Chính phủ đang trình
Quốc hội xem xét đưa vào trong dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đề
xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45% với tài sản, thu nhập lớn
hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, hoặc không giải trình hợp lý. Ngoài ra, Chính
phủ cũng thêm rằng việc truy thu thuế này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm
hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố
tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản
kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp
lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, cũng
có nhiều người cho rằng nếu không chứng minh được nguồn gốc hoặc giải trình
không rõ ràng, minh bạch thì phải coi là tài sản bất minh, cần tịch thu , xử lý
trách nhiệm hình sự chứ không chỉ đánh thuế cao như đề xuất.
Cả hai luồng ý kiến
trên đều hoặc là cực đoan hóa hoặc bỏ sót những trường hợp nằm trong vùng xám.
Với trường hợp
đánh thuế thu nhập cá nhân 45%, mức thuế này không là gì cả, không có tác dụng
phòng chống tham nhũng. Nếu tài sản do tham nhũng mà có thì dù có bị đánh thuế,
người tham nhũng vẫn còn thu về được 55% tài sản tham nhũng, tức là tài sản do
phạm pháp (ăn cắp) mà có. Lẽ ra, trong những trường hợp này, nếu chứng minh được
đây là tài sản tham nhũng thì tài sản này cần bị tịch thu và người tham nhũng cần
bị xử lý hình sự, như luồng ý kiến thứ hai nêu trên đề xuất.
Nhưng nếu tài sản,
thu nhập là “bất minh” ở dưới giác độ là chủ sở hữu tài sản này không giải
trình được (hợp lý) tại sao mà có, trong khi cơ quan hữu trách cũng không có bằng
chứng gì chỉ ra được rằng đây là tài sản, thu nhập có được từ tham nhũng thì rõ
ràng trong trường hợp này không thể chỉ duy nhất áp dụng chung thuế suất thuế
thu nhập 45% được như đề xuất của Chính phủ, mà cũng chẳng tịch thu được như luồng
ý kiến phản đối.
Hướng xử lý trong
những trường hợp vùng xám này sẽ khác nhau. Chẳng hạn, nếu đương sự giải trình
rằng tài sản, thu nhập có được là do hoạt động sản xuất, kinh doanh (hợp pháp, nhưng
không đăng ký, khai báo về thu nhập) thì cần truy thu thuế theo thuế suất phạt
như trong các quy định pháp luật hiện hành (không nhất thiết là 45%) và, nếu
nghiêm trọng/cần thiết, cần truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế, gian lận
thuế.
Như trong trường
hợp của một vị quan chức nọ nói là buôn chổi đót mà có được bất động sản triệu
đô, chừng nào cơ quan chức năng không chứng minh được điều gì khác thì có lẽ
đành phải chấp nhận lời giải trình này. Điều mà cơ quan chức năng có thể và cần
phải làm trong trường hợp này là truy thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định
hiện hành về hành vi trốn thuế, và, nếu cần thiết, phải xử lý hình sự tội kinh
doanh trốn thuế (do quy mô lớn của hành vi này). Còn việc tịch thu tài sản
trong trường hợp này hoặc các trường hợp tương tự khác thì là vô căn cứ, dù ai
cũng cho/biết rằng giải trình nguồn gốc tài sản lớn như vậy từ buôn chổi đót là
không hợp lý.
Cũng có nhiều trường
hợp hợp lý hóa tài sản là do được thừa kế, biếu tặng. Tuy nhiều trong những trường
hợp này xem ra rất đáng ngờ nhưng bởi cũng chẳng có bằng chứng gì khác chống lại
đương sự (trừ khi, ví dụ, chứng minh được nguồn gốc phi pháp của tài sản thừa kế,
biếu tặng này) nên hãy chấp nhận như vậy, và xử lý theo các điều khoản pháp luật
hiện hành tương ứng về thừa kế, biếu tặng…, mà không thể tịch thu được những
tài sản này.
Những ví dụ và
trường hợp nêu trên cho thấy xử lý bằng việc truy thu thuế (ở một mức ấn định,
45%) với tài sản, thu nhập “bất minh” hoặc tịch thu tài sản, thu nhập này là
không thỏa đáng. Quan trọng hơn, đây chỉ là việc xử lý hậu quả (và phần lớn
cũng đã được chế tài trong khuôn khổ pháp luật hiện thời), trong khi điều cần
làm trước tiên là phải làm tốt, làm nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập của
quan chức cũng như việc thẩm tra, theo dõi, giám sát việc kê khai và thay đổi
tài sản, thu nhập quan chức từ các cơ quan chức năng liên đới, đồng thời xử lý
nghiêm khắc các hành vi vi phạm các quy định liên quan này.
Để việc kê khai
và kiểm tra tài sản, thu nhập là bộ lọc hữu hiệu đầu tiên trong công tác phòng
chống tham nhũng thì cần thiết phải đưa vào luật sửa đổi một số điều khoản cứng
rắn như, ví dụ, nếu phát hiện ra cán bộ nào không trung thực trong kê khai tài
sản, thu nhập thì lập tức sẽ bị cách chức, đình chỉ công tác (bất luận vì lý do
gì).
Tiếp đó, các
thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập
cần được công khai rộng rãi ra công chúng (thông qua, ví dụ, đăng tải trên
website của cơ quan), chứ không chỉ bó gọn trong phạm vi cơ quan, đoàn thể nơi
người này công tác trong nhiều trường hợp, như trong dự thảo luật hiện nay. Muốn
thành tâm phòng chống tham nhũng và có hiệu quả thì càng phải minh bạch tài sản,
thu nhập của những công bộc ăn lương từ tiền thuế của dân như kinh nghiệm các
nước minh bạch với tham nhũng đã cho thấy.
No comments:
Post a Comment