần phải thừa nhận rằng những phản ứng này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở mọi
nơi trên thế giới nếu trong cùng một hoàn cảnh như Việt Nam. Nếu không vậy thì
không thể có chuyện nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã (buộc phải) thuận
theo áp lực của thị trường để đồng nội tệ của họ mất giá so với USD mỗi khi có
động thái mới từ Fed.
Do đó, Việt Nam cũng đã đến lúc phải nên thừa nhận rằng
cái gọi là tâm lý chính là một lực lượng gây ảnh hưởng quan trọng, và thậm chí
là rất quan trọng lên định hướng chính sách của NHNN. Đương nhiên là cũng giống
như mọi ngân hàng trung ương khác, họ đều muốn có một sự độc lập, tự chủ trong
chính sách tiền tệ của mình. Nhưng điều khác biệt là sự độc lập tự chủ này mâu
thuẫn ở mức độ nào với xu hướng và đòi hỏi của thị trường, được hậu thuẫn bằng
cái gì, mạnh đến đâu. Cho nên, rất nhiều khi các ngân hàng trung ương thế giới,
kể cả của những nước lớn như Anh, lúc đầu ra sức đối đầu với thị trường bằng
không chỉ lời nói (thuyết phục) mà bằng cả tiềm lực vật chất và các công cụ
hành chính của họ, nhưng để rồi họ vẫn phải thừa nhận thua và chấp nhận thả nổi
thị trường với tổn thất lớn về vật chất và uy tín.
Trở lại với Việt Nam, ngoài sự hiển nhiên và hợp lý của
các loại tâm lý nói trên, điều đáng chú ý là những tâm lý này không phải chỉ mới
xuất hiện, cần phải có thời gian thử thách để biết chúng có là tâm lý nhất thời
hay không. Thực ra chúng đã tồn tại hơn cả năm nay rồi và chính bởi thế mà NHNN
đã phải chấp nhận điều chỉnh tỷ giá vài lần trong năm qua và năm nay, phá vỡ
cam kết của mình.
Hơn nữa, bên cạnh tâm lý hình thành từ các động thái của
Fed, một loạt các tâm lý tương tự cũng được hình thành dựa trên những bước đi
quyết đoán của nhà cầm quyền Trung Quốc liên quan đến tỷ giá Nhân dân tệ (RMB)
trong mấy tháng gần đây. Chính NHNN cũng đã phải thừa nhận việc họ điều chỉnh tỷ
giá hồi tháng 8 vừa qua là do Trung Quốc phá giá RMB. Cho dù mức độ điều chỉnh
tỷ giá của NHNN là vẫn chưa đủ, nhưng đã có một số chuyên gia và quan chức Việt
Nam mau mắn lên tiếng khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không phá giá RMB nữa, và
có lẽ đây cũng là một phần cho lý do đằng sau khẳng định lặp đi lặp lại của
NHNN về chuyện không điều chỉnh tỷ giá VND đến cả đầu năm sau.
Nhưng thực tế đã diễn biến quá nhanh và phức tạp so với kỳ
vọng của những người trong cuộc. Trung Quốc lại liên tục phá giá RMB dù ở biên
độ nhỏ bất chấp nó mới được công nhận chính thức đưa vào rổ tiền tệ dự trữ quốc
tế SDR của IMF. Do nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm tốc nên sự mất giá
của RMB có lẽ sẽ không dừng lại ở mức hiện tại.
Trong bối cảnh cùng lúc chịu 2 “mũi công” trong khi tiềm
lực vật chất (kho dự trữ ngoại hối) của NHNN đã giảm đáng kể thì tương quan lực
lượng như thế nào đã trở nên rõ ràng hơn nhiều so với mấy tháng trước đây. Công
cụ chính sách còn lại mà NHNN có thể trông chờ vào là công cụ hành chính, như
chống đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Nhưng phần vì một phần trong số các biện pháp
hành chính đã được thực hiện, phần vì tính hai mặt của các biện pháp này (sẽ
gây khó khăn và đảo lộn môi trường kinh doanh của doanh nghiệp và người dân)
nên tính hữu dụng của các biện pháp hành chính cũng chỉ có hạn, không thể lạm dụng
thêm và cũng không thể trông mong hơn được, như kinh nghiệm của các nước phải vật
lộn với thâm hụt cán cân thương mại và thanh toán, và ngay của Việt Nam trước
đây.
Thị trường hiểu rõ tình thế của NHNN và nhìn trước được kết
cục sẽ xảy ra không lâu nữa nên tỷ giá VND cứ thế mà kịch trần, và rồi sẽ đội
trần trong những giao dịch ngầm được hợp pháp hóa như tư vấn, vay vốn v.v...
Trong hoàn cảnh này điều mà NHNN có thể làm là hy vọng Fed sẽ hoãn vô thời hạn
việc tăng lãi suất USD và Trung Quốc thôi không phá giá RMB nữa. Lúc đó tỷ giá
có thể quay về dưới mức trần, và thị trường lại được một phen nữa làm cho tin rằng
chẳng có lý do gì để phá giá vì mọi thứ vẫn ổn (FDI và kiều hối vẫn chảy vào mạnh,
cán cân thanh toán vẫn thặng dư...).
Nhưng NHNN sẽ có phương án gì ngoài chuyện phá giá VND nếu
những hy vọng trên không xảy ra? Và vì ý nghĩa/mục đích gì mà cố gắng cầm cự
không phá giá VND ngay trong tháng 12 này để rồi rất có thể sẽ phải phá vào đầu
tháng 1 năm sau? Có lẽ NHNN cũng nên để thị trường hiểu rõ hơn về những vấn đề
này thì mới có thể tăng thêm sức nặng cho mỗi hành động của mình.
No comments:
Post a Comment