Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành Thông tư 23/2015/TT-NHNN nhằm “sửa đổi bổ sung một số điều của Quy
chế dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng ban hành kèm Quyết định 581 ngày
9-6-2003 của Thống đốc NHNN”. Theo đó, NHNN xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối
với một số ngân hàng. Cụ thể, đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát
đặc biệt, Thống đốc NHNN sẽ xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho
đến mức tối thiểu 0%. Đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu
lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại ngân hàng yếu kém
theo chỉ định, Thống đốc xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể
cho từng tổ chức tín dụng.
Thoạt nhìn,
thông tư này là hợp lý và cần thiết khi nó được đưa ra để góp phần hỗ trợ cho
công cuộc tái cơ cấu, củng cố hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu được
nhìn nhận ở một số khía cạnh khác thì có một số điều đáng nói.
Thứ nhất, việc
hạ tỷ lệ tín dụng, cho dù chỉ là một số ngân hàng thuộc diện được “ưu tiên”, về
bản chất chinh là nới lỏng chính sách tiền tệ, dẫn đến áp lực lên tỷ giá, vốn
đang được NHNN dốc sức bảo vệ. Nếu NHNN không muốn quyết định này có tác dụng
phụ là làm gia tăng áp lực lên tỷ giá thì NHNN sẽ phải thắt chặt tiền tệ ở đâu
đó, hoặc ở mức tổng thể, thông qua hạn chế tốc độ tăng cung tiền (tổng phương
tiện thanh toan, M2). Như vậy, điều này sẽ tạo thêm khó khăn cho các ngân hàng
không thuộc diện ưu tiên theo thông tư này. Trong khi đó, nhờ có thông tư này,
các ngân hàng được ưu tiên, gồm cả những ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà
nước, có thêm điều kiện để tăng lãi suất huy động để thu hút vốn tiền gửi từ cá
nhân và tổ chức mà không nhất thiết phải tăng lãi suất cho vay để đảm bảo biên
độ lợi nhuận vì họ đã giảm được chi phí dưới dạng dự trữ bắt buộc. Việc nâng
lãi suất huy động của các ngân hàng này sẽ buộc các ngân hàng không được ưu
tiên phải nâng lãi suất huy đông tương ứng nếu không muốn nguồn tiền gửi của
minh bị chảy hết sang các ngân hàng được ưu tiên. Kết cục là một cuộc đua lãi
suất mới sẽ hình thành, làm tăng lãi suất cho vay cho nền kinh tế, gia tăng
thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người kinh doanh.
Thứ hai, thông
tư này rõ ràng được đưa ra là để tạo điều kiện cho các ngân hàng được ưu tiên
có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, nhờ đó nhanh chóng gia tăng lợi
nhuận nhằm bù đắp cho những tổn thất phát sinh trong quá trinh sát nhập, hợp
nhất, mua lại và tái cơ cấu. Tuy nhiên, cái giá phải trả nếu thực hiện như
thông tư này, ngoài chuyện tạo thêm khó khăn cho các ngân hàng không được ưu
tiên như nói trên đây, và những rủi ro như nói tiếp sau đây, sẽ là tổn thất
(một cách gián tiếp) cho ngân sách nhà nước, cho công quỹ ở dưới dạng hụt thu
từ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng được ưu tiên gửi tại NHNN. Nói cách
khác, bản thân NHNN sẽ phải “nhường cơm sẻ áo” cho các ngân hàng được ưu tiên
theo thông tư này. Và đây cũng sẽ là một bằng chứng làm suy yếu lập luận của
giới chức rằng tái cơ cấu ngân hàng không cần phải dùng đến ngân sách, từ đó
làm giảm tinh chính đáng của các biện pháp tái cơ cấu ngân hàng trong mắt công
luận.
Thứ ba, theo
thông tư này thì NHNN vô hình trung đã tạo ra những đối xử bất công với các
ngân hàng khác trong hệ thống. Như vậy, ngoài việc đã công khai vi phạm các
nguyên tắc cốt lõi trong đối xử tối huệ quốc, đối xử công bằng và không thiên
vị mà Việt Nam phải thực hiện trong khuôn khổ WTO và các hiệp định tự do thương
mại song phương và đa phương khác, NHNN có thể sẽ phải đối đầu với những khiếu
kiện của các tổ chức tín dụng trong và ngoai nước khi TPP có hiệu lực trong
tương lai gần. Khi đó, nếu thông tư này vẫn còn hiệu lực thì NHNN chắc chắn sẽ
phải sửa đổi, hủy bỏ, hoặc sẽ phải vất vả giải trinh, biện hộ cho sự tồn tại
của nó mà cũng chưa chắc đã thành công.
Cuối cùng, NHNN
trong thông tư này sẽ tùy nghi đối xử với từng ngân hàng, theo cách thức không
mấy minh bạch, tạo ra những khoảng tối, những vận động hành lang theo cơ chế
xin cho giữa các tổ chức tín dụng với NHNN, và là kẽ hở cho những hành vi phạm
pháp. Đây là điều đi ngược lại xu hướng cải cách và minh bạch hóa nền kinh tế
mà Việt Nam đang (buộc phải) thực hiện.
Tóm lại, Thông
tư 23 của NHNN có vấn đề về cả “lý” lẫn “tình”. Tuy nó được thiết kế để giúp
các ngân hàng tái cơ cấu hoặc tham gia tái cơ cấu nói riêng và hệ thống ngân
hàng nói chung lành mạnh hơn nhưng trên thực tế chắc chắn nó sẽ làm suy yếu các
ngân hàng khác, và tạo ra những tổn thất và khó khăn cho doanh nghiệp, cho chính
NHNN cũng như chính sách lãi suất và tỷ giá của NHNN. Bởi vậy tuy đã được ban
hành nhưng có lẽ NHNN không nên vận dụng nó trong thực tế. và, thay vào đó,
NHNN nên xem xét đến một vài giải pháp khác phù hợp hơn với hoàn cảnh hội nhập
của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment