Từ lâu nay dư luận vẫn đặt dấu hỏi về chất lượng của các con số thống kê do Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố. Tuy nhiên, TCTK luôn khẳng định độ tin cậy của những con số này và cho biết việc tính toán được thực hiện theo đúng quy trình và thông lệ quốc tế.
Làm sáng tỏ chất lượng thống kê quả thật là một bài toán khó, bởi người ngoài không có mấy căn cứ để kiểm chứng độ chính xác các số liệu do TCTK công bố, mặc dù cảm nhận thực tế cho thấy có sự “vênh” nhất định giữa con số trên giấy và thực tiễn.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu để dễ nhận thấy sự không chính xác về số liệu công bố của TCTK. Ví dụ, về các con số thống kê cả năm như tăng trưởng GDP cả năm, TCTK thường công bố vào cuối tháng 12 của năm đó. Đây là một “thông lệ” khác người, bởi các nước trên thế giới thường công bố tăng trưởng GDP năm trước vào tháng 2, tháng 3, thậm chí là tháng 4 năm sau đó.
Cứ tạm chấp nhận rằng đây chỉ là con số ước tính, sơ bộ do TCTK đưa ra. Điều này không có gì lạ vì nhiều nước cũng đưa ra những dự báo cho cả năm sau đó, hoặc trước thời điểm công bố chính thức cả một vài tháng.
Nhưng đến đây, điều “lạ” với trường hợp của TCTK là những con số ước tính, sơ bộ về tăng trưởng GDP lại thường hoàn toàn trùng khớp với con số chính thức mà họ công bố sau này (sau chỉnh lý, điều chỉnh, nếu có).
Bảng dưới đây minh họa rõ vấn đề này. Con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu và nhập khẩu sơ bộ được tác giả lấy từ các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội do TCTK công bố trên trang web của TCTK vào tháng 12 hàng năm. Còn con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu và nhập khẩu chính thức tác giả lấy từ mục “Số liệu thống kê”, là mục chứa số liệu có thể coi là chính thức, đã được chỉnh lý, điều chỉnh. Lưu ý thêm rằng tác giả chỉ lấy số liệu tăng trưởng GDP kể từ năm 2013 vì TCTK đã thay đổi giá cơ sở từ năm 1994 sang năm 2010 cho những năm từ 2013 trở đi (và có công bố trên trang web).
Trong bảng này, tuy số liệu tăng trưởng GDP sơ bộ trùng hợp hoàn toàn với số liệu chính thức, nhưng số liệu về xuất khẩu, nhập khẩu sơ bộ và chính thức lại khác nhau ở mức đáng kể. Vì xuất khẩu, nhập khẩu là những cấu phần của GDP nên, theo logic, khi số liệu xuất khẩu, nhập khẩu thay đổi (so với con số sơ bộ) thì GDP cũng phải thay đổi theo tương ứng.
Nhưng đáng tiếc là sự thay đổi về xuất khẩu, nhập khẩu và, do đó, xuất khẩu ròng, lại không làm thay đổi con số thống kê về tăng trưởng GDP ở Việt Nam do TCTK công bố trong những năm qua.
Cũng có thể có ai đó sẽ lập luận rằng mức chênh lệch xuất khẩu ròng giữa sơ bộ và chính thức là quá nhỏ (vài trăm triệu đô la Mỹ) để có thể làm ảnh hưởng đến con số GDP chính thức. Nhưng cần lưu ý rằng vài trăm triệu đô la Mỹ cũng là đáng kể nếu so với GDP ở mức quanh quẩn 200 tỉ đô la Mỹ hoặc nhỏ hơn của Việt Nam.
Ví dụ, mức chênh lệch xuất khẩu ròng 600 triệu đô la Mỹ năm 2015 tương đương với trên 0,3 điểm phần trăm GDP của Việt Nam trong năm đó. Do đó, theo nguyên tắc, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 cần phải điều chỉnh giảm đi ít nhất 0,3 điểm phần trăm, chỉ còn khoảng 6,3-6,4% chứ không phải 6,68% như TCTK đã báo cáo chính thức, nếu các điều kiện khác không thay đổi (ví dụ, đầu tư, tiêu dùng và tỷ giá).
No comments:
Post a Comment