Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản yêu cầu các
ngân hàng hạn chế cho vay vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, kinh doanh chứng
khoán để hạn chế rủi ro và dành vốn cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp thời
vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đây không phải là lần đầu tiên NHNN có văn bản nhắc nhở các
ngân hàng. Trước đây, NHNN đã từng phát đi văn bản yêu cầu các ngân hàng hạn chế
cho vay vào các lĩnh vực mà theo họ là rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán,
và thậm chí các dự án B0T và BT.
Đứng từ góc độ của cơ quan chức năng, sự nhắc nhở của NHNN
là điều cần thiết để sớm “cảnh tỉnh” các ngân hàng đang say sưa rót vốn vào những
lĩnh vực có rủi ro cao nhưng cũng là “màu mỡ” nhất giúp các ngân hàng báo lãi
những con số ấn tượng, liên tục đẩy giá cổ phiếu ngành lên những nấc thang mới.
Nhưng đứng từ góc độ các ngân hàng, không phải là không có
lý khi nhiều nhà quản lý tin rằng họ đang đi đúng hướng, tuy đã và đang đẩy mạnh
cho vay nhưng không xem nhẹ chất lượng tín dụng và luôn tăng cường kiểm soát rủi
ro. Bằng chứng rõ ràng là tuy tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao nhưng
tỷ lệ nợ xấu nội bảng luôn được kìm giữ dưới mức 3% như đã được xác nhận bởi
NHNN.
Trong bối cảnh mọi chuyện xem ra đang diễn tiến tốt đẹp, cần
phải nhìn nhận hành động cảnh tỉnh của NHNN như thế nào cho hợp lý?
Ngoài quan niệm một cách mặc định rằng bất động sản và chứng
khoán là những lĩnh vực có nhiều rủi ro hơn là những lĩnh vực khác của nền kinh
tế, có lẽ NHNN đang nhìn thấy những triệu chứng của những cơn sốt bong bóng
trên thị trường bất động sản và chứng khoán gần đây. Không cần phải nói thì
cũng sẽ thấy rõ tác hại ghê gớm của những đợt “xì hơi” bong bóng bất động sản
và chứng khoán để lại cho hệ thống ngân hàng ở Việt Nam nói riêng và thế giới
nói chung. Và cũng có thể NHNN đang lo ngại các ngành và lĩnh vực ưu tiên vay vốn
đang trở nên “khô khát” khi nguồn tín dụng đáng lẽ dành cho họ lại chảy mạnh
vào các lĩnh vực rủi ro hơn nhưng có lợi nhuận lớn hơn như bất động sản và chứng
khoán.
Những lo ngại trên của NHNN hoàn toàn có thể là đúng đắn, có
cơ sở. Nhưng điều đáng nói ở đây là cách thức họ chuyển tải thông điệp của mình
đến thị trường. Nếu chỉ dùng hình thức gửi văn bản, đề ra những yêu cầu định
tính khá chung chung như “hạn chế tập trung cho vay vào lĩnh vực bất động sản”,
“phải thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ...”, “phải kiểm soát tốt
chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ...”, “phải giám
sát chặt chẽ việc sử dụng vốn...”, và “phải chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng
ưu tiên tập trung vốn cho...” thì e rằng sẽ nhận được hàng loạt lời đáp giống
nhau từ các ngân hàng rằng họ đang thực hiện rất tốt những yêu cầu này. Đơn giản
là bởi một khi các yêu cầu đưa ra là định tính thì rất khó bắt bẻ các câu trả lời
mang tính định tính về việc thực hiện là đã thỏa đáng hay chưa.
Do đó, thay vì nhắc nhở một cách chung chung và khó có thể
trừng phạt các ngân hàng nếu họ không theo đúng ý đồ của mình, NHNN với tư cách
và vị thế của một cơ quan quản lý nhà nước cần dùng các chỉ tiêu cụ thể, tốt nhất
là mang tính định lượng để định hướng dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế theo
chủ đích và buộc các ngân hàng tuân thủ nghiêm túc nếu không muốn bị phạt.
