http://www.thesaigontimes.vn/271243/Tinh-hinh-xu-ly-no-xau-qua-bao-cao-tai-chinh-cua-VAMC.html
Công ty TNHH MTV
Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đăng tải Báo cáo
tài chính năm 2016 trên website của mình ngày 19/3/2018. Từ việc đăng thông tin
như thế này và nội dung các báo cáo tài chính của VAMC có thể thấy được một số
điểm đáng chú ý.
Lại vẫn là chuyện công bố thông tin chậm và không
đầy đủ
Điều trước tiên
có thể nói về VAMC là việc công bố chậm chễ và không đầy đủ của bản thân VAMC lẫn
cơ quan chủ quản, tức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT)
về báo cáo tài chính định kỳ của VAMC theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như trên đã nêu,
đến tận ngày 19/3/2018 VAMC mới đăng tải Báo cáo tài chính năm 2016. Ngày này
cũng là ngày mà VAMC đăng Báo cáo tài chính năm 2015 (nhưng không có Báo cáo
tài chính năm 2014). Trong khi đó, ở trang đầu của Báo cáo tài chính 2016 có
hình con dấu với nội dung “Cục thuế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ hành chính thuế năm
2017 ngày 17-03 loại kê khai thuế”. Lưu ý thêm rằng trong Báo cáo tài chính năm
2015 và 2016 không có dấu hay thông tin xác nhận của công ty kiểm toán độc lập,
nên có thể hiểu rằng các báo cáo (đăng tải) này chưa được kiểm toán.
Những chi tiết
trên cho thấy đã có sự vi phạm Điều 18 của Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố
báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, VAMC đã: (i) không công bố báo cáo
tài chính sáu tháng; (ii) không công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm
toán; (iii) không công bố báo cáo tài chính đúng thời hạn (không muộn hơn ngày 15/8
của năm báo cáo đối với báo cáo tài chính sáu tháng và không muộn hơn ngày 31/5
của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm).
Đồng thời, NHNN –
cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của VAMC – và Bộ KHĐT cũng đã không thực
hiện đúng Điều 18 của Nghị định 81/2015 khi không công bố báo cáo tài chính sáu
tháng và báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán) của VAMC trong vòng năm ngày
làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo tài chính của VAMC (theo Nghị định 81 thì
VAMC phải gửi các báo cáo này cho hai cơ quan này không muộn hơn ngày 15/8 của
năm báo cáo đối với báo cáo tài chính sáu tháng và không muộn hơn ngày 31/5 của
năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm).
Cũng có thể VAMC
đã không gửi hoặc gửi không đúng hạn các báo cáo tài chính của mình cho NHNN và
Bộ KHĐT như quy định, nhưng hai cơ quan này phải có trách nhiệm cũng như chế
tài thích ứng để buộc VAMC cung cấp các báo cáo tài chính đúng hạn, theo quy định
của Nghị định 81/2015.
Chuyện công bố thông
tin muộn không những chỉ là một sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành mà
còn không cung cấp cho công luận kịp thời và đầy đủ thông tin về nợ xấu và tình
hình xử lý nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc đưa ra những giải pháp xử lý nợ
xấu phù hợp và hữu hiệu.
Tỷ lệ nợ xấu thực tế lớn hơn nhiều con số công bố
NHNN cho biết tổng
mức nợ xấu (gồm nợ tiềm ẩn, nợ VAMC đã mua, và nợ xấu nội bảng tại ngân hàng) đến
cuối năm 2016 là 600 nghìn tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ 10,08% (1).
Tuy nhiên, theo
Báo cáo tài chính năm 2016, VAMC đã mua 207,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng trái
phiếu đặc biệt (TPĐB) tính đến ngày 31/12/2016, và con số này được hạch toán nội
bảng bởi VAMC (trang 17). Trong khi đó, VAMC lại có đến 399 nghìn tỷ đồng nợ
mua bằng TPĐB được hạch toán ngoại bảng tính đến ngày 31/12/2016 (trang 4). Như
vậy, nếu cộng hai khoản này thì chỉ riêng nợ xấu mà VAMC đã mua về bằng TPĐB đã
lên tới 607 nghìn tỷ đồng.
Với tổng dư nợ
tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 12/2016 là hơn 5,5 triệu tỷ
đồng (2), chỉ riêng số nợ xấu nằm tại hoặc quản lý bởi VAMC đã tương đương với
tỷ lệ khoảng 10,9%.
Nếu cộng thêm với
tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại ngân hàng đến cuối năm 2016 là 2,46%, theo công bố của
NHNN (1) thì tỷ lệ nợ xấu đã lên đến trên 13%, lớn hơn nhiều con số đã được
công bố. Lưu ý thêm rằng con số tỷ lệ nợ xấu tạm tính này chưa bao gồm nợ xấu
tiềm ẩn.
