Thống kê trên thị
trường chứng khoán cho thấy từ tháng 2 đến nay nhà đầu tư nước ngoài đã bán
ròng hơn 10 nghìn tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với tình trạng mua ròng mạnh diễn
ra trong tháng 1 trước đó. Điều này là một trong những lý do Việt Nam-Index đã
giảm mạnh, xóa đi toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu năm đến nay.
Tất nhiên là khi
nhà đầu tư ngoại bán ròng, và ở mức lớn, rủi ro hiện hữu đi kèm với tình trạng
này là tình trạng vốn ngoại tệ đảo chiều, chảy ngược ra nước ngoài, thay vì là
chảy ròng vào nền kinh tế như khi mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp.
Khi một quốc gia
phải chứng kiến dòng vốn nước ngoài chảy ngược ra khỏi biên giới của mình ở quy
mô lớn và kéo dài (không phải chỉ là hiện tượng nhất thời, ngắn hạn) thì họ cần
phải chuẩn bị đối mặt với những hậu quả như tỷ giá tăng (nội tệ mất giá), lạm
phát tăng, ngân hàng nhận được ít tiền gửi hơn do đó cũng phải cắt giảm cho
vay, dẫn đến làm giảm đầu tư và, do đó, giảm tăng trưởng GDP thực. Khả năng trả
nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp cũng trở nên khó khăn hơn, ở giác độ
là nếu nguồn thu để trả nợ phụ thuộc phần lớn vào thị trường nội địa và/hoặc bằng
nội tệ, họ sẽ phải mất nhiều nội tệ hơn cho cùng một khoản trả nợ bằng ngoại tệ.
Nguy hại không
kém là sự sụt giảm lòng tin của người tiêu dùng vào nội tệ. Khi họ thấy tài sản
bằng nội tệ của mình có khả năng mất giá mạnh (do nội tệ mất giá), họ sẽ tự bảo
vệ mình bằng cách chuyển các tài sản của mình ra ngoại tệ hoặc những tài sản
khác không niêm yết bằng nội tệ, và/hoặc dịch chuyển các tài sản này ra nước
ngoài. Điều này càng làm tăng vòng xoáy chảy máu ngoại tệ à mất giá nội tệ à sụt giảm niềm tin à chảy máu ngoại tệ (capital flight).
Trở lại với trường
hợp của Việt Nam. Việc nhà đầu tư ngoại bán ròng là một thực tế được phản ánh
trên sổ sách thống kê. Tuy nhiên, chỉ từ việc bán ròng này thì khó có thể khẳng
định rằng đã và đang có hiện tượng đảo chiều vốn nước ngoài, hoặc nghiêm trọng
hơn, chảy máu ngoại tệ. Có một số yếu tố không ủng hộ quan ngại rằng đang có hiện
tượng đảo chiều vốn nước ngoài.
Thứ nhất, theo số
liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đã đạt mức
1,89 tỷ đô la Mỹ trong quý 1 năm nay, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017. Như
vậy, nếu đã có một sự đảo chiều của vốn ngoại thì sự đảo chiều này chỉ mới diễn
ra gần đây, và phải ở quy mô rất lớn, hàng tỷ đô la, trung hòa toàn bộ lượng vốn
FII đã đổ vào trong quý 1 để có thể sinh ra tình trạng đảo chiều vốn ngoại (đổ
ra ròng) như dư luận đang lo ngại. Tuy nhiên, khả năng đảo chiều này lại cũng
khó xảy ra, khó là hiện thực, nếu xét đến yếu tố thứ hai.
Đó là, dù nhà đầu
tư ngoại đã bán ròng (từ tháng 2), nhưng lượng vốn thu được từ việc bán ròng
này không nhất thiết được chuyển hết thành ngoại tệ, và cũng không nhất thiết
được chuyển ra nước ngoài. Rất có thể nhà đầu tư ngoại vẫn đang nắm giữ một phần
vốn từ bán ròng này ở trong các tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, bằng tiền đồng
(để, ví dụ, chờ đợi cơ hội đầu tư mới). Bởi vậy, sự bán ròng của khối ngoại
nhìn chung đã không gây ra sự đảo chiều vốn ngoại ở Việt Nam trong thời gian
qua.
Tất nhiên là
không thể loại trừ có một số nhà đầu tư ngoại đã chuyển hóa số vốn thu hồi
thành ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài. Nhưng nếu điều này diễn ra ở quy mô
đáng kể thì nó sẽ được phản ánh ngay vào yếu tố thứ ba, đó là tỷ giá tiền đồng.
Thực tế, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ chỉ tăng đáng kể vào từ hạ tuần tháng 3,
nhưng lại dịu đi sau đó, và mới chỉ “bùng lên” từ giữa tuần trước,
tăng tổng cộng khoảng 90 đồng cho đến ngày 29/5. Như vậy, dù được cho là tăng ở
mức rất mạnh trong năm nay nhưng tỉ giá cũng chỉ tăng khoảng 0,4%, một mức tăng
vẫn cần được theo dõi trước khi kết luận là đã thành xu hướng nguy hiểm và kéo
dài.
Cũng có thể có ý
kiến cho rằng tỷ giá niêm yết ở ngân hàng (và tỷ giá trung tâm của Ngân hàng
Nhà nước) không phản ánh đúng tình trạng căng thẳng ngoại tệ ở Việt Nam, nên
không thể căn cứ vào sự ổn định tương đối về tỷ giá trong thời gian qua để phủ
nhận khả năng đã có sự đảo chiều vốn ngoại tệ. Tuy vậy, ít nhất thì sự “lình
xình” của tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ trên thị trường tự do (và không quá cách biệt
với tỷ giá niêm yết trong ngân hàng thương mại) cũng là một hàn thử biểu cho thấy
không có sự căng thẳng về cung cầu đô la Mỹ tại Việt Nam cho đến hiện tại (với
giả thiết là đã có hàng tỷ đô la Mỹ được nhà đầu tư ngoại mua và chuyển ra nước
ngoài).
Và cũng sẽ có ý
kiến cho rằng sự đảo chiều vốn nước ngoài từ FII đã được “che lấp” bởi sự tiếp
tục đổ vào (ròng) của luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và, do đó, ở
góc độ này, Việt Nam đã “may mắn” tránh được hậu quả của sự chảy máu ngoại tệ. Khả
năng có sự bù đắp này cũng có thể là sự thật, nhưng lý do chủ yếu nằm ở sự khác
biệt về bản chất giữa FDI và FII, khi FDI là dòng vốn có tính chất dài hạn,
không biến động ngắn hạn, nhất thời như FII. Và suy cho cùng, xét trên góc độ ổn
định vĩ mô, FDI hay FII không quan trọng bằng, về tổng thể, lượng ngoại tệ đang
có ở Việt Nam không bị suy giảm đi (thậm chí tăng lên) ở mọi thời điểm.
No comments:
Post a Comment