Việc NHNN có thể cân nhắc thực hiện trước tiên là “siết” chặt
hơn tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp
hơn sẽ làm giảm khả năng tăng trưởng nóng của nền kinh tế, nhất là trong các
ngành có rủi ro cao, vốn là một bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ thực tiễn
chục năm qua.
Cũng có thể thấy rằng, việc quản lý tăng trưởng tín dụng mặc
dù theo luật là nhiệm vụ của NHNN nhưng đôi khi NHNN không được toàn quyền quyết
định điều này vì còn phải chịu sức ép từ Chính phủ, vốn rất coi trọng tăng trưởng
tín dụng như một động lực cho tăng trưởng kinh tế. Còn thêm khả năng nữa là tuy
tín dụng chung bị thắt chặt nhưng các ngân hàng thương mại vẫn cứ say sưa tập
trung tín dụng vào bất động sản mà “quên” các ngành, các lĩnh vực ưu tiên.
Đối với những trường hợp trên, NHNN có thể hành động theo hướng
thắt chặt các tiêu chuẩn chung về chất lượng hoạt động của ngân hàng như tỷ lệ
an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn... buộc
các ngân hàng thương mại phải cẩn trọng hơn trong quyết định đổ bao nhiêu vốn
vào bất động sản là đủ mà không làm tăng quá mức các chỉ số đánh giá rủi ro tín
dụng đến mức vi phạm các tiêu chuẩn hoạt động an toàn mà NHNN đặt ra để rồi bị
phạt nặng.
Ngoài ra, nếu muốn hạn chế vốn tín dụng vào những lĩnh vực
nên trên, NHNN có thể xem xét thêm các hạn chế định lượng như giới hạn tỷ trọng
tín dụng của (mỗi) ngân hàng thương mại (NHTM) cấp cho các lĩnh vực này không
quá X% tổng tài sản hoặc tổng dư nợ của họ (và tỷ lệ X này có thể khác nhau với
mỗi ngân hàng). Hoặc ngược lại, NHNN có thể yêu cầu mỗi ngân hàng phải dành tối
thiểu Y% vốn huy động để cho vay các lĩnh vực ưu tiên.
Cũng cần lưu ý thêm rằng NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng
cho từng ngân hàng trong từng năm xét trên tình hình hoạt động và chất lượng
tín dụng của họ. Nếu kết hợp với quy định giới hạn định lượng tín dụng của mỗi
NHTM được cấp cho các lĩnh vực nhiều rủi ro cũng như hạn mức tín dụng tối thiểu
phải cấp cho các lĩnh vực ưu tiên như đề xuất ở trên thì NHNN sẽ hạn chế được
việc các NHTM cho vay quá mức vào các lĩnh vực rủi ro cao, đồng thời vẫn bảo đảm
nguồn vốn tín dụng rót đủ cho các lĩnh vực ưu tiên.
Cuối cùng, cũng không nên quên rằng NHNN không phải là cơ
quan quản lý nhà nước (duy nhất) có nhiệm vụ khuyến khích ngành nào phát triển,
ngành nào cần hạn chế. Việc này phải là trách nhiệm của và sẽ được làm tốt hơn
bởi (hoặc có sự phối hợp với) các cơ quan quản lý nhà nước khác. Ví dụ, Bộ Tài
chính có thể dùng chính sách thuế, còn Bộ Xây dựng với các quy định chặt chẽ về
môi trường và quy hoạch xây dựng có thể giảm bớt nguy cơ tăng trưởng bong bóng
trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và xây dựng.
Tóm lại, nếu không cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu an toàn hoạt
động giao cho các ngân hàng thì những chỉ đạo và yêu cầu chung chung như hiện
nay của NHNN chỉ có tác dụng thể hiện rằng họ cũng có quan tâm và lo ngại đến sự
tăng trưởng nóng của một số ngành và... thế thôi!
No comments:
Post a Comment