Xử lý và thu hồi nợ xấu vẫn rất chậm
Năm 2015, theo Bảng
cân đối kế toán, VAMC phát hành 195,4 nghìn tỷ đồng TPĐB theo mệnh giá để mua nợ
xấu, nhưng chỉ thu hồi được 8,6 nghìn tỷ đồng (trang 3), tức chiếm tỷ lệ rất
khiêm tốn là 4,4%. Năm 2016, tỷ lệ này đạt 4,3%, cho thấy không có cải thiện
chút nào trong việc thu hồi nợ xấu đã mua bằng TPĐB.
Nói cách khác,
VAMC về thực chất vẫn chỉ là một nơi thu gom nợ xấu. Việc thu hồi nợ xấu là rất
hạn chế, và có được chủ yếu là bởi những khoản nợ xấu mua về là những khoản nợ
xấu có chất lượng do đã được VAMC lựa chọn khi mua. Đó là chưa kể vì một số lý
do nào đó mà đến 2/3 nợ xấu mà VAMC mua về lại được cơ quan này hạch toán ngoại
bảng, và điều này càng chứng tỏ sự giới hạn trong khả năng xử lý nợ xấu của
VAMC.
Có cấp thêm vốn cũng không khác biệt nhiều
Trong Báo cáo tài
chính năm 2016 VAMC có “phàn nàn” rằng mặc dù vốn điều lệ của VAMC đã được phê
duyệt tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng có hiệu lực từ 5/4/2015 (trang 10),
nhưng đến 31/12/2016 VAMC vẫn chưa nhận được số vốn bổ sung.
Trong khi đó,
VAMC mua nợ xấu hoàn toàn bằng TPĐB, không dùng một đồng vốn điều lệ nào để mua
nợ xấu. Hơn nữa, Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy VAMC có tới hơn 14 nghìn tỷ
đồng tiền mặt và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng. VAMC, về nguyên tắc, hoàn
toàn có thể dùng một phần trong số này, ít nhất là phần tiền gửi có kỳ hạn
(dài) tại các ngân hàng, để mua (kinh doanh) nợ xấu, nếu muốn.
Như vậy, có lẽ
VAMC không cần phải được cấp thêm vốn để họ mua nợ xấu bằng “tiền tươi thóc thật”
nhằm làm tăng tốc độ và hiệu quả xử lý nợ xấu như là một giải pháp đề xuất bởi
nhiều chuyên gia, quan chức.
Khả năng bù đắp bằng tài sản thế chấp ngày càng suy
giảm
Đối với 345 nghìn
tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng TPĐB và được VAMC hạch toán ngoại bảng năm 2015, giá
trị tài sản thế chấp, cầm cố là 368,5 nghìn tỷ, tức tương đương với 107% (lưu ý
rằng VAMC không công bố giá trị tài sản thế chấp, cầm cố cho phần nợ xấu hạch
toán nội bảng). Con số tương ứng năm 2016 đã giảm xuống còn 103%. Điều này có
thể một phần là do nợ lãi ngày càng tăng khi nợ gốc không được xử lý, phải tiếp
tục mang sang các năm sau, trong khi giá trị tài sản thế chấp, cầm cố thì vẫn vậy,
không sinh ra đồng lãi nào. Lưu ý rằng năm 2016 thì giá trị bất động sản – loại
tài sản thế chấp phổ biến – cũng đã phục hồi và tăng mạnh so với những năm trước
đó nên niềm hy vọng giá trị bất động sản còn tăng mạnh hơn trong những năm sau
này để đảm bảo việc thu hồi các khoản nợ xấu ngày càng trở nên mong manh hơn.
Thực tế trên chứng
tỏ mức độ bất an và khả năng thu hồi nợ xấu ngày càng suy giảm khi giá trị tài
sản thế chấp, cầm cố ngày càng giảm sút và tiệm cận đến mức ngang bằng hoặc thậm
chí thấp hơn giá trị nợ gốc và nợ lãi vay, tước đi động cơ trả nợ đầy đủ và kịp
thời của con nợ.
Tóm lại, qua việc
công bố báo cáo tài chính của VAMC có thể thấy sự “nhờn” một cách nghiêm trọng
với pháp luật hiện hành về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và các
cơ quan liên đới. Thông tin từ VAMC cũng cho thấy tình hình xử lý nợ xấu rất phức
tạp vì ngay đến con số tổng nợ xấu trong nền kinh tế là bao nhiêu cũng không được
NHNN thống kê và công bố chính xác, đầy đủ.
Nếu thông tin về
VAMC được công bố sớm hơn, cập nhật hơn (và lẽ ra đã phải công bố Báo cáo tài
chính năm 2017 vào thời điểm này), giải pháp xử lý nợ xấu dựa vào VAMC có lẽ
cũng đã phải được xem xét lại từ cách đây cả năm khi khả năng xử lý và thu hồi
nợ xấu có hạn của tổ chức này được bộc lộ rõ ràng.
(1)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2017-11-17/thong-doc-le-minh-hung-ty-le-no-xau-giam-con-861-50489.aspx
(2)
http://thoibaonganhang.vn/den-cuoi-nam-2016-du-no-tin-dung-dat-hon-55-trieu-ty-dong-61893.html
No comments:
Post a Comment